Dữ liệu của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ: 40% người mắc nợ sinh viên đang không thực hiện các khoản thanh toán
Bộ Giáo dục cho rằng người đi vay đang bị bối rối và choáng ngợp.
Theo dữ liệu mới của chính phủ Hoa Kỳ, có hàng triệu người mắc nợ sinh viên đã không thanh toán nợ kể từ khi chính sách tạm dừng thanh toán trong thời kỳ đại dịch hết hạn vào tháng Mười.
Trong một bài đăng trên blog hôm 15/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục James Kvaal đã viết rằng chỉ 60% trong số khoảng 22 triệu người có nợ sinh viên phải tiếp tục trả nợ trở lại đã thực hiện thanh toán vào giữa tháng Mười Một. Con số này tương đương với khoảng 9 triệu cá nhân chưa chuyển thanh toán.
Dữ liệu này không bao gồm những người vay nợ chưa đến hạn thanh toán vào tháng Mười, đã quay trở lại trường học, hoặc đã được áp dụng các biện pháp gần đây của chính phủ liên bang để ứng phó với các lỗi dịch vụ thanh toán nợ.
Ông Kvaal đã lưu ý rằng nhiều người đi vay “bối rối hoặc choáng ngợp trước các lựa chọn của họ.” Ông đã nói thêm rằng những thách thức về việc trả nợ là phổ biến trước khi có cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng “bởi vì các khoản nợ vốn đã là quá hạn hoặc là được hoãn hoặc giãn đi.”
“Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho người vay thông tin và sự trợ giúp mà họ cần để tận dụng được tất cả lợi ích của các khoản nợ sinh viên liên bang,” ông viết trong bài đăng.
“Chúng tôi đã cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các bên quản lý nợ sinh viên của mình rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ không đáp ứng các nghĩa vụ hợp đồng cơ bản với những người vay và Bộ Giáo dục.”
Ông đã nói thêm rằng những người đi vay đang gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản thanh toán nợ sinh viên hàng tháng sẽ được “bảo vệ khỏi những hậu quả tồi tệ nhất của việc bỏ lỡ các khoản thanh toán cho đến giai đoạn chuyển tiếp.”
Bộ Giáo dục đã thiết lập chương trình tăng tốc 12 tháng. Đây là sáng kiến sẽ kéo dài đến tháng Chín, mang lại sự khoan hồng cho người vay và giúp họ không phải đối mặt với “hậu quả khắc nghiệt nhất của việc không thanh toán,” bao gồm những việc thu hồi các khoản nợ không thanh toán (quá hạn 270 ngày), nợ quá hạn, và bắt buộc.”
Người ta ước tính có khoảng 43 triệu người vay đang nợ chính phủ Hoa Kỳ khoảng 1.7 ngàn tỷ USD tiền nợ sinh viên.
Một phần trong phản ứng của chính phủ đối với đại dịch hồi tháng 03/2020 là việc ông Donald Trump, tổng thống đương thời, thực hiện lệnh đóng băng các khoản thanh toán nợ sinh viên. Sau đó nợ sinh viên đã được Quốc hội cùng cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Joe Biden gia hạn chín lần.
Biện pháp cứu trợ khẩn cấp đã hết hạn vào tháng Mười, trong khi lãi suất cho các khoản vay dành cho sinh viên bắt đầu tích lũy vào tháng Chín.
Trong 18 tháng qua, chính phủ đương nhiệm đã thông qua việc xóa nợ trị giá 132 tỷ USD cho sinh viên, ảnh hưởng đến hơn 3.6 triệu người.
Hành động mới đây nhất là thông báo hôm 06/12, trong đó nhắc đến việc khắc phục các sai sót của Bộ Giáo dục trong việc miễn tái thanh toán theo thu nhập (IDR) và Xóa nợ cho Các khoản vay của Nhân viên Dịch vụ Công cộng (PSLF), với tổng trị giá gần 5 tỷ USD.
Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố, “Ngay từ Ngày Đầu tiên Nắm quyền, tôi đã thề sẽ cải thiện hệ thống nợ sinh viên để giáo dục đại học mang đến cho người Mỹ cơ hội và sự thịnh vượng — chứ không phải là gánh nặng không thể quản lý được về nợ sinh viên.”
