ĐCSTQ cho thấy cuộc chiến ‘khí hậu’ không thực sự về khí hậu
Quý vị không cần phải là một nhà khoa học về khí hậu để nhận ra rằng những kẻ đầu sỏ của nhóm “biến đổi khí hậu” lại không thực sự tin vào câu chuyện mà họ đang thuyết phục để người ta phải tin.
Và không phải chỉ vì họ bay vòng quanh thế giới bằng những chiếc phi cơ riêng để rao giảng cho quý vị về chiếc xe hơi và những chiếc bánh mì kẹp thịt của quý vị.
Trên thực tế, nếu những người ở cấp cao nhất hoàn toàn tin tưởng vào quan điểm rằng lượng phát thải carbon dioxide (CO2) của con người thực sự là “nguồn ô nhiễm” tạo ra một “cuộc khủng hoảng khí hậu,” thì họ đúng là sẽ đang làm điều ngược lại với những gì họ đang thực sự làm.
Việc xem xét chính sách khí hậu và Trung Quốc cộng sản chứng minh cho luận điểm đó.
Chúng ta hãy xem xét Hiệp định Paris của Liên Hiệp Quốc. Vốn được đàm phán tại Hội nghị Các bên lần thứ 21 (COP21) ở Paris hồi năm 2015, thỏa thuận toàn cầu này kêu gọi chính phủ các quốc gia đưa ra cam kết của chính quốc gia mình về những gì mà họ buộc người dân của mình phải chống lại cái được cho là “cuộc khủng hoảng khí hậu.”
Theo thỏa thuận này, chính phủ ông Obama đã đơn phương cam kết cắt giảm hơn 25% lượng phát thải CO2 ở Hoa Kỳ vào năm 2025. Cam kết này được áp đặt lên những người Mỹ thông qua các sắc lệnh và các quy định liên bang để tránh liên quan đến Quốc hội. Các chính phủ phương Tây khác cũng đưa ra những lời hứa tương tự.
Ngược lại, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã tạo ra lượng khí CO2 nhiều hơn nhiều so với Hoa Kỳ, và hiện nay thải ra nhiều hơn toàn bộ thế giới phương Tây cộng lại — và thêm nữa họ còn cam kết chỉ duy trì tăng lượng phát thải trong 15 năm tới. Thật nghiêm trọng.
Trong bản đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (pdf), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đồng ý “đạt được mức phát thải carbon dioxide cao nhất vào khoảng năm 2030.”
Nói cách khác, chính quyền này đã tự hào tuyên bố với thế giới rằng lượng phát thải CO2 của họ sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 15 năm, vào thời điểm mà thậm chí sẽ không ai nhớ đến các cam kết ở Paris nữa.
Tại hội nghị thượng đỉnh đó của Liên Hiệp Quốc, khi tôi yêu cầu các thành viên của phái đoàn Trung Quốc bình luận, thay vì trả lời, họ đã cử một trong những thuộc hạ của họ theo dõi tôi xung quanh hội nghị và chụp ảnh tôi. Tôi đã nhanh chóng thông báo cho an ninh Liên Hiệp Quốc và cảnh sát Pháp về việc này.
Một điều có lợi cho ĐCSTQ là vào năm 2030 sẽ không ai nhớ đến những lời hứa của họ, bởi vì hầu như mọi nhà phân tích, những người đã từng quan sát quá trình xây dựng nhà máy nhiệt điện than của chính quyền này, đều thừa nhận rằng không có cách nào mà lượng phát thải của họ sẽ đạt “đỉnh” vào năm 2030. Như lịch sử đã cho thấy rằng dù sao đi nữa những lời hứa hẹn của những người cộng sản chưa bao giờ có giá trị trên giấy trắng mực đen đã được in ra.
Tuy nhiên, ĐCSTQ không hề nói đùa về việc tăng lượng phát thải của họ: Bắc Kinh hiện đang đưa nhiều nhà máy nhiệt điện than vào hoạt động từ nay đến năm 2025 hơn so với tổng số [nhà máy điện hiện có] của Hoa Kỳ.
Theo báo cáo (pdf) hồi tháng 02/2021 của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM), ĐCSTQ đã xây dựng công suất điện than nhiều hơn gấp ba lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại trong năm 2020. Theo [báo cáo] “Bùng nổ và Suy thoái 2020: Theo dõi đường ống của nhà máy điện than toàn cầu” (Boom and Bust 2020: Tracking the Global Coal Plant Pipeline) của GEM, Trung Quốc đã chiếm khoảng một nửa công suất điện chạy than của thế giới.
Theo dữ liệu từ Dự án Carbon Toàn cầu, Trung Quốc đã thải ra lượng CO2 nhiều hơn gấp đôi so với Hoa Kỳ. Lượng phát thải của Trung Quốc đang tăng rất nhanh ngay cả khi lượng phát thải của Hoa Kỳ và lượng phát thải từ các quốc gia phương Tây khác tiếp tục giảm.
Năm 2021, người Mỹ thải ra khoảng 5 tỷ tấn CO2, trong khi Trung Quốc thải ra khoảng 11.5 tỷ tấn. Nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, trong một tương lai không xa, ĐCSTQ có thể thải ra nhiều CO2 hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại.
Hãy suy nghĩ về điều này. Nếu người ta thực sự lo ngại về lượng phát thải CO2 tạo ra “địa ngục khí hậu,” như các nhà lãnh đạo thế giới đã tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh “khí hậu” gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc ở Ai Cập mà tôi đã tham dự, thì họ sẽ hoảng loạn, chứ không ăn mừng.
Di dời hoạt động sản xuất
Một lần nữa, tất cả hoạt động sản xuất được chuyển ra khỏi phương Tây và đưa vào Trung Quốc sẽ dẫn đến lượng khí CO2 đi vào bầu khí quyển nhiều hơn so với hoạt động sản xuất đó vẫn được duy trì ở Hoa Kỳ, Canada, hoặc Âu Châu.
Chưa hết, các chính phủ phương Tây, các nhà hoạt động khí hậu được tài trợ từ nguồn thuế, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, và các đồng minh truyền thông của họ, tất cả đều đã ca tụng và tiếp tục tán dương Thỏa thuận Paris và các thỏa thuận tiếp theo sau đó như một thành công to lớn trong việc cứu lấy khí hậu.
Có lẽ đã định làm gì đó khi vào năm 2012, ông Donald Trump viết trên Twitter: “Chính quyền Trung Quốc đã tạo ra khái niệm về sự nóng lên toàn cầu và cho chính họ nhằm khiến ngành sản xuất của Hoa Kỳ trở nên không còn tính cạnh tranh nữa.”
Tất nhiên, điều đó chính là những gì đã xảy ra khi giá điện ngày càng được đẩy lên cao hơn theo thời gian. Năm 1975, giá điện trung bình khoảng 3 cent/kwh, giúp ngành công nghiệp Hoa Kỳ duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Đến năm 2010, một phần do các chính sách của ông Obama, giá điện đã tăng gấp ba lần. Và đến năm 2021, nó đã đạt gần 15 cent
Để đối chiếu, giá điện ở Trung Quốc chỉ bằng một nửa con số đó.
Có nhiều lý do khiến hoạt động sản xuất chuyển từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc — trong đó có nhiều nguyên nhân liên quan trực tiếp đến chính sách của Hoa Kỳ — nhưng một yếu tố chính là chi phí năng lượng.’’
Tuy nhiên, ông Obama đã công khai khoe khoang giá năng lượng cao hơn là một mục tiêu chính sách. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2008 với tờ San Francisco Chronicle, ông Obama nêu rõ: “theo kế hoạch của tôi … giá điện nhất thiết phải tăng vọt.”
Cuối năm đó, ông ấy cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi giá xăng tăng vọt lên khoảng 4 USD, nói rằng ông ấy hẳn sẽ “ưa thích” một “sự điều chỉnh dần dần” hơn là tăng mạnh.
Đối mặt với chi phí lao động cao hơn và một môi trường pháp lý khó khăn hơn, các công ty và doanh nhân Mỹ đã phải chật vật để duy trì hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ trong bối cảnh cơ chế thương mại toàn cầu bị gian lận mang lại lợi ích cho ĐCSTQ bằng phí tổn của Mỹ.
Chi phí năng lượng tăng cao trong nhiều trường hợp đã đẩy các công ty đến bờ vực thẳm, buộc họ phải chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc hoặc đóng cửa trước sự cạnh tranh của Trung Quốc.
Một lần nữa, nếu quý vị thực sự tin rằng CO2 là nguồn ô nhiễm, thì kết quả tồi tệ nhất có thể có từ các cuộc đàm phán về “khí hậu” sẽ là việc chuyển nhiều hoạt động sản xuất hơn nữa sang Trung Quốc, nơi mà lượng phát thải CO2 trên mỗi đơn vị sản xuất kinh tế là cao hơn rất nhiều.
Nhưng đây mới chính xác là kết quả của quá trình “khí hậu” được Liên Hiệp Quốc ca tụng rất nhiều.
Việc chuyển đổi sang cái gọi là “năng lượng tái tạo” do chính phủ ông Biden và các nhà hoạch định chính sách liên bang thiết kế cũng đã từng và sẽ tiếp tục là một mối lợi to lớn đối với ĐCSTQ — và không chỉ bởi vì điều này sẽ đẩy giá cả cao hơn trong khi gây cho mạng lưới năng lượng của Hoa Kỳ bất ổn hơn.
Theo dữ liệu của Bloomberg (pdf), gần 80% pin quang năng được sản xuất trong năm 2019 là từ Trung Quốc. ĐCSTQ thống trị hoạt động sản xuất trong lĩnh vực phong năng và cả ngành công nghiệp pin. Họ cũng kiểm soát chuỗi cung ứng đối với vật liệu đất hiếm cần thiết để sản xuất tất cả các sản phẩm “năng lượng xanh” này.
Về phần mình, chính phủ Hoa Kỳ đang cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp do ĐCSTQ thống trị này, đồng thời buộc người Mỹ phải phụ thuộc vào họ thông qua các luật lệ, quy định, trợ cấp, và các chính sách khác. Cách mà điều này được cho là để giúp [cải thiện] môi trường thì chưa bao giờ được nói rõ.
Đối với một số quan điểm về cuộc tàn sát kinh tế do kế hoạch Paris của ông Obama gây ra cho nước Mỹ được ông tuyên bố là một “thỏa thuận hành pháp” và do đó không cần phải có sự chấp thuận của Thượng viện theo yêu cầu của Hiến Pháp, Quỹ Di sản đã phân tích các con số này trong một nghiên cứu năm 2016.
Trong số những phát hiện khác, tổ chức tư vấn có khuynh hướng bảo tồn truyền thống này cho biết các cam kết Paris của ông Obama, sẽ làm tăng chi phí điện cho một gia đình bốn người từ 13% đến 20% hàng năm, trong khi làm bốc hơi gần nửa triệu việc làm, trong đó có khoảng 200,000 việc làm trong ngành sản xuất.
Thiệt hại đó tương đương với khoảng 20,000 USD thu nhập mà các gia đình Mỹ bị mất vào năm 2035 và GDP giảm đi hơn 2.5 ngàn tỷ USD.
Ai được hưởng lợi?
Ai được hưởng lợi từ tất cả những điều này? Chắc chắn không phải là “khí hậu.” Một lần nữa, việc chuyển ngành công nghiệp của Hoa Kỳ đến Trung Quốc sẽ dẫn đến lượng phát thải CO2 trong khí quyển nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Và trong mọi trường hợp, dựa trên các “mô hình” đã bị lật tẩy của chính Liên Hiệp Quốc, việc loại bỏ hoàn toàn tất cả lượng phát thải CO2 của Hoa Kỳ hầu như sẽ không dẫn đến sự giảm nhiệt độ toàn cầu.
