Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu: Sự ra đời của cái đẹp
“Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu” của Đài truyền hình Tân Đường Nhân trong thế kỷ mới
Trong 5,000 năm dài đằng đẵng, những người phụ nữ sinh ra ở Trung Quốc nhiều như cát sông Hằng. Cuộc đời họ trầm bổng thăng trầm, lưu lại rất nhiều tấm gương, trở thành những dấu ấn trân quý trong dòng sông dài của lịch sử. Đối với nền văn minh cổ đại kéo dài không đứt đoạn duy nhất trên thế giới, “mỹ” (đẹp) là gì? Đối với vô số phụ nữ được sinh ra ở Trung Quốc, “mỹ” là như thế nào?
Trong thời đại bệnh dịch đang càn quét khắp thế giới, mọi thứ trong quá khứ dường như sắp kết thúc, hết thảy điều mới mẻ sắp bắt đầu, rất nhiều bí ẩn của sinh mệnh sắp được tiết lộ cho nhân loại. Tại thời khắc này, con người sẽ được thanh lọc và làm mới bản thân bằng một nguồn năng lượng hoàn toàn mới. Đồng thời cũng sẽ xuất hiện một cán cân mới để đo lường cái thiện, cái ác, cái đẹp và cái xấu của mỗi cá nhân con người.
Sự ra đời của “mỹ”: Ngũ đức của phượng hoàng
Vào thời điểm khi cái cũ và cái mới đang chuyển giao, Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) đã tổ chức Cuộc thi sắc đẹp mùa đầu tiên. Tên của cuộc thi là tuyển chọn sắc đẹp, kỳ thực điều mà cuộc thi hướng đến hoàn toàn không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình, mà là một vẻ đẹp sâu sắc, chân chính của con người, mang theo mỹ đức ở cả bên ngoài lẫn bên trong.
Sau thảm họa đại dịch ở thế kỷ 21, nhân loại như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, họ nhìn thấu biểu tượng của cái đẹp, muốn tìm kiếm lại hình mẫu của cái đẹp để gột rửa sự ô nhiễm của các quan niệm và hành vi hiện đại, quay trở về với vẻ đẹp bên trong của tinh thần và đức hạnh.
Trung Quốc là nền văn minh cổ đại duy nhất còn sót lại trên thế giới. Người Trung Quốc là hậu duệ của nền văn minh cổ đại vẫn được duy trì liên tục cho đến ngày nay, không hề đứt đoạn. Họ sử dụng văn tự tượng hình và hội ý, kế thừa văn hóa truyền thống do tổ tiên lưu lại, và là một trong những dân tộc lâu đời nhất trên địa cầu. Việc tìm kiếm người đẹp nhất trong số những phụ nữ mang huyết thống của nền văn minh cổ đại, theo ý nghĩa cao nhất, cuộc thi này giao phó cho “cái đẹp” một nội hàm sâu xa vốn đã có từ truyền thống cổ đại.
Biểu tượng của cuộc thi này là một chiếc vương miện Phượng hoàng với năm viên bảo thạch màu xanh da trời.
Phượng hoàng là “Thần điểu” (chim thần), nữ hoàng của muôn loài chim. Trong điển tịch cổ xưa ghi rằng: “Kỳ ẩm thực dã, tất tự ca vũ, âm như tiêu sanh” (Khi ăn cũng vậy, tất tự ca múa, âm như tiêu sênh”) (“Đế vương thế kỷ” của Hoàng Phủ Mật).
“… Phụng điểu chi văn, đới thánh anh nhân, hữu trí tả hiền.” (Tạm dịch: Vẻ ngoài của chim phượng, mang chở lòng nhân của bậc Thánh anh, bên phải là trí, bên trái là hiền) (“Thái bình ngự lãm”, quyển 915).
