Cố vấn đầu tư cảnh báo: Nền kinh tế Hoa Kỳ có thể đã rơi vào suy thoái
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, cố vấn của công ty Sitka Pacific Capital Management Mike “Mish” Shedlock cảnh báo rằng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế có thể đã đến, vì các chỉ số cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ “hiện đang mấp mé suy thoái.” Cảnh báo này được đưa ra vài ngày sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang tiết lộ rằng các quan chức ngân hàng trung ương dự đoán một cuộc suy thoái vào cuối năm nay.
Ông Shedlock nói: “Nếu chúng ta chưa rơi vào suy thoái, thì chắc chắn chúng ta sắp sửa như vậy.”
Một trong những chỉ số quan trọng mà ông ấy đang theo dõi là thị trường nhà ở, mà ông cho rằng đã báo hiệu một cuộc suy thoái đang sắp xảy ra trong một thời gian khá dài.
Vào tháng Hai, doanh số bán nhà hiện tại ở Hoa Kỳ đã giảm hơn 22% so với năm trước. Doanh số bán hàng chạm đáy vào đầu năm ở mức 4 triệu, giảm đáng kể so với mức cao nhất của đại dịch là 6.7 triệu. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, doanh số bán nhà giảm xuống còn 3.8 triệu.
Bất chấp dữ liệu đáng lo ngại, ông Shedlock cho thấy rằng Cục Dự trữ Liên bang đã chưa bao giờ dự đoán trước về một sự suy thoái kinh tế, và dự đoán gần đây của họ có thể là một lần dự đoán đầu tiên đối với ngân hàng trung ương này. Ông nói, “Hoặc đây là lần [dự đoán] đầu tiên hoặc, nếu quý vị là một người nghĩ ngược lại, thì sẽ không có cuộc suy thoái nào sắp xảy ra, và tôi chắc chắn không tin điều đó.”
Dường như tình trạng thất nghiệp có thể dai dẳng
Quan điểm của ông Shedlock về tình trạng thất nghiệp trong thời kỳ suy thoái tiềm năng này có thể đáng kinh ngạc với một số người.
Trong khi nhiều nhà kinh tế — bao gồm cả những người ở Fed — dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nghiêm trọng trong những tháng tới, thì ông Shedlock lại có một quan điểm khác. Cụ thể, ông ấy cho thấy dữ liệu không hoàn hảo được sử dụng để tính toán số liệu và cơn sóng thần nghỉ hưu sắp tới của thế hệ bùng nổ trẻ em (Baby Boomer).
Ông nói, “Tôi nghĩ rằng rất nhiều cơ hội việc làm mới đó là một ảo ảnh. Chúng không thực sự tồn tại,” gợi ý rằng một số lĩnh vực đã duy trì niêm yết việc làm liên tục mà không có kế hoạch tuyển dụng thực tế do nền kinh tế trì trệ. “Lĩnh vực giải trí và khách sạn chưa bao giờ thực sự phục hồi toàn bộ việc làm từ cuộc suy thoái vừa qua.”
Ông Shedlock, cũng là tác giả của blog kinh tế “Mish Talk,” tin rằng cuộc khủng hoảng hưu trí sắp diễn ra sẽ đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, vì những người về hưu chưa được tính vào dữ liệu này.
“Có cả một làn sóng những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em sẽ về hưu trong vòng vài năm tới.”
Việc giảm tỷ lệ thất nghiệp do về hưu có thể không phải là một diễn biến tích cực, vì ít người lao động hơn kết hợp với nhiều thêm những người nhận An sinh Xã hội có thể gây áp lực lên giá cả.
Theo Trung tâm Transamerica, những người thuộc thế hệ bùng nổ đang trong quá trình về hưu, mà quá trình này sẽ không hoàn tất cho đến năm 2030. Các phúc lợi An sinh Xã hội trung bình sẽ vào khoảng 1,668 USD mỗi tháng, có thể tăng lên 2,068 USD nếu họ trì hoãn việc về hưu một vài năm. Đối với gần 70 triệu người về hưu nhận An sinh Xã hội, thì con số đó tương đương với chi phí hàng tháng hơn 100 tỷ USD với người nộp thuế.
Ông Shedlock nhấn mạnh rằng những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em không chỉ đông hơn những người trẻ hơn mà nhìn chung họ còn có kỹ năng tốt hơn.
Ông nói, “Quý vị có những người thế hệ bùng nổ trẻ em và thế hệ X rất lành nghề đang về hưu, và ai sẽ thay thế họ?” Tất cả những yếu tố này sẽ dẫn đến lạm phát duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn khi ngày càng có ít hơn lao động lành nghề góp phần vào tổng cung đang tụt hậu (so với tổng cầu).
Nhẹ nhưng dai dẳng
Đưa ra một quan điểm nhẹ nhàng hơn và tách mình ra khỏi đám đông bi quan, ông Shedlock dự đoán cuộc suy thoái sắp tới sẽ tương đối nhẹ nhưng có thể kéo dài trong vài năm.
Ông đã so sánh với cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19, một cuộc suy thoái diễn ra đột ngột và chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh nhất được ghi nhận.
“Tôi đang mong đợi điều hoàn toàn ngược lại với cuộc suy thoái do đại dịch COVID,” ông giải thích. “Cuộc suy thoái đó rất nghiêm trọng. Tổn thất do thất nghiệp từng có trong lịch sử.”
Cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ kéo dài hai tháng và thậm chí không đến cả một quý. Hồi tháng 03/2020, các đợt phong tỏa đã gây ra một tình trạng phá sản chớp nhoáng trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt. Các ngân hàng trung ương sau đó đã thực hiện các biện pháp kích thích chưa từng có để ngăn chặn sự sụt giảm của thị trường trái phiếu.
Dự đoán suy thoái của ông Shedlock khác với năm 2020, cả về thời lượng và mức độ nghiêm trọng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times