Tiếc thương cho linh hồn của những học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số bị bức hại khác ở Trung Quốc
Công lý bị chậm trễ thì không phải là công lý
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên bạo dạn hơn bởi thế giới không phản ứng nghiêm túc với tội ác phản nhân loại của họ.
Chúng ta hãy đối diện với sự thật: ĐCSTQ đã phạm tội ác phản nhân loại hầu như kể từ khi thành lập — đặc biệt là kể từ khi họ nắm quyền kiểm soát Trung Quốc bằng nòng súng vào năm 1949. Các ước tính có sự sai khác, nhưng khoảng 80 triệu người có thể đã bị ĐCSTQ tra tấn và sát hại kể từ khi Đảng được thành lập vào năm 1921. Các nhóm thiểu số và tôn giáo ở Trung Quốc đã phải chịu sự đối xử bạo ngược nhất của ĐCSTQ — với việc người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người theo đạo Cơ Đốc, người theo đạo Hồi, và các học viên Pháp Luân Công phải chịu sự bức hại liên tục trong những năm qua.
Ví dụ, chúng ta hãy xem xét cuộc bức hại và diệt chủng do những kẻ côn đồ của ĐCSTQ thực hiện nhắm vào Pháp Luân Công.
Bối cảnh
Ngày 20/07 đánh dấu 23 năm diễn ra cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện tinh thần chiểu theo ba nguyên lý căn bản: chân, thiện, và nhẫn. Bắt nguồn từ trường phái Phật gia, các học viên Pháp Luân Công là những người ôn hòa và phi bạo lực, về bản chất và thông qua việc rèn luyện tâm tính.
Pháp Luân Công được Đại sư Lý Hồng Chí sáng lập vào năm 1992. Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp mô tả môn tu luyện này là một sự kết hợp của “bài tập tĩnh tọa và các bài công pháp nhẹ nhàng (tương tự như Yoga hoặc Thái Cực Quyền) với triết lý đạo đức dựa trên các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn (hoặc trong Hoa ngữ là Zhen 真, Shan 善, Ren 忍)” vốn “thể hiện sự kết nối trực tiếp và đích thực với văn hóa truyền thống Trung Hoa chân chính.”
Ba nguyên lý của Pháp Luân Công là điều cấm kỵ đối với ĐCSTQ, vốn đề cao sự lừa lọc, giả dối, tà ác, và bạo lực chống lại những người bất đồng ý kiến như là những đặc điểm mà những người cộng sản Trung Quốc tìm kiếm nhiều nhất trong việc duy trì sự kiểm soát tàn bạo của họ đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt là “những nhóm người thiểu số không mong muốn.”
Theo số liệu chính thức, vào giữa những năm 1990, số lượng học viên Pháp Luân Công đã tăng lên 70-100 triệu người. Việc phổ truyền rộng rãi các nguyên lý của Pháp Luân Công cho người dân Trung Quốc được xem là một mối đe dọa trực tiếp trong nước — và ngày càng tăng — đối với ĐCSTQ trong việc liên tục tìm kiếm tính chính danh, bởi ĐCSTQ không thể tha hóa những người tu luyện Pháp Luân Công. Họ vẫn kiên định chiểu theo ba nguyên lý của mình.
Do đó, vào ngày 20/07/1999, ông Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ đương thời, đã phát động cuộc bức hại nhắm vào các học viên Pháp Luân Công khi công khai tuyên bố các học viên là một “mối đe dọa đối với chính quyền.” Theo Minh Huệ Net (Minghui.org), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên tập hợp tin tức về chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ chống lại môn tu luyện này, “Dưới sự chỉ đạo cá nhân của ông Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức an ninh ngoài vòng pháp luật có quyền lực kiểm soát các hệ thống công an và tư pháp và có chức năng duy nhất là thực hiện cuộc bức hại nhắm vào Pháp Luân Đại Pháp.”
Do không thể xóa sổ hoàn toàn môn tu luyện này, nên ĐCSTQ đã đẩy mạnh cuộc bức hại trong suốt 23 năm qua, từ việc giam giữ không giới hạn đến các nỗ lực cải tạo cưỡng bức, cho đến tra tấn về thể chất và tâm lý hung hãn hơn và cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.
Thu hoạch nội tạng
Việc bán nội tạng người đã trở thành một công cụ kiếm tiền dồi dào cho những người cộng sản.
Hồi tháng 03/2020, Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal) đã công bố một “phán quyết chính thức” từ cuộc điều tra độc lập về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm và những người khác ở Trung Quốc, cũng như việc thực hiện các hành vi tàn ác khác đối với người dân Trung Quốc.
Trích dẫn từ phán quyết:
“Hàng ngàn người vô tội đã bị sát hại trong lúc thân thể của họ … bị mổ xẻ khi vẫn còn sống để lấy thận, gan, tim, phổi, giác mạc và da để biến thành hàng hóa để bán.”
“Những người vô tội đó đã bị các bác sĩ sát hại chỉ vì họ tin, chẳng hạn như, vào chân, thiện, và nhẫn và sống một cuộc sống với những bài tập lành mạnh cùng thiền định và vì cách họ sống được xem là nguy hiểm đối với các lợi ích và mục tiêu của nhà nước độc tài toàn trị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).”
“Mọi nhân chứng xuất hiện trước Tòa án này và được xác định là một học viên Pháp Luân Công khi còn ở CHND Trung Hoa, và là người từng bị các cơ quan chấp pháp ở CHND Trung Hoa câu lưu và/hoặc bắt giữ, và/hoặc bị một tòa án ở CHND Trung Hoa kết án, vì là một học viên Pháp Luân Công, đã nói rằng họ đã bị tra tấn trong khi bị tống giam.”
“Tòa cũng được thuyết phục vượt lên trên nghi ngờ hợp lý rằng một hoặc nhiều hành vi sau đây đã được thực hiện đối với các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ ở CHND Trung Hoa: sát nhân; tiêu diệt; bỏ tù hoặc tước quyền tự do thể chất nghiêm trọng khác trong lúc vi phạm các quy tắc căn bản của luật pháp quốc tế; tra tấn; cưỡng gian hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác có mức độ nghiêm trọng tương đương; khủng bố vì lý do chủng tộc, quốc gia, dân tộc, văn hóa hoặc tôn giáo vốn được công nhận rộng rãi là không thể chấp nhận được theo luật pháp quốc tế; và cưỡng chế làm mất tích.”
Những câu chuyện cá nhân đau đớn và khủng khiếp cũng như bằng chứng về sự tra tấn được ghi lại trong phán quyết này và cả trong các bài báo gần đây từ trang Minghui.org, có thể xem được tại đây và tại đây.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đàn áp — và diệt chủng theo hầu hết các định nghĩa — nhắm vào Pháp Luân Công vốn dĩ từng yên ắng nhưng đã tăng lên trong những năm gần đây. Các tổ chức quốc tế đã lên án các hành vi này, và thậm chí một số chính phủ đã chỉ trích bằng cách đưa ra những tuyên bố, nghị quyết, và “lời lẽ mạnh mẽ.”
Ví dụ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án việc giam giữ các học viên Pháp Luân Công ngay trước khi Thế vận hội Mùa đông 2022 bắt đầu, như được đưa tin tại đây. Bộ Ngoại giao cũng công bố “Báo cáo Quốc gia về Thực trạng Nhân quyền” thường niên hồi tháng 03/2021 trong đó nêu chi tiết về các hành động tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp Úc, “trong lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới hồi tháng Năm [năm 2022], các Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp trên khắp Hoa Kỳ đã nhận được nhiều tuyên bố tôn vinh từ các quan chức các cấp tiểu bang, quận, và thành phố bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ‘những nỗ lực phản bức hại ôn hòa’ của các học viên Pháp Luân Công.”
Tất cả những điều này đều tốt đẹp, nhưng phần thực thi nằm ở đâu — đâu là các lệnh trừng phạt và các hành động làm tê liệt khác — mà nên nhắm vào ĐCSTQ? Không có lệnh cấm vận thương mại, không có các cuộc đối đầu giữa các nhà lãnh đạo cấp quốc gia — không có điều gì đáng kể làm gián đoạn nền kinh tế xuất cảng mạnh mẽ của Trung Quốc và khiến ĐCSTQ phải chịu hình phạt thực sự vì tội ác phản nhân loại của mình.
Ý kiến kết luận
Công lý bị chậm trễ thì không phải là công lý. Linh hồn của những người Trung Quốc đã khuất kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế đối với cuộc bức hại và diệt chủng đang tiếp diễn đối với các nhóm tôn giáo và thiểu số như Pháp Luân Công.
Bao nhiêu linh hồn lẽ ra đã có thể được cứu nếu có một phản ứng mạnh mẽ ngay từ đầu đối với cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ? Và bao nhiêu người Trung Quốc trong các nhóm thiểu số khác, chẳng hạn như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, lẽ ra đã có thể được cứu bằng các hành động quốc tế mang tính phối hợp và mạnh mẽ?
Dường như không có dấu hiệu kết thúc vì các tập đoàn đa quốc gia và những người khác đã quá bận rộn kiếm tiền ở quốc gia Trung Quốc cộng sản đến nỗi không thể lưu tâm đến các hành động tàn bạo không ngừng của ĐCSTQ. Thật đáng xấu hổ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Stu Cvrk đã về hưu với tư cách là một thuyền trưởng sau 30 năm phụng sự trong Hải quân Hoa Kỳ ở nhiều vị trí chính quy và dự bị khác nhau, cùng với kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm của một nhà phân tích hệ thống và nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục tự do chính thống đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho các bài bình luận chính trị của ông.