Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa tái hiện những tuyệt kỹ đã thất truyền: 51 thí sinh lọt vào vòng chung kết
Thông qua “thân đới thủ” và “khố đới thối,” một kỹ pháp nghệ thuật của nhân loại đã thất truyền, từng nhân vật lịch sử sống động tái xuất hiện trên sân khấu của Cuộc thi Vũ Đạo Trung Hoa Quốc tế NTD lần thứ 10. Theo đuổi cảnh giới vũ đạo tối cao, thể hiện trí tuệ và phẩm đức của cổ nhân, cuộc thi này sẽ mang đến cho con người hiện đại nguồn cảm hứng như thế nào?
Hôm 09/09, tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Purchase College ở tiểu bang New York, Hoa Kỳ, Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế NTD lần thứ 10 đã bước sang ngày thứ ba của vòng bán kết. Kỹ năng và những màn trình diễn của các thí sinh dần được nâng cao. Sau cả ngày tranh tài gay cấn, tổng cộng 51 thí sinh thuộc các nhóm thiếu niên và thanh niên đã lọt vào vòng chung kết.
Các thí sinh biểu diễn tuyệt kỹ “thân đới thủ, khố đới thối”
Theo yêu cầu của cuộc thi này, ban giám khảo sẽ đánh giá các kỹ năng toàn diện của thí sinh, bao gồm thân vận, thân pháp, kỹ xảo và cách diễn giải vũ đạo. Ngoài ra, còn có một tiêu chí đặc biệt khác, đó là khả năng nắm vững kỹ pháp vũ đạo “thân đới thủ” (身帶手, thân thể dẫn cánh tay) và “khố đới thối” (胯帶腿, hông dẫn chân).
“Thân đới thủ, khố đới thối” là một kỹ pháp được các loại hình vũ đạo và nghệ thuật về tứ chi đang truy cầu tìm hiểu. Đó là một kỹ thuật múa mà người ta vẫn đang truy tìm từ xưa đến nay. Có người nói đến, nhưng chưa có ai biết kỹ thuật múa này – nó đã đạt tới trình độ cao nhất về thân pháp của vũ đạo. Nhà sáng lập, Giám đốc Nghệ thuật và Sáng tạo của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, ông D.F., là người đã truyền thụ kỹ pháp này.
Ưu điểm của kỹ pháp “thân đới thủ, khố đới thối” là khiến toàn bộ dáng múa của diễn viên múa được kéo dài hơn và uyển chuyển hơn.
Thí sinh lọt vào vòng bán kết Chu Chính Kiệt (Zhou Zhengjie) đã chia sẻ cảm nhận của anh về màn trình diễn vở kịch “Cai Hạ chi vy” (Cuộc vây hãm Cai Hạ). Anh nói rằng trong màn vũ đạo này, anh hy vọng thông qua kỹ pháp “thân đới thủ, khố đới thối” có thể kéo dài chiều dài của tứ chi. Qua đó, giúp anh thể hiện thành công sự thay đổi cảm xúc của Hạng Vũ, từ phẫn nộ đến bi ai khi ông bị vây hãm ở Cai Hạ sau khi cáo biệt Ngu Cơ.
Anh cho rằng dù là thân vận hay kỹ thuật “thân đới thủ, khố đới thối,” thì các động tác vũ đạo đều là từ nội tâm đến hình thể, là một quá trình từ trong ra ngoài. Động tác hình thể là có hạn, nhưng ý thức và cảm xúc của diễn viên vũ đạo là vô hạn.
Anh nói: “‘Vật chất và tinh thần là nhất tính.’ Ý thức do diễn viên phát ra có thể được khán giả tiếp nhận… Vậy nên, quý vị muốn biểu đạt điều gì thì dùng ý thức và hình thể (để diễn đạt). Khi hình thể đạt tới giới hạn, [ý thức của] quý vị vẫn không ngừng hướng ra ngoài, tiếp tục kéo dài xa hơn hướng ra ngoài. Ý thức là vô hạn, và khán giả sẽ cảm nhận được điều đó. Tôi nhận thấy các diễn viên có thể sử dụng phương thức này để thể hiện bản thân. Thông qua các động tác và biểu diễn, hình thể có thể được kéo dài, cảm xúc được thể hiện càng đầy đủ hơn.”
Anh Chu kết luận rằng nếu nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ hình thể, dung nhập vào cảm xúc, thể hiện sự ngay chính và vẻ đẹp của sự thiện lương, thì sẽ có thể gây được tiếng vang trong lòng khán giả.
Cô Phạm Huy Di (Fan Huiyi), thí sinh lọt vào vòng bán kết, cho biết trong quá trình rèn luyện kỹ nghệ “thân đới thủ, khố đới thối,” cô cảm nhận được nghệ thuật là không có giới hạn.
“Mỗi ngày tôi đều có cảm giác đột phá, mỗi ngày tôi đều cố gắng tìm hiểu, bởi vì vũ đạo yêu cầu thể hiện ở rất nhiều phương diện, đòi hỏi phải ‘thân Thần hợp nhất.’ Ngay cả khi quý vị đạt đến một trình độ nào đó, thì vẫn sẽ có yêu cầu cao hơn, cho nên [nghệ thuật] là không có giới hạn,” cô Phạm Huy Di nói.
Vũ đạo giống như tu luyện
Thí sinh lọt vào vòng bán kết Phạm Huy Di cho rằng việc tu dưỡng cá nhân là điều rất quan trọng đối với các diễn viên.
Cô cho biết: “Nghệ thuật vũ đạo có yêu cầu rất cao đối với mỗi diễn viên. Nếu quý vị (diễn viên) không tu dưỡng tốt thì không thể biểu diễn tốt được. Có người nói, vì sao có người tu dưỡng không tốt nhưng vẫn rất thành công. Điều này có thể là nhờ vào khả năng bẩm sinh của người đó, nhưng thành công này sẽ không bền vững.”
Cô cho rằng Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế NTD đề cao nghệ thuật vũ đạo thuần chân, thuần thiện, thuần mỹ, đồng thời có yêu cầu rất cao đối với sự tu dưỡng của thí sinh.
“Vì vậy, chúng tôi thường có những yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân mình. Từ góc nhìn dễ thấy nhất, điều đó được phản ánh qua cách đối nhân xử thế, liệu chúng tôi có thể đối đãi đúng đắn với mọi việc hay không.”
Lấy cuộc thi làm ví dụ, cô cho biết, nhiều thí sinh xem cuộc thi này là cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau, hoàn thiện lẫn nhau, chứ không phải chạy theo danh lợi.
Quảng bá nghệ thuật chính thống thuần thiện, thuần mỹ
Anh Chu Chính Kiệt bày tỏ: “Ngày nay, có nhiều người bài xích truyền thống, không tín Thần, mà chỉ tin và chủ nghĩa vô thần, thuyết tiến hóa, … Vì vậy, đạo đức hiện nay đã trượt dốc rất nhiều.” Anh Chu nói: “Một số điệu múa hiện đại ngày nay chỉ là uốn éo, mọi người không nhìn thấy nó có nội hàm gì.”
“Còn vũ đạo Trung Hoa cổ điển là ngay chính. Khi các diễn viên học vũ đạo, yêu cầu họ phải kéo thân thể thẳng lên, một mực kéo lên, cảm giác rất ngay chính. Đó là một chỉnh thể. Nếu cơ thể được điều chỉnh ngay ngắn, thì khí chất cũng sẽ tương tự như vậy, rất thuần khiết, rất là đại khí [chí khí rất lớn].”
Anh cho rằng đặc sắc của vũ đạo Trung Hoa cổ điển cũng như thân vận và thân pháp của loại hình nghệ thuật này chính là văn hóa truyền thống Trung Hoa, mà văn hóa truyền thống Trung Hoa là nền văn hóa Thần truyền. Vì vậy, thưởng thức vũ đạo Trung Hoa cổ điển khiến nhiều người thụ ích, họ cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp và nội hàm của văn hóa truyền thống.
Lâm Nam thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