Con nên học đại học hay học nghề?
Những lợi ích của việc khuyến khích con trẻ tự lựa chọn con đường giáo dục của mình.
Đó là ngày thứ ba con trai tôi học tại trường mẫu giáo. Khi ra về, cháu lao vào xe hơi và thốt lên, “Con sẽ không đi học nữa. Con sẽ trở thành một tài xế xe tải!”. Tôi nhìn vợ, sau đó nhìn con trai mình và nói một cách đơn giản, “Con còn một chặng đường dài để đi cho đến khi có thể tự quyết định việc học của mình; bố nghĩ rằng con cần đi học ở trường một thời gian nữa.”
Thời gian trôi nhanh đến ngày hôm nay. Con trai tôi vẫn đến trường và hiện tại đang hoàn thành năm học cuối cấp. Cháu học khá tốt và lớn lên trở thành một chàng trai trẻ tuyệt vời, nhưng chặng đường học tập của con rất khác so với những gì tôi đã từng nghĩ. Đó là một trong những điều đã làm thay đổi định kiến sai lầm và ẩn sâu của tôi từ khi còn trẻ do ảnh hưởng xã hội.
Trong hơn 30 năm, tôi làm việc trong ngành giáo dục ở những vị trí khác nhau. Tôi từng là nhân viên hỗ trợ, nhân viên mùa hè, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, hiệu phó, giám đốc cải thiện trường học, và hiệu trưởng trường tiểu học. Tôi đã đưa ngôi trường nơi mình làm việc đạt được nhiều chứng nhận và phục vụ nhà trường trong bất kỳ việc gì có thể. Tôi biết tầm quan trọng của một nền giáo dục tốt và chắc chắn rằng hai con của mình sẽ đi theo con đường “đại học” để chuẩn bị cho tương lai của chúng.
Tôi là người đầu tiên đề cao những phẩm chất và sự cần thiết của nền giáo dục đại học. Tôi được lớn lên trong thời kỳ mà các học sinh đều được bảo rằng học đại học là điều thiết yếu. “Nếu muốn thành công và có khả năng nuôi sống gia đình, bạn cần phải học đại học. Bạn không thể vươn lên đứng đầu nếu không học đại học.” Các ngành thủ công kỹ thuật đều đã lụi tàn, và bạn không thể kiếm sống bằng việc học nghề được.
Đã nghe điều này gần như trong suốt cả cuộc đời, và bản thân cũng đã đi con đường này, tôi nhanh chóng nói với mỗi phụ huynh việc học đại học quan trọng như thế nào, thực sự tin rằng đây là con đường tốt nhất cho học sinh – con đường mà mọi người nên theo đuổi. Giờ đây, sau 30 năm và sau khi nuôi dưỡng hai người con có lựa chọn về giáo dục khác nhau, cũng như bản thân tôi đã có sự thay đổi nghề nghiệp rất bất ngờ, tôi đang nhìn nhận mọi thứ hoàn toàn khác, và tôi nhận ra rằng xã hội đã định hướng sai lầm như thế nào cho cả một thế hệ.
Năm ngoái, vì vấn đề sức khỏe, tôi đã phải từ bỏ vị trí hiệu trưởng trường tiểu học do nhịp độ và những áp lực trong công việc. Trong khi vẫn làm việc cho trường học với vai trò tư vấn, hiện tại tôi là giám đốc điều hành công ty thủy tinh của một người bạn, người mà tôi đã gặp vào ngày đầu tiên năm học lớp năm. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh ấy làm việc cho ngành công nghiệp thủy tinh, theo đuổi con đường riêng, và hiện giờ sở hữu công ty riêng. Anh chưa từng học ở trường đại học, nhưng anh ấy là một trong những người đàn ông có kỹ năng, thành công và tài năng nhất mà tôi biết.
Trong khi tôi học đại học thì anh ấy học nghề. Anh được đào tạo kỹ năng rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội chúng ta. Vậy con đường nào tốt hơn? Cái nào cần thiết hơn? Cả hai con đường đều cần thiết, và đối với mỗi chúng ta đó đều là con đường đúng đắn (nếu bạn từng thấy tôi làm công việc thủ công, bạn sẽ hiểu tại sao tôi chọn học đại học).
Ngoài tôi ra, chúng tôi có một người bạn khác đã từng học đại học làm việc cùng. Giờ đây, anh ấy làm việc tại công ty thủy tinh, không sử dụng bất kỳ bằng cấp nào mà anh đã từng tốn thời gian và chi phí để đạt được. Anh làm việc rất tốt, nhưng anh ấy vẫn có thể làm được mà không cần có bằng cấp.
Ba con đường khác nhau, ba con người khác nhau, và ba kết quả rất khác nhau hội tụ trong năm vừa qua. Vậy có con đường nào sai không? Có lựa chọn nào sai lầm không? Không, không nhất định thế, mỗi con đường là những gì cần cho mỗi người. Mỗi con đường đều có những thuận lợi và khó khăn, nhưng đáng buồn thay, chỉ có một con đường được cho là có giá trị.
Đối với một thế hệ, chỉ có một con đường giáo dục thường được làm nổi bật tại các trường học của chúng ta. Những học sinh được dẫn đến tham quan các trường đại học, cố gắng tìm một trường đại học phù hợp với mình. Các trường dạy nghề và các ngành thủ công kỹ thuật thường bị bỏ qua và không được đưa vào chương trình tham quan vì nhiều người không còn thấy tầm quan trọng của nó. Điều đó hoàn toàn không đúng.
