Giải pháp thực sự duy nhất là tăng trưởng kinh tế
Tâm lý thị trường thay đổi theo ngày và giờ. Nhưng như tôi viết, các thị trường tài chính đang bắt đầu tốt hơn một chút. Lý do này đang làm cho những người tin tưởng vào tiền âm thanh (sound money: loại tiền không tăng hoặc giảm giá đột ngột và có giá trị ổn định) trở nên lúng túng.
Nhận thức phổ biến này — và điều này có thể thay đổi vào ngày mai — là Cục Dự trữ Liên bang đang bắt đầu thực hiện sứ mệnh đã nêu là dập tắt lạm phát thông qua việc tăng lãi suất.
Ngay cả nếu có nguy hiểm — tiền tệ nới lỏng là một chất gây nghiện cho các tổ chức tài chính — thì không có gì đáng ngạc nhiên về kế hoạch này của Fed. Các nhà bình luận trung tả trong nhiều tuần, viết trong mục bình luận của các tạp chí bình luận có ảnh hưởng nhất, đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Đảng Dân Chủ nên chọn lạm phát thay vì suy thoái. Giữa hai vấn nạn này, suy thoái/đại suy thoái là nguy hiểm hơn đối với bầu cử cho Đảng Dân Chủ, không chỉ trong tháng 11 này mà đặc biệt là trong hai năm tới.
Một thông điệp như vậy là một dấu hiệu cho thấy những áp lực đối với Fed ngay lúc này. Họ đang được yêu cầu đợi. Đừng đi theo con đường của ông Paul Volcker hồi năm 1979, người đã chế ngự được lạm phát nhưng đồng thời gây ra một cuộc suy thoái kinh hoàng. Đó là những gì đã đưa cựu Tổng thống (TT) Ronald Reagan vào Tòa Bạch Ốc và dẫn đến một đêm dài đen tối đối với Đảng Dân Chủ và tất cả các chính sách mà đảng này đại diện.
Đảng Dân Chủ không muốn lịch sử đó lặp lại.
Quan điểm này cho thấy một số người đã không học được gì nhiều từ bài học lịch sử này. Lý do cho sự “bất ổn” vào cuối những năm 1970 không chỉ là lạm phát. Đó là bởi vì lạm phát đã vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể. Sự kết hợp xấu xa đó chính là điều khiến công chúng cảm thấy rằng họ đang thất thế và dần dần rơi vào cảnh nghèo đói. Tâm lý này là một cảm giác thúc đẩy những biến động chính trị đầy kịch tính.
Điều đó chính xác là những gì mà ngày nay chúng ta đang đối diện, và điều đó giải thích cho sự bất bình hiện tại của các cử tri.
The Epoch Times đưa tin rằng:
“Người tiêu dùng Mỹ chưa bao giờ bi quan về nền kinh tế như thế này, với chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan giảm xuống mức thấp kỷ lục, do lạm phát tăng cao làm xói mòn sức mua của các gia đình và đe dọa một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.”
“Chỉ số tâm lý người tiêu dùng theo Đại học Michigan đã giảm từ mức 58.4 hồi tháng Năm xuống chỉ còn 50.0 hồi tháng Sáu, mức thấp kỷ lục. Kết quả ảm đạm này thể hiện mức giảm 14.4% so với tháng trước và giảm 41.5% so với cùng thời kỳ năm trước.”
Tổng thống Biden là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khoảng cách giữa chấp thuận và không chấp thuận là mức 17.3% trong chỉ số tổng hợp của các cuộc thăm dò. Kết quả này báo hiệu thảm họa tại các cuộc thăm dò vào tháng 11. Những gì trông giống như một biểu đồ với các con số thực sự thể hiện là công chúng tức giận một cách đáng kinh ngạc, ở mức cao nhất mà chúng ta đã thấy trong hơn 40 năm qua. Nếu những xu hướng này không đảo ngược một cách đáng kể, và nhanh chóng, thì một số thay đổi chế độ về căn bản sẽ không thể dừng lại được.
Tuy nhiên, có lý do cho rằng Fed không thể giải quyết vấn đề này một mình. Chỉ đơn thuần tăng lãi suất là không đủ. Chìa khóa của Cuộc Cách mạng của ông Reagan là cung cấp một quan điểm mới về mục đích của chính sách. Ý tưởng về “phía cung” ở đây có nghĩa là con đường thoát ra khỏi tình trạng khó khăn không chỉ đơn thuần là hạn chế và chịu đựng, thắt lưng buộc bụng, túng thiếu, và bần cùng.
Giải pháp thực sự khi ấy là tăng trưởng kinh tế, bắt nguồn từ việc tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Đó là lý do giải thích cho sự nhấn mạnh vào việc cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định. Đây là cơ sở cho bước ngoặt hứa hẹn ở Hoa Kỳ. Và chính ý tưởng này đã đưa Hoa Kỳ thoát khỏi bóng tối và bước ra ánh sáng.
Chúng ta hãy xem tất cả những điều này diễn ra như thế nào bằng cách so sánh lãi suất quỹ liên bang với lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Mối quan hệ ở đây rất phức tạp, chứa đầy sự chậm trễ và mơ hồ của nguyên nhân và kết quả. Nhưng nếu theo dõi cẩn thận, quý vị có thể quan sát diễn biến của các sự kiện và các lực nhân quả của chúng đã khởi tác dụng.
Biểu đồ này theo dõi mối quan hệ giữa năm 1976 và 1993 và tiết lộ ý nghĩa của Cuộc Cách mạng của cựu TT Reagan.
Đường màu đỏ là lạm phát, và người ta có thể quan sát thấy sự gia tăng dần dần dẫn đến những khoảnh khắc đáng kinh ngạc vào cuối năm 1979 và đầu năm 1980 đã cướp đi nguồn tiền tiết kiệm của người Mỹ và dẫn đến cảm giác bần cùng ngày càng tăng. Tăng trưởng kinh tế (đường màu xanh lam) gần như không tạo ra sự khác biệt, do đó, một khoảng cách lớn đã tách sức mua ra khỏi năng suất. Nguyên nhân này đã dẫn đến kết quả thắng cử lớn năm 1980.
Tại đây quý vị cũng có thể quan sát công việc của ông Volcker ở Fed. Lãi suất quỹ liên bang đang theo sát sau lạm phát trên đường tăng cho đến khi biện pháp gay gắt thực sự diễn ra ngay khi tăng trưởng kinh tế sụp đổ và lạm phát đang tăng cao. Ông Volcker đã tăng lãi suất lên mức cao thái quá, tất cả nhằm cố gắng rút bớt thanh khoản dư thừa ra khỏi hệ thống.
Chúng ta có thể thấy rằng tỷ lệ lạm phát này bắt đầu có xu hướng giảm với một độ trễ. Nhưng chỉ mỗi điều đó là không đủ để tạo ra sự khác biệt trong việc thay đổi tâm trạng công chúng. Mấu chốt để truyền cảm hứng cho một tia hy vọng mới là đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế màu xanh lam để đưa nó luôn nằm trên ranh giới màu đỏ của sức mua đang suy giảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế là điều tạo ra sự lạc quan của công chúng.
Vào đúng thời điểm ông Volcker đang đưa ra những lựa chọn khó khăn, cựu TT Reagan phải làm việc ở phía cung. Họ đã hệ thống hóa và mở rộng bãi bỏ quy định trong nhiều lĩnh vực bao gồm năng lượng, giao thông vận tải, và thông tin liên lạc. Điều quan trọng là họ đã nỗ lực để đưa vào luật thuế với một nguyên tắc quan trọng: việc tạo ra của cải càng ít đi thì bị trừng phạt, để việc tạo ra của cải càng nhiều hơn sẽ xảy ra.
