Bắc Kinh đe dọa ‘đáp trả’ sau khi các nước áp dụng các hạn chế COVID-19 đối với du khách Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc đã chỉ trích điều họ gọi là các biện pháp “không thể chấp nhận được” mà nhiều quốc gia đã áp dụng đối với du khách đến từ Trung Quốc, khi quốc gia này đang phải chiến đấu với làn sóng các ca nhiễm COVID-19 mới.
Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 03/01/2023, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố các biện pháp này “thiếu cơ sở khoa học.”
Những bình luận trên được đưa ra sau khi trong tuần này (02-08/01/2023), Úc và Canada gia nhập nhóm ngày càng nhiều quốc gia hiện yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên chuyến bay.
“Chúng tôi tin rằng các hạn chế nhập cảnh mà một số quốc gia áp dụng nhắm vào Trung Quốc là thiếu cơ sở khoa học và một số biện pháp thái quá thậm chí còn không thể chấp nhận được,” bà Ninh nói.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực thao túng các biện pháp ngừa COVID vì mục đích chính trị và sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả dựa trên nguyên tắc có đi có lại,” bà nói thêm mà không cung cấp thêm chi tiết về những biện pháp này.
Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Pháp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Nam Hàn, Tây Ban Nha, Malaysia, và Qatar chỉ là một số quốc gia hiện yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc phải cung cấp xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi đến trong bối cảnh lo ngại về sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh trên toàn đại lục.
Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của Liên minh Âu Châu, đã nói rằng một “lượng lớn” các quốc gia thành viên cũng muốn có những hạn chế tương tự đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc hạ thấp tình hình
Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục hạ thấp số ca nhiễm COVID-19 ở nước này, các chuyên gia y tế tin rằng con số này sẽ cao.
Trong một bài báo đăng hôm thứ Ba (03/01/2023), Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã dẫn lời một số chuyên gia cho biết căn bệnh COVID-19 do virus gây ra này là “tương đối nhẹ” đối với hầu hết mọi người.
Đồng Triêu Huy (Tong Zhaohui), phó viện trưởng bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, nói với tờ báo này: “Các ca bệnh nặng và nguy kịch chiếm từ 3% đến 4% số bệnh nhân bị nhiễm bệnh hiện đang được điều trị tại các bệnh viện được chỉ định ở Bắc Kinh.”
Số liệu do chính quyền Trung Quốc công bố cho thấy số người tử vong ở nước này kể từ khi bắt đầu đại dịch là 5,253 người. Theo bản cập nhật COVID hàng ngày cuối cùng vào ngày 24/12/2022, có ít hơn 5,000 ca tử vong.
Tuy nhiên, một báo cáo do công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh công bố vào ngày 29/12 ước tính rằng khoảng 9,000 người ở Trung Quốc có thể tử vong mỗi ngày vì COVID-19.
Đáp lại những bình luận gay gắt từ chính quyền Trung Quốc hôm thứ Ba, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết “không có lý do gì để Bắc Kinh phải trả đũa” chỉ vì các quốc gia trên thế giới đang “thực hiện các biện pháp y tế thận trọng để bảo vệ công dân của họ.”
“Đó là những gì quý vị đang thấy từ chúng tôi và các chính phủ khác,” bà Jean-Pierre nói, ám chỉ đến Hoa Thịnh Đốn. “Quyết định này là dựa trên khoa học và sức khỏe cộng đồng. Điều này đến từ các chuyên gia của chúng tôi ở đây.”
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cũng bảo vệ việc yêu cầu xét nghiệm khi hôm thứ Ba nói với đài phát thanh France-Info rằng, “Chúng tôi đang đảm nhận vai trò của mình, chính phủ của tôi đang đảm nhận vai trò của mình, bảo vệ người Pháp.”
Tình trạng thiếu thuốc kéo dài khiến chi phí thuốc tăng vọt
Ở những nơi khác, cũng trong hôm thứ Ba, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Vương quốc Anh Mark Harper nói với đài phát thanh LBC rằng yêu cầu xét nghiệm của nước này là cần thiết để thu thập thông tin vì ĐCSTQ không chia sẻ dữ liệu về COVID-19 với cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp phong tỏa hà khắc nhất trong thời kỳ đại dịch, bao gồm xét nghiệm nghiêm ngặt và cách ly đối với một số ít người ngoại quốc có thể đến đất nước này.
Nhưng trong một hành động bất ngờ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã loại bỏ chính sách zero COVID hà khắc của mình hồi tháng Mười Hai, bao gồm cả dỡ bỏ phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt, đồng thời tiết lộ kế hoạch mở lại biên giới vào ngày 08/01/2023.
Kể từ đó, đã có báo cáo về tình trạng thiếu thuốc tại hiệu thuốc kéo dài và trên diện rộng.
Trong một số trường hợp, các loại thuốc như ibuprofen dạng lỏng, thường được bán với giá khoảng 20 USD một lọ, đang được bán với giá hơn 100 USD khi người Trung Quốc tuyệt vọng cố gắng mua được thuốc hạ sốt trong bối cảnh khan hiếm.
Cả Hoa Thịnh Đốn và EU đều đề nghị giúp đỡ Trung Quốc, bao gồm cả việc cung cấp vaccine quyên góp, nhưng những lời đề nghị đó đã bị Bắc Kinh từ chối. Chính quyền này cho biết họ đã “kiểm soát được tình hình” và các vật tư y tế “được cung cấp đầy đủ.”
Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thêm thông tin theo thời gian thực về tình hình virus vì nước này nổi tiếng là tệ trong việc chia sẻ dữ liệu đó với cộng đồng quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times