Cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu dự kiến sẽ thúc đẩy Liên minh Âu Châu tiếp tục chuyển hướng sang cánh hữu
“Việc xây dựng một nhóm [cánh hữu] lớn hơn trong Nghị viện Âu Châu cho phép chúng tôi thay đổi tất cả các quy định [cánh tả] của châu Âu, để chúng ta – trong các nghị viện của mỗi nước – có nhiều quyền lực hơn để tự quản lý,” ông Geert Wilders, lãnh đạo của Đảng Tự do (PVV) cánh hữu của Hà Lan, cho biết về cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu bắt đầu từ ngày 06/06/2024.
Đảng PVV do ông Wilders thành lập và lãnh đạo đã trở thành đảng lớn nhất trong cuộc bầu cử Nghị viện Hà Lan vào tháng Mười Một năm ngoái, tạo ra sự chấn động lớn ở châu Âu. Ông Wilders hiện đang hy vọng rằng làn sóng này tiếp tục lan ra trong cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu. Ông đặt ra định hướng mới cho các vấn đề của Liên minh Âu Châu (EU) – chuyển giao quyền lực từ EU về các quốc gia, trao cho các thành viên nhiều quyền tự chủ hơn, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề nhập cư bất hợp pháp, tội phạm, và kinh tế.
Cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu lần này dường như đang diễn ra theo hướng mà ông Wilders mong đợi. Các yếu tố như chi phí sinh hoạt tăng cao và sự bất mãn của nông dân, làn sóng người tị nạn kinh tế và người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, cộng thêm chiến tranh Nga-Ukraine và cuộc xung đột Israel-Hamas kéo dài là nguyên nhân cho dự đoán rằng các lực lượng cánh hữu sẽ giành được nhiều ghế hơn trong cuộc bầu cử và có thể tham gia liên minh cầm quyền của Ủy ban Âu Châu nhiệm kỳ mới. Nếu đúng như vậy thì chính sách của EU sẽ tiếp tục được thúc đẩy chuyển hướng sang cánh hữu.
Bài viết này khái quát mọi phương diện của cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu lần này.
Cuộc bầu cử diễn ra khi nào, ở đâu, ai sẽ bỏ phiếu?
Nghị viện Âu Châu được thành lập vào năm 1958 và bắt đầu tổ chức bầu cử từ năm 1979. Từ đó, cứ 5 năm lại có một cuộc tổng tuyển cử vào Nghị viện Âu Châu. Năm nay là lần bầu cử thứ 10 của nghị viện này và là lần đầu tiên kể từ khi Vương quốc Anh rời EU.
Cuộc bỏ phiếu năm nay diễn ra từ ngày 06 đến 09/06 (từ thứ Năm đến Chủ Nhật) tại 27 quốc gia thành viên EU, theo hình thức bầu cử trực tiếp bằng lá phiếu duy nhất. Kết quả sơ bộ được công bố vào tối ngày 09/06, sau khi tất cả các điểm bỏ phiếu ở các quốc gia thành viên đã đóng cửa.
Một số quốc gia đã cử hành bỏ phiếu sớm, chẳng hạn như Thụy Điển cho phép bỏ phiếu sớm từ ngày 22/05. Một số quốc gia khác rút ngắn ngày bỏ phiếu, chẳng hạn như Ireland và Cộng hòa Czech bắt đầu bỏ phiếu từ thứ Sáu (07/06). Cũng có những quốc gia chỉ bỏ phiếu trong hai ngày cuối tuần.
Xét về quy mô dân số, cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu là hoạt động dân chủ lớn thứ hai thế giới trong năm nay, chỉ sau cuộc bầu cử ở Ấn Độ.
Tổng dân số của 27 quốc gia thành viên EU khoảng 450 triệu người, trong đó khoảng 350 triệu công dân châu Âu đủ điều kiện bỏ phiếu.
Hầu hết các quốc gia quy định độ tuổi tối thiểu của người bỏ phiếu là 18 tuổi. Tuy nhiên, một số quốc gia đã hạ thấp độ tuổi bỏ phiếu, chẳng hạn như Hy Lạp cho phép bỏ phiếu từ 17 tuổi, còn ở Đức, Malta, Áo, và Bỉ cho phép bỏ phiếu từ 16 tuổi.
Đa số các quốc gia cũng quy định độ tuổi tối thiểu để tham gia ứng cử là 18 tuổi. Tuy nhiên, một số quốc gia nâng cao yêu cầu độ tuổi này, chẳng hạn như ở Ý và Hy Lạp yêu cầu phải đủ 25 tuổi mới được tham gia ứng cử.
Có bao nhiêu ghế cần tranh cử?
Số lượng ghế của mỗi quốc gia thành viên trong Nghị viện Âu Châu phụ thuộc vào quy mô dân số của quốc gia đó. Ví dụ, các quốc gia nhỏ như Malta, Luxembourg, và Cộng Hòa Cyprus, mỗi quốc gia chỉ có 6 ghế, trong khi đó, Đức – quốc gia có dân số đông nhất châu Âu – có 96 ghế.
Trong cuộc bầu cử năm 2019, Nghị viện Âu Châu đã bầu ra 751 nghị sỹ. Sau khi Vương quốc Anh rời EU vào năm 2020, số lượng nghị sỹ Nghị viện Âu Châu (MEP) giảm xuống còn 705 người. Một phần trong số 73 ghế của Anh tại Nghị viện Âu Châu đã được phân bổ lại cho các quốc gia thành viên khác.
Sau cuộc bầu cử năm nay, Nghị viện Âu Châu sẽ tăng thêm 15 nghị sỹ, nâng tổng số nghị sỹ lên 720 người.
Người dân Âu Châu quan tâm đến cuộc bỏ phiếu năm nay
Các cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu thường không có tỷ lệ bỏ phiếu cao. Kể từ cuộc bầu cử lần đầu tiên vào năm 1979 đạt tỷ lệ bỏ phiếu 62%, con số này về sau đã giảm đều đặn.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu năm 2019, sự quan tâm của công chúng bắt đầu tăng rõ rệt, với tỷ lệ bỏ phiếu đạt 50.7%, cao hơn 8% so với năm 2014.
Theo khảo sát mới nhất vào tháng 04/2024 của Eurobarometer, một tổ chức thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát dư luận xuyên quốc gia cho các cơ quan EU, sự quan tâm của người dân đối với cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu năm nay đã tăng vọt. Khoảng 71% người dân châu Âu cho biết họ sẽ đi bỏ phiếu.
Cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài hơn hai năm qua là tiêu điểm quan tâm của người dân Âu châu. Do đó, quốc phòng và an ninh quốc gia được xem là những vấn đề tranh cử then chốt của Nghị viện Âu Châu năm nay. Ở cấp độ quốc gia, vấn đề quốc phòng và an ninh của EU đứng đầu trong danh sách các mối quan tâm của công dân tại 9 quốc gia thành viên.
Những vấn đề nổi bật khác bao gồm kinh tế, việc làm, nghèo đói, nhập cư, y tế công cộng, biến đổi khí hậu, và tương lai của châu Âu.
Nghị viện Âu Châu có thể làm gì?
Nghị viện là cơ quan duy nhất của Liên minh Âu Châu do công dân Âu Châu bầu ra, nhưng cơ quan này không có quyền chủ động đề xướng luật. Tuy nhiên, Nghị viện Âu Châu có sức mạnh thực sự để kiềm chế Ủy ban Âu Châu – cơ quan hành pháp của EU.
Nghị viện Âu Châu có thể bỏ phiếu về các luật liên quan đến các quy định về ngân hàng, nông nghiệp, ngư nghiệp, quốc phòng, an ninh, tư pháp, nhập cư, và khí hậu do Ủy ban Âu Châu đề xướng. Nghị viện cũng có thể bỏ phiếu về ngân sách của EU (bao gồm viện trợ cho Ukraine), và những điều này đều rất quan trọng đối với việc thực thi chính sách của châu Âu.
Tất cả các đề cử của Ủy ban Âu Châu đều cần sự phê chuẩn của nghị viện này. Ủy ban Âu Châu tương đương với chính phủ của châu Âu, và các ủy viên của ủy ban tương đương với các bộ trưởng trong chính phủ. Nghị viện Âu Châu còn có thể thông qua nghị quyết với đa số hai phần ba phiếu để buộc toàn bộ Ủy ban Âu Châu phải từ chức.
Các quan điểm chính trị trong Nghị viện Âu Châu như thế nào?
Các đảng phái khác nhau của các quốc gia thành viên EU đều có thể tham gia bầu cử Nghị viện Âu Châu. Tuy nhiên, một khi được bầu làm Nghị sỹ của Nghị viện, hầu hết họ sẽ gia nhập các nhóm chính trị xuyên quốc gia trong Nghị viện.
Tính đến phiên họp chung cuối cùng vào tháng 04/2024, trong tổng số 705 ghế của Nghị viện Âu Châu, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu có 176 ghế, là nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu hiện tại là bà Ursula von der Leyen, thuộc Đảng Nhân dân châu Âu. Dự kiến bà sẽ tiếp tục lãnh đạo Ủy ban châu Âu sau cuộc bầu cử nghị viện lần này.
Nhóm chính trị lớn thứ hai trong Nghị viện Âu Châu là Đảng Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả, hiện giữ 139 ghế. Đảng Tự do Âu Châu (RE) ủng hộ tự do thương mại chiếm 102 ghế, đứng thứ ba. Liên minh gồm Đảng Xanh và các đảng địa phương có 72 ghế, đứng thứ tư.
Nghị viện Âu Châu hiện bao gồm một liên minh lớn gồm EPP, SD, và RE tạo thành một liên minh cầm quyền.
Các nhóm chính trị cánh tả kêu gọi châu Âu có cách tiếp cận thống nhất hơn về mọi vấn đề từ biến đổi khí hậu đến quốc phòng. Họ cho rằng tiếng nói của từng quốc gia riêng lẻ là quá yếu trên trường quốc tế. Các nhóm chính trị cánh hữu yêu cầu thu hồi quyền lực của EU, tự quyết định hoặc yêu cầu rời khỏi EU hoàn toàn như Vương quốc Anh. Các nhóm trung tả, trung lập, và trung hữu có lập trường chủ yếu nằm giữa hai nhóm chính trị.
Những thay đổi sau cuộc bầu cử lần này?
Theo phân tích của hãng thông tấn Associated Press của Hoa Kỳ, sau cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu lần này, dự kiến EPP và S&D sẽ duy trì ổn định, trong khi liên minh RE và Đảng Xanh có thể sẽ bị ảnh hưởng, mất đi một số ghế.
Hai nhóm chính trị cánh hữu trong Nghị viện Âu Châu – Đảng Bảo thủ và Cải tổ châu Âu (ECR), Đảng Bản sắc và Dân chủ (ID) – sẽ giành được nhiều ghế hơn, có thể chiếm khoảng một phần tư tổng số ghế của Nghị viện Âu Châu sau cuộc bầu cử. Hai đảng này có thể vượt qua liên minh RE và Đảng Xanh, trở thành nhóm chính trị lớn thứ ba và thứ tư trong Nghị viện Âu Châu.
Tuy nhiên, hai nhóm cánh hữu ECR và ID có nhiều bất đồng. Chưa rõ sau khi chiến thắng họ hợp tác đến mức độ nào để ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của EU.
Các cuộc thăm dò cho thấy, những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu có thể giành được tổng cộng một phần ba số phiếu bầu.
Sau cuộc bầu cử, khi đã xác định được sức mạnh của từng nhóm chính trị, các Nghị sỹ Âu Châu (MEP) sẽ bầu chọn chủ tịch Nghị viện trong phiên họp chung đầu tiên diễn ra từ ngày 16/07 đến 19/07. Sau khi trải qua vài tuần đàm phán, đến tháng 09/2024, họ có thể đề cử chức Chủ tịch Ủy ban Âu Châu mới dựa trên kiến nghị của các quốc gia thành viên.
Năm 2019, bà Ursula von der Leyen đã trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Ủy ban Âu Châu với số phiếu sít sao (383 phiếu thuận, 327 phiếu chống, 22 phiếu trắng). Các Nghị sỹ Âu Châu cũng sẽ lắng nghe ý kiến của các ứng cử viên cho vị trí Ủy viên EU, sau đó sẽ tiến hành bỏ phiếu xác nhận.
Có thông tin cho rằng, bà Ursula von der Leyen có nhiều cơ hội để tái đắc cử, nhưng bà vẫn cần đủ sự ủng hộ từ các lãnh đạo. Bà gợi ý rằng bà có thể hợp tác với các nhóm chính trị cánh hữu tùy thuộc vào kết quả bầu cử. Điều này khiến một số nghị sỹ cánh tả tức giận.
Kết quả bầu cử lần này dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn đến các chính sách của EU từ khí hậu toàn cầu đến quốc phòng, từ nhập cư đến kinh tế, cũng như quan hệ địa chính trị với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Các đảng cánh hữu không ngừng lớn mạnh trong các quốc gia thành viên EU
Kể từ cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu lần trước cách đây 5 năm, đã có ba quốc gia trong EU có chính phủ do các đảng cánh hữu lãnh đạo, bao gồm Áo, Ý, và Hà Lan. Vị thế của các đảng cánh hữu ở Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Điển cũng đang không ngừng gia tăng, thậm chí có vẻ như trên toàn châu Âu, họ đã nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng.
Hà Lan bắt đầu bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu từ ngày 06/06 (hôm thứ Năm). Ông Wilders, lãnh đạo của đảng PVV, là một trong những chính trị gia cao cấp Hà Lan đầu tiên đi bỏ phiếu.
Sau khi bỏ phiếu ở thành phố La Haye (Den Haag), trước giới truyền thông, ông Wilders đã nói với những người ủng hộ rằng: “Quý vị cần có một sức mạnh ảnh hưởng lớn trong Nghị viện Âu Châu và bảo đảm rằng khi cần thiết thì chúng ta có thể thay đổi các chính sách lãnh đạo của châu Âu, để chúng ta có thể kiểm soát chính sách nhập cư và tị nạn của mình.”
Ông Wilders kêu gọi xây dựng một liên minh rộng rãi các đảng cánh hữu trong Nghị viện Âu Châu nhằm phá vỡ liên minh trung tả truyền thống.
Ông nói: “Việc xây dựng một nhóm [cánh hữu] lớn hơn trong Nghị viện Âu Châu cho phép chúng tôi thay đổi tất cả các quy định [cánh tả] của châu Âu, để chúng ta – trong các nghị viện của mỗi nước – có nhiều quyền lực hơn để tự quản lý.”
Hà Lan, với tư cách là một trong những thành viên sáng lập EU, từ lâu đã kiên định ủng hộ EU. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân Hà Lan bắt đầu bày tỏ sự bất mãn. Dù đa số vẫn cho rằng Hà Lan nên ở lại EU, nhưng ngày càng nhiều người cho rằng Hà Lan nên có nhiều quyền tự chủ hơn.
Ông Wilders trước đây đã kêu gọi Hà Lan rời EU như Vương quốc Anh, nhưng trong chiến dịch bầu cử Nghị viện Âu Châu lần này, ông và đảng của ông không đề cập đến “Brexit.” Thay vào đó, họ kêu gọi cử tri ủng hộ PVV vào Nghị viện Âu Châu để họ có thể thay đổi EU từ bên trong. Nhiều đảng cánh hữu ở các quốc gia khác trong EU cũng có kế hoạch tương tự.
Nguyên nhân đằng sau sự lớn mạnh của các lực lượng cánh hữu là gì?
Tạp chí chính trị Politico của Hoa Kỳ cho biết, theo các cuộc thăm dò về bầu cử lần này, Nghị viện Âu Châu đang chuyển mạnh sang cánh hữu. Số lượng nghị sỹ cánh hữu sau cuộc bầu cử có thể sẽ vượt qua số lượng thành viên của Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) trung hữu do Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen lãnh đạo. Không rõ liên minh cầm quyền trong tương lai sẽ ra sao.
Fox News đưa tin rằng đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử cử tri ở 27 quốc gia EU bầu ra một Nghị viện Âu Châu do phe cánh hữu chiếm đa số. Điều này cho thấy cử tri không hài lòng với các đảng phái truyền thống vì họ không giải quyết được các vấn đề kinh tế và nhập cư bất hợp pháp tràn lan.
Ông Alan Mendoza, Giám đốc điều hành Hiệp hội Henry Jackson có trụ sở tại London, Anh quốc, nói với Fox News Digital: “Đây là suy nghĩ trái ngược, phản ánh sự thất vọng đối với những gì đang diễn ra ở châu Âu. Người dân đang chuyển sang các đảng phái có câu trả lời cho những vấn đề này. Đối với một số cử tri, họ tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho những đảng [cánh hữu] nào đứng ra giải quyết những vấn đề đó.”
Các nhà quan sát chính trị ở cả châu Âu và Hoa Kỳ đều cho rằng, cử tri ở hai khu vực này đang yêu cầu có hành động mạnh mẽ đối với cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp.
Cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp kéo dài nhiều năm, cùng các vấn đề xã hội và kinh tế đang khiến cử tri cảm thấy châu Âu đang rơi vào suy thoái. Điều này giúp các đảng cảnh hữu ngày càng được ủng hộ.