Điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ?
Tác động có tính chiến lược toàn cầu của sự suy giảm hoặc sụp đổ kinh tế của Trung Quốc trong vài năm tới sẽ như thế nào?
Các nhà đầu tư lớn đã bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng đầu tư vào Trung Quốc, sau nhiều thập kỷ cổ súy đầu tư ở đó.
Sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc đã diễn ra trong hơn một thập kỷ. Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình nhận ra điều này và biết rằng ông ta phải quản lý sự suy giảm này bằng cách đàn áp những người ở Trung Quốc đã quen với sự giàu có và tự do.
Một sự đảo ngược để quay trở lại với kinh tế học “lưu thông nội bộ” theo chủ nghĩa Mao có thể sẽ được trình bày trước Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Cộng vào tháng 10/2022 là không thể thay đổi và cần thiết. Ông Tập đã tự thể hiện mình là nhà lãnh đạo duy nhất có khả năng quản lý “sự nổ tung có kiểm soát” của Trung Quốc, và quay trở lại chủ nghĩa biệt lập kiểu Mao. Ông ta phải thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người thách thức các kẻ thù của Đảng.
Vì vậy, những tác động lan truyền của sự sụp đổ hoặc suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc là gì?
Những tác động này đã nhận được ít sự quan tâm của các chính phủ ngoại quốc. Thay vào đó, đã có một niềm tin mù quáng vào những tuyên bố phi thực tế về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, và việc tránh lập kế hoạch dự phòng để đối phó với sự sụp đổ của Trung Quốc.
Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào việc kinh tế Trung Quốc suy giảm như thế nào. Sự suy giảm này sẽ phát nổ với tốc độ lớn hay sẽ được quản lý để đảm bảo sự ổn định trong Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa)? Liệu sẽ có một điểm đột phá bất ngờ khi CHND Trung Hoa trở lại trạng thái nhà nước kiểu Mao hay không?
Nhu cầu về nhiều nguyên liệu thô của Trung Quốc đã giảm.
Giá quặng sắt ở mức đỉnh vào đầu năm 2021 do nhu cầu thép của Trung Quốc (và do đó là nhu cầu quặng sắt) của Trung Quốc [sau đó] đã sụt giảm, đồng thời trên toàn thế giới có sự dư cung trên thị trường thép.
Giả như nhu cầu khoáng sản của Trung Quốc giảm là tạm thời không giải quyết được thực tại rằng ông Tập đã bắt đầu đóng cửa phần lớn khu vực tư nhân của Trung Quốc theo những cách khiến cho khó có thể hồi sinh.
Các khuyến nghị rằng Trung Quốc sẽ giảm nhập cảng quặng sắt từ Úc – nhà cung cấp lớn nhất của họ – như trừng phạt chính phủ Úc vì có “đường lối chống Trung Quốc” là chiến thuật của Bắc Kinh nhằm che đậy nhu cầu [trong nước] đang giảm. Các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Brazil, cũng sẽ chứng kiến nhu cầu suy giảm. Dự án rất lớn của Trung Quốc nhằm phát triển các mỏ quặng sắt ở Guinea, Tây Phi, có vẻ như sẽ không còn nữa.
Trung Quốc đã cố gắng mô tả sự “phục hồi nhanh chóng” từ cuộc khủng hoảng COVID-19 năm 2020 bằng cách tăng cường sản xuất công nghiệp trong nước. Sự giả bộ đó giờ đây đã kết thúc. Đầu tư của Trung Quốc vào Úc – khoảng 13 tỷ USD năm 2016 – giảm xuống còn dưới 1 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2019, quặng sắt chiếm gần một phần tư tổng kim ngạch xuất cảng của Úc, 81.7% trong số đó đến Trung Quốc. Đến năm 2021, sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với tất cả các mặt hàng xuất cảng của Úc đã trở nên nghiêm trọng. Ngân quỹ của Bắc Kinh cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”) đã rất ít trong một số năm.
Úc và Brazil khó có thể tìm được thị trường thay thế cho xuất cảng khoáng sản của họ trước khi thị trường Trung Quốc sụp đổ. Điều này có nghĩa là các nước này sẽ đi vào suy thoái kinh tế nhanh chóng.
Hoa Kỳ có thể nhận thấy một số hỗ trợ trong sự suy giảm kinh tế của CHND Trung Hoa vì nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc đối với thực phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ, và CHND Trung Hoa không thể tìm đủ nguồn cung như thế về số lượng ở nơi khác. Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ (đặc biệt là Boeing) đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Boeing được coi là một trong những nhà biện hộ cho Bắc Kinh.
Nhưng dù sao thì thị trường Trung Quốc cũng đang suy giảm đối với máy bay vận tải do Hoa Kỳ sản xuất.
Nhưng mọi quốc gia đều trở nên phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, vì vậy sự sụp đổ của CHND Trung Hoa sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, vào thời điểm thế giới vẫn chưa phục hồi sau thiệt hại kinh tế do các đợt phong tỏa vì COVID-19.
Hãy xem xét những điều sau:
- Các dấu hiệu về sự chuyển đổi và đóng cửa nền kinh tế của CHND Trung Hoa hiện đã quá rõ ràng để có thể bỏ qua.
- Các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc dường như không có kế hoạch thống nhất nào để quản lý sự sụp đổ sắp xảy ra của nền kinh tế CHND Trung Hoa, mặc dù vào tháng 05/2021, một số chính phủ cuối cùng đã bắt đầu thừa nhận sự suy thoái kinh tế.
- Phần lớn thế giới có thể sẽ bước vào cuộc suy thoái nghiêm trọng vào cuối năm 2022.
- Người Trung Quốc đại lục sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng vào giữa năm 2022. Đến năm 2023, nạn đói và tình trạng bất ổn có thể lộ rõ.
Ưu tiên của ông Tập là quản lý sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc – và do đó là an ninh bên trong và bên ngoài—theo cách mà ông giữ quyền kiểm soát Trung Cộng và Trung Cộng giữ quyền kiểm soát đối với Trung Quốc. Tất cả các cân nhắc khác chỉ là thứ yếu, bao gồm cả việc liệu CHND Trung Hoa có còn “giàu có” hay không.
Ông Tập phải thể hiện sự tự tin và sự thống trị trong suốt thời kỳ mất mát của mỗi người dân Trung Quốc. Vì vậy, sự mờ ám và đe dọa của ông Tập càng leo thang, nhưng được dàn dựng để tránh xung đột quân sự. Ông Tập phải tránh xung đột trực tiếp bằng mọi giá, trong khi theo đuổi chính sách bên miệng hố chiến tranh tới mức hiếu chiến nhất.
Điều này là khó tránh khỏi nếu ông Tập chiếm ưu thế trong Đại hội Đảng tháng 10/ 2022.
“Mối đe dọa thực sự của Trung Quốc” đối với thế giới đến từ sự sụp đổ kinh tế của nước này hơn là từ một cuộc chiến tranh nóng lớn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gregory Copley là chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Sinh ra ở Úc, Ông Copley là một Thành viên của Order of Australia, là doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên xuất bản quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là ‘The New Total War of the 21st Century’ (Tạm dịch: Cuộc chiến toàn diện mới của thế kỷ 21) và ‘The Trigger of the Fear Pandemic’ (tạm dịch: Kích hoạt nỗi Sợ hãi của Đại dịch).
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: