Con người sống trong mê: Cuộc đời có phải là giấc mộng?
Có câu nói: “Con người sống trong mê”. Rất nhiều người chỉ cho đó là cách nói ví von hình tượng. Biết đâu rằng, khi chúng ta coi hiện thực này là thực tại ghê lắm, thì rất có thể cái thực tại ấy lại chỉ là thực tại trong một giấc mơ.
Trang Chu mộng hồ điệp
Có một lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa thành một cánh bướm nhẹ bỗng. Ông quên mất bản thân mình mà sung sướng trong thân phận con bướm vỗ cánh bay lượn. Rồi đột nhiên ông tỉnh mộng, thân thể ông ngay đây sao mà nặng nề và không thể nhầm lẫn là Trang Chu. Ông bâng khuâng tự hỏi, là Trang Chu đã mơ mình hóa bướm, hay là cánh bướm đang mơ mình hóa thành Trang Chu?
“Trang Chu mộng hồ điệp” – giấc mộng Trang Chu là đoạn văn nổi tiếng kim cổ trở thành một điển tích thường dùng trong văn chương xưa ở Trung Quốc và Việt Nam.
“Không biết Chu chiêm bao là bướm hay bướm chiêm bao là Chu” gợi mở ra nhiều câu hỏi trong các lĩnh vực triết học tâm thức, triết học ngôn ngữ, và nhận thức luận. Chu chiêm bao hoá thành bướm thì là chuyện bình thường. Nhưng nếu “Bướm chiêm bao là Chu” thì cả cuộc đời phức tạp chỉ nằm trong một giấc mơ của con bướm mà thôi…
Chúng ta đang sống trong đời thực hay trong một giấc mơ?
Mỗi đêm, chúng ta rơi vào trạng thái mơ và trong lúc mơ, chúng ta không nhận thức được rằng mình đang mơ.
Giấc mơ ban đêm của chúng ta được coi là giấc mơ chỉ sau khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng. Còn khi đang ở trong nó, mọi thứ đều hết sức chân thật, sống động, hình ảnh sắc nét, âm thanh rõ rệt, mọi cảm xúc, ý nghĩ, hành động không khác gì lúc chúng ta tỉnh táo.
Điều kỳ lạ là cuộc đời có đầy đủ đặc tính của một giấc mơ: Bạn tin đời là thực giống như khi đang trong giấc ngủ chúng ta tin những gì xảy ra trong giấc mơ là thực. Chỉ khi bạn thức dậy rồi bạn mới biết tất cả chỉ là mơ.
Bạn nghĩ đời không phải là mơ giống như khi trong giấc ngủ bạn không biết đó là mơ, vì bạn còn đang đắm chìm trong nó.
Những sự việc xảy ra trong giấc mơ không theo một trình tự sắp đặt nào mà ta biết trước cũng cuộc đời cũng chẳng bao giờ theo ý chúng ta. Ta không thể kiểm soát giấc mơ, cũng không thể kiểm soát được mọi chuyện xảy ra trong đời.
Chúng ta không thể nhận thức được chúng ta chìm vào giấc mơ khi nào, đâu là điểm bắt đầu của nó, cũng giống như chúng ta không biết được điểm bắt đầu của cuộc đời là khi nào. Nhận thức về thời điểm bắt đầu cuộc đời của mỗi người không phải là lúc cất tiếng khóc chào đời mà thường khi ta đã lớn hơn. Chúng ta quên phần lớn giấc mơ của mình cũng giống như chúng ta quên hầu hết những chuyện xảy ra trong đời mình.
Chúng ta có rất nhiều giấc mơ, cũng như ta có nhiều kiếp người. Chúng ta không thể nhớ về giấc mơ trước đó khi chúng ta đang trong giấc mơ hiện tại, giống như chúng ta không thể nhớ được tiền kiếp.
Mặc dù chúng ta chuẩn bị tâm thế sẽ đi vào giấc mơ với nhận thức về giấc mơ của mình, nhưng chúng ta vẫn mơ và không nhận ra điều đó – giống như chúng ta bước vào cuộc đời nhưng luôn luôn không nhớ về bản chất thật hay cội nguồn của mình.
