Diệu ý sâu xa khó lường của Thiên Thượng: Hứa Đại Niên thành tâm sửa lỗi, phúc phận dài lâu
Người xưa nói: “Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên.” Ý tứ rằng, một người nhận thức được sai lầm, có thể thành tâm sửa đổi, thì không có việc gì tốt hơn việc này. Chúng ta cùng xem câu chuyện trong cổ thư, kể về một người thành tâm sửa lỗi, vượt qua khảo nghiệm của Thượng Thiên.
Vào thời nhà Tống, có một thương nhân tên là Hứa Đại Niên, lúc làm kinh doanh rất giỏi mưu tính để giành được lợi nhuận, bởi vậy rất nhanh đã tích lũy được không ít của cải. Ông có trong tay rất nhiều cánh đồng màu mỡ và trạch viện khang trang, tài sản có đến gần mười vạn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc duy nhất là, Hứa Đại Niên đến tuổi trung niên rồi mà vẫn chưa có con trai nối dõi. Ông rất lo lắng, lo rằng sau khi mình trăm tuổi lâm chung sẽ không có người kế thừa gia sản, cho nên trong lòng thường xuyên u sầu ủ dột.
Năm Hứa Đại Niên 43 tuổi, phu nhân cuối cùng cũng sinh được một cậu con trai. Hứa Đại Niên cho rằng mọi sự đã trọn vẹn, không có gì phải cầu nữa. Tâm tình tĩnh lặng, ông nghĩ lại về cuộc sống đã qua, cảm thấy hối hận vì trong lúc kinh doanh đã làm nhiều chuyện không hợp đạo lý. Thế là ông quyết định tín Phật, làm nhiều việc thiện để chuộc lại lỗi lầm trước đây. Ông đem tài sản do người khác gán nợ mà có, hoàn lại gấp đôi cho nguyên chủ; ông cũng đem tài sản do bản thân mưu kế mà có được, cho phép nguyên chủ chuộc về. Ngoài ra, đối với việc cứu tế người khác, ông đều nhiệt tình tham gia, cũng quyên góp không ít tài sản.
Thế nhưng không ai ngờ rằng, khi Hứa Đại Niên 50 tuổi, vận rủi lại đổ xuống, không chỉ có cậu con trai bảy tuổi đột nhiên chết yểu, mà gia đạo cũng trở nên sa sút. Hứa Đại Niên sinh lòng oán trách, cho rằng ông Trời bất công, bởi vậy cả ngày ngửa mặt lên trời than thở, cầu xin ông Trời mở mắt nhìn xem.
Một hôm, trong lúc đang oán trách ông Trời, Hứa Đại Niên bỗng nhiên lại chuyển biến niệm đầu, nghĩ rằng: “Ông trời nhân ái lẽ nào có thể trách phạt sai? Nhất định là thiện tâm của ta giả tạo không thật, đi hành thiện mà giả tạo không thật, mới dẫn đến như vậy.” Thế là ông xuất phát từ nội tâm mà sám hối và tự trách mình. Đồng thời kể từ đó khi làm việc thiện, ông nhất định sẽ xuất phát từ nội tâm mà làm, không còn qua loa lấy lệ.
Cứ thế qua mấy năm, khi Hứa Đại Niên 54 tuổi, mọi việc vẫn như cũ không thuận lợi, gia nghiệp càng thêm sa sút. Một hôm trời rét khác thường, bên ngoài tuyết rơi lớn, Hứa Đại Niên cùng thê tử ở trong phòng vừa ăn dưa cải và cháo đậu, vừa hồi tưởng về năm xưa khoác áo lông chồn, ăn cao lương mỹ vị, uống rượu ngon, chiêu tập tân khách chè chén vui vẻ, quét tuyết pha trà, cảnh tượng vẫn hiện rõ mồn một trước mắt, tưởng chừng như mới ngày hôm qua. Khi đó thật phồn hoa làm sao! Hai người cảm thán, bây giờ ăn năn hành thiện, trái lại còn bị ông Trời trừng phạt, thật sự là có làm thế nào cũng đều uổng công.
Đang huyên thuyên, Hứa Đại Niên lại nghĩ: “Thích Ca Mâu Ni tu hành trên núi tuyết, chịu bao khổ sở, mới được thành Phật. Ta mặc dù gặp phải khó khăn, nhưng áo mỏng cháo loãng chưa đến nỗi thiếu, đối với việc này chẳng những không cảm ân ông Trời, ngược lại trong lòng còn oán trách, việc này chẳng phải là càng thêm sa ngã rồi sao?” Ông liền nhanh chóng đốt hương lễ Phật, rơi nước mắt sám hối, không dám tiếp tục nảy sinh ý nghĩ từ bỏ việc hành thiện hướng Phật nữa.
Buổi tối hôm đó, cả hai vợ chồng Hứa Đại Niên đều có một giấc mộng giống nhau. Họ mộng thấy một Thần nhân thân mặc áo đỏ, đội mũ ô sa đến trung đường nhà họ, gọi ra rất nhiều thứ kỳ hình dị trạng, chỉ vào những thứ đó nói với Hứa Đại Niên: “Đây là các ác quỷ như Tang Môn, Điếu Khách, Băng Tiêu, Ngõa Giải, v.v. Bởi vì ông thời trẻ làm ra bao chuyện ác, cho nên Thượng Đế mới sai khiến Phá Tinh làm con của ông, đến làm lụn bại gia nghiệp nhà ông, đồng thời còn sai phái những ác quỷ này đến giúp tiêu hao tiền của nhà ông. Điều đáng mừng là, ông sau khi có con thì sửa lỗi hướng Phật, làm các việc thiện. Những việc hành thiện này đủ để đền bù cho những tội lỗi trước đây, cho nên đã thu hồi Phá Tinh về trước. Đây chính là lý do vì sao con trai của ông chết yểu. Còn những ác quỷ này giữ lại để khảo nghiệm xem ông có thành tâm hay không. Khảo nghiệm lâu như thế, nhưng ông vẫn không hề buông bỏ suy nghĩ hành thiện và hướng Phật. Thượng Đế quyết định khen thưởng ông, đặc biệt lệnh ta đến tặng hai vị Tinh quan Phúc, Lộc làm con nối dõi cho ông. Ông mất đi một mà được hai, mất đi người con xấu mà được người con tốt, thật có thể nói là thu hoạch tràn đầy.” Nói xong, Thần nhân hướng về Hứa Đại Niên chắp tay, rồi dẫn các ác quỷ ra cửa rời đi.
Quả nhiên sau đó không lâu, phu nhân Hứa Đại Niên đã 50 tuổi bỗng nhiên mang thai, cuối cùng sinh ra một cặp song sinh, đặt tên là Tăng Phúc và Tăng Lộc. Sau khi hai người con này trưởng thành đều bước vào con đường làm quan, trở thành quan lớn quyền cao chức trọng. Vợ chồng Hứa Đại Niên cũng nhờ tiếng tăm của con mà được Hoàng đế ban thưởng.
Tài liệu tham khảo: