EU mở cuộc điều tra về thị trường thiết bị y tế Trung Quốc
EU đã quyết định hành động sau khi nêu lên mối lo ngại về vấn đề này với chính quyền Trung Quốc nhưng không nhận được ‘câu trả lời hoặc hành động thỏa đáng’ nào.
Ủy ban Âu Châu đã mở một cuộc điều tra về thị trường thiết bị y tế Trung Quốc trong bối cảnh có những cáo buộc về việc chính quyền Bắc Kinh hành xử không công bằng với các công ty EU.
Trong một thông cáo báo chí hôm 24/04, ủy ban cho biết cuộc điều tra này là “để đáp lại các biện pháp và hành xử trên thị trường thu mua thiết bị y tế Trung Quốc vốn phân biệt đối xử một cách không công bằng đối với các công ty và sản phẩm của châu Âu.”
Đây là cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện theo khuôn khổ Công cụ Mua sắm Quốc tế của EU, nhằm thúc đẩy sự có đi có lại trong tiếp cận các thị trường mua sắm công quốc tế. Cuộc điều tra này diễn ra sau những khiếu nại kéo dài từ các công ty và chính phủ các quốc gia Âu Châu về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Ủy ban cho biết họ đã quyết định hành động sau khi trước đó nêu lên mối lo ngại với chính quyền Trung Quốc về vấn đề này nhưng không nhận được “câu trả lời hoặc hành động thỏa đáng” nào.
“Chúng tôi mở cuộc điều tra này đối với Trung Quốc sao cho chúng tôi có thể đạt được một sân chơi bình đẳng trong thị trường mua sắm dành cho các nhà sản xuất thiết bị y tế của cả hai bên,” ông Valdis Dombrovskis, phó chủ tịch điều hành của ủy ban, cho biết. “Đáng tiếc là các cuộc thảo luận liên tục của chúng tôi với Trung Quốc về vấn đề gây rạn nứt trong thương mại này đều không mang lại kết quả.”
Ủy ban sẽ xem xét liệu các biện pháp và thực tiễn của chính quyền Trung Quốc có thể tạo ra rào cản nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty EU vào thị trường thiết bị y tế của Trung Quốc hay không.
Nếu cuộc điều tra này phát hiện ra chính quyền Trung Quốc có những hành xử không công bằng, thì kết quả đó có thể dẫn đến việc EU áp đặt các hạn chế đối với hồ sơ dự thầu của các công ty thiết bị y tế Trung Quốc trong các cuộc đấu thầu mua sắm công của khối, từ việc cho điểm thấp hơn cho đến loại trừ hoàn toàn.
Công báo Châu Âu (OJEU) đã liệt kê một số biện pháp và hành xử được cho là không công bằng do các cơ quan nhà nước của Trung Quốc thực hiện ở cấp chính quyền địa phương và trung ương. Các biện pháp và hành xử này bao gồm các chính sách ưu tiên mua sắm nội địa, hạn chế nhập cảng các thiết bị y tế, và việc quy trình mua sắm tập trung của Trung Quốc có những điều kiện dẫn đến giá thầu thấp bất thường, gây khó khăn cho các công ty cạnh tranh theo định hướng lợi nhuận.
Đánh giá sơ bộ của Ủy ban Âu Châu cho thấy thông qua việc ưu ái các sản phẩm nội địa và có những thủ tục phân biệt đối xử đối với hàng hóa nhập cảng, các biện pháp này đang tạo bất lợi một cách có hệ thống cho các tác nhân kinh tế EU. Kết quả là, các biện pháp này trên thực tế đang khởi tác dụng bằng như loại trừ các nhà cung cấp ngoại quốc, khiến các công ty EU phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc tiếp cận thị trường mua sắm thiết bị y tế công của Trung Quốc.
Ủy ban đã mời Trung Quốc gửi bình luận và tiến hành tham vấn để loại bỏ hoặc khắc phục các vấn đề bị cáo buộc.
Trong một tuyên bố về cuộc điều tra, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết: “Trong nhóm làm việc về các Thách thức Thương mại Toàn cầu của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ-EU, Hoa Kỳ và EU đã làm việc chuyên sâu để xác định và khám phá các phương thức giải quyết những chính sách và hành xử phi thị trường mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang áp dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thiết bị y tế, để tạo lợi thế không công bằng cho các sản phẩm và công ty nội địa, đồng thời thay thế các sản phẩm ngoại quốc tại thị trường Trung Quốc để cuối cùng thống lĩnh thị trường toàn cầu.”
“Công cụ Mua sắm Quốc tế là một công cụ thương mại có khả năng giúp giải quyết các chính sách và hành xử mua sắm không công bằng mà Trung Quốc đang theo đuổi, theo cách tương tự như cách mà Đạo luật Hiệp định Thương mại năm 1979 của Hoa Kỳ đã giải quyết vấn đề mua sắm có đi có lại.”
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã sử dụng các biện pháp phi thị trường, chẳng hạn như cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể, các khoản vay ưu đãi, và ưu đãi thuế để trợ giúp cho các công ty nội gây bất lợi cho các công ty ngoại.
Trích dẫn dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một bản tin của Bloomberg cho biết vào năm 2022, giá trị thị trường công nghệ y tế của Trung Quốc ước tính đạt 145 tỷ USD. Trong số những công ty nổi bật trong ngành này có những đại công ty Âu Châu như Siemens và Philips. Xuất cảng thiết bị y tế của Trung Quốc sang châu Âu đã tăng hơn 100% trong giai đoạn 2015-2023.
MedTech Europe, một tập đoàn thương mại đại diện cho các lĩnh vực công nghệ y tế của châu Âu, nói rằng chính sách mua sắm tập trung của chính quyền Trung Quốc và chính sách “Mua hàng Trung Quốc” khiến việc tiếp cận thị trường của các công ty EU trở nên “khó khăn.”
Trong một tuyên bố gửi cho Euro News, một phát ngôn viên của Medtech Europe cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng cuộc điều tra này sẽ dẫn đến một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Trung Quốc, đồng thời những lo ngại đã nêu trong cuộc điều tra có thể được giải quyết thông qua đối thoại, loại bỏ sự cần thiết của việc thực thi các biện pháp (bổ sung) trong thị trường mua sắm EU.”
Trong bản báo cáo được công bố năm 2023, Phòng Thương mại Âu Châu tại Trung Quốc cho biết, khoảng 80% các công ty y tế EU hoạt động tại Trung Quốc đã phàn nàn về môi trường kinh doanh ngày càng thậm tệ ở nước này.
Báo cáo cho biết, “Đối với ngành thiết bị y tế, một phần không nhỏ nguyên nhân của tình trạng này là vì Trung Quốc luôn kiên quyết bảo vệ các công ty nội địa. Các công ty Âu Châu gặp bất lợi do quy trình phê chuẩn không rõ ràng và chỉ thị mua sắm dựa trên số lượng tập trung của Trung Quốc, cũng như việc chính quyền này tiếp tục cung cấp trợ giúp tài chính trực tiếp, ưu đãi về thuế, và trợ giúp nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các công ty địa phương.”
Cuộc điều tra này diễn ra sau hai cuộc điều tra khác của EU đối với các nhà sản xuất pin quang năng và tuabin phong năng của Trung Quốc, cáo buộc những công ty này nhận trợ cấp từ chính quyền Bắc Kinh.