Công nghệ kỹ thuật số đang gây tổn thương cho con trẻ chúng ta
Truyền thông xã hội và trò chơi điện tử kích thích sợ hãi và làm thay đổi cấu trúc não bộ của trẻ em.
Tuy việc thực hành chánh niệm ngày càng phổ biến, nhưng xã hội chúng ta ngày nay vẫn tồn tại xu hướng ngược chiều. Đó chính là những công nghệ kỹ thuật số lệch lạc khiến con cái của chúng ta bị tổn thương và căng thẳng.
Các em dành nhiều thời gian xem tivi hơn là ngủ nghỉ. Theo Cuộc điều tra dân số về phương tiện truyền thông năm 2019, trẻ em Mỹ dành một lượng lớn thời gian trực tuyến, trong đó “thanh thiếu niên xem gần bảy giờ rưỡi (7:22) mỗi ngày – không tính đến việc sử dụng màn hình ở trường hay để làm bài tập về nhà.” Những vấn đề nổi trội nhất từ ‘văn hóa màn hình của tuổi thanh thiếu niên’ bao gồm thiếu ngủ, đi kèm với nguy cơ từ những kẻ trục lợi trực tuyến và nội dung khiêu dâm. Nhưng căng thẳng mãn tính chính là một vấn đề lớn thường bị xem nhẹ.
Nhiều hình thức công nghệ giải trí phổ biến kích thích một phản ứng căng thẳng cho cơ thể và não bộ của trẻ. Tiếp xúc với cùng một thứ lặp đi lặp lại có thể có tác động tiêu cực đến sự phát triển và thậm chí thay đổi tính cách của các em. Đây cũng là một yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ lo lắng, trầm cảm và tự tử ở thanh thiếu niên ngày càng gia tăng. Thực sự, công nghê kỹ thuật số gây hại cho trẻ em cả về tinh thần lẫn thể chất.
Các nền tảng truyền thông số không phải là nơi giải trí lành mạnh
Chúng ta nghĩ rằng nó lành mạnh nhưng thực tế không phải như vậy.
Tôi nhận ra rằng con trai lớn của mình đang lãng phí thời gian khi cháu bắt đầu chơi game từ ba đến năm giờ mỗi ngày. Nhưng tôi đã không phát hiện kịp rằng bé càng được tăng cấp trong bảng xếp hạng của trò chơi, hormone căng thẳng cũng tăng lên theo. Tuyến thượng thận bị kích thích giải phóng một lượng lớn adrenaline và cortisol, dẫn đến huyết áp cao, nhịp tim nhanh hơn và tăng năng lượng để chiến đấu với kẻ thù ảo.
Trong một nghiên cứu do Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia thực hiện, ảnh hưởng của căng thẳng do trò chơi điện tử đã được đánh giá bằng nhiều chỉ số tâm lý, sinh lý và sinh hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng đáng kể các chỉ số này.
Tôi đã bỏ qua các dấu hiệu khác thường của con trai mình dù đã thấy một số hiện tượng. Cháu dễ buồn, cáu kỉnh, thức đêm và hay bộc phát những cơn giận dữ. Tôi thậm chí từng nhìn thấy vết bẩn trên quần jean do cháu thường lau bàn tay đẫm mồ hôi của mình trong trận đấu.
Tôi chỉ nghĩ rằng chơi game là liều thuốc giảm mệt mỏi và bé xứng đáng có được thời gian giải trí. Dù gì thì bé cũng là một học sinh hạng A nên cần nghỉ ngơi một chút, có phải không?
Ngay cả khi chúng tôi từng thấy mình và con đang dần có khoảng cách, tôi vẫn không hề biết trò chơi ấy đang gây ra tổn hại lên thể chất và tinh thần cho cháu. Làm sao mà căng thẳng được nếu đó chỉ là một trò chơi?
Truyền thông xã hội và trò chơi điện tử tàn phá bộ não đang phát triển
Rốt cuộc tôi cũng nhận ra chơi trò chơi điện tử (cùng với việc sử dụng mạng xã hội) là một trong những trò tiêu khiển ít thư giãn nhất. Căng thẳng do chơi game gây ra sẽ có tàn phá bộ não đang phát triển, dẫn đến nhiều vấn đề ở tuổi trưởng thành.
Ngày nay, tiêu chuẩn ‘văn hóa mới’ là mỗi đứa trẻ đều được tiếp cận với trò chơi điện tử và điện thoại di động từ sớm. Chính điều này là nguyên nhân cơ bản khiến thời thơ ấu trở thành giai đoạn phát triển đáng lo ngại nhất.
Mặc dù mạng xã hội không bạo lực như trò chơi điện tử, nhưng nỗi sợ bị bỏ rơi, xấu hổ hoặc đau đớn từ những ‘cái chết’ của mối quan hệ xã hội tạo ra các phản ứng căng thẳng sinh học. Trên thực tế, các mối quan hệ rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nên nỗi sợ hãi về ‘cái chết’ xã hội có thể khó chịu hơn nhiều so với một trò chơi cường độ cao, gây ra lo lắng và thất vọng.
Những thứ mới mẻ liên tục được cập nhật khiến trẻ em bị nghiện
Cái gì mới cũng trở nên thú vị.
Mọi trò chơi điện tử và nền tảng truyền thông xã hội đều có mục tiêu giữ người dùng trực tuyến. Nhiệm vụ của mỗi bậc cha mẹ là đảm bảo rằng con họ không phải là một trong số khán giả bị nghiện.
Trong trò chơi và nền tảng mạng xã hội, những yếu tố thiết kế mang tính thuyết phục bao gồm phần thưởng, nâng cấp, bảng xếp hạng, nhận xét, lượt thích và biểu tượng thả tim cũng tương tự như những thứ gây nghiện có tại sòng bài. Chúng ta chỉ cần nhìn sơ qua là dễ dàng thấy được. Tuy nhiên, có một thứ khó phát hiện hơn cả là kỹ thuật giữ cho trẻ bị cuốn hút, chính là tính khác lạ và nỗi sợ.
Con người bị thu hút bởi sự mới lạ (thuộc tính mới, độc đáo hoặc kỳ lạ), dường như là một đặc điểm vô hại mà mọi người đều thích thú. Các trò chơi được tạo ra để cung cấp trải nghiệm mới mẻ một cách thường xuyên: cấp độ mới, giao diện mới, âm nhạc mới, thế giới mới, v.v. Tính đột phá mới của trò chơi kích hoạt các hóa chất dẫn truyền thần kinh hưng phấn như serotonin và dopamine. Mức độ hưng phấn càng cao, lượng dopamine được tiết ra càng nhiều. Đối với những người lập trình game, yếu tố mới lạ là điều bắt buộc phải có nhằm giữ con bạn dán mắt vào màn hình hoặc khiến con bạn khiếp sợ.
Chính nỗi sợ hãi sẽ khiến người chơi luyến tiếc mà ở lại
Trò chơi điện tử làm bộ não quay cuồng với tính mạng của nhân vật
Yếu tố gây sợ hãi có trong mọi ngóc ngách của mỗi trò chơi, ngay cả những trò được xếp hạng E. Tại sao lại như vậy? Bởi vì những nhà thiết kế game hiểu rằng cảm giác sợ thua cuộc và mất một lượt chơi sẽ sinh ra hóc môn adrenaline khiến người chơi luyến tiếc muốn ở lại.
Trong một trò chơi bất bạo động, một người có thể phải nhảy qua một con rùa, né một quả cầu lửa hoặc tránh rơi xuống hầm hoặc hố dung nham trước khi hết giờ. Nếu anh ta chơi một trò chơi bạo lực, chẳng hạn như Fortnite, anh ta sẽ phải chiến đấu sống còn để có thể tiếp tục chơi. Cả hai loại trò chơi này đều mang tính gay cấn và hồi hộp cùng lúc.
