Cơ quan kiểu Gestapo của Trung Quốc bị giám sát sau khi người sáng lập qua đời
Tuy lực lượng cảnh sát mật Gestapo khét tiếng của Đức Quốc Xã từ lâu đã không còn, nhưng tội ác của họ thì chưa từng bị quên lãng. Thế nhưng, điều ít được biết đến là chính quyền cộng sản ở Trung Quốc cũng có một cơ quan giống như Gestapo, với nhiệm vụ duy nhất là bức hại và đàn áp những thường dân vô tội bị xem là kẻ thù của nhà nước.
Cơ quan đó, được gọi là “Phòng 610”, đã tồn tại từ năm 1999.
Trong nhiều năm qua, nhiều nạn nhân đã kể lại thái độ tàn nhẫn của những người làm việc ở tổ chức ám muội này.
“Khi không có người nào xung quanh, thì sẽ không ai biết nếu tao đánh chết mày,” ông Vương Hân (Wang Xin) nói. Được biết, ông Vương là một nhân viên của Phòng 610 cấp huyện ở tỉnh Sơn Đông, miền đông bắc Trung Quốc, và đã đánh đập dã man các nạn nhân của ông cũng như bức thực họ.
“Tao có thể ném mày vào một lớp tẩy não,” ông Trịnh Quốc Luân (Zheng Guolun), người làm việc tại Phòng 610 khu vực ở thành phố Trùng Khánh, miền trung Trung Quốc, nói hồi năm 2015. “Mai là Ngày đầu Năm Mới và mày sẽ không được yên thân cho đến Tết Nguyên Đán đâu.”
Ông Tạ Thế Nông (Xie Shinong), thuộc một Phòng 610 ở thành phố Thành Đô, vùng tây nam Trung Quốc, nói: “Chúng tao không tuân theo luật pháp nào cả.”
“Đây là 4,000 nhân dân tệ [560 USD]. Nếu các vị không muốn số tiền này, thì các vị sẽ không nhận được bất cứ thứ gì khác. Sẽ vô ích nếu các vị đưa vụ việc đến bất kỳ cơ quan chính quyền nào khác,” ông Loại Diên Thành (Lei Yancheng), một phó giám đốc khu vực [của Phòng 610], nói với gia đình cô Lưu Thục Phần (Liu Shufen), sau khi cô qua đời vì bị bức hại vào năm 2003.
Ông Hồ Thiệu Bân (Hu Shaobin), một cựu giám đốc thuộc Phòng 610 ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, đã công khai thừa nhận cơ quan mà ông làm việc chính là Gestapo ngày nay, với quyền điều động các quan chức làm việc trong quân đội, sở cảnh sát, tư pháp, và công an.
Tất cả những lời lẽ dọa nạt này đều được nhắm vào những công dân Trung Quốc có chung một điểm — họ đều là những học viên của môn tu luyện tinh thần được gọi là Pháp Luân Công. Những câu chuyện của họ được báo cáo trên trang web Minghui.org, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về cuộc đàn áp nhóm tu luyện này ở Trung Quốc.
Phòng 610, mặc dù các tội ác của họ đã được ghi lại trong nhiều năm nay, nhưng giờ đây lại bị giám sát chặt chẽ, sau khi người sáng lập cơ quan kiểu Gestapo này, cựu lãnh đạo chính quyền Trung Quốc Giang Trạch Dân, qua đời hôm 30/11 vì bệnh bạch cầu và suy đa tạng ở tuổi 96.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý phổ quát chân, thiện, và nhẫn.
Kể từ khi môn tu luyện này được giới thiệu tại Trung Quốc vào năm 1992, nhiều người dân Trung Quốc đã theo tập, với ước tính khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên tại Trung Quốc đại lục vào thời điểm đó.
“Ông Giang Trạch Dân xem đây là một mối đe dọa đối với sự tồn vong của Đảng, vốn không thể dung thứ cho sự tồn tại của một cấu trúc xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của họ,” một tổ chức tư vấn quân sự của Pháp viết trong một báo cáo được công bố hồi năm ngoái (2021).
Do đó, nhà lãnh đạo đương thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành lập Phòng 610 vào ngày 10/06/1999, trong đó tên của tổ chức này được đặt dựa theo ngày thành lập. Hơn một tháng sau, ông chính thức phát động một chiến dịch tàn bạo để đàn áp các học viên Pháp Luân Công, nhắm vào những người vô tội bằng bạo lực và lạm dụng trong điều mà các chuyên gia mô tả là một cuộc diệt chủng.
Phòng 610
Phòng 610 là một tổ chức Đảng đứng trên pháp luật với các văn phòng và chi nhánh trên khắp Trung Quốc, kể cả trong các công ty quốc doanh và các trường đại học.
Sự tồn tại của phòng này là bất hợp pháp vì cơ quan này chưa bao giờ được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc, cũng như bộ chính trị 24 thành viên gồm các thành phần ưu tú của Đảng, thông qua.
Tuy nhiên, phòng này nắm giữ quyền lực cực lớn, có ảnh hưởng đối với gần như tất cả các cơ quan chính quyền, kể cả các cơ quan chấp pháp, tòa án, công tố, và tư pháp.
Phòng 610 đã bị cáo buộc phạm nhiều tội ác đối với các học viên Pháp Luân Công, bao gồm bắt cóc, giam giữ trái pháp luật, tra tấn, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn.
Số lượng nhân viên tại Phòng 610 không được công khai. Theo phép ngoại suy dữ liệu dựa trên số lượng cấp quận trên các trang web của chính quyền địa phương, bà Sarah Cook, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc, Hồng Kông, và Đài Loan thuộc tổ chức bất vụ lợi Freedom House có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, ước tính vào năm 2011 là có ít nhất 15,000 quan chức đang làm việc cho phòng này.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho tổ chức này. Năm 2017, Freedom House ước tính trong báo cáo của mình rằng ngân sách thường niên cho tất cả các Phòng 610 ở Trung Quốc là khoảng 879 triệu nhân dân tệ (khoảng 135 triệu USD).
Phòng 610 có được quyền lực từ mối liên hệ của họ với Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) — từng là một cơ quan quyền lực của Đảng kiểm soát toàn bộ bộ máy an ninh của Trung Quốc do các quan chức ĐCSTQ trung thành với ông Giang thống lĩnh. Ủy ban này vẫn tồn tại, mặc dù quyền lực của họ đã bị suy yếu dưới thời lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình.
Từ năm 1999 đến năm 2012, ba nhân vật đứng đầu đầu tiên của Nhóm Lãnh đạo ĐCSTQ giám sát Phòng 610 — gồm các ông Lý Lam Thanh, La Cán, và Chu Vĩnh Khang — đều trung thành với ông Giang. Trong khi phụ trách văn phòng này, thì ông La và ông Chu cũng đồng thời là những người đứng đầu PLAC.
Các tài liệu nội bộ mà The Epoch Times thu thập được cho thấy Phòng 610 đã bị giải tán từ năm 2018 đến năm 2019, và các chức năng của tổ chức này đã được sáp nhập vào các cơ quan khác của ĐCSTQ, bao gồm cả PLAC, cũng như Bộ Công an.
“Kể từ khi hợp nhất vào năm 2018, Cục 4 [thuộc Bộ Công an] đã đảm nhận các trách nhiệm và chức năng của Phòng 610 Trung ương trước đây,” Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp viết trong một báo cáo được công bố hồi tháng Năm. “Các tài liệu tham khảo về Phòng 610 tiếp tục xuất hiện trên một số trang web địa phương và trong các báo cáo của nạn nhân, nhưng ít thường xuyên hơn nhiều so với trước đây.”
Báo cáo cũng nói rằng “vài triệu” học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ kể từ năm 1999.
“Minghui.org đã ghi nhận ít nhất 100,000 vụ tra tấn, và có lý do để tin rằng con số thực sự là cao hơn vài lần,” báo cáo cho biết thêm.
