Đảng Dân Chủ nhắm vào thẩm phán sau khi ông nói Quốc hội ‘không có thẩm quyền’ đối với Tối cao Pháp viện
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Quốc hội đã phản bác Thẩm phán Samuel Alito sau khi vị thẩm phán này tuyên bố rằng theo Hiến Pháp, Quốc hội “không có thẩm quyền” để đề ra quy định cho Tối cao Pháp viện.
“Tôi biết đây là một quan điểm gây tranh cãi, nhưng tôi sẵn sàng lên tiếng,” ông Alito nói với The Wall Street Journal vào cuối tuần trước (29-30/07). “Không có điều khoản nào trong Hiến Pháp trao cho họ thẩm quyền đề ra quy định để quản lý Tối cao Pháp viện — chấm hết.”
Vài tuần sau khi Ủy ban Tư pháp Thượng viện bỏ phiếu theo đảng phái để thông qua dự luật quy định một bộ quy tắc đạo đức cho tòa án hàng đầu của Hoa Kỳ, Thẩm phán Alito nói thêm rằng Quốc hội “không tạo ra Tối cao Pháp viện.”
“Tôi không biết liệu rằng có đồng sự nào của tôi đã công khai nói về điều đó hay chưa, vì vậy tôi không nghĩ mình nên nói,” ông Alito nói với tờ Journal. “Nhưng tôi nghĩ đó là điều mà tất cả chúng ta đều đã nghĩ đến.”
Theo trang web của Quốc hội, Hiến Pháp cho phép Quốc hội định hình và cấu trúc các tòa án liên bang cấp dưới, đồng thời có thể hạn chế các trường hợp Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có thể xét xử kháng cáo bằng cách tước quyền tài phán của các tòa án liên bang đối với một số vấn đề nhất định.
Cũng theo trang web này, “Hiến Pháp quy định về sự tồn tại của Tối cao Pháp viện, nhưng để Quốc hội quyết định có thành lập các tòa án liên bang cấp dưới hay không.”
Một phần của Hiến Pháp nói rằng “Tối cao Pháp viện có thẩm quyền xét xử phúc thẩm cả về góc độ Pháp luật và Dữ kiện pháp lý của vụ án theo những Ngoại lệ và Quy tắc do Quốc hội quy định.” Một số người đã giải thích điều khoản đó có nghĩa là Quốc hội có một số khả năng quy định cho tòa án cấp cao này theo một cách nào đó.
Với nhận xét của mình, Thẩm phán Alito hiện có khả năng phải đối mặt với nhiều chỉ trích hơn từ các thành viên Đảng Dân Chủ và sự giám sát ngày càng tăng từ các doanh nghiệp và hãng thông tấn cánh tả, vốn trong những tháng gần đây đã nhiều lần nhắm vào các Thẩm phán Alito và Clarence Thomas, các thẩm phán được bổ nhiệm dưới thời tổng thống của Đảng Cộng Hòa. Đáng chú ý, Thẩm phán Alito là người đã chấp bút phán quyết mang tính bước ngoặt lật ngược vụ “Roe kiện Wade” vào năm ngoái, trả về cho các tiểu bang quyết định về việc có nên đặt ra quy định cho việc phá thai hay không.
Thẩm phán Thomas đã phải đối mặt với sự soi xét sau khi có thông tin cho rằng ông được cho là đã được tỷ phú Harlan Crow tặng quà. Thẩm phán Thomas đã nói rằng ông không biết rằng mình phải tiết lộ những chuyến đi đó, trong khi tỷ phú gọi việc báo cáo những chuyến đi đó là một “đòn chính trị bẩn” được dựng lên để gây áp lực cho Tối cao Pháp viện.
Trái ngược với phản ánh của Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa chỉ trích rằng hành động này [của Đảng Dân Chủ] là một nỗ lực nhằm giảm bớt quyền lực của Tối cao Pháp viện, cơ quan hiện có sáu thẩm phán do các tổng thống Đảng Cộng Hòa bổ nhiệm. Bởi vì Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện, nên các nỗ lực của các thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ nhằm ép buộc Tối cao Pháp viện áp dụng một dự luật đạo đức không có vẻ gì là sẽ thành công.
Trong thời gian đầu Tổng thống Joe Biden nắm quyền, một số thành viên Đảng Dân Chủ đã đề ra ý tưởng mở rộng Tối cao Pháp viện để có nhiều thẩm phán hơn — hay nói cách khác là thao túng chính trị — điều này sẽ cho phép ông Biden bổ nhiệm nhiều thẩm phán hơn vào tòa án cấp cao này và đưa cơ quan này nghiêng theo hướng có lợi cho nghị trình của Đảng Dân Chủ.
Phản hồi của các thành viên Đảng Dân Chủ
Trước khi những bình luận của ông Alito được công bố, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) đã trình bày hồi tuần trước tại một phiên điều trần của ủy ban rằng “các yêu cầu về công khai tài chính của Tối cao Pháp viện là một điều luật được Quốc hội thông qua; các yêu cầu về cáo tỵ của Tối cao Pháp viện là một điều luật được Quốc hội thông qua; và cơ quan thực hiện các vấn đề công khai tài chính và quy tắc ứng xử cũng là Hội nghị Tư pháp, một cơ quan do Quốc hội thành lập.”
“Xin đừng giả ngơ rằng Quốc hội không thể sửa đổi luật mà Quốc hội đã thông qua hoặc giám sát các cơ quan mà Quốc hội đã tạo ra,” ông nói thêm. Thượng nghị sĩ này còn nói, “Trong nhiều thập niên, bản thân các thẩm phán chưa bao giờ phản đối và thực sự đã tuân thủ cấu trúc này nhiều lần và không có khiếu nại, vì vậy ngay cả tòa án cũng đã chứng minh rằng họ không tin vào lập luận sai lầm đó.”
Sau khi ông Alito đưa ra những bình luận như vậy, Dân biểu Ted Lieu (Dân Chủ-California) đã đăng Twitter, hay còn gọi là ứng dụng X, để nói rằng Quốc hội có một số quyền giám sát đối với Pháp viện.
“Kính gửi Thẩm phán Alito: Ông có mặt tại Tối cao Pháp viện một phần là vì Quốc hội đã nâng số lượng thẩm phán tại Pháp viện này lên chín thẩm phán,” ông viết. “Quốc hội có thể đàn hặc các thẩm phán và trong nhiều trường hợp có thể tước đi quyền tài phán của Pháp viện này. Quốc hội luôn đặt ra quy định cho ông và sẽ tiếp tục làm như vậy. Ông không ở trên luật pháp.”
Còn chánh án thì sao?
Tuy nhiên, Chánh án John Roberts trước đây đã nói rằng ông nghi ngờ Quốc hội có khả năng đề ra quy định cho Tối cao Pháp viện và các thẩm phán của tòa án này.
Năm 2011, Thẩm phán Roberts, do cựu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm, đã viết rằng “như trong trường hợp của các yêu cầu về báo cáo tài chính và quà tặng, giới hạn quyền lực của Quốc hội trong việc yêu cầu cáo tỵ chưa bao giờ bị thách thức.” Ông cũng đề cập đến các nguyên tắc đạo đức đã được cả chín thẩm phán tán thành vào thời điểm đó, bao gồm cả những nguyên tắc do chính phủ tổng thống của Đảng Dân Chủ bổ nhiệm.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times