Đến Hoa Kỳ tị nạn, chủ quán ăn ở Trung Quốc hít thở không khí tự do tại New York
“Chỉ mới đến đây hơn hai tháng, nhưng chúng tôi cảm nhận được tinh thần của sự tự do, bao dung, và bình đẳng.” Ông Diệp Thành Tường (Ye Cheng Xiang) nói với CNN rằng việc có thể đưa vợ và hai đứa con đến thăm nhà thờ Hồi Giáo ở New York khiến ông cảm thấy sáu tháng gian nan vừa qua rất “xứng đáng.”
Ông Diệp Thành Tường với thân hình gầy gò, hiện đang làm việc tại một nhà hàng Trung Hoa ở thành phố New York, Hoa Kỳ. Ông rời khỏi Hoa lục vào tháng Mười năm ngoái (2023). Trước đó ông làm chủ một nhà hàng. Ông nói rằng ĐCSTQ đàn áp người Hồi Giáo và ngày càng hạn chế tự do cá nhân, nên ông và gia đình không còn lựa chọn nào khác.
“Khi còn ở trong nước, tôi cảm giác như có cục đá đè nặng trong lòng.” Ông kể rằng các con của ông không được đến nhà thờ Hồi Giáo.
Vì vậy, vợ chồng ông Diệp Thành Tường đã dùng hết số tiền tiết kiệm cả đời là 40,000 USD để vượt biên đến Hoa Kỳ vào tháng Mười Hai năm ngoái. [Đến được nơi này], những lo lắng của ông liền tan biến. “Tôi cảm thấy như được ở nhà, cảm giác này vô cùng chân thật,” ông Diệp nói.
Điểm đến của họ là cộng đồng Flushing của thành phố New York, nơi có nhiều người Hoa đang cư trú. Với sự giúp đỡ của những người tộc Hồi gốc Hoa đang sống tại Hoa Kỳ, ông đã tìm được nơi ở, và cũng đã tìm được công việc kéo mì trong thời gian xin tị nạn. Họ sẽ trình diện lần đầu tiên ở tòa án vào tháng Mười này.
Bà Amy Hsin, Giáo sư xã hội học của Trường Đại học Queens, nói rằng số lượng người Hoa lục xin tị nạn tới Hoa Kỳ là nhiều hơn cả so với các quốc gia khác.
Sau vụ đại thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, vào tháng 07/1999, ĐCSTQ tiếp tục phát động cuộc đàn áp nhắm vào cộng đồng các học viên Pháp Luân Công với tín ngưỡng “chân, thiện, và nhẫn,” và việc này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Gần đây, ĐCSTQ đang ngày càng hạn chế tự do của người dân Hoa lục, và kinh tế cũng đang trở nên bất ổn, khiến người dân Hoa lục buông bỏ những hy vọng viển vông đối với ĐCSTQ và không ngừng đào thoát khỏi quốc gia này.
Số liệu của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy, vào năm 2023, có hơn 37,000 công dân Trung Quốc bị cơ quan chấp pháp bắt giữ sau khi họ đang vượt biên trái phép từ Mexico. Con số này tăng đáng kể so với khoảng 3,800 người hồi năm ngoái. Trong số đó nhiều người nhập cư đã đến New York.
‘Hoa Kỳ tốt hơn’
Tại trung tâm dịch vụ pháp lý, một người nhập cư Hoa lục đã nói với CNN về áp lực xã hội và kinh tế mà họ phải đối mặt, cách ĐCSTQ thực hiện chính sách phong tỏa cực đoan về dịch bệnh và làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế đang suy thoái, khiến họ buộc phải rời bỏ nơi đó.
Chủ trung tâm dịch vụ pháp lý này cho biết, sau khi đến Hoa Kỳ, thoát khỏi sự trói buộc của chính quyền ĐCSTQ và các cơ quan kiểm duyệt của họ, nhiều người vẫn tiếp tục phản đối chính quyền ĐCSTQ.
Anh Giang Chấn (Jiang Zhen) cho biết rằng sự đàn áp toàn diện của ĐCSTQ đối với tự do ngôn luận, xã hội dân sự và tôn giáo khiến anh cảm thấy nghẹt thở. Anh đã bị đưa vào danh sách đen sau khi chỉ trích chính quyền ĐCSTQ trên các trang mạng xã hội.
Anh Giang còn nói, tình trạng nghèo đói ở nông thôn Hoa lục (như làng quê của anh ở tỉnh Hồ Nam) đã đến mức không thể chịu đựng được. Người thân và bạn bè của anh (những người lớn tuổi) “uống thuốc trừ sâu, tự tử bằng cách nhảy xuống sông hoặc treo cổ… Đặc biệt là khi họ bị các bệnh như ung thư nhưng không có tiền để điều trị.”
Anh Giang Chấn năm nay 33 tuổi, đang chờ được cấp giấy phép làm việc (thời gian thực hiện thủ tục có thể lên đến 18 tháng). Hiện tại, anh đang rửa chén và làm chui trong một nhà hàng ẩm thực Quảng Đông ở quận Queens. Thu nhập hàng tháng của anh là 4,000 USD, cao hơn so với thu nhập khi làm chủ doanh nghiệp ở Quảng Đông.
Bên cạnh anh Giang là một người phụ nữ mặc áo lông màu ngọc trai. Cô cho biết, Hoa Kỳ [khu phố Tàu] không hào nhoáng như trong tưởng tượng của cô. “Sau khi đến đây, tôi nhận thấy khu phố Tàu cũ kỹ và đang trong tình trạng hư hỏng, rất hẻo lánh và bẩn thỉu, khiến tôi ngạc nhiên.”
Nhưng cô vẫn chọn ở lại Hoa Kỳ, “vì trên thực tế Hoa Kỳ lớn mạnh hơn.” Cô còn nói: “Tôi không rơi vào cảnh đói nghèo khi ở Hoa lục, nhưng mọi người đều muốn có cuộc sống tốt hơn. Cho nên tôi đã chọn Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ tốt hơn.”
‘Không gì ngăn cản việc ôm lấy tự do, dù bị trục xuất’
Anh Lý Gia Đạt (Li Jia Da), 26 tuổi, một nhiếp ảnh gia thời trang, đã đến Hoa Kỳ vào tháng Một, nhưng anh không vượt qua được cuộc xét duyệt tị nạn ban đầu khi qua biên giới phía Nam. Sau khi trải qua ba tháng tại Trung tâm giam giữ và thực thi luật pháp của Cơ quan Thực thi Di trú và Quan thuế Hoa Kỳ (ICE), anh đang phải chờ đợi thủ tục trục xuất vào năm sau.
Anh Lý Gia Đạt nói với CNN rằng, anh rất muốn ở lại Hoa Kỳ. Điều đầu tiên anh làm sau khi đến New York là thăm tượng Nữ thần Tự do.