Những người trong cuộc
Một số cựu quan chức Phòng 610 đã bước ra, phơi bày chi tiết về những gì họ đã làm khi đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Trong một bức thư gửi cho Minghui.org vào năm 2016, một người trong số họ đã kể lại việc ông đã tham gia vào cuộc đàn áp này như thế nào, chia sẻ rằng ông rất hối hận vì đã tham gia vào cuộc đàn áp này của chính quyền. Tuy ông không cung cấp tên thật, nhưng cho biết rằng ông từng giữ chức thư ký văn phòng và nhiệm vụ chính của ông là làm việc với công an địa phương.
“Phòng 610 của chúng tôi không chỉ hủy hoại thân thể các học viên Pháp Luân Công mà còn vắt kiệt tài chính của họ một cách hèn hạ,” người đàn ông này viết. “Có một cặp vợ chồng cao niên là chủ một khách sạn rất tốt. Vì họ là học viên Pháp Luân Công, nên chúng tôi đã mang theo công an để sách nhiễu họ, khi đó xe công an thường xuyên xuất hiện trước cửa khách sạn.”
“Cuối cùng, khách sạn đã không thể duy trì hoạt động bình thường và gia đình này mất kế sinh nhai,” ông nói thêm.
Một lần, ông và những người khác trong văn phòng này lần theo dấu vết của một nữ học viên cao niên ở một ngôi làng hẻo lánh, vốn đã phải từ bỏ cuộc sống nơi thành thị vì bị sách nhiễu.
“Bà ấy kể với chúng tôi rằng cơ thể bà từng rất yếu ớt, nhưng tu luyện Pháp Luân Công đã giúp bà trở nên khỏe mạnh,” người đàn ông này viết. “Nhưng chúng tôi đã uy hiếp, đe dọa bà ấy, và bảo bà ấy giao nộp các sách Pháp Luân Công của mình, ngăn cản bà ấy tiếp tục tu luyện.”
“Bởi vì bà ấy không thể tu luyện Pháp Luân Công trong những điều kiện bình thường, nên sức khỏe của bà ấy nhanh chóng suy sụp. Bà ấy bị tái phát bệnh tim, tiểu ra máu, và hai chân sưng phù như một con voi,” người đàn ông này nói thêm. “Cuối cùng, tôi thấy gia đình đưa bà ấy đến bệnh viện để cấp cứu.”
Người đàn ông này nói thêm rằng giờ đây ông đã là một học viên Pháp Luân Công sau khi biết được môn tu luyện này thực sự là gì qua bằng hữu của mình.
“Thông qua phân tích lý trí, tôi dần dần nhận ra rằng mình đã bị lừa dối bởi tuyên truyền của tà Đảng. Pháp Luân Công không giống như những gì đài truyền hình [nhà nước của Trung Quốc] nói,” ông viết. “Chính chúng tôi, những thành viên tội nghiệp của Phòng 610, là những người đã bị tẩy não.”
Các phần thưởng
Một người trong cuộc khác là ông Hác Phụng Quân (Hao Fengjun), từng làm việc cho Phòng 610 trong Cục An ninh Quốc gia ở thành phố Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc, đã đào thoát sang Úc vào năm 2005 vì không muốn tham gia vào cuộc đàn áp nữa.
Ông Hác cho biết, vào năm 2005, một số đồng nghiệp cũ của ông xem cuộc đàn áp này là một cách để kiếm tiền.
“Trong Phòng 610, tất nhiên, có những người làm việc cật lực vì họ càng bắt nhiều học viên Pháp Luân Công, thì họ càng nhận được nhiều tiền thưởng,” ông Hác nói.
Thậm chí, việc thu thập thông tin tình báo về các học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại còn kiếm được nhiều hơn so với việc truy bắt ở Trung Quốc. Theo ông Hác, thông tin căn bản về cuộc sống cá nhân của các học viên, nếu được xem là có giá trị, thì có thể trị giá tới 50,000 nhân dân tệ (khoảng 7,200 USD).
Phòng 610 đã trả rất nhiều tiền cho những ai sẵn sàng nhận việc. Theo các tài liệu bị rò rỉ do The Epoch Times thu thập được, vào năm 2018, các nhân viên làm việc tại Phòng 610 khu vực ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, miền đông bắc Trung Quốc có mức lương trung bình thường niên khoảng 200,000 nhân dân tệ (khoảng 28,400 USD) – cao hơn khoảng bảy lần so với mức lương trung bình của cư dân thành phố năm đó.
