Điều đầu tiên cần làm để cứu mạng nếu xảy ra hỏa hoạn
Thoát khỏi nơi xảy ra hỏa hoạn là một cuộc chạy đua với thời gian và tử thần. Sau khi có cháy, bạn nên dập tắt nó trước hay báo cứu hỏa? Hay chạy trốn? Thân trong đám cháy, chạy như thế nào mới có thể đảm bảo tính mạng? Các nhân viên cứu hỏa lâu năm chỉ ra rằng, “điều đầu tiên” mọi người làm khi xảy ra hỏa hoạn rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của họ.
Điều đầu tiên bạn nên làm sau khi xảy ra hỏa hoạn
Giả sử bạn phát hiện một đám cháy trong nhà của bạn, bước đầu tiên bạn làm sẽ là gì? Ông Thái Tông Hàn (Cai Zonghan, người Đài Loan), một lính cứu hỏa từng đảm nhận vai trò tham mưu trưởng chỉ huy cứu trợ thiên tai trong nhiều vụ hỏa hoạn lớn, đã đưa ra câu trả lời nằm ngoài dự đoán của mọi người.
Rất nhiều người trong tiềm thức là muốn “dập lửa” trước. Tuy nhiên, khi nguyên nhân của đám cháy chưa thể được xác nhận là do giấy, dầu hay thiết bị điện, thì việc dập lửa bằng nước hoặc chăn bông chưa chắc đã thành công, thậm chí có thể gây ra thiệt hại nặng hơn. Nếu xung quanh bạn có bình chữa cháy, bạn chỉ nên dập lửa khi thấy lửa bao vây mình hoặc khi chiều cao của ngọn lửa thấp hơn 25 cm.
“Gọi cứu hỏa” có phải là điều ưu tiên? Trước tiên phải xem địa chỉ nhà của bạn: Tên thành phố, quận huyện, tên đường, số nhà, đa số đều có thể nói ra dễ dàng… Tuy nhiên, trong lúc hoang mang tột độ, bạn còn có thể nói rõ ràng và đầy đủ địa chỉ nhà mình không?
Trong một bài phát biểu tuyên truyền phòng chống thiên tai, ông Thái Tông Hàn đã phát một số tệp ghi lại âm thanh của những người báo cáo hiện trường vụ cháy. Trong đoạn ghi âm, mọi người đều hoảng loạn và không thể cho biết rõ đầy đủ địa chỉ, việc này vừa khiến nhân viên cứu hỏa ở đầu dây bên kia nghe không rõ, vừa làm chậm thời gian chạy thoát thân của bản thân. Vì vậy, chạy ra bên ngoài, sau đó báo cứu hỏa mới là an toàn nhất.
“Chạy thoát” có vẻ là câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, ông Thái Tông Hàn cũng đã chỉ ra trong cuốn sách “30 bài học sinh tồn khi chữa cháy” rằng, nguyên nhân của một số vụ cháy thương tâm là do lúc xảy ra cháy, mọi người hốt hoảng chạy thoát thân mà quên mất rằng trong đám cháy còn có các thành viên khác trong gia đình. “Khi một người ở trong hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng và vô cùng hoảng loạn, tình huống này rất dễ xảy ra dưới sự thúc đẩy của bản năng”.
Có một ví dụ như thế này, người cha vội chạy xuống tầng dưới để thoát thân khi phát hiện ra đám cháy, cậu con trai 5 tuổi thấy thế chạy xuống tầng dưới theo, tuy nhiên, đứa con trai 6 tuổi của ông đã ở lại trong đám cháy và cuối cùng bị thiêu chết. Người cha sau đó hối hận: “Tôi nên cứu đứa trẻ trước mới đúng”.
Ông Thái Tông Hàn nói rằng sau khi phát hiện ra đám cháy, điều đầu tiên nên làm là “cảnh báo”. Cách đơn giản nhất là hét lên ba lần “cháy rồi”. Có hai nguyên nhân khiến địa điểm cháy có người chết, một là đám cháy được phát hiện quá muộn, hai là hành động ứng phó sai lầm. Vì vậy, mục đích của việc hô hoán là để mọi người trong nhà phát hiện ra đám cháy “sớm”, tranh thủ có thêm thời gian ứng phó.
3 quan niệm sai lầm cần phải sửa chữa để thoát khỏi đám cháy
Sau khi cảnh báo, trong khi ứng phó tìm đường thoát nạn, điều quan trọng nhất là tìm cách tránh làn khói dày đặc, vì khói là “sát thủ số một” của đám cháy.
Trong các bài phát biểu của mình, ông Thái Tông Hàn thường đưa ra 3 quan niệm sai lầm chết người trong khi thoát hiểm: Trốn trong phòng tắm, chạy lên trên, cũng như thoát ra ngoài bằng khăn ướt bịt miệng và mũi.
- Không trốn trong phòng tắm: Cửa phòng tắm đa phần làm bằng chất liệu nhựa, khi cửa bị nóng chảy, luồng khói bốc lên sẽ khiến chúng ta ngạt thở trong tích tắc. Đồng thời, phòng tắm dường như có đủ nguồn nước, nhưng cũng không có khả năng chống lại luồng khói nhiệt độ cao do đám cháy bốc lên. Khi gặp nhiệt độ cao, nước trong phòng tắm sẽ nhanh chóng hóa thành hơi khiến nhiệt độ phòng tắm tăng mạnh.
- Không chạy lên trên: Làn khói dày đặc sẽ bốc lên với tốc độ khoảng 3~5m/giây, nhanh hơn nhiều so với tốc độ người leo cầu thang. Đồng thời càng lên tầng cao, nhiệt độ càng tăng, vì vậy với điều kiện là lối thoát hiểm thông suốt và an toàn, bạn nên “chạy thẳng xuống dưới” tầng 1 rồi ra khỏi tòa nhà. Sau khi thoát ra, bạn cũng nên đóng kín cửa để hạn chế thế lửa.
- Không dùng khăn ướt che miệng và mũi để thoát ra ngoài: Khăn ướt không thể ngăn chặn khí độc và nhiệt độ cao trong làn khói dày đặc, mà ngược lại sẽ khiến mọi người chạy từ nơi tương đối an toàn đến hoàn cảnh chết người, chẳng hạn như phòng tắm và nhà vệ sinh để lấy khăn.
Nguyên tắc thoát hiểm chính xác: Chạy nhanh khi lửa nhỏ, đóng cửa chặn khói
Để tránh khói, nguyên tắc sinh tồn chính xác trong đám cháy là: chạy nhanh khi lửa còn nhỏ và đóng cửa chặn khói. Nếu phát hiện đám cháy sớm thì nên lập tức chạy ngay, rời khỏi hiện trường. Nếu phát hiện muộn hoặc đám cháy đã lan rộng, chẳng hạn như mở cửa và phát hiện cửa hoặc cầu thang thoát hiểm đã có nhiều khói và nhiệt độ cao, cần “đóng cửa” ngay lập tức để chặn khói, rồi mở cửa sổ kêu cứu và chờ cứu hộ.
Tuy nhiên, nếu không gian bạn đang ở có những điều kiện sau đây thì không phù hợp để “bế quan tỏa cảng”:
(1) Cửa ra vào là cửa nhựa, cửa kính hoặc có cửa sổ thoát gió phía trên, vì khói dày đặc và hơi nóng vẫn sẽ đi vào;
(2) Trong phòng không có cửa sổ hướng ra ngoài;
(3) Vách ngăn phòng là một vách mỏng bằng gỗ, hoặc thân công trình là bằng gỗ hoặc tôn, vì nhà bằng gỗ và tôn dễ bị sập trong trường hợp hỏa hoạn.
Lúc này, chỉ có thể tìm cách “tẩu thoát trong tư thế thấp”, tức là tư thế bò, hai khuỷu tay và đầu gối đều chạm đất, để xem liệu có cơ hội thoát ra ngoài hay không.
Tô Hiểu Mẫn thực hiện
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