“Hựu đông ngũ bách lý, viết Đan Huyệt chi sơn, kỳ thượng đa kim ngọc. Đan thủy xuất yên, nhi nam lưu chú vu Bột Hải. Hữu điểu yên. Kỳ trạng như kê, ngũ thải nhi văn. Danh viết: Phụng hoàng. Thủ văn viết đức, dực văn viết nghĩa, bối văn viết lễ, ưng văn viết nhân, phúc văn viết tín. Thị điểu dã, ẩm thực tự nhiên, tự ca tự vũ, kiến tắc thiên hạ an ninh.” (Tạm dịch: Phía đông 500 dặm có núi Đan Huyệt, trên có rất nhiều vàng ngọc. Sông Đan phát xuất từ đây, xuôi theo hướng nam về Bột Hải. Nơi đó có một loài chim. Hình dáng như con gà, vẻ ngoài có năm màu rực rỡ. Gọi là Phượng hoàng. Hoa văn trên đầu tượng trưng cho Đức, hoa văn ở cánh tượng trưng cho Nghĩa, hoa văn ở lưng tượng trưng cho Lễ, hoa văn ở ngực tượng trưng cho Nhân, hoa văn ở bụng tượng trưng cho Tín. Loài chim này, ăn uống thong dong tự nhiên, tự hát tự múa, thấy nó tức là thiên hạ được an ổn) (“Sơn hải kinh – Nam thứ tam kinh”).
Phượng hoàng với bộ lông sặc sỡ bay vút trên bầu trời, theo sau là hàng ngàn con chim, giống như những vì sao ôm lấy mặt trăng. Phượng hoàng không chỉ rực rỡ lộng lẫy, mà còn múa hát trong gió, trên đầu, cánh, lưng, trước ngực và dưới bụng lần lượt được thêu các chữ Đức, Nghĩa, Lễ, Nhân, Tín. Khi phượng hoàng bay vút lên thiên không, đón gió và cất tiếng ca, trên thân thể ấm áp mang theo ngũ đức lượn múa trên chín tầng trời. Trên thân phượng hoàng, Thần điểu do Thiên thượng tạo ra, những mỹ đức được vương quốc cổ đại coi trọng và bộ lông nhiều màu sặc sỡ được kết hợp lại làm một.
Thần Điểu Phượng hoàng trên thân không chỉ mang ngũ đức, người xưa tin rằng: Nếu phượng hoàng trên thân mang ngũ đức xuất hiện sẽ mang lại hòa bình cho thế giới. Như thế, phượng hoàng có sức mạnh kỳ diệu và đức hạnh sâu dày để ổn định nhân tâm thiên hạ.
Mỹ và Thiện đồng tại
Thời Trung Quốc cổ đại, mỹ và thiện tuy hai mà một. Khi giải nghĩa từ “mỹ” (美), “Thuyết văn giải tự” nói rằng “mỹ thiện đồng ý” (mỹ và thiện có ý nghĩa như nhau). Nói cách khác, mỹ không bao giờ tồn tại độc lập, mà là có sự hỗ trợ bởi đức hạnh bên trong.
Trong nền văn minh 5,000 năm của Trung Quốc, nữ giới nhiều vô số, nhưng giống như phù dung sớm nở tối tàn. Tuy nhiên, dấu ấn cuộc đời của một số người trong đó đã được lưu lại trong các cuốn sách cổ. Trong mười năm trước Công nguyên, nền văn minh cổ đại đã ghi dấu cuộc đời lấp lánh ánh quang của rất nhiều phụ nữ, đồng thời lưu truyền về sau. Trong “Liệt nữ truyện” của Lưu Hướng thời Đông Hán, chúng ta có thể thấy sự coi trọng đối với tài đức của nữ giới vào thời cổ đại. Trong sách có nhiều chương ghi lại cuộc đời của những người phụ nữ đức hạnh, tài năng và dũng cảm như “Mẫu nghi,” “Hiền minh,” “Nhân trí,” “Trinh thuận,” “Tiết nghĩa” v.v.
