Cựu giám đốc điều hành hãng Levi đàm luận về chủ nghĩa thức tỉnh
Cựu giám đốc điều hành của một nhà sản xuất hàng may mặc có thương hiệu lớn cho rằng, khoác lên bộ cánh của chủ nghĩa thức tỉnh, giới thượng lưu thiên tả thể hiện rằng họ quan tâm đến công lý xã hội và che giấu lòng tham cùng sự thối nát của mình.
Bà Jennifer Sey, cựu giám đốc tiếp thị kiêm chủ tịch thương hiệu của Levi Strauss & Co., nói với chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV rằng bà đã “chống lại” việc đóng cửa trường công lập do đại dịch COVID-19 trong hai năm, và cuối cùng, bà đã bị đẩy ra khỏi công ty bởi sự ủng hộ của mình.
Bà Sey, người đã gửi các con đến trường công lập, tin rằng các đợt phong tỏa trường học kéo dài có hại cho trẻ em và bắt đầu lên tiếng phản đối biện pháp này khi đại dịch bắt đầu.
Bà Sey cho biết khi trận đại dịch này bùng nổ, hai vợ chồng bà đã đọc dữ liệu được đưa ra từ Ý, một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, và dữ liệu này cho thấy độ tuổi trung bình tử vong vì căn bệnh này là trên 80.
“Không ai bận tâm xem xét dữ liệu thực tế hoặc tuân theo kế hoạch trước đại dịch, trong đó nói rằng quý vị không bao giờ cho đóng cửa trường học trong hơn một vài tuần,” bà Sey nói. “Ngay từ ngày đầu tiên, cả tôi và chồng tôi đều nói rằng ‘Không, điều này là sai. Mọi người sẽ bị tổn hại.’”
Hồi tháng 09/2020, công ty của bà Sey đã cảnh báo bà rằng việc bà chống lại việc đóng cửa trường học có thể được xem là phát ngôn thay mặt cho công ty, “ngụ ý là công ty sẽ bị tổn hại về uy tín,” bà nói.
Bà Sey tiếp tục nói rằng đồng thời, các đồng nghiệp của bà bắt đầu gửi con em của họ trở lại trường tư thục học trực tiếp.
“Tôi đã rất phẫn nộ rằng trong khi họ đưa con em của họ đến trường học trực tiếp, thì những người này dám nói với tôi rằng: ‘Quý vị không thể ủng hộ cho trẻ em nghèo được đến trường.’”
Bà Sey cho biết việc các đồng nghiệp của bà — và thậm chí cả những nhân viên dưới bà hai hoặc ba cấp trong hệ thống phân cấp của công ty — gửi con đến trường công lập ở thành phố San Francisco của bà là điều không bình thường.
“Tôi nghĩ ý tưởng này sẽ kết thúc, và nói một cách điềm tĩnh và tử tế, thì mọi người sẽ nhận ra thói đạo đức giả này. Nhưng họ đã không nhận ra, bởi vì theo một ý nghĩa nào đó thì thói đạo đức giả mới là điểm mấu chốt.”
Bà nói: “Biểu hiện của chủ nghĩa thức tỉnh này, đó là một tấm áo choàng mà họ khoác lên người để rao giảng đạo đức … để che đậy lòng tham, sự thối nát, chỉ giữ lại tất cả những thứ tốt đẹp cho bản thân họ.”
“Đó là bộ trang phục mà giới thượng lưu cánh tả, thiên tả quấn quanh mình để nói rằng ‘Tôi quan tâm đến công lý xã hội. Tôi quan tâm đến tất cả những điều chính nghĩa này. Tôi là một người tử tế.’ Nếu quý vị đe dọa sẽ phơi bày điều đó, quý vị cần phải bị trục xuất.”
Hy sinh sự nghiệp để lên tiếng
Vào khoảng thời gian đầu năm mới 2022, bà Sey được thông báo rằng công ty này không còn vị trí nào dành cho bà nữa.
Bà Sey nói rằng bà đã được thông báo như thế này, “Bà không thể trở thành CEO bởi những điều bà đã nói và làm. Do đó, bà không thể ngồi vào chiếc ghế hiện tại của mình vì rốt cuộc đó là vai trò trở thành Giám đốc điều hành, vì vậy bà cần phải rời đi.”
Bà đã được đề nghị một gói trợ cấp thôi việc trị giá 1 triệu USD, nhưng bà đã quyết định từ chối vì gói trợ cấp này sẽ đi kèm với việc ký kết một thỏa thuận bảo mật.
Bà nói: “Điều mà thỏa thuận bảo mật này sẽ yêu cầu là tôi không bao giờ được nói về các điều khoản của việc tôi bị sa thải. Tôi không đồng tình với điều đó.”
Hồi tháng Hai, bà Sey đã rời khỏi Levi Strauss & Co. sau gần 23 năm gắn bó với công ty này.
The Epoch Times đã liên lạc với Levi Strauss & Co. để đề nghị bình luận.
Bà Sey cho biết chủ nghĩa phi tự do đã truyền từ các trường đại học đến các công ty và chiếm lĩnh các tập đoàn trên khắp đất nước này là “vô cùng nguy hiểm.”
“Nếu quý vị nhấn mạnh vào một nền văn hóa mà nơi đó không chấp nhận quyền tự do ngôn luận, thì nền văn hóa đó không chỉ không toàn diện, trong đó bản thân điều này cũng là vấn đề nan giải, mà tôi thực sự nghĩ rằng điều đó vẫn còn đầy rẫy và có nhiều nguy cơ tham nhũng và gian lận, giống như chúng ta đã chứng kiến với các công ty như Theranos, FTX và Enron,” bà nói.
Theranos, một công ty từng tuyên bố cung cấp dịch vụ phòng xét nghiệm máu chỉ với một giọt máu, đã lừa gạt các nhà đầu tư của mình trong một kế hoạch trị giá hàng triệu dollar. Mới đây, bà Elizabeth Holmes, người sáng lập công ty này, đã bị kết án 11 năm tù.
FTX, một sàn giao dịch mã kim có trụ sở tại Bahamas, mới đây đã phá sản cùng với hơn 130 công ty liên kết do không đủ thanh khoản. Người dùng FTX có khả năng phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế 8 tỷ USD, trong khi các nhà đầu tư vào công ty này có khả năng mất trắng khoản đầu tư của họ từ vụ phá sản này.
Enron, một công ty kinh doanh năng lượng có trụ sở tại Texas, đã phá sản hồi năm 2001 do hành vi gian lận kế toán và xung đột lợi ích. Trong vòng một năm, giá cổ phiếu của Enron giảm mạnh từ khoảng 90 USD một cổ phiếu xuống còn 26 cent một cổ phiếu, gây thiệt hại hàng tỷ dollar cho các nhà đầu tư, hàng ngàn người mất việc làm, và vỡ nợ với hơn 2 tỷ USD kế hoạch lương hưu.
Bà Sey nói: “Những người trong những công ty đó biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng họ không cảm thấy bản thân họ có thể nói được bất cứ điều gì.”
“Nếu quý vị không thể thảo luận trong công ty đó về điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả, điều gì đúng và điều gì không đúng, thì quý vị không thể đổi mới. Quý vị không thể tiến về phía trước,” bà nói. “Khi chúng ta không thể có những cuộc trò chuyện như vậy bởi vì tất cả chúng ta chỉ xuôi theo tuyên truyền thì điều đó sẽ cản trở sự tiến bộ.”
“Đó là một sự vi phạm tinh thần của Tu chính án thứ Nhất,” bà Sey nói thêm.
Chủ nghĩa thức tỉnh là một hệ tư tưởng
“Thức tỉnh” trong suốt những năm 1940 đến đầu những năm 1960 có nghĩa là “nhận thức hoặc cảnh giác với hiện thực là có sự bất bình đẳng về chủng tộc, và là một phần của phong trào để thay đổi hiện thực đó,” bà Sey nói. “Thật đáng ngưỡng mộ, tôi không phản đối điều đó.”
Bà Sey giải thích rằng, tuy nhiên, trong 10 hoặc 15 năm qua, và đặc biệt là trong vòng 3 đến năm 5 gần đây, những niềm tin đó đã bị sai lạc và bị thương mại hóa “thành một hệ tư tưởng mà không bao giờ có thể bị nghi hoặc,” chẳng hạn như hệ tư tưởng giới tính, hệ tư tưởng chủng tộc, hoặc [phong trào] tích cực của cơ thể (body positivity).
Bà Sey nói rằng bà đã rất ủng hộ những người chuyển giới làm việc trong nhóm của mình. “Tôi không bao giờ muốn một người bị phân biệt đối xử vì bất cứ điều gì, kể cả việc không được chích ngừa.”
Tuy nhiên, bà cho rằng, những ai đặt câu hỏi liệu một đứa trẻ 11 tuổi có nên dùng thuốc ức chế dậy thì hay không thì bị xem là xấu xa và phải bị tẩy chay vì vi phạm hệ tư tưởng này, trong khi không có nghiên cứu nào về tác động trung và dài hạn của liệu pháp này.
“[Chủ nghĩa thức tỉnh] tự dưng đã trở thành tôn giáo. Chủ nghĩa tư bản thức tỉnh thực sự đúng là một nỗ lực để kiếm lợi từ hệ tư tưởng này và sự mê hoặc đằng sau hệ tư tưởng này của chủ yếu là Gen Z và người tiêu dùng thuộc thế hệ thiên niên kỷ,” bà nói.
Một ví dụ khác về hệ tư tưởng không thể nghi hoặc này là ý tưởng về “sự tích cực của cơ thể,” quảng bá rằng kích thước của cơ thể không ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể đó, bà Sey nói.
“Trong thời kỳ đại dịch COVID, chúng ta đã không thể nói rằng thừa cân là nguy hiểm. Tôi đã nói ra chuyện này, và điều đó khiến tôi trở thành một kẻ kỳ thị béo phì,” bà nói.
“Chúng ta không thể nói điều đó, bởi vì câu thần chú là ‘khỏe mạnh ở mọi kích cỡ.’ Đó là [vấn đề] mang tính ý thức hệ. Và niềm tin vào hệ tư tưởng đó của quý vị phải thuần túy, nếu không thì quý vị là kẻ xấu và phải bị xa lánh.”
Một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Đại học Bologna ở Ý thực hiện vào mùa xuân năm 2020 đã kết luận rằng “béo phì là một yếu tố nguy cơ mạnh mẽ, độc lập dẫn đến suy hô hấp, nhập viện để chăm sóc đặc biệt, và tử vong ở bệnh nhân COVID-19.”
Nghiên cứu này cho biết, ngay cả những bệnh nhân béo phì nhẹ cũng có nguy cơ suy hô hấp cao gấp 2.5 lần và nguy cơ phải nhập viện chăm sóc đặc biệt cao gấp 5 lần so với bệnh nhân không béo phì.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh và tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Chủ nghĩa thức tỉnh thay thế cho tôn giáo
“Hầu hết mọi người đều muốn có một khuôn khổ đạo đức nào đó giúp họ đưa ra những quyết định để họ có thể cảm thấy mình có phẩm hạnh và trở thành người lương thiện. Và trong một thế giới mà tôn giáo ngày càng không còn ý nghĩa nữa — và tôi nói điều này như là một người vô thần — chúng ta vẫn phải tìm kiếm những cấu trúc và khuôn khổ đó ở nơi nào đó.”
Bà Sey cho biết lòng mộ đạo vẫn còn thôi thúc trong mỗi con người.
Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly và Liam Cosgrove
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times