Chuyên gia: Quân đội Hoa Kỳ sẽ cần chế độ quân dịch để lâm chiến với Trung Quốc
Theo một chuyên gia, quân đội Hoa Kỳ không thể đạt được chiến thắng trong một cuộc chiến với Trung Quốc nếu sử dụng lực lượng hoàn toàn tình nguyện hiện tại.
Ông Jonathan Askonas, một giáo sư về Chính trị tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ sẽ cần phải thay đổi hoàn toàn cấu trúc lực lượng của mình để ứng phó tốt hơn với hoàn cảnh đe dọa đang nảy sinh, bao gồm cả việc khôi phục chế độ quân dịch.
“Đây là một việc cấp bách,” ông Askonas cho biết trong cuộc thảo luận hôm 11/04 với nhóm chuyên gia cố vấn của Viện Hudson. “Chúng ta đang đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu và chúng ta có một cấu trúc lực lượng mà chúng ta biết sẽ không thể chống lại các mối đe dọa đó.”
“Về cơ bản, chúng ta không thể chiến đấu trong một cuộc chiến lớn hơn cuộc chiến ở Iraq với lực lượng hoàn toàn tình nguyện.”
Lực lượng hoàn toàn tình nguyện này là một phần quan trọng của tổ chức quân sự Hoa Kỳ kể từ năm 1973, khi chế độ quân dịch được chấm dứt cùng với sự can dự trực tiếp của Hoa Kỳ vào Chiến tranh Việt Nam.
Ông Askonas cho biết, thật không may, lực lượng toàn tình nguyện này đã tỏ ra không có khả năng tạo ra số lượng quân nhân cần thiết cho một cuộc chiến giữa các cường quốc, và các tiến trình tiếp vận cồng kềnh của lực lượng này có thể sẽ không hiệu quả trong một cuộc xung đột với Trung Quốc ở chiến trường Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc trợ giúp các cường quốc Âu Châu chống lại Nga.
“Chúng ta gặp vấn đề về Hiệu ứng Goldilocks*,” ông Askonas cho hay. “Quân đội của chúng ta quá nhỏ để có thể thực sự tiến hành một cuộc chiến tranh với các quốc gia này, nhưng lại đủ lớn để hút rất nhiều tài nguyên.”
“Chúng ta phải nghiêm túc. Chúng ta cần điều chỉnh cấu trúc lực lượng của mình không phải để phù hợp với các mối đe dọa giả định, hoặc theo cách tiếp cận đa năng phổ quát nào đó, mà là với các mối đe dọa thực tế mà chúng ta phải đối mặt.”
Để đạt được điều đó, ông Askonas cho rằng quân đội nên áp dụng lại một hệ thống “lực lượng nòng cốt” để khai triển quân đội, không khác với hệ thống được sử dụng trong Đệ Nhị Thế chiến.
Theo một hệ thống như vậy, số lượng các thành viên tại ngũ toàn thời gian vốn tiêu tốn nhiều tài nguyên sẽ giảm trong thời bình để ưu tiên đầu tư vào các hạng mục đắt tiền và tốn nhiều thời gian chẳng hạn như tàu chiến.
Trong thời chiến, các sĩ quan từ bộ phận nhỏ hơn này của lực lượng chiến đấu tinh nhuệ sau đó sẽ phục vụ trong lực lượng nòng cốt được thiết lập để phân tán giữa các đơn vị quân dịch nhằm huấn luyện và lãnh đạo các đơn vị, thực sự giúp tăng khả năng của quốc gia trong việc đẩy mạnh nhân lực ra tiền tuyến.
Một năng lực đẩy mạnh như vậy sẽ là vô giá trong một cuộc xung đột với Trung Quốc, vốn là một quốc gia có quân đội riêng gần gấp đôi quân số của Hoa Kỳ.
Vì vậy, mặc dù giới lãnh đạo Hoa Kỳ khó có thể sớm từ bỏ ý tưởng về lực lượng hoàn toàn tình nguyện này, nhưng ông Askonas cho biết ông tin rằng lực lượng này có thể thành công.
Ông Askonas cho biết: “Quân đội Hoa Kỳ là một tổ chức có khả năng thích ứng rất cao và lực lượng này đã tự chuyển đổi nhiều lần trong suốt lịch sử của mình.”
“Bài học số một từ lịch sử Chiến tranh Lạnh là quý vị phải điều chỉnh cấu trúc lực lượng của mình cho phù hợp với những vấn đề mà quý vị gặp phải, những mối đe dọa mà quý vị đối mặt.”
Ghi chú của dịch giả:
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times