Chuyên gia tâm lý ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới: ‘Có 3 điều không nên làm’
Theo “Báo cáo hạnh phúc thế giới” (World Happiness Report) do Liên Hiệp Quốc công bố năm 2022, Phần Lan đã trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 5 liên tiếp. Một chuyên gia tâm lý ở quốc gia này cho biết, để có cuộc sống hạnh phúc thì có 3 điều họ không bao giờ làm. Có lẽ đây là lý do khiến đất nước này nhiều lần được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Ông Frank Martela, giảng viên, triết học gia và nhà nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Aalto ở Phần Lan đã viết trên CNBC rằng, trong báo cáo nói trên, người dân từ 156 quốc gia đã được yêu cầu đánh giá cuộc sống hiện tại của họ trên thang điểm từ 0 đến 10, với 0 là điểm thấp nhất.
Báo cáo nói trên cũng xem xét các yếu tố góp phần vào hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, sự hào phóng và loại bỏ tham nhũng. Cuối cùng, Phần Lan đã được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Đan Mạch đứng thứ hai, tiếp theo là Iceland, Thụy Sĩ và Hà Lan. Đài Loan xếp thứ 26, vượt qua các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, đứng đầu trong số các quốc gia Đông Á.
Martela nói rằng ông đã nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản của hạnh phúc. Ông thường được hỏi rằng điều gì khiến người Phần Lan hài lòng với cuộc sống của họ như vậy?
Về vấn đề này, ông Martela đã chia sẻ quan điểm của mình. Ông nói, để duy trì chất lượng cuộc sống cao, người Phần Lan sẽ không làm 3 điều dưới đây:
Không xem nhẹ những lợi ích của thiên nhiên
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2021 đối với 2,245 người Phần Lan trưởng thành, có 87% số người được hỏi trả lời rằng thiên nhiên rất quan trọng đối với họ vì nó mang lại cho họ năng lượng, sự thư thái và tâm thái hòa ái. Chỉ có 12% số người được hỏi cho rằng thiên nhiên không quan trọng lắm, hoặc họ không thích thiên nhiên.
Ông Martela viết, ở Phần Lan, vào mùa hè, nhân viên công ty sẽ được nghỉ bốn tuần. Rất nhiều người sẽ sử dụng kỳ nghỉ này để đi đến những vùng nông thôn và đắm mình trong vòng tay của thiên nhiên.
Ông Martela nói rằng các thành phố của Phần Lan cũng được xây dựng khá tập trung, điều đó có nghĩa là người Phần Lan đều rất gần gũi với thiên nhiên. Ví dụ, ông Martela đang sống cạnh Công viên Trung tâm ở thủ đô Helsinki, ở đây ông thường đi dạo.
Không so sánh với hàng xóm
Ông Martela cho biết, ở Phần Lan có một câu trong một bài thơ rất nổi tiếng, ý nghĩa đại loại là: “Đừng so sánh hay khoe khoang về hạnh phúc của bạn”. Người dân Phần Lan đều khắc ghi điều này trong tâm, đặc biệt là khi nói đến của cải vật chất.
Chẳng hạn, ông Martela đã từng gặp người giàu nhất Phần Lan. Ông ấy lúc đó đang đẩy một chiếc xe đẩy dành cho trẻ em về phía ga tàu điện ngầm, trên chiếc xe đẩy là một em bé. Ông ấy có thể mua cho mình một chiếc xe hơi đắt tiền hoặc thuê một người lái xe, nhưng thay vào đó, ông ấy chọn đi phương tiện công cộng. Đây chính là hình ảnh của những người thành đạt ở Phần Lan, họ cũng giống như bao người khác.
Không phá vỡ lòng tin giữa người với người
Theo một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER), giữa những người dân trong một quốc gia càng tín tưởng nhau thì họ sẽ càng hạnh phúc.
Vào năm 2022, tạp chí Reader’s Digest của Hoa Kỳ đã tiến hành thí nghiệm về “chiếc ví bị mất” ở rất nhiều nơi trên thế giới. Họ cố tình làm rơi ví ở 16 thành phố đã được chọn, để xem phản ứng của mọi người như thế nào, và liệu họ có trả lại ví một cách trung thực hay không.
Họ để lại 12 chiếc ví ở công viên, vỉa hè, trung tâm mua sắm… tại mỗi thành phố. Mỗi chiếc ví đều chứa ảnh, danh thiếp, số tiền tương đương 50 USD và các thông tin liên lạc như tên và số điện thoại di động.
Thí nghiệm cho thấy cư dân ở Helsinki, Phần Lan là những người trung thực nhất. Họ đã trả lại 11 trong số 12 chiếc ví. Doanh nhân Lasse Luomakoski, 27 tuổi, là một trong những người đã nhặt ví và trả lại.
Anh Lasse nói với Reader’s Digest rằng: “Chúng tôi là một cộng đồng nhỏ, yên tĩnh và gắn bó. Chúng tôi có rất ít tham nhũng và thậm chí sẽ không vượt đèn đỏ.”