Để khuyến khích công an bắt giữ nhiều người có đức tin hơn, Trung Quốc cũng thiết lập một hệ thống chỉ tiêu. Theo tạp chí Bitter Winter, một ấn phẩm trực tuyến đưa tin về đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, năm 2018, Cục An ninh Quốc gia ở thành phố Đại Liên, miền đông bắc Trung Quốc, đã lập ra một “kế hoạch đánh giá thành tích hàng quý” trong việc chống lại các tín ngưỡng tôn giáo cho các đồn công an trong khu vực tài phán của mình.
“Việc đánh giá này dựa trên hệ thống đánh giá 100 điểm với số điểm cụ thể được ấn định cho từng người có đức tin bị bắt giữ tùy thuộc vào đức tin của họ,” Bitter Winter đưa tin.
Một đồn công an được thưởng 10 điểm khi bắt giữ một học viên Pháp Luân Công, và 5 điểm nếu tống giam một người thuộc môn này. Bất kỳ đồn trưởng nào cũng có thể bị mất việc nếu không hoàn thành chỉ tiêu này.
Ngay cả những công dân bình thường cũng được khuyến khích trợ giúp cuộc đàn áp này của nhà nước. ĐCSTQ đã khen thưởng cho những ai sẵn sàng tố cáo bất kỳ ai tập Pháp Luân Công. Tháng 07/2021, Bitter Winter đưa tin rằng một công dân Trung Quốc họ Xu nhận được 2,000 nhân dân tệ (khoảng 300 USD) vì đã cung cấp thông tin khiến công an bắt giữ hai học viên Pháp Luân Công vào tháng 09/2020.
“Chúng tôi tự hỏi liệu ông Xu có nhận ra rằng chỉ vì 300 USD mà ông ấy khiến hai người đồng hương bị tống giam và rất có thể là chịu cảnh tra tấn, vốn là một số phận chung của các học viên Pháp Luân Công,” Bitter Winter viết. “Chắc hẳn phải có điều gì đó rất sai trái trong một chế độ mà nơi đó người ta khuyến khích quý vị bán mạng sống và sự tự do của những người hàng xóm của mình với giá 300 USD.”
Canada và Hoa Kỳ
Ông Hác cũng tiết lộ rằng hơn 1,000 gián điệp làm việc về Pháp Luân Công ở Canada.
Một Phòng 610 khu vực ở Trung Quốc đã có một cơ sở tại quốc gia Bắc Mỹ này. Theo các tài liệu bị rò rỉ hồi năm 2018 do The Epoch Times thu thập được, PLAC khu vực ở quận Phòng Sơn của Bắc Kinh đã chỉ thị cho các nhân viên Phòng 610 của họ tới Montreal, Ottawa, và Toronto, nơi họ sẽ tiến hành các cuộc hội họp để thúc đẩy tuyên truyền thù hận của Đảng chống lại môn tu luyện tinh thần này.
“Các buổi hội thảo tôn giáo chống dị giáo đã được tổ chức với các cộng đồng [người Hoa] ở ba thành phố này để công bố các luật lệ và quy định liên quan của Trung Quốc nhằm đối phó với các tôn giáo dị giáo, và kiến thức căn bản về chống các tôn giáo dị giáo,” tài liệu đó viết.
Tài liệu đó nhấn mạnh rằng các cuộc hội thảo đã đạt được mục đích như dự kiến.
“Người dân địa phương hiểu rõ về Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo dị giáo khác, bày tỏ rằng họ sẽ không tin, không quảng bá, và sẽ không tham gia vào các hoạt động của các tôn giáo đó.”
Năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với ông Dư Huy (Yu Hui), cựu giám đốc Phòng 610 khu vực ở thành phố Thành Đô, vùng tây nam Trung Quốc.
Ông Dư bị trừng phạt “vì liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cụ thể là việc giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công vì tín ngưỡng của họ,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong một tuyên bố.
Sau thông báo này, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã lên Twitter để tán thưởng quyết định này của chính phủ Hoa Kỳ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times