Trong sách, những người phụ nữ có cá tính hoạt bát đều lên vũ đài nói thuyết, hoặc hùng biện, hoặc thương xót, hoặc chính khí lẫm liệt, hoặc cơ trí, trí tuệ, hoặc dũng cảm vô song. Hình ảnh người nữ tử vừa xinh đẹp vừa tài đức khiến người ta phải cảm thán sâu sắc. Cuộc đời sinh động, cương nghị và quả cảm của họ thể hiện phẩm hạnh của những người phụ nữ làm mẹ, làm vợ, làm con, làm thiếp. Những gì họ nói, những hành động quả cảm cùng nhân cách mà họ đã biểu hiện vượt xa trí tưởng tượng của những người phụ nữ hiện đại bị lễ giáo ràng buộc. Họ chính là biểu tượng với cuộc đời tràn đầy sức sống, mang theo định kiến đạo đức phát ánh quang huy khắp muôn nơi.
Đọc lại các chương như “Khải mẫu đồ sơn,” “Sở bình bá doanh,” “Lỗ hiếu nghĩa bảo” v.v., tiềm ẩn trong cuộc sống chính trực, vị tha của phụ nữ thời xưa, chúng ta sẽ chợt nhận ra rằng: Cái gọi là vẻ đẹp của nữ nhi Trung Quốc, là đã bao gồm lối sống xả thân quên mình, hàm dưỡng ơn dưỡng dục của đất mẹ, như cơn gió thổi phất qua đất trời, như cơn mưa xuân âm thầm thấm ướt vạn vật.
Hình ảnh của những người phụ nữ cổ đại đã thể hiện một cách sinh động đức tính của người phụ nữ (đặc biệt là đức tính của người mẹ) là khởi đầu, cũng là nền tảng của dân tộc, là cơ sở của sức mạnh vững chắc, kiên cường mà bền dẻo của dân tộc Trung Hoa. Sở dĩ một dân tộc lâu đời như Trung Hoa có thể truyền thừa lâu dài mà không bị diệt mất, chính là vì đứng trên nền tảng kiên cố này.
Ngoài ra, các chương khác trong “Liệt nữ truyện” như “Lỗ tất thất nữ,” “Tề chung ly xuân,” “Sở xứ trang điệt” v.v. cũng giống như kho báu cổ xưa, giúp chúng ta thay đổi ấn tượng cố hữu về phụ nữ cổ đại, và phát hiện thấy rằng dù thời gian chuyển vần bao lâu cũng không thể diễn tả hết nét đẹp của người phụ nữ Trung Quốc.
Tại thời khắc như thế này, điều chúng tôi thấy là vẻ đẹp mà người phụ nữ cổ đại có được chính là lấy sinh mệnh của mình để thành tựu, mỹ và thiện cùng đồng tại.
Cuộc thi sắc đẹp trong thời đại mới
Chúng ta sẽ thấy rằng, nhận thức về cái đẹp của cổ nhân khác biệt với người hiện đại. Thời cổ đại có thuyết về tứ đức: phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công, tuy nhiên phụ dung khác xa so với những gì chúng ta tưởng tượng ngày nay. Trong cuốn “Nữ giới” của Ban Chiêu, cái gọi là phụ dung không phải định nghĩa bằng “mỹ sắc,” mà là “khiết tịnh chỉnh tề,” ý tứ là sự đoan chính và thuần khiết. Bên trong nó đã có ngụ ý của “đức.”
Vào thời cổ đại, người ta tin rằng cần vượt qua dung mạo của người phụ nữ, trực tiếp tiến vào nội tâm và sức mạnh bên trong của cô ấy. Đây là sự đảo ngược 180 độ đối với quan niệm về vẻ đẹp của phụ nữ vốn đã bị vật chất hóa, là một nhận thức hoàn chỉnh và lập thể về cái đẹp. Khi đối diện với phụ nữ, không nên bị giới hạn bởi vẻ bề ngoài của họ, mà hãy quan tâm đến vẻ đẹp tinh thần và đạo đức, lời nói, dũng khí xúc động lòng người và tình yêu, sự vị tha của cô ấy. Trên thực tế, đây chính là định nghĩa hoàn chỉnh về cái đẹp.
