Fed đang xoay trục về đâu?
Dù có thật hay không thì thông điệp của Hệ thống Dự trữ Liên bang trong tuần qua là vô trách nhiệm một cách nghiêm trọng. Thông tin đã rò rỉ với sự khuyến khích mạnh mẽ từ ông Jerome Powell rằng Fed đã hoàn thành việc chống lạm phát và có thể cắt giảm lãi suất ba lần trong năm tới.
Thông tin này quan trọng vì như thế có nghĩa là sự chuyển hướng khỏi chiến dịch kéo dài ba năm nhằm sử dụng lãi suất cao hơn như một công cụ giảm lạm phát. Chính xác thì cách làm ở đây được cho là gì thì vẫn chưa rõ ràng. Có phải Fed đã cố tình giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế để hạ nhiệt chi tiêu? Hoặc, nếu không thừa nhận như vậy, thì liệu họ có đang cố gắng hấp thụ một phần thanh khoản dư thừa mà họ đã tạo ra trong quá trình mở rộng tiền tệ điên cuồng trong hai năm trước không?
Tôi ngờ rằng mục tiêu của Fed là khả năng thứ hai. Biện pháp của Fed đã có tác dụng ở một mức độ nào đó. Lượng tiền dự trữ đã giảm khoảng 5% kể từ tháng 11/2021, và từ đó đã gây ra một chút thoái lui khỏi lạm phát tăng vọt. Mục tiêu được nêu đã luôn là để tạo ra một “cuộc hạ cánh nhẹ nhàng.” Đó là một phép ẩn dụ kỳ lạ, vì nền kinh tế chưa bao giờ thực sự khởi sắc sau đợt đóng cửa thảm khốc vào năm 2020. Kể từ thời điểm đó trở đi, mục tiêu ấy đã đòi hỏi mọi cách thức thao tác và xoay chuyển dữ liệu để giữ cho suy thoái kinh tế không được tuyên bố chính thức.
Không ai lường trước được một bất ngờ Giáng Sinh từ Fed, đó là công bố đảo ngược chính sách một cách đáng kể này. Thông tin trên trang nhất tuần này là Fed đang xem xét cắt giảm lãi suất vào năm tới, cho thấy rõ ràng rằng Fed đang xem chiến dịch chống lạm phát của mình là đã kết thúc và ngân hàng trung ương đã giành chiến thắng.
Đáng chú ý, tin tức này xuất hiện cùng tuần với dữ liệu lạm phát khủng khiếp được Cục Thống kê Lao động công bố. Trái với tuyên bố xoay trục chính sách của Fed, dữ liệu lạm phát đang không tốt chút nào. Đúng, tỷ lệ lạm phát gia quyền là 3.1% — vượt 50% so với mức mục tiêu — nhưng tỷ lệ này bị kéo xuống chủ yếu do sự sụt giảm ở một số mức giá năng lượng. Một số thực phẩm và dịch vụ vẫn đang đạt mức tăng giá hai con số.
Thời điểm cũng thật kỳ lạ, bởi vì người Mỹ thuộc mọi tầng lớp xã hội giờ đây mới nhận thức đầy đủ về những gì đã xảy ra với sức mua của họ trong ba năm qua. Thật là khủng khiếp khi mất hoàn toàn 20% sức mua (và có thể còn hơn thế nữa, tùy thuộc vào loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào được đề cập) trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Ngoài ra, không phải là việc chạy theo “chính sách tiền tệ thắt chặt” đã trở thành một phần cố hữu của đời sống kinh tế. Chúng ta chỉ vừa mới trải qua việc thắt chặt tiền tệ. Và lãi suất cao đã xảy ra vào thời điểm mà người Mỹ trung bình có ít tiền mặt hơn bao giờ hết để tận dụng được cơ hội có những khoản tiết kiệm mới.
Một khi quý vị điều chỉnh lãi suất quỹ liên bang theo lạm phát, quý vị có thể thấy rằng chúng ta chỉ có lãi suất dương trong sáu tháng, và tình trạng này diễn ra sau gần một phần tư thế kỷ với sự bóp méo nhất quán của Fed.
Lãi suất quỹ liên bang-chỉ số giá tiêu dùng đối với tất cả người tiêu dùng thành thị: Tất cả các mặt hàng ở mức trung bình của thành phố Hoa Kỳ
Kiểu thao túng lãi suất này gây ra nhiều hậu quả tai hại. Chính sách này trừng phạt những người tiết kiệm và thưởng cho những người mắc nợ. Chính sách này trợ cấp cho các dự án công nghiệp có dự báo dài hạn về tỷ suất lợi nhuận hoặc lợi nhuận, trước sự tổn thất của những người đi vay cần tiền mặt để phục vụ các nhu cầu trước mắt hơn. Tất nhiên, bằng cách thúc đẩy hệ thống ngân hàng mở rộng tiền và tín dụng, chính sách này sẽ bổ sung vào lượng tiền theo những cách có nguy cơ làm biến dạng giá cả từ lạm phát tài chính đến sức mua giảm sút.
Tất cả những điều này xảy ra là do Fed.
