Công ty gặp khủng hoảng nợ, khối tài sản của nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc giảm hơn 80%
Theo tiết lộ mới nhất của Bloomberg Billionaires Index, cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với hoạt động vay vốn của ngành địa ốc sau cuộc khủng hoảng do Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande Group) gây ra đã tạo ra một tổn thất khác, khi tài sản của người phụ nữ giàu nhất châu Á, bà Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), giảm hơn một nửa trong năm nay.
Theo chỉ số kể trên, khi cuộc khủng hoảng địa ốc của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn do chính quyền thắt chặt các hạn chế về địa ốc nhằm hạn chế vay mượn và đầu cơ quá mức, khối tài sản của bà Dương đã giảm 84% giá trị từ gần 24 tỷ USD xuống còn 11 tỷ USD vào tháng 06/2021. Chỉ riêng trong hôm thứ Ba (08/08), mức giảm đã là 8.2%.
Đây là mức giảm lớn nhất trong giá trị tài sản của các cá nhân siêu giàu mà chỉ số tài sản của Bloomberg theo dõi trong khung thời gian này.
Bà Dương, 41 tuổi, là Giám đốc điều hành của Country Garden Holdings, nhà phát triển địa ốc lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu. Bà thừa kế công ty từ cha mình, ông Dương Quốc Cường (Yang Guoqiang), người đã thành lập công ty này ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông vào năm 1992.
Ông Dương đã trao cho bà cổ phần kiểm soát vào năm 2005 sau khi bà làm trợ lý riêng của ông để học việc, và cuối cùng bà đã kế nhiệm ông.
Bong bóng địa ốc tan vỡ
Cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn sau khi chính quyền siết chặt các luật về lĩnh vực địa ốc nhằm giảm tình trạng vay mượn và đầu cơ quá mức. Cái gọi là chính sách “ba lằn ranh đỏ,” được thực hiện hồi năm 2020, đặt ra giới hạn đối với tỷ lệ nợ của các công ty phát triển địa ốc, đang gây khó khăn cho việc tái cấp vốn cho các khoản vay ngày càng tăng.
Hạn chế tài chính được ban hành sau đó đã dẫn đến những vụ vỡ nợ chưa từng có ở ngoại quốc, gây thiệt hại hàng tỷ USD đầu tư, và khiến hàng ngàn ngôi nhà bị hoãn thi công.
Nền kinh tế suy thoái và tác động của đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu về nhà ở và gây tổn hại đến tiền lương và tiền tiết kiệm của những người mua tiềm năng, góp phần khiến cuộc khủng hoảng địa ốc càng thêm nghiêm trọng. Các vấn đề về dòng tiền và các nguy cơ vỡ nợ của một số nhà phát triển lớn, trong đó có Tập đoàn Hằng Đại, công ty đang nợ các nhà cho vay, nhà cung cấp, và người mua nhà hơn 300 tỷ USD, đã gây mất niềm tin vào lĩnh vực này và dẫn đến tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu cũng như thị trường chứng khoán.
Các chủ sở hữu nhà đã trả tiền đặt cọc hoặc tiền nợ thế chấp cho các căn hộ chưa hoàn thành, nhưng lại phải đối mặt với việc dự án của họ bị hoãn hoặc hủy bỏ — sự bức xúc và các cuộc biểu tình phản đối của họ cũng dẫn đến việc các khoản vay thế chấp bị vỡ nợ trên diện rộng, hoặc các nhà phát triển bị yêu cầu hoàn trả lại tiền.
Những yếu tố này đã kết hợp với nhau để tạo ra một vòng luẩn quẩn của tình trạng giảm doanh số bán hàng, tăng các khoản vay, và giảm đầu tư địa ốc, đe dọa gây bất ổn cho hệ thống tài chính và nền kinh tế nói chung. Các quan chức đã cố gắng giảm thiểu vấn đề bằng cách cung cấp viện trợ thanh khoản cho một số nhà phát triển chọn lọc, nới lỏng một số hạn chế đối với việc bán địa ốc, và hứa với người dân rằng chính quyền sẽ bảo vệ lợi ích của họ.
Tuy nhiên, tình hình vẫn còn bất ổn và đầy thách thức. Theo một bản tin của CNN, S&P Global Ratings ước tính doanh số bán địa ốc của Trung Quốc có thể giảm ⅓ trong năm nay do người mua ngừng trả tiền vay thế chấp, vì tin rằng các nhà phát triển sẽ không thể hoàn thành đúng hạn những ngôi nhà đã bán trước — cách phổ biến nhất mà các nhà phát triển địa ốc bán nhà ở quốc gia này.
Công ty Country Garden của bà Dương cũng đang phải đối mặt với căng thẳng thanh khoản ngày càng tăng. CNN đưa tin cho biết, nhà phát triển này đã thông báo hôm 27/07 rằng họ sẽ bán cổ phiếu với mức chiết khấu gần 13% so với giá đóng cửa hôm thứ Ba, để huy động 361 triệu USD (2.83 tỷ HKD). Country Garden nói thêm rằng một phần số tiền thu được sẽ được sử dụng để trả nợ ngoại quốc của công ty.
Các tỷ phú chật vật
Các đại gia địa ốc ở Trung Quốc phản ứng khác nhau trước sự đàn áp, tùy thuộc vào tình hình tài chính và mối quan hệ của họ với chính quyền. Một số doanh nhân đã cố làm việc với chính quyền và tuân thủ các hạn chế bằng cách quyên tặng đất, hạ giá, hoặc yêu cầu các khoản cứu trợ.
Ví dụ, ông Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), chủ tịch của Tập đoàn Hằng Đại, đã tuyên bố quyên góp 1 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện và xã hội. Để tránh vỡ nợ, ông cũng đồng ý bán một số tài sản và hoàn trả một số nghĩa vụ của mình.
Một số doanh nhân cũng đã đa dạng hóa doanh nghiệp của họ và tiến hành giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực địa ốc bằng cách đầu tư vào các ngành khác hoặc mở rộng ra quốc tế.
Ví dụ, ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing), người sáng lập CK Asset Holdings Ltd., đã bán tài sản địa ốc của mình ở Hoa lục và Hồng Kông để đầu tư vào các ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe, và cơ sở hạ tầng. Ông cũng sở hữu địa ốc ở châu Âu, Bắc Mỹ, và Úc.
Tuy nhiên, một số doanh nhân đã từ chức khỏi công ty của họ và biến mất khỏi tầm mắt của công chúng, một cách tự nguyện hoặc dưới sự cưỡng ép của chính quyền. Chẳng hạn như ông Trương Nhất Minh (Zhang Yiming), người sáng lập công ty mẹ ByteDance của TikTok, đã tuyên bố từ chức giám đốc điều hành hồi tháng 05/2021. Ông nói rằng ông muốn tập trung vào “tầm nhìn dài hạn, văn hóa tổ chức, và trách nhiệm xã hội.” Ngoài ra, ông đã trao 77 triệu USD cho các sáng kiến giáo dục ở quê hương mình.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times