Cựu lãnh đạo NATO: Trung Quốc cần biết hậu quả kinh tế của việc xâm lược Đài Loan
Cựu lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kêu gọi các nước cho Trung Quốc thấy những hậu quả kinh tế mà nước này sẽ phải đối mặt nếu xâm lược Đài Loan.
Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết các quốc gia phương Tây sẽ phải đối mặt với “hậu quả kinh tế nghiêm trọng” nếu nước này có hành động chống lại nước cộng hòa Đài Loan độc lập.
Ông đã gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) trong chuyến thăm đầu tiên của mình tới hòn đảo này kể từ khi ông thôi giữ chức vụ cũ.
ĐCSTQ đã tuyên bố Đài Loan là một tỉnh nổi loạn kể từ năm 1949 khi Nội chiến Trung Quốc kết thúc, bất chấp việc cư dân Đài Loan muốn duy trì độc lập.
ĐCSTQ đã tăng cường áp lực lên Đài Loan để khẳng định chủ quyền của mình đối với hòn đảo này, khi liên tục tiến hành các nhiệm vụ không quân trong vùng biển của Đài Loan trong ba năm qua.
Cựu lãnh đạo NATO và cựu Thủ tướng Đan Mạch đã kêu gọi Liên minh Âu Châu và NATO huấn luyện quân đội Đài Loan cũng như lên kế hoạch trừng phạt kinh tế đau đớn đối với Bắc Kinh trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo này.
Ông Rasmussen, người lãnh đạo liên minh xuyên Đại Tây Dương này từ năm 2009 đến năm 2014, nói rằng các thành viên EU và NATO nên sẵn sàng khiến Trung Quốc đại lục phải “suy nghĩ kỹ” về một cuộc xâm lược.
Ông hiện là chủ tịch và người sáng lập của Tổ chức Liên minh các Nền dân chủ có trụ sở tại Đan Mạch, được thành lập để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia được bầu cử dân chủ trước sự xâm lược của chế độ độc tài.
Ông Rasmussen so sánh vị thế của Đài Loan với Ukraine
Cựu lãnh đạo Đan Mạch cũng so sánh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine với sự hung hăng quân sự của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan.
Ông nói, “Những điểm tương đồng với Nga và Ukraine là khó có thể bỏ qua. Chúng ta không được mắc phải những sai lầm tương tự với ông Tập Cận Bình như chúng ta đã mắc phải với ông Vladimir Putin.”
Ông nhận xét rằng “cách quan trọng nhất để ngăn chặn một hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan là bảo đảm Ukraine chiến thắng trong cuộc xung đột hiện tại.”
“Nếu Nga có thể giành được lãnh thổ và thiết lập hiện trạng mới bằng vũ lực, thì điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ. Các nhà độc tài ở khắp mọi nơi sẽ học được rằng, cuối cùng, xâm lược quân sự sẽ có tác dụng.”
Ông nói rằng phương Tây phải thống nhất để bảo đảm một chiến thắng cho Ukraine nhằm ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan trong tương lai.
Ông nói thêm, trước khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, các cường quốc Âu Châu và NATO đã “quá ngây thơ”, và hiện đang có nguy cơ lặp lại những sai lầm tương tự với Bắc Kinh.
Ông Rasmussen tin rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình sẽ theo dõi sát sao cuộc chiến ở Ukraine trước khi quyết định bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan.
Ông Rasmussen nói với các phóng viên ở Đài Bắc: “Cho đến nay, thế giới vẫn chưa chú ý đầy đủ đến những căng thẳng ở Eo biển Đài Loan.”
“Và chúng ta nên nhận ra rằng xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan đã và sẽ có những tác động toàn cầu. Vì vậy, chúng ta có lợi ích toàn cầu trong việc ngăn chặn những căng thẳng đó leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang.”
Ông tiếp tục, “Bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Đài Loan bằng vũ lực sẽ gây ra một phản ứng thống nhất ngang hàng và chúng ta phải làm rõ điều này với Trung Quốc ngay bây giờ.”
Phương Tây nên khai thác các điểm yếu kinh tế của Trung Quốc
Bắc Kinh phụ thuộc nhiều vào nhập cảng và đầu tư ngoại quốc để thúc đẩy nền kinh tế, khiến nước này dễ bị trừng phạt kinh tế hơn so với Moscow.
Ông Rasmussen nói, “Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn Nga. Nói rõ những hậu quả kinh tế nghiêm trọng của bất kỳ cuộc tấn công nào bây giờ sẽ là một biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ.”
Ông Rasmussen thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến EU vì Trung Quốc đã can dự sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã bắt đầu một sự thay đổi trong nội bộ các quốc gia phương Tây khi phải phụ thuộc vào các quốc gia kém dân chủ hơn.
Cựu lãnh đạo NATO lập luận: “Chúng tôi đã xây dựng một Âu Châu dựa trên an ninh do Hoa Kỳ cung cấp, hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, và khí đốt giá rẻ từ Nga. Mô hình đó không còn hiệu quả nữa.”
Bắc Kinh ngày càng quyết đoán với Đài Loan
Ông Tập đã coi điều mà ông gọi là “thống nhất” Đài Loan với đại lục là ưu tiên hàng đầu không thể để cho các thế hệ tương lai thực hiện.
Ông nói rằng Trung Quốc bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan nếu cần thiết và chính phủ của ông phản đối bất kỳ trao đổi chính thức nào với Đài Loan.
Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước hàng loạt chuyến thăm của các chính trị gia phương Tây tới hòn đảo này.
Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng quân sự vào năm ngoái khi khai triển các cuộc tập trận lớn nhất kể từ những năm 1990 để đáp trả chuyến thăm hồi tháng 08/2022 của Chủ tịch Hạ viện đương thời, Dân biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California).
AFP đưa tin cho biết, đáp lại chuyến thăm của ông Rasmussen, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra ‘hai Trung Quốc’ hoặc ‘một Trung Quốc, một Đài Loan’ đều chắc chắn sẽ thất bại.”
Kêu gọi Âu Châu gửi vũ khí cho Đài Loan
Ông Rasmussen khuyến nghị rằng phương Tây cũng nên giúp trang bị vũ khí cho các lực lượng quân sự của Đài Loan, lực lượng chủ yếu được trang bị vũ khí sản xuất trong nước và từ Hoa Kỳ.
Trong tám năm dẫn đến cuộc chiến ở Ukraine năm ngoái, các cố vấn của NATO đã huấn luyện các lực lượng vũ trang của Ukraine.
Ông Rasmussen nói, “Chúng ta có thể làm chính xác điều tương tự với các nam nữ quân nhân đến từ Đài Loan. Chúng ta có thể tiến hành các cuộc huấn luyện và diễn tập như vậy trên đất Âu Châu.”
Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là đồng minh chính của Đài Loan, nhưng ông cũng kêu gọi chia sẻ thiết bị phòng thủ không gian mạng và quân sự của Âu Châu với Đài Bắc, “để giúp Đài Loan có khả năng tự vệ.”
Ông nói, “Tất cả những ai tin tưởng vào một Đài Loan dân chủ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải nỗ lực để bảo đảm Ukraine chiến thắng. Người dân Ukraine và người dân Đài Loan mới là người quyết định tương lai của chính họ, vì vậy thế giới tự do phải ủng hộ họ.”
Ông Rasmussen kết luận: “Chúng ta không nên lặp lại sai lầm này vì quá yếu đuối, quá dễ dãi với Trung Quốc.”
Ông nói rằng NATO không nên đóng một vai trò trực tiếp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà muốn cái gọi là các quốc gia “Bộ Tứ” gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc dẫn đầu trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại đó.
Đài Bắc từ lâu đã tuyên bố rằng công dân của họ có quyền định đoạt quyền tự quyết của họ và các yêu sách của đại lục là vô hiệu, vì Bắc Kinh chưa bao giờ cai trị hòn đảo này.
Quan hệ của Đài Loan với Moscow đang đối mặt với trở ngại sau khi ông Putin quyết định thắt chặt quan hệ với ông Tập Cận Bình sau cuộc xung đột với Ukraine, khiến chính phủ ông sẵn sàng ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hòn đảo này.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times