Cuộc tuần hành tại thủ đô Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ
HOA THỊNH ĐỐN — Hôm 21/07/2022, hơn 1,500 học viên Pháp Luân Công đã tụ họp tại National Mall để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp nhóm đức tin này của chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Với Điện Capitol của Hoa Kỳ ở phía sau, các diễn giả tại một cuộc tập hợp đã nêu bật nhận thức ngày càng tăng về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ và mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Hoa Kỳ.
“Thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một trong những tội ác man rợ nhất trong lịch sử nhân loại. Và đáng lẽ trách nhiệm giải thích thực chất cần phải đươc thực hiện từ lâu rồi,” Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) nói, đồng thời cho biết thêm rằng Quốc hội phải thực hiện “các hành động mạnh mẽ” chống lại tội ác này.
“Hoa Kỳ cuối cùng cũng thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Và tất cả chúng ta cần nghe câu chuyện của quý vị, hiểu ĐCSTQ đã tàn bạo như thế nào đối với quý vị và học hỏi từ kinh nghiệm của quý vị,” ông Chabot nói với những người tham dự cuộc tập hợp.
Ngày 20/07 đánh dấu 23 năm kể từ khi ĐCSTQ phát động chiến dịch càn quét nhằm loại bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần gồm năm bài tập tĩnh tại và các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Điểm nổi bật của môn tu luyện này là tính phổ biến, thu hút khoảng 70 triệu đến 100 người theo học ở Trung Quốc vào năm 1999. Do đó, môn tu luyện này được coi là một mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài của Đảng đối với xã hội.
‘Quốc hội phải hành động’
Các diễn giả tại cuộc tập hợp cũng kêu gọi ủng hộ Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2021, một dự luật sẽ áp các lệnh trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức và cấm xuất cảng các thiết bị y tế được sử dụng trong hoạt động tàn bạo này.
Năm 2019, một tòa án độc lập đã phát hiện ra rằng chính quyền Trung Quốc đã sát hại các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong nhiều năm — hầu hết là các học viên Pháp Luân Công — để lấy nội tạng của họ nhằm cung cấp cho thị trường cấy ghép tạng trên một “quy mô đáng kể”, một hoạt động mà vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Đại sứ Andrew Bremberg, chủ tịch của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (VOC), một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, kêu gọi Quốc hội nên dẫn đầu bằng việc thông qua dự luật này.
“Giờ đây người ta đã biết rằng do các chính sách của ĐCSTQ, trong nhiều thập niên các bác sĩ phẫu thuật được đào tạo chuyên sâu đã bị biến thành đao phủ của các tù nhân trên bàn mổ,” ông nói, đề cập đến kết quả của bài nghiên cứu hồi tháng Tư của thành viên VOC Matthew Robertson trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ (American Journal of Transplantation).
“Hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bỏ tù, tra tấn, hoặc sát hại,” Dân biểu Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida) nói trong thông điệp video của mình gửi đến những người tham dự cuộc tập hợp. “Nếu chúng ta giữ im lặng khi đối diện với những tội ác này, chúng ta đã phớt lờ những luân lý về đạo đức và làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho xã hội dân sự.”
Trong bài diễn văn qua video của mình, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) nhấn mạnh rằng: “Hoa Kỳ có nghĩa vụ duy trì và thúc đẩy khả năng thực hành tôn giáo mà không có sự can thiệp của chính phủ. Việc để cho Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục vòng luẩn quẩn của cuộc đàn áp này mà không phải gánh chịu hậu quả là một hành động vô trách nhiệm về đạo đức.”
Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) cũng gửi bài diễn văn trực tuyến của mình: “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Trung Quốc, cho dù đó là thu hoạch nội tạng cưỡng bức, bỏ tù bất công hay lao động cưỡng bức, đều là hành động tàn ác. Rất tàn ác.”
“Quốc hội dứt khoát phải hành động, bảo đảm rằng hàng triệu học viên Pháp Luân Công không bị từ chối quyền tự do thực hành đức tin tôn giáo của họ.” Ông cho biết thêm rằng ông đã giới thiệu Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công vào tháng 12 năm ngoái (2021).
Dự luật này sẽ trừng phạt những cá nhân có liên quan hoặc đã góp phần vào nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công và yêu cầu Bộ Ngoại giao đánh giá xem liệu cuộc bức hại này có cấu thành tội diệt chủng hay không.
Tự do tôn giáo ngày càng tồi tệ hơn ở Trung Quốc
Ủy viên Eric Ueland của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết tình trạng tự do tôn giáo ở Trung Quốc đã nhanh chóng xấu đi trong thập niên vừa qua.
“Kể từ ngày tồi tệ nhất của Cách mạng Văn hóa, chưa bao giờ quý vị lại thấy một cuộc đàn áp khủng khiếp và có quy mô lớn đối với các cộng đồng tôn giáo ở Trung Quốc đến như vậy, bao gồm cả Pháp Luân Công,” ông Ueland nói tại cuộc tập hợp. Ông cho biết USCIRF đã nhiều lần phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công và một số học viên thậm chí đã “bị sát hại dưới tay các quan chức Trung Quốc.”
Ông nói: “Điều đó gây rúng động lương tâm và kìm hãm linh hồn chúng ta.”
Bà Annie Boyajian, phó chủ tịch tại Freedom House, một tổ chức nhân quyền, nói rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công đã trở nên tồi tệ hơn trong năm năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Bà cũng lo lắng rằng các học viên Pháp Luân Công và người Công Giáo ở Hồng Kông có thể bị nhắm mục tiêu trong năm tới.
“Nhiều người có thể không biết rằng một số người mở ra cuộc đàn áp ở Tân Cương đã hoàn thiện những kỹ thuật này trên người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công,” bà nói.
Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2021 phải được thông qua trong năm nay hoặc sẽ phải được đưa ra một lần nữa vào năm 2023. Hồi tháng 03/2021, Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) và Thượng nghị sĩ Christopher Coons (Dân Chủ-Delaware) đã giới thiệu phiên bản của Thượng viện, và Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jerry) và Dân biểu Thomas Suozzi (Dân Chủ-New York) đã giới thiệu phiên bản của Hạ viện.
Bảo vệ ý chí tự do ở Trung Quốc và Hoa Kỳ
Ông Arthur Trương, một Thượng sĩ thuộc Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại Florida, đã nghỉ làm việc một ngày để tham gia các sự kiện này. Đối với ông, nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc và bảo vệ nước Mỹ là hai nhiệm vụ song hành; cả hai đều nhằm đề cao đạo đức – là vấn đề “ưu tiên trong cuộc sống” của ông.
Khi cuộc bức hại bắt đầu diễn ra vào đêm 20/07/1999, ông Trương là một học sinh trung học 17 tuổi ở một quận nhỏ ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ông đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công ba năm trước đó.
Vì thực hành các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Công đồng thời từ chối tuyên bố từ bỏ các nguyên lý này với ĐCSTQ, ông đã mất cơ hội vào Đại học Bắc Kinh, cơ hội theo học ngôi trường mà ông đã chọn và chịu đựng sự tra tấn trong thời gian một năm rưỡi trong một trại lao động tại Trung Quốc.
Tháng 02/2001, tại văn phòng điều phối của một trại cải tạo ở ngoại ô Bắc Kinh, một chục cảnh sát đã tra tấn bốn học viên Pháp Luân Công bằng roi điện chỉ vì họ nói: “Pháp Luân Đại Pháp hảo.”
Ông Trương là một trong bốn người đó. Hai hàm răng nghiến chặt vào nhau khi những chiếc roi điện đánh vào mặt, miệng, và cổ ông. Ông không thể mở miệng và mất kiểm soát cơ mặt của mình. Khi những chiếc dùi cui điện vun vút bên tai, ông gần như không kiểm soát được tâm trí của mình.
“Mình sẽ không chết. Mình sẽ không chết,” ông Trương tự nhủ. “Mình sẽ không nói Pháp Luân Đại Pháp là xấu ngay cả khi mình phải chết.”
Tháng 01/2002, ông Trương đã được thả khỏi Trại lao động Đoàn Hà ở Bắc Kinh.
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở tỉnh Hà Bắc, ông làm việc tại Thượng Hải cho một công ty của Mỹ, nhờ đó ông đã nhận được thị thực đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nộp đơn vào năm 2012, ông đã được cấp phép tị nạn vào năm 2014.