Các bậc phụ huynh khó mà lường trước được hậu quả của yếu tố sợ hãi trên. Với người lớn, nguy cơ mất một nhân vật trong trò chơi không ảnh hưởng gì đáng kể. Tuy nhiên, đối với một đứa trẻ, chuyện ấy thật lớn lao. Mất một mạng sống trong game cũng sẽ y như thật. Khi tính mạng của nhân vật bị đe dọa, hạch hạnh nhân trong não sẽ gửi cảnh báo rằng nguy hiểm đang đến gần. Điều này kích hoạt một loạt phản ứng sinh tồn, khiến não bộ ở trạng thái cảnh giác cao.
Hệ thống phản ứng chống trả hay bỏ chạy được khởi động, giải phóng một loạt các hóa chất, bởi vì não không thể phát hiện ra sự khác biệt giữa mối đe dọa vật lý thực và mối đe dọa ảo. Để chuẩn bị cho cơ thể phản ứng với nguy hiểm, nồng độ adrenaline và cortisol tăng cao, gây ra những thay đổi sinh lý như thở nhanh hơn, nhịp tim tăng lên và giải phóng glucose. Tiêu điểm (trung tâm bắt đầu của 1 quá trình bệnh) thu hẹp và phản ứng đến kích thích tức thời tăng cao, tất cả đã thay thế chức năng điều hành.
Tình trạng căng thẳng này ngăn cản trẻ tiếp cận hoàn toàn với phần vỏ não giúp suy nghĩ: thùy trán. Rốt cuộc, liệu có ai quan tâm đến việc ăn tối hay làm bài tập về nhà một khi mạng sống của mình mong manh như sợi chỉ mành treo chuông? Khi trẻ chơi càng nhiều, mức độ căng thẳng càng tăng. Không có lối thoát nào khỏi sự gia tăng sinh hóa khi cơ thể bị áp lực liên tục, và vòng xoắn bệnh lý này sẽ tiếp diễn. Tình trạng căng thẳng kinh niên này làm hao mòn cả thể chất và tâm trí; hậu quả là đối với những trẻ càng nhỏ tuổi thì tổn thương não càng nặng nề.
Căng thẳng trong thế giới ảo cũng tương tự như căng thẳng trong thực tế và đều gây hại cho các em
Hệ thống phản ứng chống trả hay bỏ chạy này bị quá tải bởi các màn chơi tương tác sẽ dẫn đến căng thẳng não bộ đến nhanh hơn và mạnh hơn. Đây là cách trò chơi điện tử ảnh hưởng đến cấu trúc của não bộ. Khi các tác nhân kích hoạt khác xảy ra trong thế giới thực, áp lực được hình thành và trở nên quen thuộc giống như vết tì của lốp xe trong xi măng ướt, thành lối mòn theo thời gian và trở thành tuyến đường ưa thích.
Các mối nguy trong đời thực có thể dễ dàng thành lo âu, đã trở thành chế độ mặc định của trẻ khi bị khiêu khích. Con bạn có thể phản ứng thái quá với căng thẳng vì một lý do nhỏ.
Trẻ có thể ném thứ gì đó hoặc nói điều gì đó độc địa trong cơn thịnh nộ của mình. Hãy nhớ rằng mặc dù khả năng kiểm soát xung động của trẻ vẫn chưa hoàn thiện nhưng hệ thống phản ứng chống trả hay bỏ chạy phản ứng căng thẳng cấp tính đã tồn tại.
Vấn đề này thường không được cha mẹ chú ý cho đến khi các dấu hiệu căng thẳng trở nên rõ ràng hơn. Trong các loại trò chơi điện tử giả lập cuộc sống thực, bạn có thể quan sát thấy các vấn đề hôn nhân, không trung thực, thời gian tập trung học tập ngắn hơn, thiếu tập trung và các hành động hung hăng hơn. Cha mẹ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà trị liệu nếu con của họ có những hành vi sai trái ở trường.
