Chuyên gia: Trung Quốc chuẩn bị đón 3 làn sóng tử vong do COVID
Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng COVID mà các chuyên gia Trung Quốc dự đoán sẽ xảy ra ba đợt cao điểm kéo dài từ ba đến bốn tháng, trong đó các chuyên gia ngoại quốc cảnh báo rằng đợt bùng phát dịch giống như sóng thần này sẽ đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống y tế của nước này và có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Đợt bùng phát có thể kéo dài bốn tháng
Hôm 18/12, ông Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán, cho biết rằng các bác sĩ cộng đồng sẽ phải chịu đựng đợt nhiễm virus lớn nhất trong lịch sử, đồng thời nhấn mạnh rằng trong đợt dịch này, bệnh nhân sẽ được tập trung trong các cộng đồng; trong khi trước đây, họ thường xuyên ở các khu cách ly hoặc bệnh viện được chỉ định.
Khi được hỏi khi nào dịch bệnh sẽ thuyên giảm, ông Trương cho rằng sẽ mất từ hai đến bốn tháng.
Hôm 17/12, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đã trình bày tại một cuộc họp tài chính thường niên rằng dịch bệnh mùa đông năm nay có thể được tóm gọn trong “một đỉnh và ba đợt”. Đợt đầu tiên sẽ diễn ra từ giữa tháng 12/2022 đến giữa tháng 01/2023, chủ yếu ở các thành phố và đang có chiều hướng gia tăng. Đợt thứ hai sẽ diễn ra từ cuối tháng 01 đến giữa tháng 02/2023 khi dòng người đổ về quê vào dịp giáp Tết. Đợt thứ ba sẽ diễn ra từ cuối tháng Hai đến giữa tháng Ba khi người dân trở lại làm việc sau Tết. Ba đợt này tạo thành những đỉnh của đại dịch mùa đông mới, sẽ kéo dài khoảng ba tháng, theo trang web NetEase của Trung Quốc.
Ông Ngô đã dự đoán rằng tỷ lệ lây nhiễm sẽ vào khoảng 10% đến 30% và tỷ lệ tử vong sẽ vào khoảng 0.09% đến 0.16%, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhóm có nguy cơ cao như người dễ bị nhiễm bệnh, người cao niên, và những người có bệnh lý nền.
Ông Ngô cảnh báo cần phải cẩn trọng để ngăn chặn các đợt bùng phát như sóng thần.
Hôm 07/12, chính quyền Trung Quốc đã đột ngột dỡ bỏ chính sách “zero COVID” đã áp dụng được ba năm. Kể từ đó, các ca nhiễm bệnh tăng vọt, các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, hết thuốc hạ sốt, nhà tang lễ quá tải, và người dân hoảng loạn.
‘Điều đó sẽ là một cơn sóng thần’
Nhiều mô hình dịch tễ học cho thấy rằng đợt bùng phát hiện nay tại Trung Quốc sẽ rất to lớn. Bà Jennifer Bouey, giám đốc nghiên cứu chính sách Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu của Mỹ RAND, cho biết, “Nhiều mô hình, những mô hình toán học và dịch tễ học [cho thấy] rằng điều đó sẽ là một cơn sóng thần.”
Bà nói đợt bùng phát này được dự kiến sẽ kéo dài trong vài tháng, tùy thuộc vào tình trạng của hệ thống y tế của Trung Quốc.
Bà Bouey tin rằng người ta sẽ sớm chạm đến giới hạn phía trên của hệ thống y tế Trung Quốc đồng thời các mô hình cho thấy điều này có thể diễn ra trong vòng 30 đến 40 ngày tới, vào cuối tháng Một, trùng với dịp Tết Nguyên Đán. Bà nói: “Có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến cuộc khủng hoảng đầu tiên liên quan đến hệ thống y tế. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều đợt bùng phát trong sáu tháng tới.”
Bà Bouey đã chỉ ra rằng vấn đề lớn nhất là sự thiếu chuẩn bị của chính quyền Trung Quốc trong mùa hè này, với tỷ lệ chích ngừa nhắc lại, thuốc kháng virus, và giường chăm sóc tích cực (Intensive Care Unit, ICU) thấp hơn. Bà nói: “Tôi cảm thấy rằng gần như không có sự chuẩn bị nào trước thời điểm này.”
Số người tử vong có thể vượt quá 1 triệu
Dự đoán của các mô hình được công bố trên The Economist hôm 15/12 dự đoán rằng có thể 1.5 triệu người Trung Quốc sẽ tử vong nếu họ để cho virus này lây lan tự nhiên mà không có sự kiểm soát. Trong tình huống xấu nhất, khoảng 96% dân số sẽ nhiễm virus trong vòng ba tháng tới và nhu cầu về giường ICU sẽ nhanh chóng vượt quá nguồn cung cấp, trong đó những người trên 60 tuổi chiếm 90% số ca tử vong. Tại cao điểm của đại dịch, gần 2% dân số trong độ tuổi lao động sẽ bị nhiễm bệnh có triệu chứng.
Theo Bloomberg, một báo cáo nghiên cứu được công bố hôm 14/12, do cựu trưởng khoa Y của Đại học Hồng Kông Lương Trác Vĩ (Gabriel Leung) là đồng tác giả, cho biết nếu không có các biện pháp quy mô lớn như tăng cường chích ngừa, thì số người tử vong ở Trung Quốc có thể lên tới 684 người trên một triệu người sau khi dỡ bỏ những biện pháp hạn chế, nâng tổng số ca tử vong lên 960,000 người trên dân số 1.4 tỷ người của Trung Quốc.
‘Lẽ ra có thể tránh được’
Ông Larry Gostin, giáo sư tại Trường Luật Đại học Georgetown kiêm giám đốc Trung tâm Điều phối về Luật Y tế Công cộng và Nhân quyền của Tổ chức Y tế Thế giới, nói với VOA hôm 07/12 rằng ông rất ngạc nhiên khi thấy chính sách zero COVID ở Trung Quốc bị rút lại một cách khó hiểu như vậy khi không có kế hoạch rõ ràng để đối phó với một hệ thống bị quá tải.
Shawn Jiang và Lynn Xu thực hiện
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times