ĐCSTQ phản ứng với bà Liz Truss và nội các mới bằng sự im lặng và thái độ hoài nghi
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã nhậm chức và công bố các thành viên trong nội các mới của bà hôm 06/09. Bà Truss được biết đến với lập trường cứng rắn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và một số thành viên nội các mới cũng vậy. Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã không gửi lời chúc mừng đến bà Truss, mặc dù chế độ này và các phương tiện truyền thông của họ đang phản ứng với chính phủ mới của Vương quốc Anh bằng thái độ hoài nghi.
Là một người chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc, bà Truss đã nhiều lần khiển trách ĐCSTQ về những vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông sau khi bà trở thành ngoại trưởng vào năm ngoái.
Đầu tháng Tám năm nay, sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan, ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan, điều mà bà Truss đã lên án. Bà đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để giải thích các hành động của ĐCSTQ. Bà Truss nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã chứng kiến những hành vi và phát ngôn ngày càng hung hăng của Bắc Kinh trong những tháng gần đây, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Ông Tom Tugendhat, người được bổ nhiệm làm bộ trưởng an ninh, nằm trong số các thành viên nội các mới có cùng quan điểm với bà Truss. Ông Tugendhat đã bị ĐCSTQ trừng phạt vào năm ngoái vì chỉ trích chế độ này lạm dụng nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương.
Ông cũng là người sáng lập và là chủ tịch của “Nhóm Nghiên cứu về Trung Quốc” (“China Study Group”) của Quốc hội Anh.
Ông Tugendhat đã phản đối việc sử dụng công nghệ 5G của Huawei ở Vương quốc Anh, dẫn đến lệnh loại trừ Huawei nghiêm ngặt. Ông cho rằng những sinh viên Trung Quốc có nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia của Vương quốc Anh nên bị nghiêm cấm vào các trường đại học của Anh. Ông cũng thúc giục chính phủ Anh buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về việc che giấu thông tin về sự bùng phát COVID-19. Sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia Hồng Kông, ông Tugendhat đã kêu gọi chính phủ Anh trừng phạt ĐCSTQ hơn nữa. Sau báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Tân Cương, ông đã viết một bài báo cho giới truyền thông rằng “Những tội ác của Trung Quốc (ĐCSTQ) phải bị đưa ra xét xử.”
Chính quyền Trung Quốc phản ứng với bà Truss
Kể từ khi bà Truss trở thành tân thủ tướng của Vương quốc Anh và thành lập nội các mới, các nhà lãnh đạo thế giới đã chính thức bày tỏ lời chúc mừng. Tuy nhiên, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vẫn giữ im lặng. Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, chỉ đưa tin hôm 07/09 rằng thủ tướng Lý Khắc Cường của chế độ này đã chúc mừng bà Truss.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không gửi bất kỳ lời chúc mừng nào. Phát ngôn viên của cơ quan này, bà Mao Ninh, chỉ nói hôm 06/09 rằng bà hy vọng mối quan hệ với Anh sẽ “đi đúng hướng.”
Bà Truss coi Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh quốc gia của Vương quốc Anh, như báo chí phương Tây đã đưa tin. Theo các bài báo, bà dự định sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với chế độ này với tư cách là thủ tướng.
Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết ông sẽ không bình luận khi được hỏi về các bản tin này tại một cuộc họp báo.
Phản ứng của phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đối với bà Truss và nội các mới
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã chế nhạo bà Truss và nội các của bà.
Thời báo Hoàn cầu (Global Times), phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, đã gọi bà Truss là một “người theo chủ nghĩa dân túy cấp tiến” và nói rằng bà nên loại bỏ “tâm lý đế quốc lỗi thời.” Một bài báo khác của Thời báo Hoàn cầu nói rằng bà Truss cần gấp rút sửa chữa “sự kém nổi tiếng trên trường quốc tế” của bà, gọi bà là “một người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc” và nói rằng bà sẽ là thủ tướng tại vị ngắn nhất.
CCTV, mạng truyền hình quốc gia của ĐCSTQ, nói rằng tân thủ tướng Anh đang phải đối mặt với áp lực đáng kể trong và ngoài nước.
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, nhận xét rằng Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Vương quốc Anh, và Vương quốc Anh chỉ đơn giản là không có vốn hoặc can đảm để “đoạn tuyệt” với Trung Quốc. Ông Hồ nói rằng sau khi trở thành thủ tướng, bà Truss sẽ lùi lại một bước trong lập trường cứng rắn của mình, và thái độ của bà đối với Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia về Trung Quốc: Bà Truss sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn của mình đối với Trung Quốc
Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), tổng biên tập danh dự tạp chí Hoa ngữ Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói với The Epoch Times hôm 06/09 rằng ông tin rằng lý do mà bà Truss giành được quyền lãnh đạo Đảng Bảo Thủ là do bà đã có thái độ rất cứng rắn đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ ngoại trưởng, và sự ủng hộ của bà đối với Ukraine khi Nga xâm lược Ukraine.
“Không chỉ ở Anh, mà ở các nước phương Tây khác, các đảng chính trị gần đây đã có một lập trường cứng rắn trong chính sách đối với Trung Quốc của họ trong thời gian bầu cử. Điều này đã trở thành một xu hướng toàn cầu,” ông Trần nói. Ông thừa nhận rằng một số chính trị gia đã thay đổi với một quan điểm ôn hòa hơn đối với Trung Quốc sau khi đắc cử. Tuy nhiên, ông cho rằng lập trường của bà Truss về Trung Quốc sẽ nhất quán. “Tôi tin rằng sau khi bà ấy trở thành thủ tướng, rất có thể bà ấy sẽ tiếp tục quan điểm như khi còn là ngoại trưởng.”
Ông Tống Quốc Thành (Song Guocheng), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc lập Chính Trị ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng bà Truss coi ĐCSTQ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Anh, “có nghĩa là chính sách tương lai của bà ấy đối với Trung Quốc sẽ chỉ cứng rắn hơn, và mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Anh sẽ dần suy yếu khi bà Truss nhậm chức.”
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm, Lạc Á, và Từ Giản
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times