Fed Atlanta dự đoán tăng trưởng âm trong quý 2, cho thấy suy thoái đã bắt đầu
Nền kinh tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ suy giảm trong quý 2, theo ước tính mới nhất từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta.
Theo mô hình GDPNow của Ngân hàng Fed Atlanta, nền kinh tế dự kiến sẽ giảm xuống mức âm 1% hàng năm trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu. Con số này giảm so với mức dự đoán 0.3% trước đó trong tuần (27/06-03/07).
Ngân hàng trung ương khu vực này đã trích dẫn dữ liệu kinh tế mới nhất từ chính phủ Hoa Kỳ. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân thực tế trong quý 2 đã giảm xuống 1.7%, giảm từ 2.7%. Tăng trưởng tổng đầu tư tư nhân trong nước thực tế giảm xuống -13.2%, giảm từ -8.1%.
Fed Atlanta tuyên bố: “Dự báo hiện tại về đóng góp của thay đổi trong xuất cảng ròng thực tế vào tăng trưởng GDP quý 2 đã tăng từ -0.11% lên 0.35%.”
Bản cập nhật GDPNow tiếp theo sẽ được phát hành hôm 01/07. Một cuộc suy thoái được định nghĩa là hai quý suy thoái kinh tế liên tiếp.
Bản cập nhật này được đưa ra một ngày sau khi số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cuối quý đầu tiên được điều chỉnh thấp hơn xuống mức hàng năm là -1.6%, mức giảm hàng quý đầu tiên kể từ năm 2020. GDP giảm do tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng được điều chỉnh thấp hơn xuống 1.8%, trong khi hàng tồn kho tư nhân giảm 0.3%. Nhập cảng tăng với tốc độ cao hơn dự kiến là 18.9%, tăng trưởng đầu tư cố định giữ ổn định ở mức 7.4%, và đầu tư nhà ở duy trì ở tốc độ trầm lắng 0.4%.
Tỷ lệ suy thoái trong vòng hai năm tới đã tăng lên kể từ số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gần nhất.
Một cuộc khảo sát thị trường toàn cầu vào tháng Sáu gần đây của Deutsche Bank cho thấy 90% người được hỏi dự đoán cuộc suy thoái tiếp theo của Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm 2023 hoặc trước đó, tăng so với mức 78% vào tháng Năm. Nghiên cứu này cũng tiết lộ rằng 20% cho là một cuộc suy thoái sẽ xảy ra trong năm nay, tăng từ 13% của tháng trước.
Nói tại một hội thảo truyền thông trên web hôm 30/06, ông Andrew Balls, Giám đốc đầu tư toàn cầu (CIO) của Pimco về thu nhập cố định, lưu ý rằng suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới là “có khả năng xảy ra nhiều hơn là không.”
“Một cuộc suy thoái không phải là điều duy nhất quan trọng. Quý vị rõ ràng sẽ thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể,” ông nói. “Hồ sơ lạm phát trong ngắn hạn là rất quan trọng. Các ngân hàng trung ương đang tập trung vào tín nhiệm về lạm phát.”
Ông Nick Reece, giám đốc danh mục đầu tư tại Merk Investments, có cùng quan điểm này.
Ông viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Quan trọng hơn cả việc suy thoái kinh tế hay kết quả hạ cánh mềm là lạm phát thực sự sẽ giảm xuống.”
Bà Nancy Tengler, Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) và Giám đốc điều hành (CEO) của Laffer Tengler Investments, chỉ ra các cuộc khảo sát về khu vực cho thấy khó khăn đối với ngành sản xuất như là một trong các lĩnh vực lo ngại về tăng trưởng.
“Quan trọng vì họ theo dõi chỉ số PMI sản xuất quốc gia [chỉ số của các nhà quản lý mua hàng]. PMI sản xuất của tháng Sáu sẽ được công bố vào thứ Sáu,” bà nói trong một ghi chú hôm 30/06. “Các PMI đang diễn ra như chúng tôi đã viết trong nhiều tháng nay. Lợi nhuận — có mối tương quan cao với PMI — vẫn chưa được điều chỉnh giảm. Chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là chủ đề của thu nhập quý 2: hướng dẫn về điều chỉnh giảm lợi nhuận.”
Chỉ số Sản xuất của Ngân hàng Fed tại Dallas đã giảm xuống -17.7 trong tháng Sáu. Chỉ số Sản xuất của Ngân hàng Fed tại Philadelphia giảm xuống -3.3, trong khi Chỉ số Sản xuất của Fed tại thành phố Kansas giảm xuống dưới 0 xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Ông Chad Wilkerson, phó chủ tịch kiêm nhà kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang của thành phố Kansas nói trong một tuyên bố, hơn 85% các công ty báo cáo về sự chậm trễ trong việc vận chuyển và tính sẵn có của sản phẩm như những ảnh hưởng xấu liên tục đến hoạt động kinh doanh của họ, với khoảng một nửa số công ty không kỳ vọng tiến triển tốt hơn trong sáu tháng tới.”
Chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) dự kiến sẽ giảm xuống 54.9 vào tháng Sáu. Nếu chính xác, con số này sẽ giảm so với mức 56.1 hồi tháng Năm.
Bất chấp những cuộc thảo luận về suy thoái leo thang, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vẫn tin rằng nền kinh tế đang ở “trạng thái mạnh mẽ” và có thể ngăn chặn suy thoái, mặc dù ông cho biết nhiệm vụ ngày càng khó đạt được. Ông nhắc lại tuyên bố mà ông đã đưa ra trước Quốc hội: Trọng tâm chính của ông tiếp tục là ổn định giá cả.
Ông Powell cho biết tại diễn đàn chính sách thường niên của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) ở Sintra, Bồ Đào Nha, hôm 29/06: “Chúng tôi sẽ không cho phép chuyển đổi từ môi trường lạm phát thấp sang môi trường lạm phát cao.”
Tuy vậy, ông lưu ý rằng cơ quan này có mục tiêu tăng lãi suất mà không gây suy thoái.
Ông Powell nói: “Chúng tôi hy vọng rằng tăng trưởng sẽ vẫn tích cực. Nhìn chung, nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở vị thế tốt để chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.”
Ông Powell và nhiều đồng nghiệp của ông trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã báo hiệu rằng họ sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng Bảy. Ngân hàng trung ương cũng được cho là sẽ kích hoạt việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng Chín, theo CME FedWatch Tool.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương, vẫn ở mức 6.3%, mức tăng cao nhất trong nhiều thập niên so với cùng thời kỳ năm ngoái. Chỉ số giá cốt lõi PCE, loại bỏ các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã giảm xuống 4.7%.
Chỉ số CPI tháng Sáu được nhiều người mong đợi sẽ được công bố hôm 13/07.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).