Để đến đích, đôi khi không thể đi đường tắt!
Ngay cả khi đích đến trong tầm tay, nhưng đôi khi bạn không thể đi đường tắt, muộn một chút cũng không sao.
Cuối tuần thời tiết đẹp, tôi dẫn các con dạo chơi trên một ngọn núi nhỏ ở vùng ngoại ô.
Ngọn núi nằm ven biển, chúng tôi vừa lên núi vừa ngắm biển dọc con đường lát đá. Đi được nửa đường thì xuất hiện một ngã ba đường. Chúng tôi có thể đi tiếp theo con đường lát đá, hoặc đi theo một con đường đất nhỏ khác gần biển hơn. Giữa hai con đường có một bãi cỏ, khoảng cách cũng không xa, cho nên đi đường nào cũng không có gì khác biệt lắm.
Mấy ba con chúng tôi đều thích cảnh quan thoáng đãng hơn, vì vậy quyết định rời con đường lát đá và đi con đường đất. Mọi người vừa đi vừa nói cười rôm rả, bên tai có tiếng sóng vỗ làm bạn, trên đầu có hải âu nhẹ nhàng bay lượn, thân tâm thư thái vô cùng.
Bãi cỏ ở giữa hai con đường lúc rộng lúc hẹp, nhưng con đường đá phía bên kia luôn nằm trong tầm nhìn của chúng tôi. Lúc sắp lên đến đỉnh núi, chợt tôi phát hiện có vấn đề, bãi cỏ đã kết thúc, con đường đất dưới chân cũng đột ngột dừng lại, không còn đường để đi. Trước đó tôi đã quá tập trung vào việc ngắm nhìn phong cảnh, đến mức không để ý rằng có một hàng rào ở rìa bãi cỏ.
Lúc này, chúng tôi muốn lên được đỉnh núi thì phải quay lại con đường lát đá ban đầu, nhưng để qua con đường lát đá thì phải băng qua bãi cỏ và hàng rào. Hàng rào cao khoảng nửa mét, vượt qua không thành vấn đề. Thế nhưng hàng rào được dựng lên, thì nghiễm nhiên nhắc nhở du khách phải chấp hành ranh giới. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể quay lại ngã ba đường ban đầu để đi sang con đường lát đá.
Lũ trẻ có chút không vui bởi vì đỉnh núi đã ở ngay trước mặt. Các cháu bèn hỏi tôi tại sao chúng ta không vượt qua hàng rào cho tiết kiệm thời gian. Tôi nói với các con rằng: “Nhảy qua hàng rào rất dễ, nhưng sẽ vi phạm các quy tắc. Chúng ta đi đường vòng rồi quay lại, tuy rằng phiền phức hơn một chút, nhưng chúng ta vẫn giữ được quy tắc, hơn nữa còn có thể rèn luyện sức khỏe nhiều hơn, cũng không có tổn thất gì.”
Cứ như vậy, chúng tôi quay trở lại ngã ba đường lúc nãy, rồi đi sang con đường lát đá, và một lần nữa đi bộ lên núi.
Thực ra, tôi cũng không vội khi cùng các con đi dạo chơi, cho nên về việc lên đỉnh núi sớm hơn hay muộn hơn thì không quan trọng lắm. Chỉ là khi đỉnh núi đã ở gần ngay trong gang tấc, đó giống như là một cám dỗ cho con người vậy! Nhưng khi đó, chúng tôi không vượt qua hàng rào, mà quyết tâm nhẫn nại quay trở lại con đường lát đá. Qua sự việc này, tôi nghĩ bọn trẻ có thể học được rằng: ngay cả khi điểm đến nằm trong tầm tay, nhưng đôi khi bạn không thể đi đường tắt, muộn một chút cũng không sao…