Địa ốc không phải là vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc đang đối mặt
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2000 và neo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (hay còn gọi là đồng renminbi, RMB) với đồng USD, Trung Quốc đã liên kết nền kinh tế của mình với Hoa Kỳ. Thực hiện một chế độ tỷ giá hối đoái cố định với các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, Trung Quốc được hưởng lợi từ các dòng vốn lớn chảy vào cũng như lãi suất tương đối thấp, đa phần là do môi trường lãi suất thấp ở Hoa Kỳ. Vậy điều gì xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc khi lãi suất tăng ở Hoa Kỳ?
Chính sách tiền tệ độc lập đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khó giải quyết của cái mà các kinh tế gia gọi là “bộ ba bất khả thi”. Các quốc gia có thể có một tỷ giá hối đoái cố định, dòng vốn tự do, hoặc chính sách tiền tệ độc lập nhưng chỉ được chọn hai trong ba thứ này. Các sách giáo khoa kinh tế đưa ra các định nghĩa ngắn gọn và rõ ràng về từng lựa chọn này. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã cố gắng thao túng từng lựa chọn này và lại đi đến chỗ tồi tệ hơn do nỗ lực thao túng các quy luật kinh tế.
Các nhà kỹ trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng tạo ra một hệ thống mà họ có thể tận hưởng những gì tốt nhất trong ba lựa chọn này và bỏ lại những phần tệ nhất. Trung Quốc đã thực hiện tỷ giá hối đoái gần như cố định, vốn trên thực tế là một chỉ số USD, với dòng vốn được kiểm soát chặt chẽ, và một chính sách tiền tệ bán độc lập.
Điều mà hầu như không ai nhận thấy với sự sáng tạo phức tạp của chính sách tiền tệ của Trung Quốc nhằm tuân thủ ‘bộ ba bất khả thi’ này là trong 20 năm qua, Trung Quốc được hưởng lợi từ việc đồng bộ hóa chu kỳ kinh doanh với Hoa Kỳ. Do đồng nhân dân tệ được ràng buộc trực tiếp với USD và Hoa Kỳ giữ lãi suất thấp, nên Trung Quốc đã có thể giữ lãi suất thấp.
Hiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất, điều này sẽ có tác động gì đến Trung Quốc?
Thứ nhất, thời kỳ dòng tiền dễ dàng chảy vào Trung Quốc đã qua. Đối với phần lớn thời gian trong 20 năm qua, lãi suất của Trung Quốc cao hơn Hoa Kỳ từ 3-5%. Với tỷ giá hối đoái cố định hoặc bán cố định, mức lãi suất này cho phép các nhà đầu tư ở Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với lợi nhuận cao hơn. Với lợi tức danh mục đầu tư và đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc dựa trên chênh lệch lãi suất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, lãi suất này đã thu hút vốn của các nhà đầu tư với tỷ giá hối đoái hoặc cố định hoặc được quản lý chặt chẽ mà từ đó tạo ra lợi nhuận dễ dàng. Trung Quốc không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư như một điểm đến đầu tư vì nhiều lý do. Nhưng khi lợi nhuận căn bản đối với nợ (trái phiếu) của chính phủ Hoa Kỳ cao hơn mà không cần chịu bất kỳ vấn đề nào của Trung Quốc, thì động lực tài chính sẽ làm mất lý do lớn nhất để gửi tiền [đến Trung Quốc].
Thứ hai, lãi suất ở Hoa Kỳ tăng sẽ gây áp lực tăng rất lớn lên lãi suất của Trung Quốc đúng vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống. Trong phần lớn thời gian kể từ năm 2000, các nền kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ có mối tương quan cao. Mối tương quan này cho phép lãi suất của Trung Quốc theo sau Hoa Kỳ và tận hưởng sự duy trì một khoảng thời gian của tiền có chi phí thấp. Tuy nhiên, hiện tại khi Fed đang tìm cách giảm lạm phát và nhu cầu quá nóng, Trung Quốc đang phải trải qua khoảng thời gian có lẽ là thời kỳ nền kinh tế yếu nhất trong lịch sử thời hậu mở cửa. Lãi suất tăng đi kèm với khu vực ngân hàng căng thẳng, nợ tiêu dùng cao, và khu vực doanh nghiệp đang trải qua làn sóng vỡ nợ có nguy cơ cao đẩy một vấn đề trở thành một cuộc khủng hoảng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phải đối mặt với một sự đánh đổi xem có nên giữ đồng nhân dân tệ gắn với đồng USD và tăng lãi suất hay giảm mối liên kết và để đồng nhân dân tệ chìm xuống.
Thứ ba, việc Hoa Kỳ tăng lãi suất sẽ khiến áp lực dòng vốn chảy ra từ Trung Quốc ngày càng cao hơn. Khi lãi suất của chính phủ Trung Quốc cao hơn 3-5% so với ở Hoa Kỳ, thì tiền đã chảy vào Trung Quốc, để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. [Nhưng] hiện tại trong thời hạn ngắn, nợ của chính phủ Hoa Kỳ có lợi suất cao hơn so với số nợ tương tự của chính phủ Trung Quốc. Thêm vào đó là sự yếu kém của khu vực doanh nghiệp và áp lực trong ngành địa ốc, và việc các nhà đầu tư Trung Quốc đã thấy được nhiều lý do để chuyển tiền của họ ra khỏi Trung Quốc.
Đối với các quốc gia như Nhật Bản hoặc Vương quốc Anh, dòng vốn chảy ra đồng nghĩa với việc giảm giá tiền tệ. Trong khi Trung Quốc tự hào có 3 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, nhưng với quy mô nền kinh tế và thị trường tài chính địa phương của Trung Quốc, thì 3 ngàn tỷ USD đó thực sự nhỏ hơn rất nhiều so với những gì mà con số này dường như thể hiện. Hoa Kỳ hiện đang kiếm được tỷ suất lợi nhuận hoàn vốn tài sản an toàn cao hơn với rủi ro ít hơn nhiều, và lý do tại sao các cơ quan quản lý cảnh báo các ngân hàng và nhà đầu tư về việc chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc đã trở nên rõ ràng.
Trung Quốc cố gắng điều chỉnh vòng chính sách tài chính này bằng cách phớt lờ những thực tế của chính sách kinh tế. Ngay cả khi các nhà quản lý Trung Quốc nhận ra rằng tỷ giá cố định hàng ngày của đồng nhân dân tệ của PBOC đã sai lệch đáng kể so với công thức tính theo tỷ trọng dựa trên giá của đồng USD, họ đã cố gắng nhiều hơn một chút ngoài việc khẩn cầu các ngân hàng hãy không dịch chuyển khỏi tỷ giá chính thức. Nếu lãi suất của Hoa Kỳ vẫn cao hơn lãi suất của Trung Quốc trong một thời gian dài, thì tình thế này sẽ buộc Bắc Kinh phải thay đổi chính sách trước một loạt các tình huống chưa từng chứng kiến trong lịch sử hiện đại. Hiện tại, Bắc Kinh đang bảo cho các thị trường cách ứng xử và định giá tài sản như thế nào. [Nhưng] sự dẫn dắt ấy chỉ có thể xảy ra trước khi thị trường tìm ra cách chuyển tiền hoặc tìm ra những thị trường chợ đen có giá tốt hơn.
Với chu kỳ lãi suất dự kiến kéo dài nhiều năm kéo theo việc đồng USD có thể tăng giá, Bắc Kinh đang phải đối mặt với một số quyết định khó khăn. Liệu họ có tăng lãi suất để ngăn chặn sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ khi đối mặt với một nền kinh tế đang chững lại? Liệu họ có bảo vệ đồng nhân dân tệ và kìm hãm các dòng vốn quốc tế thậm chí cứng rắn hơn, xét đến toàn bộ dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc?
Trên thực tế, với những đánh đổi rất tiêu cực mà họ phải đối mặt, chúng ta nên mong đợi Bắc Kinh trì hoãn bất kỳ loại quyết định thực sự nào càng lâu càng tốt. Việc kìm hãm dòng vốn hơn nữa sẽ chỉ khiến các dòng vốn quốc tế rời khỏi một điểm đến vốn dĩ đã kém hấp dẫn rồi. Tăng lãi suất có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, việc không có hành động nào cũng sẽ mang lại rủi ro nếu các thị trường hoảng sợ do các ngân hàng đang gặp khó khăn, giá tài sản giảm, và một cách tiếp cận kiểu không-làm-gì từ phía Bắc Kinh.
Thực tế là không có lựa chọn nào tốt, và Bắc Kinh sẽ muốn tránh thực tế đó càng lâu càng tốt.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times