Bạn không thể làm bất cứ điều gì khi bạn đang lo lắng. Thanh thiếu niên chơi game quá nhiều và ngủ không đủ giấc sẽ bị căng thẳng kinh niên và không đạt được tiềm năng học tập của họ. Việc lập kế hoạch trước, giải quyết vấn đề, cảm thông hoặc xem xét tác động của hành động trở nên khó khăn hơn khi luôn dán mắt vào màn hình.
Với tình trạng lo âu kéo dài, đứa trẻ mất đi khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ vì không ai thấy hứng thú để ở cạnh 1 người như vậy. Một số bậc phụ huynh tin rằng con họ có lẽ thoát ra khỏi vấn đề này khi cho chúng uống thuốc hoặc cố gắng tranh luận với game thủ . Tuy nhiên, biện pháp khắc phục tốt nhất chính là loại bỏ nguồn gốc của căng thẳng dai dẳng và tái cấu trúc não bộ.
Truyền thông kỹ thuật số thay đổi các mối quan hệ của trẻ
Trò chơi điện từ trở thành gia đình mới của trẻ.
Đứa trẻ đã dành phần lớn thời gian vào thế giới ảo sẽ rất khó dứt ra. Càng chơi, chúng càng trở nên sợ hãi, và càng căng thẳng.
Khi các em dành nhiều thời gian chia sẻ cảm xúc với nhiều thứ trong thế giới ảo, các em sẽ không còn tương tác trực tiếp với những người xung quanh và tình trạng lo âu kéo dài sẽ trở nên bình thường. Sau đó, chúng sẽ cảm thấy không thoải mái và xa rời cuộc sống đời thường.
Như vậy, đứa trẻ bị mất đi cơ hội còn nhiều hơn cả những tổn thất về tinh thần và thể chất.
Tuổi vị thành niên là thời điểm quan trọng trong cuộc đời, vì đây là lúc não bộ và cơ thể đang trải qua những giai đoạn phát triển quan trọng. Tình trạng căng thẳng kéo dài ngăn cản trẻ em khám phá những sở thích và hoạt động lành mạnh. Bộ não sẽ hỗ trợ những thói quen và loại bỏ những thứ không được dùng tới.
Tuy nhiên, mất mát đáng kể nhất là đứa trẻ và gia đình không còn gắn kết nhau.
Sử dụng truyền thông kỹ thuật số điều độ cũng không hiệu quả trước sự độc hại của nó
Đối với các hoạt động trên màn hình không quá căng thẳng như phim gia đình hoặc học tập ở trường, việc sử dụng điều độ thì có hiệu quả, nhưng với những tương tác độc hại, gây căng thẳng bởi màn hình kỹ thuật số thì phương cách này lại không có hiệu quả.
Khi con bạn dành 30 phút mỗi ngày để chơi trò chơi điện tử hoặc lướt qua mạng xã hội, trẻ đang tạo cơ hội cho thói quen hình thành mạnh mẽ hơn. Cảm xúc lo lắng sẽ được kích thích và củng cố ngay cả khi chỉ tiếp xúc với một vài phút hàng ngày. Căng thẳng được tích lũy và được thiết lập, có nghĩa là bộ não của con bạn không còn minh mẫn vào mỗi buổi sáng.
Bởi vì các trò chơi được tạo ra để giữ cho người chơi bị cuốn hút, 30 phút hoặc thậm chí một giờ mỗi ngày không bao giờ là đủ. Đứa trẻ không rời trận đấu để đi ăn tối hoặc không đặt điện thoại xuống để sẵn sàng luyện tập bóng đá, và cuối cùng giữa bạn và đứa trẻ sẽ nảy ra một cuộc tranh cãi. Bạn sẽ ước gì mình đã không giới thiệu trò chơi điện tử hoặc điện thoại thông minh cho con ngay từ đầu.