Vào năm 1983, Howard Gardner lần đầu tiên đề xuất ý tưởng của “đa trí tuệ.” Đó là ý tưởng dựa trên nền tảng và lý thuyết rằng có nhiều loại trí thông minh khác nhau (ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, v.v…), không chỉ thừa nhận trí thông minh “nhận thức” được chú trọng tại các trường học. Nó đề xuất rằng các cá nhân có năng khiếu và thế mạnh khác nhau, và điều đó cho thấy rằng giáo dục và định hướng nghề nghiệp đúng đắn của đứa trẻ này có thể không phù hợp với đứa trẻ khác. Bằng cách bỏ qua các trường dạy nghề, chúng ta nói với con cái của mình rằng “trí thông minh” này không quan trọng hoặc có giá trị như “trí thông minh nhận thức” được chú trọng tại các trường đại học.
Khi quan niệm này được hình thành, nó ngay lập tức loại trừ những học sinh có năng khiếu trong lĩnh vực thủ công kỹ thuật và những lĩnh vực khác. Bạn của tôi và con trai tôi rất thông minh và có nhiều năng khiếu tuyệt vời. Những năng khiếu này sẽ không được sử dụng tốt nhất trong chương trình bốn năm học đại học. Đó là những năng khiếu dùng để phục vụ họ và cộng đồng tốt hơn trong ngành nghề của mình.
Khi tôi làm việc cùng với bạn mình trong năm nay, tôi nhận thấy nhu cầu cần những công nhân lành nghề, không chỉ trong ngành công nghiệp thủy tinh mà còn trong những lĩnh vực khác. Ở nhiều nơi, hiện đang thiếu những công nhân lành nghề này bởi vì qua hơn một thế hệ, chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi một quan niệm sai lầm, và giờ đây, chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả của việc đó.
Đối với con trai tôi, trường dạy nghề hóa ra lại là một sự lựa chọn hoàn hảo. Con tôi thích làm công việc thủ công, và cuối cùng cháu cũng đã tìm thấy điều mình yêu thích. Thực tế, từ rất lâu mà tôi có thể nhớ được, đi học nghề là lần đầu tiên con tôi cảm thấy hào hứng đối với việc học ở trường. Mùa giáng sinh năm nay, chàng trai trẻ trước đây thường yêu cầu những món quà trò chơi điện tử đưa cho chúng tôi một danh sách những dụng cụ mà cháu cần để thực hiện giấc mơ của mình.
Là bậc cha mẹ, chúng ta cần nhận ra rằng con đường của mỗi đứa trẻ không nhất định cần có tấm bằng đại học bốn năm. Không phải học sinh nào cũng có khả năng theo đuổi con đường này, hay thậm chí muốn theo con đường này, nhưng khi đối mặt với xã hội luôn nói rằng “bạn phải đi học đại học”, họ cảm thấy khó để làm bất cứ việc nào khác, thậm chí ngay cả khi đó không phải là những gì trái tim họ mách bảo. Trong khi một số người có thể không thấy được tầm quan trọng của trường dạy nghề, chúng ta hãy ngưng việc nói với con trẻ rằng đó không phải là một sự lựa chọn tốt.
Các học sinh của chúng ta cần biết điều này. Các em cần thấy rằng học đại học hay trường dạy nghề đều quan trọng, không cái nào tốt hơn cái nào, mỗi con đường đều đáp ứng nhu cầu học tập của những học sinh khác nhau. Là cha mẹ, quan điểm và thái độ của chúng ta ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn tương lai của con trẻ, cho dù chúng có thừa nhận việc đó hay không. Là bậc cha mẹ, chúng ta cần nhận ra vai trò quan trọng này và giúp con trẻ trên con đường dẫn đến tương lai bằng cách:
- Nhận thấy rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất, có năng khiếu và nhu cầu học tập khác nhau.
- Nhận thấy rằng mỗi đứa trẻ có niềm đam mê và con đường tương lai riêng.
- Nhận thấy rằng trường đại học phù hợp với một số người, cũng như trường dạy nghề/nghề thủ công kỹ thuật phù hợp với những người khác.
- Nhận thấy rằng các ngành thủ công kỹ thuật cũng quan trọng, cần thiết và bảo đảm cho tương lai giống như một nghề nghiệp có được sau khi hoàn tất chương trình đại học bốn năm.
- Nhận thấy rằng thông minh không chỉ là trí thông minh “nhận thức”.
- Nhận thấy rằng con trẻ cần được khích lệ để theo đuổi con đường của chúng, không phải của chúng ta.
Con gái tôi đang theo đuổi đam mê, tình yêu từ trái tim và tài năng của cháu bằng việc hiện tại theo học một trường đại học địa phương. Con trai tôi cũng đang theo đuổi đam mê, tình yêu từ trái tim và tài năng của cháu thông qua công việc thủ công và rèn luyện cho một nghề nghiệp vững chắc rất cần thiết trong xã hội chúng ta. Cả hai con đường đều tốt, đều đúng và đều cần thiết.
Cũng như bọn trẻ, tôi đã theo đuổi đam mê, tình yêu từ trái tim và tài năng của mình thông qua việc đạt được bằng cấp và nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Hiện tại, tôi có cơ hội để sử dụng những khả năng đó trong một lĩnh vực mới và làm việc cho bạn của tôi, người đã bỏ qua việc học đại học để chuyển sang nghề thủ công kỹ thuật, hiện giờ là chủ doanh nghiệp và ký vào phiếu lương của tôi mỗi tuần. Điều đó không tệ chút nào đối với một người chưa từng vào đại học.
Bài báo này được xuất bản lần đầu trên tạp chí American Essence.