ĐCSTQ tăng cường kiểm soát truyền thông với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn cho ký giả
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường kiểm soát truyền thông bằng cách áp đặt các tiêu chuẩn thống nhất nghiêm ngặt hơn cho kỳ thi sát hạch chuyên môn nghiệp vụ ký giả của Trung Quốc.
Hôm 30/12, Tổng cục Xuất bản và Báo chí Quốc gia (NPPA) của ĐCSTQ đã công bố “Đề cương Sát hạch Chuyên môn Nghiệp vụ Ký giả” mới và Quy tắc Thực hiện Sát hạch Nghiệp vụ Ký giả, có hiệu lực từ ngày 01/07 do NPPA và Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội đồng ban hành.
Văn bản chính thức đã nêu rõ rằng bộ quy tắc mới này được xây dựng để “thực hiện các yêu cầu về tuyên truyền do Đảng kiểm soát, hệ tư tưởng do Đảng kiểm soát, và phương tiện truyền thông do Đảng kiểm soát”.
Kỳ thi sát hạch này được thiết kế để đánh giá liệu các ký giả có “những phẩm chất chính trị” cần thiết hay không. Nói tóm lại, đây là một thước đo xem họ có ủng hộ ĐCSTQ và tuân thủ đường lối chính trị của đảng này hay không.
ĐCSTQ tiếp tục thắt chặt kiểm soát truyền thông
Chính quyền Trung Quốc đã đang củng cố và tăng cường kiểm soát đối với các ký giả và phương tiện truyền thông trong vài năm qua. Theo một báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, kỳ thi mới được tiêu chuẩn hóa này thay thế một kỳ thi ít nghiêm ngặt hơn đã được khai triển hồi năm 2020. Kỳ thi này sẽ có phạm vi áp dụng rộng hơn các kỳ thi trước đây và sẽ kiểm tra khả năng đưa ra các đáp án đúng đắn về mặt chính trị của các ký giả trong môi trường nghiệp vụ.
Các ký giả phải vượt qua kỳ thi này mới được cấp thẻ nhà báo, tài liệu hợp thức duy nhất cho phép các ký giả hoạt động báo chí tại Trung Quốc.
“Mức độ kiểm soát mà họ có sẽ cao hơn bao giờ hết, giờ đây họ đã chuyển sang một cuộc sát hạch thống nhất trên toàn quốc,” một cựu ký giả từ chối nêu danh tính vì sợ bị trả thù, cho biết. “Các ký giả không được phép lên tiếng … hoặc nói sự thật.”
Theo quy định của NPPA, thẻ nhà báo phải được gia hạn 5 năm một lần và được xác thực hàng năm. Nếu thẻ nhà báo không vượt qua vòng xác thực này, thì tấm thẻ này sẽ bị hủy. Những người vi phạm có thể bị chính quyền phạt tiền và truy tố hình sự.
Khi ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát, số lượng ký giả được cấp phép ở Trung Quốc tiếp tục giảm xuống. Tháng 11/2012, có 248,101 ký giả được công nhận ở Trung Quốc. Đến tháng 04/2022, con số đó đã giảm xuống còn 180,075 ký giả đã vượt qua bài kiểm tra và lấy được chứng chỉ báo chí một cách thành công. Con số đó tương đương với việc giảm 68,026 ký giả — giảm 27.4% trong vòng 10 năm.
Việc trấn áp thông tin của ĐCSTQ
Trong bối cảnh dịch COVID-19 phát triển phức tạp và mạnh mẽ, việc Trung Quốc kiểm soát thông tin và mở rộng phạm vi kiểm soát đó là điều đặc biệt rõ ràng.
Một ví dụ điển hình xảy ra khi Đại học Bách khoa Đại Liên, ở tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, công bố 25 cáo phó chỉ trong một ngày duy nhất, hôm 03/01. Danh sách tử vong này đã khiến nhiều người lo ngại. Trường đại học này sau đó đã xóa danh sách tử vong hôm 03/01 nói trên. Vào thời điểm xuất bản bài viết này, thì cáo phó duy nhất còn lại trên trang web của trường đại học này là những cáo phó được công bố trước cuối năm 2022.
Hôm 20/12, CDC của Trung Quốc đã báo cáo 3,101 ca nhiễm mới được xác nhận trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo biên bản bị rò rỉ từ một cuộc họp nội bộ của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ước tính có khoảng 37 triệu người đã thực sự bị nhiễm bệnh vào ngày hôm đó — một sự khác biệt gấp mười hai lần.
Giữa cơn bão truyền thông ngay sau đó, hôm 24/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đột ngột ngừng công bố các báo cáo hàng ngày về tình hình dịch COVID-19. Ủy ban này đã và đang công bố các báo cáo hàng ngày kể từ năm 2020. Bản cập nhật cuối cùng trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (gọi tắt là CDC Trung Quốc) có mốc thời gian dừng lại lúc 24:00 ngày 08/01.
Cuối tháng 12/2022, một quan chức của CDC Trung Quốc cho biết CDC đã điều chỉnh việc quản lý dịch COVID-19 thành “Loại B,” và theo đó sẽ chỉ công bố dữ liệu về bùng phát dịch theo hàng tháng mà thôi. Tuy nhiên, quan chức này không nói rõ thông báo về tình hình dịch bệnh sẽ được đưa ra vào thời điểm nào mỗi tháng.
Hôm 14/01, Ủy ban Y tế Quốc gia cuối cùng đã đưa ra bản số liệu tử vong được cập nhật, công bố gần 60,000 ca tử vong liên quan đến COVID trong khoảng thời gian từ ngày 08/12 đến ngày 12/01. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa số liệu cập nhật và dữ liệu trước đó — vốn báo cáo số ca tử vong không đáng kể — là đáng chú ý, và trở thành vấn đề bị nhiều người nghi vấn.
Trong các báo cáo của phương tiện truyền thông, số người tử vong cập nhật được đưa ra có chút đáng tin cậy hơn so với các thông báo trước đó, vốn hoàn toàn trái ngược với cảnh tượng nhà tang lễ chật cứng và các lò hỏa táng quá tải.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Quý Lâm (Ji Lin) nói với The Epoch Times hôm 15/01, “Các quốc gia khác không có cách nào biết được tình trạng thực sự của đại dịch ở Trung Quốc và liệu chủng virus này có đột biến trong đợt bùng phát trên người ở quy mô lớn này hay không, vì vậy các quốc gia khác chỉ có thể phản ứng một cách thụ động mà thôi.”