Tránh xa màn hình để giảm căng thẳng
Các chiến lược tối ưu để quản lý thời gian ngồi trước màn hình đang được tranh luận sôi nổi. Các bác sĩ trị liệu, các bậc cha mẹ khác và thậm chí cả những người hàng xóm cũng đều đưa ra ý kiến riêng. Tuy nhiên, Khi bạn kiểm tra mức độ căng thẳng dai dẳng ảnh hưởng đến não của trẻ em và khiến chúng phải chịu đựng như thế nào, giải pháp rất đơn giản: loại bỏ tác nhân kích thích để não có thể tái thiết lập và sửa chữa.
Thực hiện việc này liệu có dễ dàng không?
Câu trả lời là không. Các giải pháp tốt nhất hiếm khi đơn giản hoặc phổ biến. Tuy nhiên, chúng có hiệu quả và nhiều bậc phụ huynh đang phát hiện ra rằng con cái của họ phát triển vượt trội mà không cần sử dụng các trò chơi điện tử hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Chơi trò chơi điện tử không phải là trò tiêu khiển lành mạnh hoặc bắt buộc đối với trẻ em, cũng không như việc xem bộ sưu tập hình ảnh và phim của người khác mà không được chọn lọc kỹ lưỡng.
Khi cha mẹ công khai loại bỏ việc sử dụng màn hình độc hại — trò chơi điện tử và mạng xã hội — khỏi chế độ kỹ thuật số của con họ, thì việc cấu trúc lại bộ não sẽ mang lại thành công nhất. Tập trung vào các hoạt động thực tế đòi hỏi khả năng vận động và tiếp xúc với thiên nhiên, cũng như các phương cách giảm căng thẳng tự nhiên.
Cha mẹ nên khích lệ các kỹ năng sống, sở thích không liên quan đến công nghệ và mối quan hệ cá nhân của các con. Khi đó, họ sẽ có thể bắt đầu quá trình giành lại quyền nuôi con cho mình.
Đừng e ngại, hãy trở thành bậc phụ huynh có văn hóa phản kháng
Các bậc phụ huynh có văn hóa phản kháng đều hiểu rằng, các mối quan hệ là một vùng an toàn tự nhiên chống lại những mối nguy hại do căng thẳng gây ra. Trẻ em tham gia vào trò chơi nhặt đồ (hay “chơi tự do” như chúng ta gọi bây giờ) với những người khác sẽ khỏe mạnh và thông minh hơn. Những cô cậu thanh thiếu niên dành thời gian trực tiếp với bạn bè sẽ bình tĩnh hơn và ít lo lắng hơn. Trẻ em phát triển cảm giác gắn bó và hạnh phúc hơn khi dành thời gian cho gia đình. Tuy không có gì chắc chắn hoàn toàn, nhưng việc loại bỏ màn hình độc hại sẽ làm tăng cơ hội có những đứa trẻ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.
Sự cô lập khiến chúng ta căng thẳng, trong khi cộng đồng giúp chúng ta bình tĩnh lại. Hãy nuôi dạy con bạn cách giữ liên lạc với vài người bạn tốt và vui vẻ vun bồi những mối quan hệ cá nhân. Đây là cuộc sống mà con bạn khao khát.
Cả gia đình bạn sẽ hạnh phúc hơn khi con cái có được sự tự tin và hoài bão. Ngôi nhà sẽ trở nên thanh bình và an yên nhờ lối sống không căng thẳng của bạn. Cuối cùng, bạn sẽ tìm lại được đứa con đã mất của mình và khám phá ra những gì cả hai đã mất nếu bạn gia nhập hàng ngũ những bậc cha mẹ chọn con đường ít đi bằng cách tạm dừng trò chơi điện tử và trì hoãn cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh.
Bạn sẽ không hối tiếc về điều này.
Câu chuyện này lần đầu được xuất bản trên Blog ScreenStrong.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times