Bí quyết thành công: Bạn muốn trở thành người như thế nào trong lương lai?
Nam diễn viên nổi tiếng người Mỹ Matthew McConaughey đã chia sẻ bí quyết thành công của mình khi anh giành giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2014. Đó là nhờ Chúa, gia đình và hình tượng một người hùng trong tim mà McConaughey làm mục tiêu cho những nỗ lực của mình. Nhân vật này chính là McConaughey của 10 năm sau.
Hồi 15 tuổi, khi được hỏi anh hùng của mình là ai, McConaughey trả lời: chính là “tôi trong 10 năm nữa.” Mười năm sau, khi McConaughey 25 tuổi và được hỏi lại rằng liệu anh đã trở thành người hùng trong tâm trí mình chưa, anh trả lời: “Còn một chặng đường dài, người hùng của tôi vẫn chính là tôi, một McConaughey 35 tuổi trong 10 năm nữa”. Đã 10 năm trôi qua và điều này trở thành động lực cho những nỗ lực không ngừng của anh.
Nhận ra “bản thân trong tương lai”
Benjamin Hardy, tiến sĩ Tâm lý học Động lực, tác giả và blogger, từ nghiên cứu đã phát hiện ra nhận thức về bản thân chính là một nguồn động lực thực sự để thành công, và việc xây dựng một phiên bản “tương lai của chính mình” cũng sẽ góp phần vào thành công trong tương lai. Lý thuyết của Hardy đã được kiểm chứng trong thực tế.
Làm thế nào để đạt được những thành công lớn trong cuộc sống? Yếu tố then chốt không phải là “quá khứ tôi đã như thế nào”, mà là “tôi hiện tại”, đồng thời có thể vạch ra “tôi trong tương lai” là gì và có thể làm được điều đó hay không.
Một số người luôn bám chặt vào quá khứ, đặc biệt là những người đã từng trải qua tổn thương, họ dễ bị mắc kẹt trong những ký ức đau buồn, thậm chí nghĩ rằng sự phát triển của bản thân sẽ kết thúc ở đây và không thể thay đổi gì trong tương lai. Rất khó để một người như vậy nhận ra “bản thân mình trong tương lai”.
Tâm lý rập khuôn và tâm lý phát triển
Cuộc khảo sát của nhà tâm lý học Daniel Gilbert tại đại học Harvard cho thấy khi mọi người được hỏi liệu “bản thân mình bây giờ” và “bản thân 10 năm trước” có phải là cùng một người hay không, hầu hết mọi người đều trả lời là không. Có thể thấy, hầu hết mọi người đều hiểu rằng 10 năm qua mình đã thay đổi rất nhiều, con người luôn thay đổi chứ không hề cố định. Nhưng nếu muốn nghĩ về bản thân 10 năm sau, hầu hết mọi người đều không thể hình dung được, vì họ đánh giá thấp những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai, họ luôn nghĩ rằng phiên bản “tôi ở hiện tại” không khác nhiều so với “tôi ở tương lai”.
Nhà tâm lý học Carol Dweck tại Đại học Stanford coi tâm lý “hôm nay tôi mãi mãi là tôi” này là một loại “tư duy cố định”. Những người có “tâm lý rập khuôn” sẽ tự định nghĩa dựa trên hiện trạng và đưa ra kết luận cho mình. Ví dụ, bài kiểm tra toán không thành công, vì vậy họ xác định “Tôi thật tệ” và “Tôi xong rồi, tôi sẽ không bao giờ làm được tốt.”
Cách tốt nhất để thoát khỏi lối “tư duy rập khuôn” và tránh bị bế tắc trong những thất bại ở quá khứ là chuyển sang “tư duy phát triển”. Những người có “tâm lý phát triển” sẽ tận hưởng hiện tại và không bị gò bó bởi hoàn cảnh. Họ cảm thấy rằng họ vẫn đang phát triển và thất bại không quan trọng; họ chủ động tìm kiếm ý nghĩa tích cực từ những trải nghiệm đau đớn trước đây, chẳng hạn như: “Kinh nghiệm trải qua nỗi đau thật hữu ích đối với tôi” hoặc “Tôi có thể học hỏi từ nó, vì vậy tương lai sẽ tốt hơn.”
Cách xây dựng “bản thân trong tương lai”
Khi bạn có thể mô tả rõ ràng “tôi trong tương lai” là như thế nào, bạn biết đó là mục tiêu cuộc sống của mình, bạn biết rằng con người hiện tại của bạn chỉ là tạm thời, không phải là vĩnh cửu, và đối mặt với mọi thử thách trước mắt với một “tâm lý phát triển”. Sau khi nỗ lực làm việc, bạn có thể nhận ra “bản thân mình trong tương lai”.
5 cách giúp chúng ta nhận ra “bản thân trong tương lai”:
1. Hãy tưởng tượng bạn muốn trở thành người như thế nào trong 3 năm (hoặc 10 năm) tới? Bạn sẽ sống như thế nào mỗi ngày? Hoàn cảnh sống ra sao? Bên cạnh bạn là những người như thế nào? Và những thứ khác nữa.
2. Chia sẻ mục tiêu của mình với những người xung quanh sẽ giúp biến lời nói thành hành động, hành động thành thói quen, thói quen thành tính cách, và từ đó tạo nên vận mệnh tương lai.
3. Thay đổi cuộc sống hiện tại càng nhiều càng tốt và biến nó thành một lối sống phù hợp hơn cho bản thân trong tương lai, bao gồm những thay đổi hàng ngày từ các quyết định và hành vi, hãy bắt đầu đào tạo và đầu tư có mục đích. Ví dụ, thiết kế lại môi trường sống phù hợp hơn cho bản thân trong tương lai, đọc một số bài báo mà bản thân trong tương lai có thể cần…
4. Đối mặt với mọi khả năng trong cuộc sống với một “tâm lý phát triển”, bao gồm cả sự thất vọng và tổn thương. Gặp phải các khó khăn chính là điểm khởi đầu của những thử thách và rèn luyện. Hãy học hỏi từ những nỗi đau, chỉ với thử thách bạn mới có thể nếm trải cuộc sống và cảm nhận được niềm vui khi trưởng thành. Một khi càng trải qua thất vọng thì bạn sẽ càng can đảm hơn.
5. Khi đánh giá sự tiến bộ, hãy chú ý hơn đến những gì đã đạt được, và tự hỏi bản thân 5 câu hỏi này sau mỗi 30 ngày: Tôi tiến bộ được đến đâu? Tôi đã đạt được những mục tiêu nào trong 90 ngày qua? Tôi muốn đạt được những mục tiêu nào trong 90 ngày tới? Tôi muốn ở đâu trong 3 năm nữa? Tôi muốn ở đâu trong 1 năm tới?
Việc đánh giá này giúp chúng ta thực hiện tốt hơn, sửa chữa và dần nhìn thấy “bản thân mình trong tương lai”. Hãy nhớ đừng định nghĩa “cái tôi bây giờ”, vì tương lai còn có vô vàn những khả năng có thể.