Nếu thế giới trong mơ cũng thực như thế giới đang thức, làm sao chúng ta có thể biết chắc rằng chúng ta hiện không đang sống trong một giấc mơ – một giấc mơ mà một ngày nào đó chúng ta có thể thức dậy?
Phải chăng chúng ta luôn sống trong một giấc mơ – nghĩa là trong một thế giới do chính tâm trí chúng ta tạo ra. Cuộc sống của chúng ta không phải là một cuộc sống thực mà là một trạng thái của giấc mơ. Tuy nhiên sự thật này không được chấp nhận cho đến khi chúng ta thức dậy từ giấc mơ này, khi linh hồn ta chạm tới một thực tại khác ở một không gian khác. Liệu có phải khi chết mới là lúc ta thực sự tỉnh dậy khỏi giấc mơ của đời mình?
Người biết mình đang mơ
Có một hiện tượng gọi là Lucid dream – trạng thái người mơ biết rằng mình đang mơ. Đôi khi, bạn còn có thể điều khiển lucid dream bằng việc thay đổi nhân vật, môi trường, hoặc cốt truyện.
Còn với cuộc đời thì đó là đạt tới sự tỉnh thức khỏi ảo tưởng và biết rằng cuộc đời chỉ là giấc mơ lớn hơn.
Một bộ phận trong chúng ta sẽ có vài lần Lucid Dream trong giấc mơ, nhưng có nhiều người sống cả đời vẫn không “Lucid dream” với cuộc đời của họ, hay nói đúng hơn là tỉnh thức trong đời sống của họ một lần.
Hầu hết chúng ta thích đắm chìm trong giấc mơ làm giàu, hưởng thụ vật chất, tìm kiếm thành công, danh vọng, và thỏa mãn thú vui. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Ta là ai, Ta đến đây từ đâu, để làm gì hay đời sống này liệu có ý nghĩa gì?
Ở trong mộng thì bạn thấy mình làm quan, hoặc phát tài, hoặc có địa vị, quyền lợi, danh dự, hoặc có vợ đẹp thiếp xinh, con cái đầy nhà, vinh hoa phú quý, hưởng thọ không hết. Giả như trong lúc mộng ấy mà có người nói với bạn rằng: “Ông ơi! Đây chỉ là hư vọng thôi, không phải thật đâu,” thì bạn sẽ chẳng bao giờ tin. Chờ đến khi bạn tỉnh dậy rồi thì chẳng ai nói với bạn là bạn đã nằm mộng, bạn cũng biết rõ là mình vừa trải qua một giấc chiêm bao.
Giấc mộng hạt kê vàng
Đời Nhà Đường có người tên là Lư Sinh, hôm nọ anh ta đến một quán trọ ở Thành Hàm Đan để gặp một Đạo sỹ tên là Lữ Ông. Lư Sinh than phiền với Lữ Ông về sự nghèo khó và không thể nào đạt được mong muốn của mình. Lữ Ông lấy ra một cái gối và nói rằng Lư Sinh có thể đạt được giấc mơ của mình về sự giàu sang và phú quý nếu anh ta ngủ trên cái gối đó.
Lư Sinh nằm xuống trên cái gối. Một chốc, người chủ quán trọ liền đi đặt cái chảo trên bếp lò và rang một ít hạt kê. Lư Sinh liền có một giấc mơ nơi mà anh sống trọn cuộc đời của mình. Trong giấc mơ, anh ta thi đỗ kỳ thi của triều đình và trở thành quan ngự phẩm trong triều. Anh ta sống như thế cho đến hết đời. Khi anh ta thức dậy, anh ta nhận ra rằng giấc mơ của mình thật là ngắn ngủi đến mức những hạt kê được rang chưa vàng.
Sau khi Lư Sinh tỉnh mộng, cảnh tượng mà anh ta nhìn thấy mọi thứ vẫn y nguyên như trước và mọi việc chỉ là một giấc mơ. Lúc đó, Lữ Ông đạo sỹ giảng cho anh ta rằng khi người ta dính mắc vào Danh, Lợi và Tình của thế giới loài người, đó cũng như là đang ở trong giấc mộng vậy. Lư Sinh cảm động và trở nên sáng tỏ.
Lữ Ông đạo sỹ dùng giấc mộng như là một phương pháp để giảng Đạo. Lư Sinh cảm tạ Lữ Ông và nói, “Vinh hay là Nhục, được hay là mất, sinh hay là tử, bây giờ tôi đã hiểu rõ rồi.”