“Tôi sẽ không từ bỏ việc sử dụng mọi công cụ mà chúng ta có để mang lại cho những người vay nợ sinh viên sự trợ giúp mà họ cần để đạt được ước mơ của mình.”
Khảo sát cho thấy người mắc nợ đang gặp khó khăn
Khi có thông báo rằng việc thanh toán nợ sinh viên sẽ được nối lại, nhiều cuộc khảo sát khác nhau đã cảnh báo rằng người đi vay sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán.
Hồi tháng Bảy, một cuộc thăm dò về Cuộc sống và Tài chính của Tôi (Life and My Finances) đã phát hiện ra rằng một nửa số sinh viên đi vay không đủ khả năng trả các khoản nợ sinh viên bằng thu nhập hiện tại của họ. Gần ⅕ số người được hỏi lưu ý rằng họ sẽ phải vay tiền để trả khoản nợ sinh viên của mình.
Sau khi Tòa Bạch Ốc công bố kế hoạch miễn ít nhất 10,000 USD cho những người vay liên bang và lên tới 20,000 USD cho những sinh viên nhận trợ cấp Pell Grant liên bang khi còn đi học, một cuộc khảo sát của Intellingent.com cho thấy rằng hơn ⅓ số người đi vay đã chi tiêu số tiền mà họ cho rằng sẽ nằm trong sáng kiến giảm nợ sinh viên của Tổng thống Biden.
Tối cao Pháp viện đã hủy bỏ kế hoạch này vào tháng Sáu.
Nhiều người đi vay cũng không biết họ có mức nợ sinh viên là bao nhiêu.
Mùa hè vừa qua, một cuộc khảo sát của NerdWallet cho thấy rằng 46% cá nhân có nợ sinh viên không biết họ đã nợ chính phủ bao nhiêu.
Cuộc thăm dò này cũng cho thấy hầu hết những người đi vay đều sử dụng khoản thanh toán nợ sinh viên để trả cho những nhu cầu cơ bản như thực phẩm và tiền thuê nhà.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Bloomberg và Morning Consult, 43% cử tri trẻ tuổi ở bảy tiểu bang chiến địa — Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania, và Wisconsin — cho biết Tổng thống Biden chưa làm đủ để giải quyết các khoản thanh toán nợ sinh viên.
Gần như số lượng người được hỏi cho biết họ đã nghe, đọc, hoặc nhìn thấy “không nhiều” hoặc “không chút nào” về việc xóa 132 tỷ USD nợ sinh viên. Hơn một nửa (59%) số người ủng hộ những nỗ lực này.
Ảnh hưởng đến nền kinh tế
Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng việc nối lại các khoản vay sinh viên cho 40 triệu người Mỹ có thể gây ra hậu quả cho nền kinh tế rộng lớn hơn.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nói với CNBC hồi tháng Mười, “Nền kinh tế sẽ gặp khó khăn trong quý 4, một phần đáng kể là do chính sách dừng thanh toán nợ sinh viên kết thúc.”
The Kobeissi Letter, một bản tin nghiên cứu tài chính, dự đoán rằng khoảng 9 tỷ USD chi tiêu tiêu dùng sẽ bị giảm đi mỗi tháng.
Họ đã viết trên X, “Khoảng 100 tỷ USD mỗi năm sẽ bị trừ khỏi chi tiêu tiêu dùng, chủ yếu ảnh hưởng đến người tiêu dùng trẻ tuổi. Một thay đổi lớn khác trong chi tiêu tiêu dùng sắp diễn ra.”
Báo cáo của Moody’s Analytics cảnh báo rằng việc cắt giảm ngân sách tùy ý sẽ ảnh hưởng đến ngành bán lẻ.
Các nhà kinh tế học của Moody đã viết, “Lĩnh vực bán lẻ đã nắm bắt cơ hội trong thời kỳ đại dịch do lượng hàng tồn kho tăng hạn chế so với những năm trước và nhu cầu bị dồn nén. Tuy nhiên, tổn thất đối với các khoản dự phòng tài chính có thể làm rung chuyển nhu cầu bán lẻ trước sự thay đổi ngân sách của người tiêu dùng trẻ tuổi và thậm chí có thể là tình trạng cắt giảm chi tiêu dịch vụ.”
Các nhà bán lẻ đã chú ý.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times