Theo một bài báo được bình duyệt của Tiến sĩ Bjorn Lomborg đăng trên tạp chí Global Policy, ngay cả khi tất cả các cam kết quan trọng đó được đưa ra ở Paris, đều được thực hiện, thì nhiệt độ toàn cầu cũng sẽ chỉ mát hơn 0.05 độ C (0.086 độ F) vào năm 2100 — với một sai số làm tròn không đáng kể về mặt thống kê.
Tất nhiên, kẻ chiến thắng quang vinh là ĐCSTQ, vốn là kẻ đang trục lợi khi tiếp nhận các nhà máy, các công việc, và hoạt động sản xuất của cải mà Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác đang đóng cửa để “cứu lấy khí hậu.”
Điều này dường như là có chủ ý, như những tuyên bố của các quan chức hàng đầu trong chính phủ ông Obama và Liên Hiệp Quốc đã nói rõ.
“Sa hoàng Khoa học” John Holdren của ông Obama đã công khai ủng hộ việc phi công nghiệp hóa Hoa Kỳ trong cuốn sách có nhan đề “Sinh Thái Học Nhân Loại” (Human Ecology) năm 1973 của ông.
“Một chiến dịch lớn phải được phát động để khôi phục một môi trường chất lượng cao ở Bắc Mỹ và khiến Hoa Kỳ giảm phát triển,” ông Holdren và các đồng tác giả của ông đã viết. “Việc giảm phát triển có nghĩa là đưa hệ thống kinh tế của chúng ta (đặc biệt là các mô hình tiêu dùng) phù hợp với những thực tế của hệ sinh thái.”
Vậy thì hãy xem xét những bình luận có vẻ kỳ quặc của bà Christiana Figueres, Thư ký Điều hành đương thời của Liên Hiệp Quốc về Công ước Khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu.
Nói chuyện với Bloomberg vài tháng sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ sự ngưỡng mộ đáng lo ngại đối với ĐCSTQ, bà Figueres tuyên bố rằng chính quyền ở Bắc Kinh — giám sát một phần ba lượng phát thải CO2 toàn cầu — đang “làm đúng” về chính sách khí hậu.
Trong các bình luận khác khi thúc đẩy các chính sách khí hậu quan trọng, bà Figueres cũng đề xướng mục tiêu của chính sách “khí hậu” thực ra là chuyển đổi kinh tế.
Vào ngày 04/02/2015, bà Figueres đã nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà chúng ta đặt ra cho mình một nhiệm vụ có mục tiêu trong một khoảng thời gian xác định, là thay đổi mô hình phát triển kinh tế đã ngự trị ít nhất 150 năm qua, kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp.”
Năm năm trước những bình luận đó, một trong những quan chức hàng đầu của Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, ông Ottmar Edenhofer, đã tiết lộ một nghị trình tương tự trong các bình luận cho tờ báo mạng NZZ của Đức.
“Người ta phải nói rõ ràng rằng chúng ta phân phối lại của cải của thế giới trên thực tế bằng chính sách khí hậu,” ông nói. “Người ta phải giải thoát bản thân ra khỏi ảo tưởng rằng chính sách khí hậu quốc tế là chính sách môi trường. Điều này hầu như không còn liên quan gì đến chính sách môi trường nữa.”
Phân phối lại của cải à? Thay đổi mô hình kinh tế của thế giới sao? Làm cho Hoa Kỳ giảm phát triển ư? Còn tại đây, người Mỹ đang được cho biết chuyện này là nói về việc “cứu lấy khí hậu.”
Hãy nhớ rằng khi ông Trump rút khỏi hiệp định Paris, những nhà báo động về khí hậu trên khắp thế giới đã tuyên bố rằng Bắc Kinh là “nhà lãnh đạo” toàn cầu mới trong nỗ lực cứu lấy khí hậu — cũng chính quyền này, vừa giám sát lượng phát thải CO2 nhiều nhất, vừa đang xây dựng nhà máy điện than nhanh hơn chúng có thể đếm được, và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lượng phát thải CO2 cho đến năm 2030.
Nếu đây thực sự là về việc cứu lấy khí hậu khỏi lượng phát thải CO2, thì làm sao ĐCSTQ có thể trở thành nhà lãnh đạo mới như vậy được? Chuyện này hết sức vô lý.
Bất chấp tất cả những điều này, chính phủ ông Biden vẫn tiếp tục tăng cường “hợp tác” về “hành động vì khí hậu” và Thỏa thuận Paris với Bắc Kinh, chắc chắn đã tạo nên sự thích thú và hân hoan giữa các thành viên trong Bộ Chính trị của ĐCSTQ.
Không chỉ Trung Quốc mới được hưởng lợi. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của quốc hội đã phát hiện ra rằng các nhóm lợi ích năng lượng của Nga do nhà nước hậu thuẫn cũng đang tài trợ cho các nhóm “xanh” của Hoa Kỳ chống lại ngành năng lượng của Hoa Kỳ thông qua một công ty bình phong ở Bermuda có tên là Klein Ltd.
Chính quyền ở Venezuela cũng vậy, đang trục lợi khi chính phủ ông Biden phá hoại ngành năng lượng của Hoa Kỳ và khẩn cầu chế độ độc tài Maduro gửi dầu đến Mỹ.
Nói rõ hơn, tôi không phàn nàn gì về lượng phát thải CO2 của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học đã nói với tôi rằng “khí của sự sống” này càng nhiều sẽ càng mang lại lợi ích to lớn cho hành tinh và nhân loại.
Nhiều năm trước, giáo sư vật lý Princeton đã về hưu, Tiến sĩ William Happer, người từng là cố vấn khí hậu cho ông Trump, đã nói với tôi tại một hội nghị về khí hậu mà cả hai chúng tôi đã nói tại đó rằng hành tinh này cần nhiều CO2 hơn và thực vật được kiến tạo để sống trong bầu khí quyển có nhiều CO2 hơn một chút so với hành tinh hiện có.
Thêm vào đó, lượng phát thải CO2 do con người thải ra chỉ chiếm một phần nhỏ trong 1% của tất cả cái gọi là “khí nhà kính” hiện diện tự nhiên trong bầu khí quyển.
Tóm lại, nếu một người thực sự tin rằng CO2 có hại cho khí hậu, thì việc di chuyển hoạt động sản xuất và ngành công nghiệp của Hoa Kỳ sang Trung Quốc, là cách tệ hại nhất có thể để giải quyết vấn đề đó. Sau đó, nói một cách hợp lý, các nhà hoạch định chính sách đằng sau chuyện này chắc hẳn có một động cơ ẩn giấu.
Tất nhiên, ĐCSTQ yêu thích thỏa thuận Paris này: Họ không làm gì khác ngoài việc xây dựng thêm các nhà máy điện than để cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp và các nhà máy đào thoát khỏi nước Mỹ để đến Trung Quốc khi chính phủ Hoa Kỳ buộc Hoa Kỳ phải tự sát về kinh tế.
Đây cũng không chỉ là một vấn đề kinh tế hay “khí hậu.” Vì Hoa Kỳ đang “giảm phát triển,” nên sự tàn phá kinh tế đó tạo ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Rõ ràng, một quân đội mạnh mẽ không thể được tài trợ nếu không có một nền kinh tế mạnh mẽ.
Đã đến lúc các nhà lập pháp tại Hạ viện Hoa Kỳ phải chấm dứt các chính sách “khí hậu” của chính phủ vốn không có tác dụng gì khác ngoài việc làm tăng lượng phát thải CO2 của ĐCSTQ và gây hại cho Hoa Kỳ.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times