Nếu chúng ta dùng cán cân cổ đại dựa trên trí tuệ nhân luân để đưa vào cuộc thi sắc đẹp trong thời đại đặc thù này, đối mặt với những người phụ nữ đứng trên sân khấu, những gì mọi người thấy sẽ không còn chỉ là hình thể hoàn mỹ và nụ cười duyên dáng của họ, mà xuyên suốt toàn bộ sẽ là nhân cách và phong cách của nữ giới.
Bỏ qua những người phụ nữ thời hiện đại đã bị vật chất hóa, đặt phụ nữ lên cán cân giữa truyền thống lâu đời và mới mẻ. Sức mạnh tinh thần vô hình của người phụ nữ sẽ trở thành cân nặng để đo lường cuộc đời họ. Đối với con người mà nói, điều này cũng có nghĩa là trở về khởi nguồn của văn minh, đồng thời cũng là điểm xuất phát hoàn toàn mới.
Đối với nền văn minh hiện đại, cái gọi là cổ đại, kỳ thực là một thứ hoàn toàn mới mẻ, một kho báu đang được khám phá lại. Vậy nên hậu duệ của nền văn minh duy nhất còn sót lại trên thế giới: người Trung Quốc, tổ chức cuộc thi sắc đẹp này, tìm kiếm “mỹ nhân” trong số những cô gái trẻ có ít nhất một phần ba huyết thống người Hoa, là một sự kiện không hề tầm thường, khiến mọi người phấn chấn không thôi.
Tổ chức một cuộc thi sắc đẹp vào thời điểm này của nền văn minh, nơi cái cũ đang phai nhạt và cái mới đang dần trỗi dậy, chúng ta sẽ một phen vượt qua những tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người phụ nữ đã bị biến đổi từ thời cổ đại sang thời hiện đại, và trở về với cội nguồn văn hóa Thần truyền, nơi người phụ nữ sở hữu mỹ đức, một vẻ đẹp thuần khiết lấp lánh nhân tính và tinh thần đạo đức. Vẻ đẹp đích thực sẽ mang lại tình yêu và niềm vui cho người khác, đó là mỹ thiện hợp nhất, là vẻ đẹp nội tại câu toàn.
Chúng ta nhớ rằng đây là cuộc thi sắc đẹp sau thảm họa đại dịch, khi nhân loại bừng tỉnh khỏi giấc mộng. Tất cả những người phụ nữ sẽ đứng trên sân khấu với một thân phận hoàn toàn mới, mang theo nhận thức mới về ý nghĩa của trái đất và nhân sinh, nhân loại sẽ khởi đầu một cuộc thi sắc đẹp hoàn toàn mới.
Mang theo sự thanh tỉnh và hy vọng, con người chọn ra mỹ nhân giữa con người. Con người đi tìm cái đẹp có nội lực, cái đẹp đan xen với cái thiện. Chúng ta cần nhớ rằng, phụ nữ nhiều như sao trên trời, là nguồn sống của con người và là nền tảng đức hạnh của nhân loại.
Đây là một cuộc thi sắc đẹp trong thời đại mới. Tại thời điểm này, chúng ta hướng sự chú ý đến những mỹ đức thực sự quan trọng, đến Đức – Nghĩa – Lễ – Nhân – Tín được thêu trên những chiếc lông sặc sỡ của phượng hoàng. Chúng ta trở lại với quy phạm của cái đẹp trong nền văn minh cổ đại của Trung Hoa.
Hạ Đảo thực hiện
Liên Thư Hoa biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