Đẩy mạnh cuộc đua ‘dầu mỏ mới,’ Trung Quốc mua các mỏ Lithium ở Argentina
Do nguồn cung cấp lithium trong nước hạn chế, các công ty liên quan đến pin ở Trung Quốc đã tăng cường cạnh tranh đối với các nguồn lithium bên ngoài.
Phúc đáp một bài đăng hôm 13/07 nói rằng không có an ninh nào mà lại không có sự độc lập về năng lượng, CEO Tesla Elon Musk đã viết: “Hoàn toàn có thể. Và pin lithium là loại dầu mỏ mới.”
Việc sản xuất “dầu mỏ mới” này không thể tách rời với các nguồn quặng lithium. Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã tăng cường mua lại các mỏ lithium trên khắp thế giới, và do đó mở rộng quyền kiểm soát của họ đối với các nguồn lực thượng nguồn của chuỗi công nghiệp xe điện (EV).
Hôm 11/07, Ganfeng Lithium của Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ mua lại 100% cổ phần trong tập đoàn khai thác Lithea của Argentina với giá 962 triệu USD. Lithea chủ yếu tham gia vào việc mua lại, thăm dò, và phát triển các mỏ lithium. Công ty này sở hữu tài sản gồm hai hồ muối, Pozuelos và Pastos Grandes, còn được gọi là dự án lithium PPG, ở tỉnh Salta giàu khoáng sản của Argentina.
Dự án PPG sử dụng nước trong hồ muối có chứa lithium để sản xuất lithium carbonate, một nguyên liệu quan trọng trong pin EV. Hai tài sản là các hồ muối này có thể cung cấp khoảng 11.06 triệu tấn lithium cacbonat, với sản lượng hàng năm giai đoạn đầu dự kiến là 30,000 tấn, và có tiềm năng mở rộng lên 50,000 tấn mỗi năm trong tương lai.
Trong thông báo trên, Ganfeng Lithium nói rằng giao dịch này sẽ giúp cải thiện khả năng tự cung cấp tài nguyên lithium của công ty này và nâng cao khả năng cạnh tranh cốt lõi của công ty.
Theo trang web của Ganfeng Lithium, ngoài dự án PPG mới nhất, công ty này còn có 4 dự án hồ muối lithium khác ở Argentina. Hơn nữa, họ cũng sở hữu ba dự án mỏ lithium ở Úc, và đã đầu tư vào mỗi nơi ở Mali và Ireland một dự án spodumene, cũng như một dự án đất sét lithium ở Mexico. Spodumene là một loại quặng mà từ đó lithium sẽ được chiết xuất ra.
Sáu quốc gia hàng đầu có trữ lượng lithium lớn nhất
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết trong một báo cáo rằng tính đến năm 2021, trữ lượng lithium chưa được phát hiện trên thế giới tập trung nhiều ở Bolivia, Argentina, Chile, Hoa Kỳ, Úc, và Trung Quốc, với việc sáu quốc gia này chiếm 80% tổng tài nguyên lithium trên thế giới.
Báo cáo trên cho biết, “Bốn hoạt động khai thác khoáng sản ở Úc, hai hoạt động khai thác muối ở Argentina và Chile, hai hoạt động khai thác muối, và một hoạt động khoáng sản ở Trung Quốc chiếm phần lớn sản lượng lithium thế giới. Ngoài ra, còn có các hoạt động nhỏ hơn ở Brazil, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ, và Zimbabwe cũng đóng góp vào sản xuất lithium cho thế giới.”
Năm 2021, Trung Quốc chiếm khoảng 6% nguồn lithium của thế giới và sản lượng quặng lithium của nước này chiếm khoảng 13% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã sản xuất khoảng một nửa số pin lithium-ion trên thế giới, theo dữ liệu được cung cấp trong báo cáo của USGS.
Hoạt động thu mua và sản xuất tích cực của Trung Quốc
Bolivia, nơi có nguồn tài nguyên lithium lớn nhất thế giới, gần đây đã trở thành trung tâm của cuộc đua lithium này.
Hôm 08/06, Bộ trưởng Năng lượng Bolivia thông báo rằng các công ty ngoại quốc cạnh tranh nguồn lithium khổng lồ của đất nước này đã bị giảm từ 8 công ty xuống còn 6 công ty, và sau đó xác nhận rằng 4 trong số 6 công ty còn lại đều là công ty Trung Quốc, bao gồm cả công ty sản xuất pin điện lớn nhất thế giới Shang Ningde Times, Fusion Enertech của Trung Quốc, TBEA, và Tập đoàn CITIC Guoan. Hai đối thủ cạnh tranh còn lại đến từ Nga và Hoa Kỳ.
CATL và Ganfeng Lithium đều tham gia cuộc chiến mua lại Millennial Lithium của Canada vào năm ngoái, công ty này sở hữu hai dự án hồ muối có chứa lithium ở Argentina. Cuối cùng, Lithium Americas, do Ganfeng Lithium sở hữu 12.5%, đã đưa ra giá mua cao hơn.
Vào cuối tháng Năm năm nay, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc The Paper đưa tin BYD, đại công ty sản xuất pin xe điện và điện tử của Trung Quốc, đã đạt được thỏa thuận mua lại 6 mỏ lithium ở Phi Châu.
BYD cũng đã có được quyền khai thác 80,000 tấn lithium trong vòng 20 năm tại Chile vào tháng Một. Một công ty lithium hàng đầu khác của Trung Quốc, Tianqi Lithium, đã mua 23.77% cổ phần của đại tập đoàn lithium của Chile, Sociedad Química y Minera de Chile S.A. (NYSE: SQM) vào tháng 12/2018 với giá khoảng 4.2 tỷ USD với sự hỗ trợ của một tổ hợp quỹ do Ngân hàng CITIC Trung Quốc dẫn đầu. SQM có quyền truy cập độc quyền vào quặng và nước muối có trữ lượng tốt nhất và lớn nhất thế giới bên dưới sa mạc Atacama.
Tuy nhiên, sau khi chính phủ Chile mới lên nắm quyền, họ đã tích cực thúc đẩy quốc hữu hóa tài nguyên khoáng sản này, đặt ra những bất ổn cho các dự án khai thác của BYD và Tianqi Lithium.
Cô Anne Zhang là một cây bút chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times vào năm 2014.