Cước phí vận chuyển container toàn cầu đã giảm một nửa kể từ tháng Ba
Cước phí vận tải container toàn cầu đã giảm kể từ tháng Ba và Chỉ số Container Toàn cầu Freightos Baltic (FBX) đã giảm gần một nửa trong sáu tháng qua.
Quý ba hàng năm thường là mùa cao điểm đối với ngành vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, năm nay, ngành vận tải hàng hóa đã đi xuống do lạm phát toàn cầu, triển vọng kinh tế suy yếu, và nhu cầu thu hẹp.
Chỉ số FBX đã giảm xuống 4,862 USD hôm 09/09 từ khoảng 9,700 USD hồi đầu tháng Ba, giảm gần một nửa trong vòng sáu tháng.
FBX là một chỉ số tổng hợp hàng đầu do Baltic Exchange và Freightos phát hành, cung cấp cước phí vận tải container hàng ngày trên quy mô toàn cầu.
Tương tự như vậy, Chỉ số Vận tải Hàng hóa Container Trung Quốc (CCFI) đã giảm tổng thể gần 20% kể từ đầu năm và tiếp tục giảm trong tháng Chín.
Chỉ số CCFI hôm 09/09 là 2,722.77 USD, giảm từ 2,830.11 USD một tuần trước đó.
Ông Albert Song, nhà phân tích tài chính cấp cao của Trung Quốc, nói với The Epoch Times trước tình hình giá cước vận tải container toàn cầu đang giảm: “Lý do chính là triển vọng kinh tế kém và những dự đoán về suy thoái đã dẫn đến việc giảm nhu cầu vì tương lai không chắc chắn. Ngoài ra, việc tăng lãi suất toàn cầu cũng khiến các công ty giảm hoạt động kinh doanh.’
“Dựa trên dữ liệu trong quá khứ, chúng ta hiện đang trong mùa cao điểm xuất cảng thương mại, nhưng dữ liệu ngoại thương của Trung Quốc cho thấy kim ngạch xuất cảng thấp hơn nhiều so với dự kiến, cho thấy nhu cầu ở các nước Âu Châu và Mỹ đã giảm và người tiêu dùng giảm chi tiêu. Trạng thái này có thể sẽ tiếp tục cho đến năm sau.”
Tổng giá trị xuất cảng của Trung Quốc trong tháng Tám là 314.92 tỷ USD, giảm 5.3% so với tháng Bảy.
Trong đó, xuất cảng sang Hoa Kỳ và Âu Châu trong tháng Tám lần lượt là 49.77 tỷ USD và 51.35 tỷ USD, trong khi xuất cảng trong tháng Bảy là 53.39 tỷ USD và 55.04 tỷ USD, giảm tương ứng khoảng 3.62 tỷ USD và 3.69 tỷ USD.
Các số liệu sụt giảm cho thấy nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và Âu Châu đang giảm dần.
Theo phân tích từ Công ty Chứng Khoán Quốc Thái Quân An (Guotai Junan Securities), một ngân hàng đầu tư hàng đầu của Trung Quốc, việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất sẽ khiến nhu cầu bên ngoài giảm, và dự đoán về suy thoái toàn cầu sẽ kìm hãm giá bán buôn. Công ty chứng khoán cho biết tăng trưởng xuất cảng của nước này sẽ chịu áp lực đáng kể sau khi đạt đỉnh về triển vọng cả về giá cả và khối lượng.
Theo Bloomberg, công ty đầu tư Hoa Kỳ Goldman Sachs mới đây đã nâng dự báo về việc Fed tăng lãi suất. Nhóm hiện dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất lần lượt thêm 75 và 50 điểm căn bản vào tháng Chín và tháng Mười Một.
Ngoài ra, tổ chức cho vay của Hoa Kỳ này dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm căn bản vào tháng Mười Hai, với khả năng tăng lãi suất thêm vào năm sau.
Lạm phát ở Âu Châu cũng đang gây thêm áp lực buộc Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) phải tăng lãi suất.
Hôm 08/09, ECB thông báo rằng họ sẽ tăng ba mức lãi suất chính lên 75 điểm căn bản, mức tăng lãi suất lớn nhất trong lịch sử lãi suất của Ngân hàng này. Ngoài ra, theo ước tính vào tháng Tám từ Eurostat, văn phòng thống kê của Liên minh Âu Châu, lạm phát hàng năm của Eurozone dự kiến sẽ ở mức kỷ lục 9.1%.
Âu Châu hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng. Giá khí đốt tự nhiên năm ngoái gấp năm lần của Hoa Kỳ, và năm nay đã tăng lên bảy lần.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí tăng cao và tình trạng thiếu năng lượng, nhiều nhà sản xuất trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng như thép, hóa chất, và phân bón đã phải cắt giảm sản xuất, ngừng hoạt động, hoặc thậm chí đóng cửa.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times