Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã qua đời? Cư dân mạng có nhiều đồn đoán
Một hãng thông tấn Hoa Kỳ đưa tin cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) có thể đã qua đời vì tự sát hoặc cực hình hồi tháng Bảy vừa qua. Tính xác thực của tin tức này đã gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Một số người cho rằng tin này không chính xác, nhưng một số lại tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn rất mờ ám và bưng bít thông tin nên không thể loại trừ khả năng này.
Hôm 06/12, ấn bản Âu Châu của hãng thông tấn Mỹ quốc Politico đã đăng một bài viết ẩn danh, dẫn lời một người trong chính quyền ĐCSTQ được cho là có liên hệ với giới cao tầng của Bắc Kinh. Người này cho biết, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng Sáu, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko mật báo với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông Tần Cương cùng những người chỉ huy cao cấp của Lực lượng Hỏa tiễn trong quân đội đã gây ra biến loạn, làm rò rỉ cơ mật của ĐCSTQ cho các cơ quan tình báo phương Tây. Sau đó, ông Tần Cương đã qua đời vì tự sát hoặc cực hình vào cuối tháng Bảy tại một bệnh viện quân đội ở Bắc Kinh, nơi phục vụ các lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ.
Trên thực tế, kể từ cuối tháng Bảy, tin tức về “sự qua đời” của ông Tần Cương không ngừng lan truyền trên mạng xã hội. Các tin tức này cho rằng, ông Tần qua đời vì “hoại tử gan,” “tự sát” hoặc “tử vong do bị chích thuốc,” v.v. Mặc dù nguyên nhân tử vong lan truyền là khác nhau, nhưng nơi tử vong đều là Bệnh viện 301 ở Bắc Kinh.
Trước đây, ông Tần Cương và tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), một cựu Ủy viên Quốc vụ viện khác, đều được xem là những quan chức được ông Tập Cận Bình tin cậy. Tờ Politico đưa tin, việc giam giữ các quan chức khiến ngoại giới nghi ngờ về sự ổn định của nội bộ chính quyền ĐCSTQ.
Sau khi bài báo này được truyền ra, đã lập tức làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Ông Matt Schrader, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc từng làm việc tại Quốc hội Hoa Kỳ và tổ chức nghiên cứu German Marshall Fund, viết: “Bài báo này thật điên rồ.”
Biên tập viên của The Economist, ông Gady Epstein, cho biết: “Độc giả cần lưu ý rằng, nguồn của những tin tức này không đáng tin cậy. Bài viết này nói về giới lãnh đạo Trung Quốc với đầy rẫy những suy diễn, phán đoán, tin đồn, nghe có vẻ hay nhưng rất khó chứng thực.”
Ông Triệu Lan Nghị (Zhao Lanjian), cựu nhân viên truyền thông Hoa lục, đã đăng một bức ảnh và cho biết: “Ngày 16/07 có tin đồn ông Tần Cương bị xử tử. Hôm qua vẫn còn tin đồn này. Đoán chừng tạp chí chính trị Mỹ cũng đã nghe tin tức truyền ra từ hồi tháng Bảy và bây giờ mới mở rộng để xác nhận điều đó. Nếu ông Tập Cận Bình sát hại cả một nhóm người như ông Lý Khắc Cường, ông Tần Cương, ông Lý Thượng Phúc, thì đây có còn là một xã hội hiện đại nữa hay không? Đây chẳng phải là một bạo quân sao? Bạo quân của xã hội dã man nguyên thủy rất thích những người như Kim Jong-un, Putin, Taliban, Hamas. Họ đều là những kẻ vô cùng tà ác trong xã hội nhân loại.”
7月16日就传说秦刚被处死了。昨天还是传说被处死了 。估计美国这个政要杂志也是听这个7月传说,现在才引申出来确定的。 — 赵兰健[Lanjian Zhao] (@uyunistar) December 7, 2023
如果习近平杀了李克强、秦刚、李尚福一大批人,这哪里是现代社会?这不是个暴君吗?原始野蛮社会的暴君,热衷金三、普京、塔利班、哈马斯。全是人类社会的极度邪恶。 https://t.co/VwmqRXMpjE
Trương mục mạng xã hội X “Bình luận kinh tế và chính trị Trung-Nhật” (中日政经评论) viết: “Liên quan đến sự qua đời của ông Tần Cương, có thể thấy: Thứ nhất, Thổ Cộng [ĐCSTQ] sẽ không chủ động sát hại ông ấy, chỉ cần hạ gục ông ấy là đủ, và quy tắc đấu tranh trong đảng cũng sẽ không giết được ông ta. Thứ hai, đối với khả năng ông ấy qua đời vì bệnh tật, thì tuổi tác và tiền sử bệnh của ông Tần Cương khiến khả năng này chiếm tỉ lệ rất nhỏ, trừ phi ông ấy đột nhiên mắc phải một căn bệnh ác tính. Thứ ba, nếu ông ấy tự tử thì cũng không phải là không thể có khả năng này, nhưng môi trường thẩm tra rất khó để tự sát. Nếu phát sinh chuyện tự sát thì đó sẽ là sai lầm nghiêm trọng của nhân viên quản lý nơi ấy.”
Ông Đào Thụy (Tao Rui), cựu PI và giám đốc phòng thí nghiệm của Đại học Harvard, cho biết: “Tôi nghĩ ông Tần Cương chưa mất. Có nhiều vấn đề logic trong bài viết của Politico. Tôi nghĩ ông Tần Cương giống với bà Đoàn Vĩ Hồng (Duan Weihong) trước đây. Trong màn đen tối bao phủ của Trung Quốc, bởi vì thân phận và tính nhạy cảm của sự việc nên không thể công khai xuất hiện mà phải biến mất. Có người nói nếu ông Tần Cương chưa qua đời, thì chính quyền nhất định sẽ nhanh chóng bác bỏ tin đồn. Tôi không nghĩ vậy. Nhiều người cũng suy đoán bà Đoàn Vĩ Hồng đã mất, trong đó có người nhà của bà ấy. Mãi đến nhiều năm sau, khi cơn sốt qua đi, bà ấy mới xuất đầu lộ diện.”
Ông Kevin Carrico, nhà Hán học tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, viết: “Sự biến mất của ông Tần Cương quá đột ngột và kỳ lạ đến nỗi, tôi chưa thấy lời giải thích hợp lý nào. Lời giải thích này, theo tôi, dường như nó liên kết nhiều sự kiện kể từ tháng Bảy. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật 100%.”
Nhà nghiên cứu lịch sử Thôi Tùng (Cui Song) bày tỏ: “Có phải tin đồn hay không, thì cần thời gian kiểm chứng. Nếu tin đồn tiếp tục phát tán và nóng lên, thì nó sẽ có xu hướng trở thành sự thật. Nhưng phủ nhận quá sớm cũng là liều lĩnh và bất cẩn”.
Nhà truyền thông sống ở Hoa Kỳ Trần Tiểu Bình (Chen Xiaoping) viết: “Trong số rất nhiều lời giải thích mang tính truyền kỳ về sự biến mất của ông Tần Cương, thì ‘yếu tố sức khỏe’ được Bắc Kinh đưa ra là một trong số đó. Bây giờ có nhiều thông tin truyền thông chính thức hơn nói ông Tần đã qua đời. Vậy kết quả sẽ như thế nào? 1. Kênh truyền thông này bị Bắc Kinh mắng là truyền thông tin đồn, 2. Bắc Kinh yêu cầu ông Tần đang bị bệnh thông báo bình an. Nếu ông ấy không lên tiếng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nên lập tức chuẩn bị cách ứng phó với loạt bom đạn trong cuộc họp báo ngày mai”.
Ông Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả cuốn “Sự sụp đổ của Trung Quốc” (The Coming Collapse of China), cho biết: “ĐCSTQ đang gặp khủng hoảng. Nguyên nhân một phần vì cả quốc gia này sắp sụp đổ.”
Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng một số người cho rằng ông Tập Cận Bình đang sử dụng các thủ đoạn kiểu Stalin để làm trong sạch hệ thống quân đội, ngoại giao, tài chính .v.v., nhưng thực tế nó vẫn không có gì khác biệt. Các thủ đoạn dưới thời ông Mao Trạch Đông xem ra có hiệu quả hơn.
Dưới thời ông Mao, ông ấy đã phát động một chiến dịch chính trị. Còn hiện nay, trong những năm vừa qua, ông Tập đang thực hiện chiến dịch chống tham nhũng để thử thách lòng trung thành của người khác. Nếu lòng trung thành ai đó không đủ, người đó sẽ bị thanh trừng mọi lúc mọi nơi. Bởi vì trong cơ chế của Đảng Cộng sản, không có vấn đề tham nhũng nào không thể tra xét được.”
Ông Thái cho rằng vụ việc của ông Tần Cương vẫn còn phải xem xét, “Không biết phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào trước nội dung đưa tin công khai của bài báo này, đặc biệt là giả thuyết ông Tần Cương qua đời vì bị cực hình. Nếu hãng thông tấn này đang tung tin đồn, cách tốt nhất là chính quyền Trung Quốc nên yêu cầu ông Tần Cương đưa ra thông báo vẫn bình an.”
Hôm 08/12, cựu thương nhân Thượng Hải Hồ Lực Nhậm (Hu Liren), nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, không ai có thể xác nhận ông Tần Cương đã mất hay chưa. Ngay cả khi còn sống, ông ấy cũng cách cửa tử không xa.