Độc giả cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và Vũ trụ thông qua bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’
Bà Donna Showalter là một y tá vừa về hưu hồi tháng 12. Bà cho hay bà “cảm nhận được [sự hiện diện của] Chúa” và “rất hy vọng” nhờ bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” mới đây của Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công. Bà nói thêm rằng “rất hy vọng” là ngụ ý về “hy vọng của đức tin,” “hy vọng rằng Chúa thực sự hiện hữu, và rằng Chúa là những gì như Ngài nói, và Chúa luôn hiện diện.”
Đối với bà, bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” mang đến “sự khích lệ to lớn” chứ không phải lãng mạn hóa thế giới hiện thực này. Thêm nữa, bà tin rằng thế giới sẽ trở nên xấu tệ hơn nếu không bắt đầu cải thiện. Tuy nhiên, bà chia sẻ với The Epoch Times rằng bà tìm thấy hy vọng trong bài viết này, rằng “có điều gì đó quyền năng hơn thế lực tà ác.”
“Tôi không thấy rằng tà ác sẽ chiến thắng,” bà nói thêm rằng đó là cảm nhận chung của bà dù không có phần nào trong bài viết này nói về điều đó một cách cụ thể.
Bên cạnh đó, bà Showalter chia sẻ sự hiểu biết của mình về Chúa: “Tôi nghĩ nhiều người sẽ nghĩ về Chúa như một vị cao niên bí ẩn với bộ râu trắng ở trên trời. [Nhưng] đó không phải là Chúa. Chúa là một lực lượng [siêu hình]. Ngài là năng lượng.”
“Đó là một khái niệm thực sự khó hiểu bởi vì chúng ta phần nào đang bị mắc kẹt trong chính thời gian này. Chúng ta tư duy rất một chiều. Nhưng tôi tin rằng Chúa không quan tâm đến thời gian. Ngài không nhất thiết tồn tại trong cảnh giới đó,” bà nói thêm. “Chúa vĩ đại hơn những gì chúng ta nhận thức được. Chúng ta [suy nghĩ] hạn hẹp về Chúa là bởi chúng ta bị giới hạn trong tư duy của mình.” Bà miêu tả Chúa là “một lực lượng từ bi.”
Bà kể rằng trong khi đọc bài viết của Đại Sư Lý, bà cảm thấy “lực lượng này, quyền năng này đang hiện diện.” “Tôi có cảm giác rằng Ngài ấy [Đại sư Lý] thực sự biết rõ về Chúa. Đó là điều mà bài viết này mang lại cho tôi: Đại sư Lý thực sự cảm nhận được Chúa và quyền năng đó.”
Mối liên hệ bất ngờ với triết lý phương Đông
Bà Eileen Guss là một giáo viên tiểu học hồi hưu. Bà rất ngạc nhiên vì bài viết của Đại Sư Lý đã nói lên niềm tin rất giống với của bà.
Vì thế, bà đã viết cho The Epoch Times rằng: “Tôi đã thực hành theo những điều này một cách không tự biết. Trong khi bài viết chắc chắn đã cho thấy cách vũ trụ vận hành, nhưng tôi vẫn chưa thể tự mình thấu hiểu cụ thể được.”
“Thật kinh ngạc khi ý tưởng, suy nghĩ, và niềm tin của tôi rất giống với bài viết của Đại Sư Lý,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi có niềm tin của riêng mình về vũ trụ. Tất cả chúng ta đều là một phần của bức tranh toàn cảnh. Chúng ta là một phần của vũ trụ này,” bà nói thêm. “Và điều đó thực sự có ý nghĩa với tôi bởi vì không có một chính giáo nào bàn về vũ trụ và cách mà tất cả chúng ta liên quan đến nhau.”
Bà Guss cảm kích về lời giải thích trong bài viết của Đại Sư Lý về bốn giai đoạn [của vũ trụ] là: thành, trụ, hoại, và diệt. “Khi Đại Sư Lý nói về thành, trụ, hoại, và diệt, chúng ta có thể thấy điều đó trong tự nhiên. Chắc chắn vậy. Ở nhân loại đây, chúng ta chứng kiến sinh, lão, bệnh, và cuối cùng là tử. Vì vậy, mọi điều mà Ngài Lý nói đến, tôi đều có thể hiểu được.”
“Tôi không thể giải thích được tại sao tôi lại có ý tưởng rằng Chúa chính là vũ trụ này, chúng ta là một phần trong vũ trụ đó, và một phần trong vũ trụ đó là linh hồn của chúng ta, bởi vì linh hồn là thứ không bao giờ chết,” vị cựu giáo viên 61 tuổi cho hay bà không thể giải thích được “sự ngẫu nhiên này” khi bà nhận ra sự tương đồng như vậy trong triết lý phương Đông từ [bài viết của] Đại Sư Lý.
Năm nay 68 tuổi, nhưng khi bà Showalter ở vào tuổi 20 và 30, Trung Quốc đã xuất hiện trong suy nghĩ của bà một cách kỳ diệu. “Thời trẻ tôi từng có một cuộc chiến [trong tư tưởng] rằng tại sao tôi lại sinh ra ở Latrobe, Pennsylvania. Và [tại sao] tôi lớn lên trong nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Mà nhờ đó, tôi có được sự sống vĩnh hằng và được lên thiên đàng. Rồi tôi nghĩ đến Trung Quốc — nếu ai đó sinh ra ở Trung Quốc — họ chưa từng biết đến điều này, chưa từng học về điều này lẽ nào sẽ bị đọa đời đời sao? Tôi không thể dung hòa được suy nghĩ đó. Tôi không hiểu làm sao một vị Chúa thực sự nhân từ lại có thể làm như vậy.”
Bà cho biết bà nghĩ đến Trung Quốc vì đó là nơi hoàn toàn đối lập với Mỹ. Về sau, bà đã có cái nhìn sơ lược về Phật giáo cũng như các tôn giáo khác và phát hiện ra một mối liên hệ chung. “Bài viết đó [của Đại Sư Lý] đã củng cố thêm niềm tin đó cho tôi. Tôi nghĩ đó là một bài viết rất vĩ đại. Một bài viết rất tuyệt vời!” bà nói thêm.
‘Mở mang tầm mắt’
Bà Heidi Larsen làm công việc nâng cấp nhà cửa và cũng là cựu giáo viên tại một khu bảo tồn Ấn Độ. Bà cho biết bài viết của Đại Sư Lý thật “mở mang tầm mắt.” “Bài viết rất hay và mang tính khai sáng, đã giải thích môn tu luyện Pháp Luân Công một cách đơn giản nhưng súc tích,” bà viết trong phần bình luận trên trang báo này.
Bà nói thêm rằng bây giờ bà đã có thể hiểu được tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công: “Nếu mọi người sống cuộc đời tuân theo đức tin hoặc tôn giáo, thì họ sẽ hạnh phúc hơn và có được hy vọng cho tương lai. Tước đi tín ngưỡng khỏi nhân loại là cách mà các chế độ này cướp đi tự do và kiểm soát quần chúng.”
Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, khuyến khích các học viên sống theo các nguyên lý phổ quát là chân, thiện và nhẫn, đồng thời dạy về các bài tập thiền định ôn hòa.
Terri Wu và Gary Bai đưa tin
Minh Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times