Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đề nghị các nhà hoạch định chính sách học hỏi từ Nhật Bản
Lời khuyên của ông Chu gợi nhớ đến những bình luận trước đây của ông trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thời điểm mà ông được cho là đã gián tiếp chỉ trích ông Tập Cận Bình.
Ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của nước này, đã gọi đợt suy thoái mới nhất trên thị trường địa ốc Trung Quốc là “chưa từng có” và khuyến nghị “các nhà hoạch định chính sách” học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Hôm 17/05, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp nhằm giải cứu thị trường nhà ở, gọi là chính sách “5·17”. Sau đó, ba thành phố lớn — Thượng Hải, Quảng Châu, và Thâm Quyến — đã làm theo và áp dụng các chính sách nhằm giảm bớt rào cản đối với việc mua nhà.
Hôm 27/05, Thượng Hải, một trong bốn thành phố hạng nhất của Trung Quốc, đã công bố “9 quy tắc mới của Thượng Hải,” trở thành thành phố đầu tiên thực hiện chính sách “5·17”. Những thay đổi về chính sách bao gồm giảm số năm đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc đóng góp cho quỹ an sinh xã hội tối thiểu bắt buộc từ 5 năm xuống còn 3 năm đối với những người mua nhà không phải người dân địa phương, cho phép các cá nhân độc thân không phải người địa phương mua một ngôi nhà cũ trong thành phố, giảm tỷ lệ trả trước trong khoản vay thương mại để mua căn nhà đầu tiên xuống còn 20% và giảm lãi suất xuống 3.5%.
Theo sau Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến cũng đã áp dụng các chính sách tương tự.
Hôm 28/05, Quảng Châu đã giảm thời gian đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc đóng góp cho quỹ an sinh xã hội tối thiểu từ 2 năm xuống còn 6 tháng cho người mua nhà ở các khu vực hạn chế, trở thành đô thị có ngưỡng thấp nhất trong số các thành phố hạng nhất. Quảng Châu cũng đã hủy bỏ mức giới hạn dưới đối với lãi suất khoản vay thương mại để mua căn nhà thứ nhất và thứ hai, giảm tỷ lệ trả trước xuống lần lượt là 15% và 25%. Người mua đã thanh toán các khoản vay trước đó có thể vay mua căn nhà thứ ba mà không chịu những hạn chế về việc bán nhà.
Hôm 29/05, Thâm Quyến đã ra thông báo giảm tỷ lệ trả trước tối thiểu và mức giới hạn dưới đối với lãi suất của khoản vay mua nhà. Tỷ lệ trả trước đã giảm từ 30% xuống còn 20% đối với căn nhà đầu tiên và giảm từ 40% xuống còn 30% đối với căn nhà thứ hai.
Theo dữ liệu từ công ty Địa ốc Trung Nguyên (Centaline Property), hơn 80% thành phố Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chính sách “5·17.” Trong số hơn 300 thành phố từ cấp địa khu trở lên (địa cấp thị), hơn 200 thành phố đã áp dụng tỷ lệ trả trước 15% cho căn nhà đầu tiên và hơn 250 thành phố đã hủy bỏ mức giới hạn dưới đối với lãi suất của khoản vay mua nhà.
Học hỏi từ Nhật Bản
Tuy nhiên, các nhà chức trách hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như không mấy lạc quan về tác dụng của chính sách “5·17” trong việc giảm bớt tác động của cuộc sụp đổ thị trường nhà đất đối với nền kinh tế Trung Quốc. Họ cũng lo lắng về một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn do khủng hoảng địa ốc gây ra.
Hôm 21/05, chỉ bốn ngày sau khi Bắc Kinh ra mắt chính sách “5·17”, ông Hà Lập Phong (He Lifeng), giám đốc văn phòng Ủy ban Tài chính Trung ương, đã cảnh báo về tính cấp bách của việc “giữ vững phòng tuyến ngăn ngừa rủi ro hệ thống,” để “kiểm soát chặt chẽ các rủi ro đan xen như rủi ro địa ốc, rủi ro nợ chính quyền địa phương, rủi ro của các tổ chức tài chính vừa và nhỏ tại địa phương.” Ba loại rủi ro mà ông Hà liệt kê đều có liên quan đến sự sụp đổ của thị trường địa ốc.
Ông Chu Tiểu Xuyên, cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, người về hưu vào năm 2018 và kể từ đó đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều năm, gần đây đã bình luận về vấn đề này. Ông có vẻ không lạc quan về “các biện pháp giải cứu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay” mà chính quyền Bắc Kinh đề ra, đồng thời cho rằng Trung Quốc “cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản.”
Hôm 23/05, ông Chu cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng đợt suy thoái mới nhất của thị trường địa ốc Trung Quốc là chưa từng có và thị trường đang suy giảm nhanh hơn dự đoán của các nhà hoạch định chính sách.
Trong bầu không khí chính trị hiện nay, nơi mọi công việc của đảng và chính quyền đều “do một người quyết định,” việc ông Chu đề cập cụ thể đến một “nhà hoạch định chính sách” được một số nhà phân tích và chuyên gia nhận định là nhằm mục đích gửi một lời nhắc nhở tới nhà lãnh đạo của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình.
Ông Mike Sun, một cố vấn đầu tư ở Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times: “Thực tế là thị trường nhà đất đang suy giảm nhanh hơn dự kiến, điều này cho thấy chính quyền của ông Tập đã đánh giá sai về tình hình kinh tế và xu hướng phát triển trong tương lai của Trung Quốc, đồng thời cũng đánh giá quá cao sức mua của người dân.”
Ông Chu cũng khuyến nghị nhà chức trách học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã mất nhiều năm mới giải quyết được bong bóng địa ốc, đặc biệt là Nhật Bản.
Sau khi bong bóng địa ốc vỡ, Nhật Bản đã áp dụng nhiều chính sách liên quan. Trong số những chính sách đó, có một biện pháp quan trọng là thành lập Công ty Thu mua và Giải quyết Nợ (RCC) để tái cấu trúc các tổ chức tài chính và thanh lý một lượng lớn tài sản kém hiệu quả.
Năm 2002, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan) đã xây dựng một kế hoạch giải quyết nợ xấu. Kế hoạch này không chỉ nhằm mục đích giải quyết di sản tiêu cực của nền kinh tế bong bóng, mà còn tìm cách từng bước cải thiện cấu trúc công nghiệp và tăng cường ứng phó với các khoản nợ xấu mới trước áp lực chuyển đổi, điều chỉnh của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là cấu trúc kinh tế của Nhật Bản, vốn không thể tách rời khỏi nền tài chính và công nghiệp, cũng cần phải được điều chỉnh.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng, trong quá trình giải quyết nợ xấu, cần tăng cường khả năng sinh lời của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, đồng thời cần liên tục rà soát hệ thống tài chính, giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính, và cải tổ hệ thống thuế. Hơn nữa, để giải quyết vấn đề nợ xấu, các biện pháp toàn diện nhằm nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp và hiện thực hóa việc tái tạo lại doanh nghiệp từ góc độ chính sách công nghiệp và chính sách khu vực là một yếu tố không thể thiếu.
Lời nhắc nhở trước đây của ông Chu Tiểu Xuyên đối với các nhà hoạch định chính sách
Việc ông Chu khuyến nghị “các nhà hoạch định chính sách” học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản gợi nhớ đến những bình luận trước đây của ông trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khi ông được xem là đã gián tiếp chỉ trích ông Tập Cận Bình “không hiểu về kinh tế,” có khả năng khiến cho mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu đi.
Tháng 05/2019, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ leo thang, ông Chu đã bình luận về nền kinh tế toàn cầu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh. Ông cho rằng một số nhà lãnh đạo mới nhậm chức đã vi phạm hoàn toàn các lý thuyết kinh tế và lẽ thường. Họ dường như chủ yếu dựa vào trực giác kinh doanh khi đưa ra các lựa chọn về hệ thống và chính sách. Ông cho biết ông tin rằng cách tiếp cận này, vốn không tôn trọng khoa học cũng như các lý thuyết và kiến thức tích lũy của những người đi trước, cuối cùng sẽ đi vào ngõ cụt.
Trong khi truyền thông Trung Quốc cho rằng ông Chu đang gián tiếp đề cập đến Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Donald Trump, thì nhận xét này cũng được hiểu rộng rãi là ngầm chỉ trích ông Tập vì “chỉ nói về chính trị mà không hiểu về kinh tế.”
Vào thời điểm đó, ông cho biết, “Khoa học về kinh tế chưa đạt đến mức độ phổ biến và uyên thâm như hình dung. Lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục kinh tế vẫn còn một chặng đường dài phía trước.”
Nhận xét của ông phản ánh nhiều cuộc thảo luận và suy ngẫm giữa những người thuộc giai tầng tinh anh ở Trung Quốc sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra. Giáo sư Dương Đại Lợi (Yang Dali), thuộc khoa khoa học chính trị Đại học Chicago, cho biết một số người đã nhận ra rằng Trung Quốc vẫn chưa phải là đối thủ của Hoa Kỳ.
Ông Chu từng là Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong vòng 16 năm, từ năm 2002 đến 2018. Ông là thống đốc ngân hàng trung ương tại nhiệm lâu nhất của Trung Quốc, với nhiệm kỳ trải dài dưới thời chính quyền của các cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình. Năm 2013, mặc dù đã đạt mức giới hạn tuổi về hưu 65 nhưng ông vẫn được tái bổ nhiệm làm thống đốc ngân hàng, vi phạm quy ước không phục vụ quá hai nhiệm kỳ.
Hiện tại, sức tàn phá của cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc đang tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, và xã hội của nước này theo nhiều cách khác nhau, đạt đến mức khủng hoảng nghiêm trọng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times