Ngôi trường Buffalo Creek: Nơi các nam sinh rèn luyện cách đối mặt và vượt qua thử thách
Ngôi trường Buffalo Creek được thành lập từ ý tưởng cải thiện lớp học phù hợp hơn với sự phát triển của nam sinh, giúp các em khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân khi được rèn luyện cách đối mặt và vượt qua những thử thách.
Trong báo cáo học thuật có tiêu đề: “Quá nhiều nam sinh hư hỏng trong học đường Mỹ. Làm sao chúng ta giải quyết tình hình này?” hai tác giả Barbara Jackson và Ann Hilliard đã cung cấp một loạt số liệu thống kê đáng báo động về thành tích học tập kém cỏi của nam sinh và của trẻ vị thành niên nói chung.
Sau đây là một vài số liệu: Nam sinh tự tử thường xuyên hơn nữ sinh từ 2 đến 3 lần, chiếm hơn 70% số trường hợp bị đình chỉ học, chiếm 80% học sinh trung học bỏ học và chỉ 44% sinh viên đại học.
Một vấn đề đáng buồn hơn là nghiên cứu này đã được công bố từ năm 2013.
Từ thời điểm đó, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn. Trước tình trạng xuống dốc trên của nam sinh, cuối năm 2021, ông Christopher Brueningsen, là một hiệu trưởng trường nội trú toàn nam gần Pittsburgh, đã có một bài viết là “Tình trạng nam sinh rơi vào khủng hoảng: Học đường làm bại hoại giới trẻ,” đề cập thêm rằng “làm sao cho lớp học của chúng ta có thêm nhiều nam sinh thân thiện hơn nữa là một bước quan trọng nhằm giải quyết vấn đề mà thanh niên ở đất nước chúng ta đang phải đối mặt.”
Từ “khủng hoảng” được sử dụng ở đây không có gì là quá phóng đại. Thất bại trong trường học dẫn đến thất bại sau này trong cuộc sống. Những chàng thanh niên trượt dốc gặp khó khăn hơn khi tìm kiếm công việc có ý nghĩa, có tỷ lệ bị giam giữ cao hơn nữ giới và khó tìm được vị trí của mình trong xã hội hơn.
Vậy chúng ta có thể làm gì để cải thiện lớp học phù hợp hơn cho sự phát triển của nam sinh? Liệu có cách nào đạt được mục tiêu đó không?
Thay đổi hướng đi
Cách đây nhiều năm, cô Rebecca Taylor vừa được cấp bằng cử nhân nông nghiệp của Đại học Georgia, vừa có chứng chỉ giảng dạy trung học cơ sở và đã có bốn năm giảng dạy tại các trường công lập. Còn anh Lee Taylor lấy bằng luật tại Đại học Mercer ở Georgia, và sau một thời gian ngắn làm công tố viên, anh bắt đầu theo đuổi ước mơ được làm luật sư đến cuối đời trong một thị trấn nhỏ. Sau khi kết hôn, cô Rebecca và anh Lee sống ở Bắc Georgia và sau đó đã chuyến đến sống tại đến Lexington, tiểu bang Virginia.
Trong suốt thời gian đó, anh Lee tự kinh doanh và điều hành công ty luật, trong khi cô Rebecca thực hiện ước mơ giảng dạy của mình với bốn đứa con tại nhà trong sáu năm mà cô gọi là “one-room schoolhouse”. (tạm dịch: nhà và trường học 2 trong 1)
Sau khi bốn đứa con rời khỏi nhà để thành gia lập nghiệp, hai anh chị đã tìm kiếm mục tiêu sống mới cho riêng mình. Cô Rebecca giải thích, “Chúng tôi đã cầu nguyện [với Đấng Tối Cao] về những gì chúng tôi nên thực hiện.” Hàng tháng, cô đều tham dự nhiều chuyến đi tới Phi Châu do nhà thờ tài trợ, nơi cô giảng dạy chương trình truyền thống Cơ đốc giáo ở nhiều trường khác nhau, và họ đã cân nhắc có nên xem công việc này là mục tiêu mới trong đời mình hay không.
Tuy nhiên, vào năm 2017, cô Rebecca bắt đầu tìm đọc sách báo viết về những băn khoăn và thử thách của nam sinh Mỹ ở trường học. Những câu chuyện và số liệu thống kê khiến cô buồn bã và trăn trở khôn nguôi.
Cô nói với anh Lee: “Anh yêu, đây là điều tốt nhất chúng ta có thể làm để phụng sự cho đất nước, vào lúc này đây.”
Anh nhiệt tình đồng ý và Trường nam sinh Buffalo Creek (Buffalo Creek Boys School – BCBS) được thành lập .
Sự học như một chuyến hành trình
Sau bốn năm hoạt động ở dinh thự Taylor trong trang trại rộng 25 mẫu Anh, trường BCBS chuyển đến Nhà thờ Baptist Lexington, tại nơi đó các lớp học rộng hơn, có thêm một nhà nguyện, sân bóng và một phòng tập thể hình. Cô Rebecca dạy thể dục, kịch, nghệ thuật, âm nhạc và ẩm thực, trong khi anh Lee là hiệu trưởng trường. Anh cũng là một thợ gốm chuyên nghiệp và một người thợ khéo tay, và anh cũng đã hướng dẫn những nam sinh các kỹ năng này. Những thành viên khác của trường còn có cựu quân nhân Trae Bailey, giáo sĩ Anh giáo Eric Parker, và kỹ sư Carl Arosarena, cùng với một số tình nguyện viên khác.
