Đường ruột không tốt dễ mắc bệnh tim mạch, 2 cách để cải thiện
Bạn có bị các triệu chứng như đau bụng, đầy bụng, táo bón, hôi miệng và khó tiêu? Nếu những triệu chứng này chỉ ngẫu nhiên xảy ra một lần, có thể chúng ta sẽ không mấy để ý. Tuy nhiên, nếu chúng xảy ra thường xuyên thì chúng ta cần phải lưu ý. Bởi những triệu chứng này không chỉ phản ánh các vấn đề về đường ruột mà còn có thể là yếu tố dẫn đến bệnh tim.
Các vấn đề về đường tiêu hóa kéo dài rất có thể là biểu hiện của sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Các khoa học gia đã nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian dài về vi khuẩn đường ruột và phát hiện ra rằng, sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột có những liên hệ phức tạp với nhiều hệ thống của cơ thể. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào tháng 08/2021 nói rằng, khi sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột bị phá vỡ, một chất chuyển hóa gây ra bệnh tim sẽ được sản sinh ở trong cơ thể. [1]
Như vậy, sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột không phải là một vấn đề tầm thường, mà còn liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ mắc bệnh tim.
Vi sinh đường ruột và bệnh tim có thể là 2 từ quen thuộc với chúng ta, nhưng thuật ngữ “trục tim-ruột” thì chắc mọi người có chút lạ lẫm. Trục tim-ruột là gì? Đây không thực sự là một trục thật, mà nó nhấn mạnh sự liên kết giữa các chức năng của ruột và tim.
Vậy tại sao đường ruột không tốt lại gây ra bệnh tim? Có cách nào để ngăn chặn nó không?
Mất cân bằng vi sinh đường ruột có thể gây ra bệnh tim
Tiến sĩ JoAnn Manson, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard kiêm Giám đốc Y tế dự phòng tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ cho biết: “Có những tương tác phức tạp giữa các vi sinh vật trong ruột của chúng ta và hầu hết các hệ thống của cơ thể, bao gồm hệ thống mạch máu, thần kinh, nội tiết và miễn dịch. Tất cả những mối quan hệ này đều có liên quan cao tới sức khỏe tim mạch.” [2]
Cả suy tim và xơ vữa động mạch đều có thể liên quan đến đường ruột không tốt.
Một thủ phạm chính: Trimethylamine N-oxide
Có thể mọi người sẽ hỏi, rốt cuộc nguyên nhân gây ra bệnh tim là gì? Khi nói đến mối liên hệ giữa đường ruột và bệnh tim, không thể không kể đến một chất gọi là trimethylamine.
Vào năm 2019, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Hebrew ở Israel đã phát hiện ra rằng trong điều kiện bình thường, vi khuẩn đường ruột ngăn ngừa sự xuất hiện và tiến triển của chứng xơ vữa động mạch bằng cách cải thiện quá trình chuyển hóa lipid. Tuy nhiên, sau khi tiêu thụ một chế độ ăn nhiều chất béo trong thời gian ngắn hoặc dài hạn, hệ vi sinh vật đường ruột sẽ chuyển hóa choline và L-carnitine (cả hai chất phổ biến trong thịt đỏ) thành trimethylamine (TMA), sau đó nó chuyển thành Trimethylamine N-oxide (TMAO) trong gan, một chất có liên quan chặt chẽ đến sự hình thành các mảng tắc nghẽn động mạch (xơ vữa động mạch) và các bệnh tim mạch nghiêm trọng. [3] [4]
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (Journal of the American Heart Association) vào năm 2017 đã tổng hợp kết quả của 19 nghiên cứu khác nhau, cho thấy những người có mức TMAO cao nhất có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng cao hơn 62% so với những người có mức TMAO thấp nhất. Mức TMAO cao cũng có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn. [5]
Mỗi khi TMAO tăng 10 μmol/L, chất chuyển hóa này có thể làm tăng khoảng 7.6% nguy cơ tử vong. [6]
Ngoài ra, bệnh viêm đường ruột cũng là một yếu tố không thể không nhắc đến. Trong cuộc sống hàng ngày, thiếu ngủ, ăn quá no, sang chấn vật lý, nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc thức ăn, v.v. những yếu tố này đều có thể dẫn đến viêm ruột ở một mức độ nào đó. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ruột càng bị viêm, nguy cơ mắc bệnh tim và xơ vữa động mạch sẽ càng cao.
Hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết và chức năng hoạt động của hàng rào đường ruột, sự xáo trộn của hệ vi sinh vật đường ruột có thể dẫn đến hàng rào đường ruột bị phá vỡ, từ đó dẫn đến bệnh tim mạch. Ngoài ra, sự tương tác phức tạp giữa các vi khuẩn đường ruột và các hormone toàn thân cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn tới sự phát triển của các bệnh tim mạch trong tương lai.
2 phương pháp để cải thiện hệ vi sinh đường ruột và ngăn ngừa bệnh tim
Dưới đây là 2 phương pháp có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim một cách hiệu quả.
- Tiêu thụ ít thịt đỏ để giảm TMAO
Những người ăn chay tránh các sản phẩm từ thịt hoặc ăn chay trường có rất ít TMAO trong cơ thể. Để giảm mức TMAO, nên cố gắng giảm hấp thụ các sản phẩm từ sữa nguyên chất (như sữa bò nguyên chất, lòng đỏ trứng, pho mát kem và bơ), các loại thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến (như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và thịt bê), cũng như các chất bổ sung dinh dưỡng và nước tăng lực có chứa choline, phosphatidylcholine (lecithin) hoặc L-carnitine.
- Tiêu thụ nhiều chất xơ hơn để vi khuẩn đường ruột sản xuất acid béo chuỗi ngắn
Chất xơ có tác dụng gì? Chất xơ thường được dùng để chỉ nhiều loại chất thực vật có khả năng chống lại hoạt động của các enzym tiêu hóa. Bởi vì chất xơ không được tiêu hóa và hấp thụ qua đường tiêu hóa, cũng như không tạo ra năng lượng, do đó nó từng bị coi là “chất phi dinh dưỡng” và không được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, với sự nghiên cứu sâu về dinh dưỡng và các ngành khoa học liên quan, người ta dần nhận thấy chất xơ trong thực phẩm có vai trò sinh lý rất quan trọng. Ví dụ, nó có tác dụng hút nước và trương nở, làm tăng cảm giác no và kéo dài thời gian làm rỗng dạ dày.
Trong những năm gần đây, các khoa học gia cũng đã phát hiện ra rằng, vi sinh vật đường ruột có thể lên men một số chất xơ để tạo ra các acid béo chuỗi ngắn (SCFAs) rất quan trọng đối với cân bằng môi trường đường ruột, giảm viêm ruột và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch. [7]
SCFAs có thể hỗ trợ sức khỏe bằng cách giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, giảm các triệu chứng tiêu hóa, thúc đẩy thể trọng khỏe mạnh, cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và các lợi ích sức khỏe khác.
Tuy nhiên, khi các thực phẩm ngày càng trở nên tinh chế hơn, thì việc cung cấp không đủ chất xơ trong khẩu phần ăn đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Trong cuộc sống hàng ngày, có thể tìm thấy những thực phẩm giàu chất xơ như đậu, đỗ xanh, bơ, táo, yến mạch và các loại trái cây họ cam quýt.
Dưới đây là số lượng gam (g) chất xơ trong một khẩu phần thực phẩm giàu chất xơ: