Cục Dự trữ Liên bang: Lạm phát đang làm xói mòn tiền lương của người lao động Mỹ
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực Dallas, hầu hết người lao động ở Hoa Kỳ thấy rằng mức tiền lương của họ giảm theo sau lạm phát trong năm vừa qua.
Fed tính toán rằng 53.4% lực lượng lao động Mỹ thấy rằng mức lương thực tế của họ giảm trong khoảng thời gian từ quý 2/2021 đến quý 2/2022, báo cáo nghiên cứu hôm 04/10 cho biết. Tiền lương thực tế là tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát.
Báo cáo cho biết: “Đối với 53.4% số lao động như vậy trong quý 2/2022, thì mức giảm trung vị (nghĩa là một nửa số người có mức giảm nhiều hơn và một nửa số người có mức giảm ít hơn) của tăng trưởng tiền lương thực tế là 8.6%.
Fed cho biết: “Mức giảm trung vị trung bình của 25 năm qua là 6.5%, với mức giảm tiền lương thực tế thường rơi vào khoảng từ 5.7% đến 6.8%.”
Chỉ có trong cuộc Đại Suy thoái vào khoảng năm 2008, và giai đoạn hồi năm 2015 là có sự khác biệt trong suốt 25 năm qua, khi mức lương thực tế sụt giảm nghiêm trọng hơn so với quý 2/2022, cũng là khi kết quả của lạm phát chuyển sang âm.
Tỷ lệ số người lao động có mức tăng trưởng lương thực tế âm đã tăng vọt lên 55.5% trong thời kỳ phục hồi hậu COVID-19 và hiện ở mức 53.4%. Lần cuối cùng có tỷ lệ này cao như vậy là hồi năm 2011. Fed viết: “Khoảng thời gian hiện tại là chưa từng thấy khi nói về thách thức mà người lao động có việc làm phải đối mặt.”
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 12 tháng, một thước đo lạm phát, đứng ở mức 8.3% hồi tháng Tám theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS). Lạm phát hàng năm vẫn trên mức 7.5% mỗi một tháng trong năm nay.
Một bản tin của BLS hôm 13/09 đã công bố tính toán thu nhập thực tế trung bình hàng giờ điều chỉnh theo mùa của người lao động Hoa Kỳ giảm 2.8% trong khoảng thời gian từ tháng 08/2021 đến tháng 08/2022.
Kiếm đồng nào tiêu hết đồng ấy
Fed đã và đang tăng lãi suất như một biện pháp để chống lại áp lực lạm phát cũng như tăng trưởng tiền lương. Một số nhà hoạch định chính sách đặc biệt lo lắng về một vòng xoáy giá cả-tiền lương, một tình huống mà trong đó giá cả cao hơn đẩy tiền lương lên rồi sau đó tiền lương thậm chí lại đẩy giá cả lên cao hơn nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNBC, giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton đã chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang và Chủ tịch Jerome Powell vì đã quá quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát và làm tổn thương người lao động Mỹ trong quá trình này. Ông bác bỏ quan điểm về việc tiền lương gây ra lạm phát.
Ông Siegel nói: “Đối với tôi, dường như ông Powell đã sai khi cho rằng chúng ta sẽ ngăn chặn tình trạng tăng lương, chúng ta sẽ tạo áp lực đối với người lao động, khi mà đó không phải là nguyên nhân gây ra lạm phát. Nguyên nhân của lạm phát là do nới lỏng tiền tệ quá nhiều trong hai năm qua.”
Trong khi đó, theo một báo cáo gần đây của LendingClub và nền tảng phân tích và tin tức tài chính PYMNTS, nhiều người Mỹ hiện đang gặp khó khăn với chi tiêu hàng tháng của họ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times