Một ngày ở trường bắt đầu bằng hoạt động rèn luyện thể chất bên ngoài sân trường, với phương châm “Thể chất, Tâm trí và Tinh thần.” Sau đó, các nam sinh cầu nguyện buổi sáng và học những môn học truyền thống như vật lý, lịch sử và số học bên cạnh kỹ năng hùng biện và tư duy logic. Nhà trường cũng nhận thấy nhu cầu thực hành để giúp các em tỉnh táo và có thể tham gia lớp học suốt cả ngày, nên đã dành hai giờ mỗi ngày cho thể thao và các nghề thủ công từ nghề mộc đến may vá. Trường học còn có trò chơi gọi là “Tinker” khiến các em thích thú với các món đồ thủ công như máy bay giấy và các khối xây dựng, cũng như tháo lắp các vật dụng để tìm hiểu cách chúng hoạt động.
Cô Rebecca giải thích, “Các cậu con trai luôn thích thú tháo rời mọi thứ và khám phá cách thức hoạt động. Bãi rác của thị trấn thậm chí còn mang đến những thứ chúng tôi cần. Chúng tôi cũng mới nhặt được một chiếc máy hút bụi ở đó.”
Các chàng trai vừa được thực hành bắn cung và kỹ năng bắn súng bằng súng trường hơi, vừa được cắm trại, đi bộ xuyên rừng, khám phá hang động và leo núi trong các chuyến dã ngoại. Một số nam sinh vốn không quen dành nhiều thời gian ngoài trời, đã rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên.
Anh Lee cho biết: “Trong cách tiếp cận giáo dục Cơ đốc giáo cổ điển, chúng tôi chú trọng đến việc nhận thức thế giới thông qua niềm tôn vinh Đấng Sáng Thế. Chúng tôi hy vọng thông qua mỗi môn học – ngôn ngữ, âm nhạc, khoa học, nghệ thuật, trong mọi chủ đề, các em đều sẽ lãnh hội niềm tôn kính Ngài.”
Hơn cả điểm số
Nhà nghiên cứu người Úc Peter West đã viết trong bài, “Học đường làm bại hoại nam sinh như thế nào, và làm sao chúng ta giải quyết tình hình này,” cả ở Hoa Kỳ và hải ngoại, các bé trai đều mong muốn có nhiều niềm vui hơn ở trường, mong muốn trải nghiệm những hoạt động học tập tích cực hơn, mong muốn được học từ các thí nghiệm, từ sự kết nối và những kỹ năng sống. Và ngôi trường Buffalo Creek không những đáp ứng hết thảy tiêu chí trên mà còn có thêm một yếu tố quan trọng gần như thiết yếu [đối với các em học sinh nam.]
Cô Rebecca giải thích về điều này như sau, “Các cậu bé luôn thích được thử thách. Bọn trẻ sẽ không bộc lộ tài năng nếu chúng không bị thách đố theo một cách nào đó. Ví như một đứa trẻ đã thốt lên về trường cũ của mình, ‘Năm lớp sáu của em thật kinh khủng. Chúng em chỉ ngồi đó bảy tiếng một ngày và chẳng học được gì.’”
Ngoài ra, học sinh trường BCBS phải đối mặt và chinh phục thử thách hơn là chỉ chú trọng vào rèn luyện thể chất. Điểm số của các em dựa trên Bài kiểm tra của tiểu bang Iowa, một kỳ thi chuẩn hóa toàn tiểu bang đã xếp các em vượt lớp từ 4 đến 5 năm. Trước đây, hầu hết các em chưa bao giờ phải ghi nhớ các dữ kiện số học ở trường, nhưng khi đến trường Buffalo Creek, các em thường học bảng nhân và chia trong ba tuần. Các em được đọc sách cao hơn trình độ ở lứa tuổi của mình, bao gồm các chuyên khảo khoa học được xuất bản cho sinh viên cao học.
Anh Lee giải thích, “Nếu bạn nói với một cậu bé rằng việc này có vẻ quá khó khăn với cậu ấy, thì trong tinh thần của cậu ấy sẽ có điều gì đó trỗi dậy và phát triển vượt trội.”
Một giá trị khác biệt
BCBS là một ngôi trường nhỏ bé chỉ có từ tám đến mười học sinh theo học. Tuy thực tế là thị trấn Lexington có dân số dưới 8,000 người, nhưng gia đình Taylors vẫn muốn mở rộng chương trình của họ để thu hút nhiều bé trai hơn. Thậm chí, một số người quan sát có thể đặt câu hỏi liệu rằng sự đầu tư công sức, tiền bạc và tài năng của gia đình Taylors và những người khác có xứng đáng với số lượng ít ỏi các cậu bé như vậy hay không.
Tuy nhiên, sau khi trò chuyện với cặp vợ chồng tận tâm với ngành giáo dục này và ngắm nhìn lại những nụ cười của những học sinh trên trang web của họ, tôi đã nhớ lại câu chuyện xưa về cậu bé và con sao biển.
Một người đàn ông nhìn thấy một cậu bé trên bãi biển, xung quanh là vô số sao biển bị thủy triều bỏ lại trên bờ. Cậu đã thả từng sinh vật này về nước để chúng có thể sống sót.
Người đàn ông phá lên cười, nói với cậu, “Thật là lãng phí thời gian, con trai ạ. Có quá nhiều sao biển, cháu sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều đâu.”
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times