Cái chết chỉ là sự ‘tỉnh dậy’ của giấc ngủ đời sống
Chúng ta sống trong mơ và chúng ta chết cũng trong mơ, thế nên chúng ta càng không tin rằng ta đang sống bên trong một giấc mơ.
Có câu nói: “Con người sống trong mê”. Rất nhiều người chỉ cho đó là cách nói ví von hình tượng. Biết đâu rằng, khi chúng ta coi hiện thực này là thực tại ghê lắm, thì rất có thể cái thực tại ấy lại chỉ là thực tại trong một giấc mơ.
Các vị Phật, Jesus, Lão Tử… là những người đã thức dậy khỏi giấc mơ của cuộc đời, đã hiểu sự huyễn ảo của nó, họ đã biết đến một thực tại khác, nơi mà tất cả vật chất, danh vọng, tranh đua… đều là vô nghĩa.
Họ đã thức dậy và họ nhận thấy chúng ta còn đang say ngủ nên họ đã cố đánh thức chúng ta bằng mọi cách. Giấc mơ mang tên cuộc sống kéo dài quá lâu và chúng ta là những kẻ đã ngủ quá say không hề muốn thức dậy.
Con người buông cái chân thật để nắm giữ cái giả dối, do đó đời đời kiếp kiếp quay lưng với sự giác ngộ để hòa hợp với bụi trần. Ai ai cũng sống trong mộng. Danh lợi tình – lấy cái hư giả mà cho là thật, đeo đuổi tranh đấu không thôi.
Nhân loại đang chiêm bao giữa ban ngày mà chưa thức tỉnh, sống một cách hồ đồ, rồi cũng hồ đồ mà chết đi. Sinh ra đây là từ đâu tới? Chết rồi mình sẽ đi đâu? Không biết. Cả một đời chẳng bao giờ tỉnh.
Chỉ đến khi cận kề cái chết, nhận ra những thứ đã bỏ cả đời để theo đuổi và đánh đổi thật ra chỉ là những thứ vô nghĩa, ngớ ngẩn, có lẽ lúc đó chúng ta mới cảm nhận về cái huyễn ảo của đời sống một giấc mơ mà chúng ta đã chìm đắm quá sâu.
Các hiền triết phương Đông cho rằng bản chất huyễn hoặc của cuộc sống đã đánh lừa chúng ta, ngoại trừ một số ít người đã thức dậy và nhìn thấy thực tại “có thật”.
Họ không còn sợ hãi cái chết. Họ xác định với một cái tôi là vượt thời gian và không bị ràng buộc. Họ có xu hướng cảm thấy tách rời, như thể chứng kiến cuộc sống diễn ra như thế nào hơn là bị quăng quật và lộn xộn trong dòng sự kiện hỗn loạn hàng ngày. Ở đỉnh cao của trải nghiệm thức dậy, họ cảm thấy được giải phóng và hạnh phúc.
Một người hoài nghi sẽ coi những trải nghiệm này là chủ quan và do đó không đáng tin cậy – trên thực tế, tất cả chúng ta đều có thói quen đánh đồng những trải nghiệm siêu việt với sự bất thường, rối loạn chức năng xã hội, thậm chí là điên rồ.
Có lẽ mỗi chúng ta đều đang mơ giấc mơ đời mình. Và như thế một trong những mục đích lớn lao nhất trong đời là để Lucid Dream giấc mơ đó – Tỉnh thức – nhận ra bản chất huyễn ảo của đời sống, hiểu được cội nguồn của sinh mệnh, trả lời cho câu hỏi: ta đến từ đâu và đi về đâu. Người ta có thể ngay lập tức đạt được trạng thái giác ngộ này nếu người ta có thể liên tục nhận biết, mọi lúc, về trạng thái mơ của đời sống.
“Cuộc sống là một giấc mơ” trình bày cái nhìn sâu sắc giải thoát nhất đi vào tâm trí con người, và nó sẽ không bao giờ mất đi, bởi vì không có lời giải thích nào khác cho chúng ta biết nhiều hơn về thực tại “thực tế” hơn nó. Và ý nghĩa cuộc đời không gì hơn là trở thành một người tỉnh thức – giác ngộ.