Ý kiến của tòa án cao nhất Liên Hiệp Quốc cho rằng các khu định cư của Israel vi phạm luật pháp quốc tế
Hôm 19/07, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhanh chóng bác bỏ ý kiến này.
Hôm thứ Sáu (19/07), Tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc nói rằng các khu định cư của Israel ở Tây Ngạn và Đông Jerusalem là bất hợp pháp và cần phải rời khỏi đó ngay lập tức. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ ý kiến của tòa án này.
Trong một ý kiến tư vấn, không ràng buộc, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tuyên bố rằng Israel “có nghĩa vụ phải chấm dứt sự hiện diện bất hợp pháp của mình tại Lãnh thổ bị Chiếm đóng của Palestine càng sớm càng tốt,” đồng thời nói thêm rằng các khu định cư của Israel ở Đông Jerusalem và Tây Ngạn “đã được thành lập và đang được duy trì khi vi phạm luật pháp quốc tế.”
Ý kiến này, được một hội đồng gồm 15 thẩm phán từ khắp nơi trên thế giới đưa ra, trong đó có cả Hoa Kỳ, có 11 phiếu thuận và 4 phiếu chống để tuyên bố các khu định cư này là bất hợp pháp.
Các thẩm phán ủng hộ gồm có chánh án tòa án từ Lebanon, và các thẩm phán từ Somalia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Úc, Brazil, Mexico, Hoa Kỳ, và Nam Phi. Bốn thẩm phán không đồng tình bao gồm phó chánh án tòa án đến từ Uganda, cùng với các thẩm phán đến từ Slovakia, Pháp, và Romania.
Trong một cuộc bỏ phiếu khác với tỷ lệ 14–1, hội đồng thẩm phán ICJ này đã kêu gọi dừng ngay lập tức các công trình xây dựng khu định cư mới và “di tản tất cả những người định cư” khỏi nơi mà các thẩm phán mô tả là “lãnh thổ của người Palestine bị chiếm đóng,” ám chỉ Đông Jerusalem và Tây Ngạn. Thẩm phán bất đồng ý kiến duy nhất trong trường hợp này là Phó Chánh án Julia Sebutinde đến từ Uganda.
Ý kiến của ICJ cũng tuyên bố rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và tất cả các quốc gia thành viên có nghĩa vụ không công nhận các khu định cư này là hợp pháp và không nên “cung cấp viện trợ hoặc trợ giúp” để duy trì sự hiện diện của Israel tại những khu vực này.
Bộ Ngoại giao Palestine gọi ý kiến này là “lịch sử” và kêu gọi các quốc gia Liên Hiệp Quốc nên tuân thủ. “Không viện trợ. Không trợ giúp. Không đồng lõa. Không tiền, không vũ khí, không thương mại … không có bất kỳ hành động nào ủng hộ sự chiếm đóng bất hợp pháp của Israel,” Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói bên ngoài tòa án ở The Hague.
Vụ việc này bắt nguồn từ một yêu cầu năm 2022 cho một ý kiến pháp lý của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trước cuộc chiến Israel-Hamas ở Gaza bắt đầu hồi tháng Mười năm ngoái. Israel kiểm soát Tây Ngạn, Dải Gaza, và Đông Jerusalem trong cuộc xung đột Trung Đông năm 1967 được gọi là Chiến tranh Sáu Ngày giữa Israel và Ai Cập, Syria, Jordan, và vài quốc gia Ả Rập khác.
Trong một phản ứng nhanh chóng hôm thứ Sáu, ông Netanyahu đã bác bỏ kết luận của tòa án này.
“Người Do Thái không phải là những kẻ chiếm đóng trên mảnh đất của chính mình, trong đó có cả thủ đô tồn tại đời đời Jerusalem của chúng tôi cũng như ở Judea và Samaria, quê hương trong lịch sử của chúng tôi. Không ý kiến vô lý nào ở Hague có thể phủ nhận sự thật lịch sử này hoặc quyền hợp pháp của người Israel được sống trong cộng đồng của chính họ tại quê hương của [tổ tiên] chúng tôi,” ông viết trên X.
Bộ Ngoại giao Israel cũng bác bỏ ý kiến này là “sai cơ bản” và phiến diện, đồng thời lặp lại lập trường rằng một giải pháp chính trị trong khu vực chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán.
Ý kiến này cũng gây ra sự giận dữ trong những người định cư ở Tây Ngạn cũng như các chính trị gia như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, đảng của ông có mối quan hệ mật thiết với phong trào định cư và bản thân ông cũng sống ở một khu định cư ở Tây Ngạn.
“Câu trả lời cho The Hague — Chủ quyền ngay bây giờ,” ông viết trong một bài đăng trên X, trong một lời kêu gọi rõ ràng để chính thức sáp nhập Tây Ngạn.
Ông Israel Gantz, người đứng đầu Cộng đồng Khu vực Binyamin, một trong những cộng đồng định cư lớn nhất, cũng cho rằng bản ý kiến của ICJ “trái ngược với Kinh Thánh, đạo đức, và luật pháp quốc tế.”