Chuyên gia tâm lý chia sẻ cách quan trọng để duy trì đời sống hôn nhân tốt đẹp
Chuyên gia hôn nhân kiêm nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, ông John Gottman và bà Julie Schwartz Gottman (cũng là một nhà tâm lý học) đã kết hôn được 35 năm, họ đã cùng nhau nghiên cứu đời sống hôn nhân của hàng vạn cặp vợ chồng.
Dựa trên kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm sống, họ đã rút ra được cách quan trọng nhất để duy trì một đời sống hôn nhân tốt đẹp, đồng thời mong muốn chia sẻ với mọi người thông qua các phương tiện truyền thông.
Ông bà Gottman viết trên trang web của CNBC rằng, với tư cách là nhà tâm lý học, họ đã nghiên cứu hơn 40,000 cặp vợ chồng tham gia tư vấn hôn nhân trong nhiều năm qua. Những cặp đôi này muốn thông qua tư vấn để cố gắng cải thiện mối quan hệ hôn nhân của họ.
Ví dụ, tại một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chỉ bằng cách quan sát một cặp vợ chồng trong 15 phút, họ có thể dự đoán chính xác 94% rằng liệu cuộc hôn nhân của cặp đôi đó có kéo dài hay không. Và một trong những yếu tố quyết định lớn nhất, đó là liệu các cặp đôi có hướng về nhau không, hay là phớt lờ lẫn nhau.
Ông bà Gottman giải thích rằng trong cuộc sống hàng ngày, người vợ hoặc người chồng sẽ đưa ra “lời mời kết nối” (bid for connection) hướng tới đối phương để tăng cường mối quan hệ giữa nhau. Nó có thể là điều nhỏ nhặt như gọi tên để thu hút sự chú ý của đối phương, hoặc lớn hơn như yêu cầu đối phương đáp ứng nhu cầu của họ.
Đối với những cặp vợ chồng hạnh phúc, khi họ nhận thấy vợ/chồng mình đưa ra “lời mời kết nối”, họ sẽ sẵn sàng bỏ dở công việc đang làm để tập trung vào việc đáp ứng và tương tác với vợ/chồng của mình.
Ví dụ: Khi vợ/chồng của bạn lướt điện thoại và nói: “Ah, bài viết này rất thú vị” (đó chính là “lời mời kết nối”), bạn có thể sẽ phản hồi theo một trong ba cách sau:
(1) Phản hồi tích cực – Thể hiện là nghe thấy câu nói này và cố gắng tương tác với đối phương. Bạn có thể sẽ nói, “Ồ, bài báo nào vậy?”
(2) Phớt lờ – Cố tình không trả lời, hoặc không chú ý đến chủ ý của đối phương. Bạn tiếp tục nhìn chằm chằm vào màn hình và viết email.
(3) Phản ứng tiêu cực – Tức giận và làm gián đoạn ý định tương tác của đối phương. Bạn có thể sẽ nói, “Anh/em không thấy tôi đang làm việc sao?”
Ông bà Gottman viết rằng, kiểu phản hồi đầu tiên có thể thúc đẩy tình cảm vợ chồng giữa các cặp đôi, giúp củng cố nền tảng của một mối quan hệ lâu dài.
Tất nhiên, không phải mọi người lúc nào cũng sẽ có thể trả lời vợ/chồng của mình theo cách này. Theo nghiên cứu của ông bà Gottman, trong số các cặp vợ chồng đã kết hôn ít nhất 6 năm, tỷ lệ phản ứng tích cực với người bạn đời của họ cao tới 86%. Ngược lại, các cặp vợ chồng đã ly hôn chỉ làm được một phần ba.
Ông bà Gottman nói rằng, giữa vợ chồng nên có khả năng quan sát lời nói và cảm xúc, hãy để ý đến những nỗ lực “lời mời kết nối” để tương tác với đối phương. Dưới đây là một số ví dụ:
- Giao tiếp bằng mắt
- Mỉm cười
- Thở dài
- Trông khó chịu hoặc tâm trạng không tốt
- Trông chán nản
- Nói “chào buổi sáng” hoặc “chúc ngủ ngon”
- Yêu cầu sự giúp đỡ của đối phương
- Chỉ vào vật gì đó và nói: “Nhìn này!”
- Lớn tiếng cho bạn nghe: “Này, nghe này…”
- Gọi tên đối phương từ phòng khác
- Khiêng vác vật nặng
Ông bà Gottman cũng đề cập đến cách đối phó với những phản ứng tiêu cực hoặc tránh những phản ứng tiêu cực. Khi vợ/chồng đưa ra “lời mời kết nối” nhưng bạn không thể tương tác ngay lúc này, bạn cũng không thể phớt lờ nó. Bạn có thể nói ngắn gọn, “Bây giờ anh/em phải làm việc, đợi anh/em làm xong rồi nói tiếp được không?”
Khi bạn đưa ra “lời mời kết nối” và đối phương không phản hồi, bạn có thể thử thêm vài lần nữa. Nhưng nếu đối phương luôn như vậy, bạn có thể hỏi đối phương: “Anh/em làm sao vậy, sao không trả lời?” (Có thể đối phương đang quá bận rộn hoặc căng thẳng)
Khi bạn đưa ra “lời mời kết nối” và đối phương phản ứng tiêu cực, nghe có vẻ như muốn gây sự, bạn nên bỏ qua phần tiêu cực và nói bằng tâm thái bao dung: “Anh biết em đang rất mệt, anh sẽ đi nấu cơm để em nghỉ ngơi”.
Mạt Lệ biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