Thật là đáng phẫn nộ và thiếu trung thực khi Fed giả vờ đến giải cứu vào lúc này. Họ đã giáng đòn mạnh vào chúng ta bằng mức thuế cao gọi là lạm phát (do việc in tiền từng đạt tỷ lệ 26% so với cùng thời kỳ năm ngoái). Sau đó, họ lại tăng lãi suất lên đến mức mà hầu hết mọi người đều không thể trả được các khoản vay nợ mua nhà và đến mức thẻ tín dụng quay vòng tính giá cao ngất ngưởng kể cả khi người Mỹ nợ nhiều hơn bao giờ hết.
Giờ đây, họ dám tuyên bố một chiến thắng nào đó và ném thị trường vào một vòng xoáy kỳ vọng điên cuồng khác về việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa! Họ đã trở nên thái quá. Nhưng tất nhiên, Wall Street thích điều đó. Đó là phiên bản thức ăn chiêu đãi chó cưng của Fed dành cho Wall Street. Và thông tin của Fed đã có tác dụng ngay lập tức, ngay cả khi không cần đích thân cung cấp lợi ích trực tiếp [cho Wall Street]. Fed chỉ cần lấy chiếc hộp ra khỏi tủ và lắc nó để khiến những con cún tài chính phải tuân theo.
Nhưng cách làm này có thực sự khôn ngoan? Chúng ta có hẳn một lịch sử thật sự để mà tham chiếu. Cựu Tổng thống Nixon đã đưa Hoa Kỳ rời khỏi chế độ bản vị vàng vào năm 1971, với lời hứa về một hệ thống tiền tệ mới tuyệt vời sẽ kiểm soát lạm phát và cho phép các nhà khoa học quản lý mọi thứ tốt hơn bao giờ hết trong lịch sử. (Đó là một câu thần chú quen thuộc!) Kết quả là ngược lại. Lạm phát đã tăng vọt, và ngạc nhiên chưa, trong số tất cả mọi người, chính ông Nixon lại là người phải đi áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền lương và giá cả để đáp lại.
Tất nhiên, những biện pháp đó không giúp ích gì mà chỉ tạo ra sự thiếu hụt. Sau khi được loại bỏ, lạm phát lại tăng lên. Từ năm 1973 đến năm 1974, người Mỹ phải chịu đựng sự tăng giá đối với mọi thứ. Fed bắt đầu nỗ lực chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất bắt đầu từ năm 1975. Dường như việc tăng lãi suất đã có tác dụng, khiến lạm phát giảm từ 12.5% xuống 5.6%.
Đến đầu năm 1976, Fed tin rằng công việc của mình đã hoàn thành. Xu hướng lạm phát đang đi đúng hướng, và giờ đây Fed đã có thể hạ nhiệt chính sách thắt chặt tiền tệ và nới lỏng trở lại. Xét cho cùng, năm 1976 là năm bầu cử (giống như năm 2024!), và ông Gerald Ford không phải là sự lựa chọn của giới quyền uy. Một công chúng cử tri trầm tĩnh hơn là điều cần thiết theo sự mong đợi của cuộc bầu cử về nhà quản lý cơ sở có trách nhiệm Jimmy Carter.
Lãi suất quỹ liên bang-chỉ số giá tiêu dùng đối với tất cả người tiêu dùng thành thị: Tất cả các mặt hàng ở mức trung bình của thành phố Hoa Kỳ
Tổng thống Carter đã được bầu một cách an toàn, và mọi chuyện có vẻ ổn. Vậy thì điều gì đã xảy ra ngay sau khi Fed áp dụng chế độ lãi suất thấp? Hóa ra ngọn lửa lạm phát vẫn đang cháy. Đột nhiên, những tấm rèm bốc cháy — và mọi thứ khác trong nhà cũng cháy theo. Lạm phát tăng cao ngoài tầm kiểm soát trong 4 năm liền, phá hủy toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của ông Carter. Lạm phát đạt đỉnh điểm ở mức đáng kinh ngạc là 14.5%. Tóm lại, từ khi chế độ bản vị vàng chấm dứt cho đến khi ông Ronald Reagan đắc cử, tính theo hàng hóa và dịch vụ trong nước thì đồng USD đã mất hơn một nửa giá trị! Đây đã là kết quả của cuộc đại thử nghiệm tiền tệ bắt đầu vào năm 1971.
Đó là một thập niên thảm khốc xét từ góc độ kinh tế. Việc khắc phục đã xảy ra sau năm 1981 thông qua việc thắt chặt tiền tệ một cách mạnh mẽ, cộng với việc bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế. Sự kết hợp kỳ diệu đó đã sửa chữa được phần lớn thiệt hại và ít nhất đã thiết lập được một con đường mới cho tăng trưởng kinh tế đích thực vốn đã bắt đầu vào sớm nhất là năm 1983.
Điều rất kỳ lạ về chính sách của Fed ngày nay là chính sách trông gần giống với những gì đã xảy ra vào năm 1976. Nếu lịch sử lặp lại (hoặc ít nhất là có vần điệu), chúng ta có thể chứng kiến sự bùng phát trở lại mạnh mẽ của lạm phát từ năm 2025 trở đi. Kịch bản thực sự bi quan là hậu quả có thể tồi tệ hơn nhiều so với những năm 1970, đơn giản vì chính sách của Fed cho đến nay đã quá vô trách nhiệm trong phần lớn thế kỷ này.
Và đúng như hình thức, không một người nào liên quan đến Fed chịu bất kỳ trách nhiệm nào về những thiệt hại mà tổ chức này đã gây ra.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times