Dante và virus Trung Cộng: Chúng ta học được gì?
Một bước từ địa ngục đến luyện ngục
Ngày nay, chúng ta chỉ thấy một thế giới đầy rắc rối và hỗn loạn. Cảm giác cuồng loạn và hoảng sợ ngày càng gia tăng khiến chúng ta có thể nổi điên bất cứ lúc nào. Chúng ta dường như là nạn nhân của những thế lực ngoài tầm kiểm soát. Đối với phương Tây, virus Trung Cộng (hay virus corona chủng mới) có lẽ là một ví dụ điển hình, mặc dù chúng ta đã đề cập đến sự nóng lên toàn cầu, các thiên tai thảm khốc, hoặc thậm chí là các cuộc chiến dường như không bao giờ kết thúc của chính chúng ta.
Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến hoặc trải qua bất kỳ điều gì như đại dịch này. Những người đã chiến đấu hoặc trải qua Thế chiến thứ II hầu hết đã qua đời, và cả thế hệ Baby Boomer vốn là thế hệ sung túc chưa từng có trước đây. Nhưng chao ôi, có vẻ như chúng ta đã phải trả giá cho những sai lầm của mình ngày hôm nay!
Tất nhiên, chắc chắn là chúng ta đã lường trước được điều này phải không? Chúng ta đã có bài học giáo huấn trước đây, phải không? Tại sao, Cái chết Đen vào thế kỷ 14 là một dịch bệnh đặc biệt kinh khủng, đôi lúc còn được gọi là Đại Dịch hạch. Người ta ước tính rằng nó đã giết chết hơn 30% dân số Châu Âu và phải mất hơn 200 năm để dân số ở Châu Âu phục hồi.
Hơn nữa, một điều trớ trêu khác là người ta cho rằng Đại Dịch hạch (rất có thể bắt nguồn từ Trung Quốc) đã xâm nhập vào Châu Âu qua bán đảo Ý. Ngày nay, dường như virus Trung Cộng cũng tấn công Châu Âu thông qua Ý.
Có lẽ, sẽ là một niềm an ủi nhỏ cho những người qua đời vì bệnh dịch khi họ biết rằng cái chết của họ cũng đem lại lợi ích to lớn: Cụ thể là thế giới hiện đại không biết sẽ ra sao nếu không có thảm kịch này, bởi Cái chết Đen đã dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ phong kiến phân cấp vốn tồn tại ở Châu Âu trong một thời gian dài.
Sự thật là người lao động trở nên khan hiếm đến mức họ gần như có thể tự định giá [bản thân] để đi làm ở bất cứ đâu. Sự thuyên chuyển và giao tiếp tăng lên ồ ạt. Và một mô hình xã hội mới – chủ nghĩa tư bản nguyên thủy – ra đời; quyền lực của các chủ doanh nghiệp bắt đầu suy yếu.
Những kẻ dối trá: Xưa và Nay
Nhưng đó là một viễn cảnh lâu dài; những gì chúng ta thực sự cần bây giờ là hy vọng, niềm hy vọng đích thực. Điều thú vị là trong trường ca “Thần Khúc” của Dante, một trong nhiều hình phạt dành cho những kẻ không thể chuộc tội và cứu rỗi là một căn bệnh ghê tởm, vô cùng thống khổ và không thể chữa lành.
Dante đề cập đến những nạn nhân này trong khổ thơ 29 (Canto 29) của phần “Hỏa ngục” (The Inferno). (Theo bản dịch của Dorothy Sayers):
Vì vậy, từng bước chúng tôi đi, cũng không thốt nên lời,
Khi nhìn thấy và nghe thấy những linh hồn yếu ớt trong nỗi đau của họ,
Những người không thể bay lên khỏi mặt đất.
Vậy tội lỗi của họ là gì? Họ đều là những kẻ dối trá, những nhà giả kim thuộc các thể loại, những người đã khiến đồng loại của họ hy vọng rằng họ có thể biến kim loại thường thành vàng.
Thật buồn cười là, điều này chẳng phải đang lặp lại trong thế giới hiện đại của chúng ta hay sao? Chúng ta quả thật đang gặp phải một căn bệnh ghê tởm ăn mòn phổi chúng ta, và đặc điểm của thời đại hiện nay là chúng ta cố gắng biến kim loại thường thành vàng ở mọi cấp độ?
Các chính phủ đang in tiền thông qua việc nới lỏng định lượng, tiền ảo hứa hẹn mang lại tiền tự động cho những nhà đầu tư, nhưng việc tiết kiệm thực sự – vốn được coi là lẽ thường theo truyền thống – lại không được khuyến khích do lãi suất thấp và bất thường một cách phi lý. Tác giả chuyên viết sách về kinh tế và tài chính Bill Bonner đã phát biểu vào tháng 01/2020 rằng: “Một cuộc khủng hoảng lớn gây ra bởi tiền giả và tư duy giả đang ập đến.” Suy nghĩ giả tạo cũng vậy phải không? Giống như các nhà giả kim trong Dante?
Đó là sự lựa chọn của quý vị
Vì thế chúng ta đang ở một thời điểm khủng hoảng trầm trọng. Nhưng nếu Dante có thể miêu tả chính xác địa ngục, có lẽ ông cũng mang đến cho chúng ta hy vọng về cách chúng ta suy nghĩ và nhận thức trường ca này. Xuất phát điểm là thế này: Xuyên suốt “Thần Khúc” là một trong những nguyên lý cốt lõi mang tên ‘tự do ý chí’. Đây vốn dĩ là một nguyên tắc chính trong tư duy của phương Tây cho đến thế kỷ 20.
