Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện kêu gọi Thượng viện thông qua dự luật năng lượng và hồi sinh ngành khai thác mỏ tại Hoa Kỳ
Hôm 21/07, trong phiên điều trần của Quốc hội tại thực địa về phát triển khoáng sản quan trọng ở Goodyear, Arizona, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã cảnh báo rằng những cải cách về quy định và tư pháp được Hạ viện thông qua trong HR 1, Đạo luật Giảm Chi phí Năng lượng, và những cải cách đang được đề nghị trong các dự luật khác, là rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngành khai thác mỏ của Hoa Kỳ trước khi quốc gia này đối mặt với những thách thức kinh tế và an ninh quốc gia nghiêm trọng.
Tuy nhiên, họ nói rằng, những cải cách về quy định này đang bị chống đối tại Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát và bởi chính phủ Tổng thống (TT) Biden. Trớ trêu thay, chính những người chống đối này lại đang thúc đẩy nhu cầu tăng vọt đối với các khoáng sản quan trọng bằng các chương trình khuyến khích “năng lượng xanh” dành cho xe điện và khả năng tạo ra năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi chỉ kiểm soát Hạ viện. Chúng tôi thông qua rất nhiều dự luật tốt, nhưng các dự luật này lại đang rơi vào một cái hố đen ở Thượng viện vì họ sẽ không xem xét chúng,” Dân biểu Mike Collins (Cộng Hòa-Georgia) cho biết. “Đây là Thỏa thuận Xanh Mới’ mà họ có, quý vị biết đấy, đó là một dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.7 nghìn tỷ USD, trong đó họ chỉ bỏ ra 600 tỷ USD để sửa chữa cầu đường—và nó thực sự không hiệu quả. Phần tiền còn lại được dùng để họ có thể thúc đẩy xe điện tới quý vị.”
Ông Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona), Chủ tịch Tiểu ban Điều tra và Giám sát thuộc Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên của Hạ viện cho biết, tiểu ban đã tổ chức phiên điều trần kéo dài hai giờ nói trên ở vùng đông bắc Arizona giàu khoáng sản, bởi vì “việc tiếp cận các khoáng sản đá cứng và quan trọng là một trong những chủ đề trọng yếu nhất mà đất nước chúng ta phải đối mặt.”
Ông nói: “Tình hình là nhu cầu khoáng sản toàn cầu tăng cao chưa từng có và Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc cung cấp khoáng sản cho chúng ta,” trong khi các thành viên Đảng Dân Chủ đắc cử dưới thời ông Biden lại đang “đóng cửa các dự án khoáng sản trên toàn quốc”.
“Các hành động chống khai thác mỏ của chính phủ TT Biden đã làm tổn hại đến nền kinh tế Hoa Kỳ, đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta, và đẩy hoạt động sản xuất khoáng sản ra các nước ngoại quốc, nơi mà các tiêu chuẩn về môi trường và lao động không bằng chúng ta.”
Theo dự đoán, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với 50 loại khoáng sản hàng đầu được Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) xác định là “quan trọng” lên cao hơn sáu lần vào năm 2046 so với nhu cầu hiện tại. Ông Gosar cảnh báo về một cuộc chạy đua liều lĩnh “càng trở nên trầm trọng hơn bởi các mục tiêu quốc gia mà chính phủ TT Biden và các tổ chức quốc tế khác đã cam kết”.
Thiếu hụt nghiêm trọng các khoáng sản quan trọng
Theo USGS, Hoa Kỳ phụ thuộc 100% vào nhập cảng đối với 12 trong số 50 khoáng sản quan trọng hàng đầu, và phụ thuộc hơn 50% vào nhập cảng đối với 32 loại khoáng sản khác.
Trong khi đó, Trung Quốc kiểm soát một phần hoặc toàn bộ 43 trong số 50 loại khoáng sản. Đây là đất nước xuất cảng lớn nhất thế giới về 26 trong số 50 khoáng sản quan trọng hàng đầu.
Dân biểu Debbie Lesko (Cộng Hòa-Arizona) cho biết: “Chính phủ TT Biden đang đưa ra các quy định về xe điện, quy định để có thêm nhiều quang năng hơn, nhiều phong năng hơn. Họ đang rót hàng trăm tỷ dollar tiền đóng thuế của chúng ta vào các khoản trợ cấp cho các chương trình đó, và họ tuyên bố rằng họ đang ủng hộ hoạt động khai thác trong nước. Tuy nhiên, mặt khác, họ đang đóng cửa các mỏ khai thác khoáng sản.”
“Quý vị không thể cùng lúc đi cả hai con đường, mặc dù họ làm như vậy vì mọi người không để ý,” bà tiếp tục chia sẻ. “Tôi thực sự tin rằng các chính sách mà chính phủ TT Biden và Đảng Dân Chủ đang đưa ra là có lợi cho Trung Quốc, không có lợi cho Hoa Kỳ, và tốt hơn hết là chúng ta nên thức tỉnh.”
“Tốt hơn hết chúng ta nên thức tỉnh, tốt hơn hết là chúng ta nên hành động cùng nhau, bởi vì nếu không, chúng ta sẽ nói tiếng Quan Thoại và tôi không muốn điều đó. Chúng ta đang trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào họ.”
Dân biểu Lesko đã cùng với Dân biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona) và một số thành viên khác trong hội đồng kêu gọi các cơ quan liên bang nhường phần lớn quyền giám sát quy định của họ cho các tiểu bang.
Ông Biggs nói rằng Đạo luật Tự do Đất đai Liên bang do ông đề xướng “sẽ cho phép các tiểu bang tự nguyện đảm nhận việc cấp phép cho các dự án trên đất đai liên bang nằm trong phạm vi tiểu bang của họ.”
“Việc đưa những quyết định này xuống cấp tiểu bang là điều cần thiết,” ông Jeremy Harrell, giám đốc chiến lược của ClearPath, một công ty chính sách năng lượng có trụ sở tại Washington, đồng tình. “Chúng tôi biết điều này hiệu quả hơn và có thể áp dụng cùng tiêu chuẩn” được đưa ra bởi các cơ quan liên bang.
Các tiểu bang “cuối cùng sẽ phải thực hiện công việc nghiêm ngặt cũng như thế nhưng người dân, các tiểu bang, hiểu rõ hơn về địa chất,” ông nói. “Chúng ta phải buộc các cơ quan như EPA phải chịu trách nhiệm. Họ thích đổ lỗi cho nguồn tài nguyên như một sự hạn chế. Quốc hội hiện tại thực sự đã cố gắng củng cố điều đó [trong HR 1] để chúng ta có thể tối ưu hóa quy trình cấp phép. Chúng ta cần loại bỏ kiện tụng, chúng ta cần rút ngắn phạm vi của các yếu tố gây khó khăn cho các loại dự án này và đưa ra nhiều quyết định hơn ở cấp tiểu bang.”
Cải cách về quy định và tư pháp
Ông Harrel cho biết, cũng như nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như cải cách nhập cư, Quốc hội phải quyết đoán hơn trong việc thực thi “quyền giám sát và quyền kiểm soát của mình để kiềm chế bộ máy quan liêu mất kiểm soát” cũng như nhánh hành pháp hoạt động hăng hái dưới thời Tổng thống Joe Biden.
“Việc khai thác là cần thiết nếu chúng ta muốn duy trì một nền kinh tế mạnh mẽ,” ông Biggs bổ sung, và để xác định “liệu chúng ta sẽ đi vào lịch sử như một quốc gia tự thiêu chính mình hay chúng ta sẽ cùng nhau giữ vững đất nước và một lần nữa trở thành—một quốc gia tự do và thịnh vượng.”
Ông Biggs đã hỏi ông Misael Cabrera, Giám đốc Trường Khai thác và Tài nguyên Khoáng sản của Đại học Arizona, rằng lượng đồng dùng cho xe điện nhiều hơn so với xe chạy bằng xăng là bao nhiêu.
Ông Cabrera trả lời: “Trung bình, một chiếc xe điện chứa lượng đồng gấp bốn lần so với xe động cơ đốt trong truyền thống,” đồng thời lưu ý rằng Hoa Kỳ—và đặc biệt là Arizona—đã dẫn đầu thế giới về sản xuất đồng trong những năm 1980 nhưng hiện nay “thậm chí không nằm trong top 10.”
Ông Harrell và ông Craig Wiita, Chủ tịch kiêm CEO của Del Sol Refining, Inc., cho biết những cải cách về cấp phép trong HR 1 là cần thiết nếu Hoa Kỳ muốn duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực khai thác mỏ.
“Khi quý vị chờ đợi từ 7 đến 10 năm để được cấp giấy phép ở Hoa Kỳ, về cơ bản, quý vị đã bị giảm đi 25% trữ lượng của mình chỉ để có được giấy phép,” ông Wiita cho biết. “Rất nhiều công ty không thể chấp nhận được điều đó” và rút lại các dự án khai thác mỏ đã đề nghị.
Ông Harrel cho biết, cải cách hệ thống tư pháp dân sự cũng “thực sự cần thiết khi chúng ta tiến bộ hơn. Hệ thống tư pháp được vũ khí hóa để ngăn cản chúng ta phát triển.”
Dân biểu Juan Ciscomani (Cộng Hòa-Arizona), tán dương dự luật mà ông đề xướng nhằm yêu cầu USGS xếp loại đồng là một loại khoáng sản quan trọng. Ông nói rằng thật khó hiểu khi “sự can thiệp của chính phủ đang gây ra rất nhiều vấn đề không cần thiết. Chúng ta luôn nghe đi nghe lại về việc chuyện này là do chính chúng ta tạo ra và chúng ta đang tự đặt mình vào thế bất lợi như thế nào trước những quốc gia không thân thiện với mình.”
Dân biểu Eli Crane (Cộng Hòa-Arizona) cho biết: “Thành thật mà nói, đây có vẻ như là một ví dụ nữa về hành vi tự hủy hoại ở đất nước này. Thực sự là vậy, và đôi khi, tôi không biết liệu đó có phải là cố ý hay chúng ta quá ngu ngốc đến mức không thể nhận ra được.”
Không có thành viên Đảng Dân Chủ nào tham dự phiên điều trần tại hiện trường này.
“Không một ai [Đảng Dân Chủ] đến đây và gặp trực diện quý vị để hiểu trực tiếp cảm giác của quý vị và những gì quý vị đang trải qua,” ông Collins nói. “Tôi nghĩ việc này rất đáng nói lên điều gì đó.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times