Đám mây hình Sao Chổi trông giống ‘Bàn tay của Chúa’ trong vũ trụ
Gần đây, Phòng thí nghiệm nghiên cứu thiên văn hồng ngoại quang học quốc gia của Hoa Kỳ (NOIRLab) đã công bố một hình ảnh có độ phân giải cao, cho thấy cấu trúc giống như cánh tay được gọi là “Bàn tay của Chúa” kéo dài từ Tinh vân Gum (Gum Nebula). Cánh tay này có chiều dài khoảng 8 năm ánh sáng.
Hôm 06/05, trong một thông cáo báo chí, Phòng thí nghiệm này cho biết rằng camera năng lượng tối (Dark Energy Camera) ở Chile đã chụp được một đám mây hình Sao Chổi có tên là CG 4. Nó nằm ở hướng của chòm sao Thuyền Vĩ (Puppis), cách Trái Đất khoảng 1,300 năm ánh sáng. Đám mây này được mệnh danh là “Bàn tay của Chúa” vì nó giống như một bàn tay.
CG 4 là một trong nhiều đám mây hình Sao Chổi trong Dải Ngân hà. Các nhà thiên văn học vẫn chưa nhất trí hình dạng đặc biệt mà loại thiên thể này sở hữu.
Những đám mây hình Sao Chổi là những đám mây khí và bụi dày đặc bị cô lập, được bao quanh bởi vật chất nóng và bị ion hóa. Nó cũng bao gồm một tiểu thể loại của tinh vân tối được gọi là các hạt Bok (Bok globule).
Những đám mây hình Sao Chổi không liên quan gì đến Sao Chổi. Chúng được gọi tên như vậy vì chúng kéo theo những đuôi dài chứa vật chất tách rời trông giống như đuôi Sao Chổi.
Trong trường hợp của CG 4, đám mây hình Sao Chổi này có phần đầu với đường kính 1.5 năm ánh sáng, trông giống như một bàn tay, và phần đuôi kéo dài khoảng 8 năm ánh sáng giống như một cánh tay. CG 4 được tính là một đám mây tương đối nhỏ.
Do các đám mây hình Sao Chổi rất mờ, vậy nên các nhà thiên văn học đã không thể phát hiện ra chúng trong một thời gian rất dài. Mãi đến năm 1976, sự tồn tại của chúng mới lần đầu tiên được xác nhận. Camera năng lượng tối được lắp đặt trên kính thiên văn Victor M. Blanco đã chụp được chúng.
Mặc dù các nhà thiên văn học phát hiện ra rất nhiều đám mây hình Sao Chổi trong Dải Ngân hà, nhưng hầu hết các cấu trúc này, bao gồm cả CG 4, đều nằm trong Tinh vân Gum. Tinh vân này được cho là tàn dư của siêu tân tinh hình thành khoảng 1 triệu năm trước.
Các nhà thiên văn học vẫn chưa hiểu đầy đủ về cơ chế hình thành của các đám mây hình Sao Chổi, nhưng họ suy đoán rằng có hai khả năng. Khả năng đầu tiên là, đám mây hình Sao Chổi ban đầu là một tinh vân hình cầu, giống như Tinh vân Chiếc Nhẫn (Ring Nebula) nổi tiếng, nhưng sau đó đã bị tan rã bởi một vụ nổ siêu tân tinh gần đó.
Khả năng thứ hai là, đám mây hình Sao Chổi này được hình thành do gió sao và áp suất bức xạ từ các hằng tinh nóng và khổng lồ gần đó. Trên thực tế, đuôi của tất cả các đám mây hình Sao Chổi đã biết trong Tinh vân Gum đều hướng về trung tâm tinh vân, nơi chứa tàn dư siêu tân tinh.