ĐCSTQ tìm cách tạo thuận tiện cho ‘hòa giải nội bộ Palestine’ nhằm thách thức tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Trung Đông
Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Đường Tĩnh Viễn (Tang Jinyuan) cho biết: “Trung Quốc muốn chia phần trong việc tái thiết bản đồ quyền lực chính trị của Trung Đông.”
Mới đây, hai nhóm Palestine đối đầu nhau là Hamas và Fatah đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh, hướng đến hòa giải qua đối thoại. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các nhà phân tích đánh giá hành động này của Trung Quốc là một nỗ lực nhằm đối trọng với Hoa Kỳ trong vấn đề hòa bình ở Trung Đông.
Hamas là nhóm khủng bố đã kiểm soát Gaza từ năm 2006, trong khi Fatah là phe lớn nhất của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) kiểm soát các vùng lãnh thổ của người Palestine ở Tây Ngạn. Vào ngày 07/10 năm ngoái, Hamas đã phát động một cuộc tấn công khủng bố tàn bạo vào Israel dẫn đến vụ thảm sát gần 1,200 người dân, trong khi hàng trăm người khác bị bắt làm con tin.
Hôm 30/04, phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Lâm Kiếm (Lin Jian), cho biết trong một cuộc họp báo rằng, theo lời mời từ Trung Quốc, mới đây đại diện của cả hai nhóm Fatah lẫn Hamas đã đến Bắc Kinh để tham gia đối thoại nhằm thúc đẩy hòa giải nội bộ giữa người Palestine. Ông ghi nhận sự tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán, với việc cả hai bên đồng ý tiếp tục tiến trình đối thoại. Ông cũng cho biết cả hai bên đều bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực của Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh được cho là không chỉ thúc đẩy nỗ lực hòa giải mà còn bao gồm việc Trung Quốc ủng hộ Palestine gia nhập Liên Hiệp Quốc cũng như thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Về phương diện lịch sử, ĐCSTQ đã có sự đồng cảm với mục tiêu của người Palestine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Nỗ lực của Hoa Kỳ
Trong khi đó, sau khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, hôm 29/04, Ngoại trưởng Antony Blinken đã bay tới Saudi Arabia để bắt đầu chuyến thăm thứ bảy của mình đến khu vực này kể từ vụ tấn công khủng bố của Hamas ngày 07/10/2023. Mục đích của ông là thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao để đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Tại Riyadh, ông Blinken cho rằng Hamas là trở ngại duy nhất đối với lệnh ngừng bắn ở Gaza, đồng thời lưu ý rằng Israel đề xướng lệnh ngừng bắn với mục đích một số con bị bị Hamas bắt giữ được trao trả. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của chính phủ Tổng thống Biden là đạt được lệnh ngừng bắn và lập lại hòa bình ở Trung Đông.
“Tại thời điểm này, điều duy nhất ngăn người dân Gaza đạt được lệnh ngừng bắn là Hamas,” ông bày tỏ. “Họ phải quyết định, và họ phải quyết định nhanh chóng.”
Hôm 30/04, Hamas cho biết họ đang nghiên cứu đề nghị ngừng bắn của Israel, trong đó bao gồm lệnh ngừng bắn 40 ngày ở Gaza để đổi lấy việc Hamas thả 33 con tin còn Israel thả hàng trăm tù nhân Palestine.
ĐCSTQ ủng hộ Palestine
Nói về các hành động của Trung Quốc, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jinyuan), chia sẻ với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đã ủng hộ Hamas kể từ khi cuộc xung đột nổ ra nhằm thách thức những nỗ lực của Hoa Kỳ ở Trung Đông.
“Khi xung đột ở Dải Gaza sắp kết thúc và Hamas thực sự mất quyền kiểm soát tại Dải Gaza, liệu nhóm [khủng bố] này có thể tồn tại hay không chính là một câu hỏi,” ông nói. “Sự can thiệp ngoại giao của Trung Quốc vào thời điểm này là một tuyên bố rằng Trung Quốc ủng hộ Hamas về mặt chính trị và không muốn Israel loại bỏ hoàn toàn Hamas.”
Hôm 17/03, đặc phái viên Trung Quốc Vương Khắc Kiệm (Wang Kejian) đã gặp thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Qatar. Ông đã nói với thủ lĩnh Hamas này rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy “chấm dứt chiến sự” và nỗ lực hướng tới một giải pháp lâu dài cho vấn đề Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Trước đó, ông Vương đã gặp Ngoại trưởng của Chính phủ Palestine khi ở Manila, Philippines. Sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Chính phủ Palestine đã ra tuyên bố bày tỏ lòng biết ơn đối với “lập trường vững chắc” của Trung Quốc trong việc trợ giúp Palestine.
Fatah, do Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas lãnh đạo, được phương Tây công nhận là chính phủ của Khu A và Khu B ở Tây Ngạn theo Hòa ước Oslo. Vào năm 2007, Hamas trục xuất Fatah khỏi dải Gaza trong một cuộc đảo chính, dẫn đến sự hình thành hai phe đối lập trong lãnh thổ Palestine. Đến nay vẫn chưa có nỗ lực quốc tế nào có thể khiến hai phe hòa giải.
Hoa Kỳ công nhận Chính quyền Palestine này trong khi xác định Hamas là một tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Trung Quốc không xem Hamas là tổ chức khủng bố, và đối xử bình đẳng với cả hai phe.
Lợi dụng Hamas để thách thức Hoa Kỳ
Sau vụ tấn công khủng bố của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023, một phái đoàn lưỡng đảng của Quốc hội Hoa Kỳ đã đến Trung Quốc. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer bày tỏ sự thất vọng với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về việc Trung Quốc “thiếu sự đồng tình với Israel trong phản ứng chính thức của chính quyền này” đối với cuộc tấn công của Hamas, đồng thời kêu gọi Trung Quốc “sát cánh cùng người dân Israel và lên án các cuộc tấn công hèn nhát và độc ác [của Hamas].”
Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc là bằng hữu của cả Israel lẫn Palestine. Tuy nhiên, cơ quan ngôn luận tuyên truyền Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của ĐCSTQ cáo buộc rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Gaza, đồng thời cho rằng việc chọn phe sẽ chỉ “đổ thêm dầu vào lửa.”
Ông Đường tin rằng các kế hoạch hòa giải nội bộ Palestine của Trung Quốc, bao gồm cả việc thành lập một nhà nước Palestine trong tương lai, sẽ không đóng một vai trò quan trọng nào trong tiến trình này. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ đơn thuần lợi dụng cơ hội này để thao túng hai phe phái Palestine nhằm phục vụ lợi ích chính trị của mình.
Ông giải thích rằng vị trí chiến lược của Trung Đông là trọng yếu, và trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu can thiệp vào các vấn đề ở Trung Đông. Mục tiêu chính của Trung Quốc là đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực này về sau, viết lại cục diện địa chính trị, và cạnh tranh vị thế thống trị với Hoa Kỳ.