Tự do ý chí có nghĩa là con người có thể thay đổi niềm tin, thái độ, suy nghĩ, cảm xúc, lựa chọn và cả quyết định của họ. Điểm đáng nói về địa ngục mà Dante đề cập là: địa ngục không phải là nơi Đức Chúa Trời – Đấng Tối Cao trên bầu trời – giáng sự trừng phạt xuống con người vì họ đã vi phạm một số quy tắc lớn hay nhỏ. Thay vào đó, địa ngục là nơi con người có được những gì họ muốn.
Như Dorothy L. Sayers đã bày tỏ: “Địa ngục là khi bạn thích làm theo cách của riêng mình mãi mãi.” Theo một nghĩa nào đó, nó giống như lời bài hát xưa của Frank Sinatra “Tôi đã làm theo cách của Tôi”. Không phải con đường của Đức Chúa Trời, không phải con đường của Đấng Christ, không phải con đường bát chánh đạo của Phật Giáo và không phải con đường của Đạo – không phải con đường của những bậc thầy thời cổ đại vốn tập trung vào tình yêu, lòng trắc ẩn, tình bằng hữu và tương trợ lẫn nhau. Không phải những con đường đó, mà theo con đường của TÔI: Một con đường hoàn toàn ích kỷ.
Và đây là hậu quả của nó: Những gì chúng ta chứng kiến trong địa ngục là tất cả cư dân của nó không thể vượt ra khỏi thuyết duy ngã. Nói cách khác, họ không thể giao tiếp ngoại trừ những cuộc độc thoại cứ lặp đi lặp lại trong chính họ. Tôi hơi do dự khi gọi đó là độc thoại nội tâm, vì linh hồn của họ thật ra đã mất. Về bản chất, hoàn cảnh của họ hoàn toàn giống với hoàn cảnh của một người nghiện ma túy (hoặc nghiện bất kỳ thứ gì): Họ không thể tư duy bởi vì họ đã đánh mất lý trí và ý chí tự do. Họ đã trao nó cho kẻ khác, đó là ý nghĩa của việc một người đã đánh mất linh hồn.
Theo nghĩa này, họ bị mắc kẹt và bị cô lập. Bị cô lập ư? Từ ngữ đó bây giờ áp dụng cho virus Trung Cộng khi tất cả chúng ta bắt đầu tự cách ly để tránh lây nhiễm cho nhau! Giống như địa ngục: mỗi người bị mắc kẹt với chính mình mãi mãi.
Một con đường vượt qua sự ích kỷ
Nhưng tất nhiên, “Thần Khúc” mang lại cho chúng ta một lối thoát khỏi địa ngục cũng như trong cuộc sống này. Ngay cả những người nghiện ngập cũng có thể lấy lại ý chí tự do và một lần nữa bước vào thế giới của ánh sáng. Vậy thì bước đầu tiên để chuyển từ địa ngục sang ít nhất là luyện ngục, nơi có hy vọng, là gì?
Đầu tiên, người ta phải thấu hiểu và chấp nhận vấn đề, những vấn đề thực sự. Và vấn đề thực sự luôn là Tôi: Tôi mới là vấn đề; nghĩa là, không phải người khác hoặc chủng tộc khác, không phải quan chức và không phải chính phủ. Không phải vậy, chính tôi cũng đang gây ra vấn đề và bây giờ tôi thừa nhận nó. Tôi cần chuyển từ chế độ sống theo thói quen của mình sang một cách sống mới mẻ và tốt đẹp hơn.
Thứ hai, khi tôi chuyển từ biện giải cho bản thân, tôi cũng cố gắng giao tiếp với những người khác; sự tồn tại của tôi không chỉ phụ thuộc mà còn là vì những người khác. Chúng ta là một cộng đồng và chúng ta cần chăm sóc lẫn nhau. Đây là điều rất rõ ràng trong phần luyện ngục của Dante. Trong khi ở dưới địa ngục, mọi người đổ lỗi cho người khác và phủ nhận mọi trách nhiệm cá nhân, thì trong luyện ngục tất cả mọi người đều nỗ lực để công nhận người khác và khích lệ lẫn nhau.
Luyện ngục không đưa chúng ta trực tiếp lên thiên đường, nhưng đó là một khởi đầu tuyệt vời. Chúng ta đang trong cuộc hành trình đó. Vì vậy, mặc dù chúng ta có thể tự cách ly vào thời điểm này, nhưng chúng ta cần xem xét trách nhiệm của bản thân. Hãy khẳng định lại sự tự do ý chí của chúng ta để trở thành nhân tố cho sự thay đổi tích cực, đồng thời sử dụng các công nghệ mà ta có để giao tiếp với người khác và hỗ trợ họ. Bằng cách này, chúng ta có thể thoát khỏi sự trói buộc của địa ngục – nơi mà chúng ta không muốn trú ngụ – và không trở thành nạn nhân của những thế lực ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
The Epoch Times gọi virus corona chủng mới là virus Trung Cộng bởi chính quyền này đã che đậy và xử lý yếu kém dịch bệnh khiến virus lây lan khắp Trung Quốc và trở thành đại dịch toàn cầu.
Định Trần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times