ĐCSTQ thành lập phòng lực lượng vũ trang trong các doanh nghiệp lớn của nhà nước
Các nhà quan sát cho rằng việc thành lập phòng lực lượng vũ trang cho thấy ĐCSTQ đang chuẩn bị cho chiến tranh khi tình trạng bất ổn trong nước ngày càng gia tăng.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền gần đây đã thành lập các phòng lực lượng vũ trang do Quân Giải phóng Nhân dân của chính quyền này quản lý trong các doanh nghiệp quốc doanh lớn.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 26/10, khi được hỏi về mục đích của các phòng ban mới này, ông Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng của ĐCSTQ, cho biết hành động này nhằm mục đích thúc đẩy hệ thống dân quân, thực hiện nghĩa vụ quốc phòng, và tăng cường quốc phòng.
Các nhà quan sát cho rằng hành động này cho thấy ĐCSTQ đang chuẩn bị cho chiến tranh cũng như để đàn áp người dân trong nước trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn.
“Các tổ chức dân quân cấp cao hơn của Phòng Lực lượng Vũ trang được kết nối trực tiếp với Cục An ninh và các đơn vị đồn trú ở nhiều tỉnh khác nhau,” ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học sống tại Úc, nói với The Epoch Times. “Đây là biện pháp ‘toàn dân làm lính’ nhất quán của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, sau cải cách và mở cửa, Phòng Lực lượng Vũ trang dần dần bị lu mờ.”
Hai mục đích
Giải thích lý do tại sao ĐCSTQ thành lập lại các phòng lực lượng vũ trang (AFD) trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, ông Lý nói: “Một mặt là để vận động toàn dân chuẩn bị chiến tranh, khuấy động chiến tranh, và khuấy động rắc rối; mặt khác là để trấn áp người dân.”
“ĐCSTQ đã thấy trước cuộc khủng hoảng nợ sắp tới, bao gồm cả tình trạng vỡ nợ thường xuyên của các đại công ty trong lĩnh vực tài chính và địa ốc, và những người đòi nợ có thể xuất hiện ở mọi lĩnh vực trong xã hội,” ông nói. “Để duy trì sự ổn định của mình, ĐCSTQ phải trấn áp họ. Đảng này cũng muốn dùng vũ lực để thôn tính Đài Loan, nên cần một số lượng lớn quân dự bị.”
“Việc thành lập AFD chính là để phục vụ mục đích chính trị của ĐCSTQ.”
Nền kinh tế Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng, và thâm hụt tài chính của chính quyền nước này tăng vọt. Dữ liệu chính thức của ĐCSTQ cho thấy vào năm 2021, nợ đầu tư đô thị đã tăng lên 56 nghìn tỷ nhân dân tệ (7.65 nghìn tỷ USD). Năm sau đó, con số này tăng lên 65 nghìn tỷ nhân dân tệ (8.88 nghìn tỷ USD).
“Nợ địa phương của Trung Quốc rất cao. Cùng với làn sóng vỡ nợ trong lĩnh vực địa ốc, người ta có thể thấy rằng xung đột xã hội có khả năng bùng phát trong ngành này,” ông Trương, một luật sư phúc lợi công cộng ở Hoa lục, nói với The Epoch Times. “Vì vậy, lực lượng vũ trang được thành lập [trong các công ty] là để duy trì sự ổn định. Và với những vấn đề lớn trong ngành địa ốc và các khoản nợ địa phương, thì chi phí duy trì sự ổn định đó có thể được duy trì lâu dài hay không vẫn là một câu hỏi.”
Ông nói rằng ngoài việc trấn áp những người đòi nợ, việc thành lập AFD trong các doanh nghiệp nhà nước có lẽ còn có mục đích giải quyết vấn đề việc làm của những người lính xuất ngũ, “bởi vì các cựu chiến binh cũng là một vấn đề lớn [đối với ĐCSTQ].”
Theo dữ liệu chính thức, ở Trung Quốc có khoảng 57 triệu quân nhân về hưu.
Đầu tháng Mười, tại cuộc họp của Tập đoàn Đầu tư Đô thị Thượng Hải về việc thành lập phòng lực lượng vũ trang tại công ty, bốn trong số bảy lãnh đạo ngồi trên bục diễn thuyết trong cuộc họp là các sĩ quan quân đội.
Hơn 20 doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc đã thành lập AFD trong năm nay. Vào tháng Tám, ba doanh nghiệp nhà nước ở Huệ Châu đã thành lập một phòng AFD liên hợp.