Trong khi đang tìm cách để trả ơn cho Mỹ quốc, ông đã xem được thông tin tuyển dụng của Lực lượng Không quân vào năm 2016. Các giá trị “chính trực trên hết” (“integrity first”), “phụng sự hết mình” (“service before self”) và “vượt trội trong mọi nhiệm vụ” (“excellence in all we do”) là những giá trị ông cảm thấy ngân vang trong mình một cách mạnh mẽ. Nhiều đến mức ông trở thành tân binh ở tuổi 35, gấp đôi tuổi của tân binh trẻ nhất trong nhóm 52 thành viên của mình.
Các giá trị cốt lõi của Lực lượng Không quân “tương tự như các nguyên lý được dạy trong Pháp Luân Công, chẳng hạn như trung thực, nghĩ đến người khác trước, hy sinh bản thân, và gánh vác những trách nhiệm của mình,” ông Trương nói với The Epoch Times.
Người đàn ông 35 tuổi khi đó chưa bao giờ đến phòng tập thể dục trước khi gia nhập Lực lượng Không quân. Tuy nhiên, với sự gan dạ, ông đã vượt qua bài kiểm tra thể chất và tốt nghiệp vào năm 2017 với giải thưởng sinh viên ưu tú.
Ông Trương cho biết cho biết ông muốn đóng góp những hiểu biết tích lũy từ kinh nghiệm sống để giúp bảo vệ Hoa Kỳ, quốc gia đã cưu mang ông mà ông tin rằng đang bị chủ nghĩa cộng sản tấn công trên nhiều phương diện.
Đối với ông, ĐCSTQ áp đặt ý chí của mình lên mọi người, tước đi ý chí tự do của họ, và tước bỏ tư duy phản biện và các chính kiến để đưa ra lựa chọn của riêng họ.
“Trong số tất cả những người bị ĐCSTQ tước đi ý chí tự do, họ mù quáng tuân theo hoặc ghét bỏ đảng này. Tuy nhiên, họ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ,” ông Trương nói.
“Pháp Luân Công đã giúp tôi vượt qua điều đó và nhìn nhận ĐCSTQ vượt ra bên ngoài phạm vi trải nghiệm bị bức hại của chính tôi.”
Người lính này cho biết ông muốn giúp nhiều người có được cuộc sống bình thường bằng cách thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ và khôi phục ý chí tự do của họ. Vì vậy, ông rất vui khi thấy đại bồi thẩm đoàn liên bang gần đây đã truy tố năm người — cả những ai là người Trung Quốc lẫn không phải người Trung Quốc — với cáo buộc đàn áp những người bất đồng chính kiến gốc Hoa trên đất Hoa Kỳ.
Ông nói rằng các đặc vụ Trung Quốc đã làm điều tương tự với các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ trong nhiều thập niên. Ông cho biết thêm rằng việc nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc sẽ giúp bảo vệ Hoa Kỳ và các giá trị của đất nước này.
Các diễn giả khác tại cuộc tập hợp bao gồm ông Piero Tozzi, cố vấn cao cấp của Dân biểu Chris Smith; ông Sean Nelson, cố vấn pháp lý tại Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế; bà Arielle Del Turco, trợ lý giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Hội đồng Nghiên cứu Gia đình; ông Darren Spinck, phó cộng sự nghiên cứu của Hội Henry Jackson; bà Christina Sturgeon, trợ lý giám đốc điều hành tại Chiến dịch Jubilee Hoa Kỳ; ông Alan Adler, giám đốc điều hành của Những người bạn của Pháp Luân Công; bà Luna Lyu, một nạn nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công; bà Dịch Dung (Rong Yi), chủ tịch Trung tâm Thoái Đảng có trụ sở tại New York; và ông Uông Trí Viễn (Wang Zhiyuan) từ Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG). Dân biểu Eleanor Holmes Norton (Dân Chủ-Hoa Thịnh Đốn) cũng gửi video chúc mừng tới những người tham dự cuộc tập hợp.
Diễn ra sau cuộc tập hợp này là một cuộc tuần hành từ National Mall đến Freedom Plaza. Một buổi cầu nguyện dưới ánh nến được lên kế hoạch vào cuối đêm cùng ngày trước Đài tưởng niệm Washington.
Cô Terri Wu là một phóng viên tự do tại Hoa Thịnh Đốn, chuyên viết cho The Epoch Times về giáo dục và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Quý vị có thể gửi lời góp ý đến cô tại [email protected].