Đến năm 1983, chúng ta có thể quan sát thấy sự thay đổi. Chính sách của Fed vẫn rất chặt chẽ nhưng không hề làm nản lòng được các doanh nghiệp. Hoàn toàn ngược lại. Tăng trưởng kinh tế tăng vọt ngay cả khi lạm phát đang giảm mạnh. Đây là khoảnh khắc kỳ diệu và là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chúng ta đang bỏ lại phía sau khó khăn vào những năm cuối thập niên 1970.
Kể lại những câu chuyện này ngày nay dường như giống với lịch sử thời cổ đại. Tất cả các thông báo công khai mà chúng ta nhận được từ chính phủ TT Biden đều chính xác là đi theo hướng ngược lại. Hãy từ bỏ những thứ xa xỉ của quý vị. Cứ trả giá cao và hài lòng về điều đó. Kẻ xấu là tất cả các doanh nghiệp xung quanh quý vị. Lạm phát là lỗi của các doanh nghiệp lớn. Giải pháp duy nhất là giảm tiêu thụ và sản xuất.
Đây là một sự lai tạp rất độc hại, và sự lai tạp này khiến bất kỳ nỗ lực yếu ớt nào của Fed nhằm kiềm chế tăng giá là không có gì khác ngoài nỗ lực tăng cường thắt lưng buộc bụng. Trả nhiều hơn cho khoản thế chấp của quý vị! Trả cho thẻ tín dụng của quý vị! Mua nhà nhỏ và lái xe ít hơn! Sống bằng phong năng và quang năng!
Con đường này — tiền thắt chặt hơn cộng với chủ nghĩa hạn chế trong sản xuất — dẫn đến một thảm họa không thể tránh khỏi, hầu như bảo đảm cho đại suy thoái lạm phát tồi tệ nhất trong cuộc đời của chúng ta.
Nếu Fed thành công, thì chúng ta còn lại gì? Giá cao hơn vĩnh viễn và đang trở nên tồi tệ hơn với một tốc độ chậm hơn trong một thị trường thiếu hụt và yếu kém ở mọi lĩnh vực. Đây là bản chất của tư tưởng kinh tế của ông Biden (Bidenomics). Tôi không hiểu nổi tại sao họ tưởng tượng rằng điều này có thể dẫn đến bất kỳ kết quả nào khác hơn là cuộc nổi dậy của công chúng.
Mọi người luôn hỏi tôi tại sao chính phủ ông Biden lại làm điều này. Câu trả lời khả dĩ duy nhất mà tôi có thể đưa ra là những lựa chọn này bắt nguồn từ hệ tư tưởng xấu xa. Họ chỉ đơn giản là không thể nghĩ theo cách của họ xung quanh các định đề kỳ lạ tạo nên thế giới quan của họ. Ngay cả khi ý thức hệ này bị thực tế dập tắt, ngay cả khi [kết quả] các cuộc thăm dò của họ đang ngày càng sụt giảm, ngay cả khi chính phủ ông Biden dường như đang ở trên bờ vực hoàn toàn bị thất sủng, thì các cam kết về ý thức hệ vẫn chiếm ưu thế.
Đúng vậy, ngay cả khi, chính phủ ông Biden có thể xoay chuyển tình thế với trọng tâm mới là tạo ra của cải, doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, bãi bỏ quy định, và tự do. Có vẻ như đây là một sự ảo tưởng hoàn toàn khi cho rằng điều này có thể xảy ra ngay cả khi đối mặt với thảm họa. Hệ tư tưởng là một thứ rất khó bẻ gãy, và dường như không có cơ hội để sự xoay chuyển này xảy ra.
Ông Jeffrey Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone. Ông là tác giả của năm cuốn sách, bao gồm “Right-Wing Collectivism: The Other Threat to Liberty” (“Chủ Nghĩa Tập Thể Cánh Hữu: Mối Đe Dọa Khác đối với Tự Do”).