ĐCSTQ kêu gọi chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế, một mũi tên trúng hai đích
Chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lan rộng trên toàn quốc. Các địa phương tập hợp, công bố phương thức tố cáo và xử phạt, đồng thời kêu gọi người dân tham gia chiến dịch này.
Theo số liệu công bố cho thấy, tỉnh Thiểm Tây đang dẫn đầu với tuyên bố xử phạt 937 cá nhân có hành vi tham nhũng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế của ĐCSTQ thực chất không phải là chống tham nhũng, mà chỉ để giải quyết khó khăn cho ngân sách nhà nước, đồng thời lấy lòng dân.
Hôm 10/08, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, các vấn đề xoay quanh việc chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế trên toàn quốc liên tục nhận được sự quan tâm chú ý. Các tỉnh như Bắc Kinh, Trùng Khánh, Hải Nam, Vân Nam, Tứ Xuyên cũng lần lượt đưa ra thông báo, đồng thời kêu gọi người dân cùng tham gia chiến dịch tố cáo này.
Nội dung tố cáo bao gồm các vấn đề tham nhũng như nạn nhận “hoa hồng” trong mua bán thiết bị, dược phẩm và vật tư y tế, nhân viên y tế nhận chiết khấu và vi phạm “9 nguyên tắc đạo đức hành nghề.”
Hôm 11/08, Ủy ban Thanh tra và Giám sát Kỷ luật tỉnh Thiểm Tây đã dẫn đầu trong việc công bố xử phạt trường hợp tham nhũng y tế.
Đơn vị này cho biết, tính đến đầu tháng Tám năm nay, các cấp tỉnh thành đã tiếp nhận tổng cộng 2,521 văn kiện liên quan đến vấn đề tham nhũng. Trong đó, 2,371 văn kiện đã giải quyết xong, xử phạt 937 người có liên quan; 47 văn kiện đã được chuyển lên cơ quan Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Trung ương.
Trong thông cáo của ủy ban này còn nêu rõ, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thiểm Tây đã tổ chức thực hiện giám sát kiểm tra tình hình hoạt động của 15,100 đơn vị y tế trên toàn tỉnh.
Giám đốc tại các bệnh viện Trung Quốc đã trở thành mục tiêu chống tham nhũng, nhiều trưởng khoa cũng bị liệt vào danh sách.
Truyền thông Hoa lục thống kê, đến giữa tháng Tám năm nay, có ít nhất 168 giám đốc bệnh viện, bí thư và lãnh đạo cao cấp đã bị điều tra.
Phân tích: Chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế của ĐCSTQ – Một mũi tên trúng hai đích
Đối với chiến dịch lần này của ĐCSTQ, hôm 11/08, ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), Thạc sĩ Luật Quốc tế, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Có ít nhất hàng chục ngàn viện trưởng, bí thư và lãnh đạo thuộc các cơ quan y tế ở Trung Quốc, mới điều tra ra 100-200 người thì đã tính là gì? Về bản chất, thực trạng tham nhũng và vấn đề tồn đọng trong ngành y tế cũng giống như các lĩnh vực khác. Có thể nói thế này, cứ 10 quan chức thì có đến 9.5 người tham nhũng. Bởi vậy, những người bị điều tra chỉ là chọn ngẫu nhiên mà thôi.”
Ông Lại Kiến Bình nói thêm, “Toàn bộ cơ chế của ĐCSTQ là một loại cơ chế tham nhũng và lợi ích. Nếu quý vị không phù hợp với cơ chế này, thì quý vị sẽ không thể tồn tại trong nó. Vì vậy, chỉ những người tuân theo bộ quy tắc ngầm này mới có thể thăng tiến.”
Cùng ngày 11/08, bà Đàm Vĩ (Tan Wei), cựu bác sĩ Khoa ngoại trú số 2 của Bệnh viện Quân khu Quảng Châu, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, việc ĐCSTQ hô hào chống tham nhũng, thực chất không hẳn là muốn giải quyết vấn đề đó, mà là để kiếm tiền, giải quyết khó khăn về tài chính.
Bà nói: “Các bệnh viện trên toàn quốc, có nơi nào là không tham nhũng? Cơ chế giám sát không nghiêm, những vấn đề này tồn đọng hàng chục năm, vì sao bây giờ mới tiến hành bắt bớ? Là vì ĐCSTQ không còn tiền nữa rồi. Họ vỗ béo những con heo này, và họ cho rằng giờ đã đến lúc thịt chúng.”
Bà cho biết, chính chế độ ĐCSTQ đã tạo nên vấn nạn tham nhũng hủ bại trong lĩnh vực y tế, chính sách “tự thu tự chi” ở các cơ sở y tế đã ngầm ủng hộ và tiếp tay cho bác sĩ sử dụng thủ đoạn kiếm tiền từ bệnh nhân, ngầm cho phép lãnh đạo bệnh viện và bác sĩ nhận 20% tiền chiết khấu hoặc cao hơn. Chính sách này là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trong ngành y tế. Bởi vậy, nếu không thay đổi chính sách thì vĩnh viễn không giải quyết được vấn nạn này.
Ông Vương Hách (Wang He), nhà bình luận có kiến thức về y khoa hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cho biết: “Cả hệ thống [ĐCSTQ] là một hệ thống hủ bại, tất cả đều đã mục nát.” Theo ông, ngoài mục đích giải quyết vấn đề tài chính ra, chiến dịch chống tham nhũng này của ĐCSTQ còn nhằm xoa dịu lòng dân.
Ông Vương phân tích: “Bởi vì người dân gặp khó khăn trong việc khám chữa bệnh, khiến họ vô cùng bất bình. Ngành y tế được xem như một trong ba ngọn núi lớn của Trung Quốc. Vì vậy, việc chính quyền tiến hành chiến dịch chống tham nhũng, không chỉ giải quyết vấn đề tài chính, mà còn có thể xoa dịu nỗi bất bình của người dân, có thể mua chuộc lòng dân.”
Tuy nhiên, ông Vương cũng cho biết, hiện tại toàn bộ hệ thống y tế đã bị hủ bại nghiêm trọng, cho nên sẽ rất khó để giải quyết tận gốc những vấn đề này.
Ngay từ năm 2009, ĐCSTQ đã ban hành kế hoạch cải cách hệ thống y tế, do Phó Thủ tướng đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Lý Khắc Cường đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ban cải cách Y tế Quốc gia. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, nước này vẫn chưa đạt được thành tựu nào.
Ông Vương Hách phân tích: “Trước đây, y bác sĩ được xem là ‘Thiên thần áo trắng,’ nay đã biến thành ‘bạch nhãn lang’ [sói mắt trắng]. Khi đạo đức xã hội sụp đổ, có ba tuyến phòng thủ cuối cùng, một trong số đó là bác sĩ và bệnh nhân, hiện giờ tuyến này cũng đã bị sụp đổ hoàn toàn rồi. Trong một xã hội không có đạo đức như vậy, liệu quý vị còn nghĩ rằng bệnh viện là một nơi trong sạch hay không?”
Lý Vận thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