Doanh nhân: ESG đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ Mỹ
Doanh nhân Vivek Ramaswamy cho biết việc thúc đẩy các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) trong khu vực tư nhân là “mối đe dọa lớn nhất” đối với cả nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản ở Hoa Kỳ.
Ông nói, những nghị trình mà chính phủ không thể đạt được trực tiếp thông qua Hiến Pháp đang được thúc đẩy thông qua phong trào ESG trong khu vực tư nhân. Phong trào ESG đang đạt được sức mạnh thông qua việc “gom vốn” vào tay một số ít các công ty đầu tư, với ba người chơi lớn nhất là Vanguard, BlackRock, và State Street. Ông Ramaswamy chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NTD rằng khi kết hợp lại, ba công ty này quản lý hơn 22 ngàn tỷ USD.
Ông nói, “Và những gì các công ty đó làm, là họ xuất hiện trong phòng họp của các công ty Mỹ thay mặt cho những người dân thường mua cổ phần của các công ty đó, và sau đó nói với các công ty đó rằng, quý vị phải áp dụng các nghị trình xã hội hoặc môi trường này. Và nếu quý vị không làm như vậy, chúng tôi sẽ sa thải quý vị, chúng tôi sẽ cắt giảm tiền lương của quý vị, chúng tôi sẽ loại quý vị khỏi hội đồng quản trị của chính công ty quý vị.”
Ông nói thêm, những hành động như vậy của các công ty đầu tư này đã buộc các công ty phải áp dụng các nghị trình không chỉ khiến các doanh nghiệp này “kém thành công hơn” mà còn “hút huyết mạch của sự sống” ra khỏi nền dân chủ Mỹ.
Ông Ramaswamy nhấn mạnh rằng các chủ đề như biến đổi khí hậu và phân biệt chủng tộc có hệ thống là những câu hỏi phải được giải quyết thông qua tự do ngôn luận và tranh luận cởi mở trong các lĩnh vực dân sự hơn là buộc chúng phải thông qua các phòng họp công ty của Mỹ.
Doanh nhân này cũng nhấn mạnh “mối quan hệ rộng khắp” giữa các công ty đầu tư thúc đẩy ESG và chính phủ ông Biden. Bộ Ngân khố, Hội đồng Cố vấn Kinh tế, và văn phòng phó tổng thống đều tràn đầy cựu nhân viên của BlackRock, ông nói thêm rằng “đây là con đường hai chiều của chủ nghĩa tư bản thân hữu.”
Tác động đến ngành năng lượng, khuynh hướng thân Trung Quốc
Ông Ramaswamy cho biết ngành bị thiệt hại nhiều nhất ở Mỹ từ phong trào ESG là năng lượng. Trong khi tích lũy được vốn của các công dân Mỹ bình thường, các công ty đầu tư đã yêu cầu các công ty dầu mỏ của Mỹ sản xuất ít năng lượng hơn, khoan lấy ít dầu hơn, và khai thác ít khí đốt tự nhiên hơn.
Điều này đã tạo ra một “cuộc khủng hoảng năng lượng thế hệ”, trong đó đất nước hiện đang bị thiếu năng lượng, giá xăng cao hơn, và các công ty năng lượng nội địa kém thành công hơn.
Ông Ramaswamy cũng chỉ trích các tiêu chuẩn kép của các công ty đầu tư ủng hộ ESG. Các công ty này chỉ áp đặt các ràng buộc của ESG đối với các công ty phương Tây, nhưng không “nói một chút về chúng với các công ty Trung Quốc.”
Kết quả là, nếu các công ty phương Tây như Chevron hoặc Exxon bị buộc phải từ bỏ các dự án để phù hợp với mục tiêu giới hạn khí thải hoặc khí hậu, thì các công ty Trung Quốc như PetroChina cuối cùng sẽ chọn lấy các dự án này.
Mặc dù các công ty Trung Quốc “thải ra nhiều hơn rất nhiều” so với các đối tác Mỹ của họ, nhưng BlackRock vẫn giữ im lặng về Trung Quốc vì họ có nhiều lợi ích tài chính ở nước này. Ông Ramaswamy nói, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không cấp cho BlackRock giấy phép kinh doanh tại quốc gia này nếu họ áp đặt các tiêu chuẩn ESG tương tự đối với các công ty Trung Quốc như đối với các công ty Mỹ.
Do đó, ý tưởng cho rằng thị trường tự do tồn tại là một “ảo tưởng hão huyền”.
Các chính phủ ở cả hai bờ Thái Bình Dương đang sử dụng BlackRock để thúc đẩy lợi ích của họ, với ĐCSTQ và “chính phủ tự do thiên tả đang thắng thế ở Hoa Kỳ” thúc đẩy các nghị trình của riêng họ.
Do đó, BlackRock đã trở thành một “quân bài chính trị” giả danh một công ty quản lý tài sản, ông nói.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.